Hợp tác cùng phát triển

Quy định phát hành trái phiếu mới là gì mà người chơi cần phải “update”?

Góc nhìn chuyên gia 29/03/2021    5801

Chia sẻ

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp chọn phát hành trái phiếu để hỗ trợ cho việc kinh doanh. Tuy nhiên, sự đông đúc nhộn nhịp này cũng đồng nghĩa với nhiều cạm bẫy khó lường. Vậy Chính phủ đã có những biện pháp nào nhằm kiểm soát thị trường tốt hơn? Bạn có biết không?

Hiểu rõ về quy định phát hành trái phiếu mới để an tâm đầu tư hiệu quả

Bài viết sau đây sẽ giúp bạn cập nhật tình hình và triển vọng của thị trường phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong năm nay. Tiếp theo sau là nội dung về các đổi mới trong quy định phát hành, cũng như một số lưu ý mà cả doanh nghiệp và nhà đầu tư cần nắm.

Chi tiết cụ thể, hãy bắt đầu ngay thôi!

Sân chơi phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong năm qua như thế nào, triển vọng ngành trong năm 2021 ra sao?

Thị trường phát hành trái phiếu tuy chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, cũng như chịu sự hạn chế từ Nghị định 81, nhưng nhìn chung vẫn vô cùng ấn tượng. Một số thành tích đáng kể trong năm qua bao gồm:

  • Giá trị phát hành mới năm 2020 đạt 437.689 tỷ đồng, tăng gần 39% so với cùng kỳ năm trước;
  • Phát hành riêng lẻ chiếm hơn 93% tổng khối lượng phát hành, tăng hơn 30% so với năm 2019;
  • Thị trường trái phiếu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 48%/năm từ năm 2017 đến 2020;  
  • Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đóng góp hơn 15% GDP cả nước;
  • Tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng của thị trường trái phiếu đạt hơn 10% .

Giá trị phát hành trái phiếu trong 5 năm gần đây

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong năm nay sẽ tiếp tục sôi động, do nguồn cung trái phiếu vẫn tăng đều đặn. Các doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát hành thêm trái phiếu bởi 2 lý do sau:

  • Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19. Vì vậy, họ cần một dòng tiền khác để tái cấu trúc kỳ hạn vốn nợ, đặc biệt là các công ty không có tài sản để thế chấp, khó lòng gia hạn hoặc tăng hạn mức tín dụng từ ngân hàng;
  • Các doanh nghiệp có nhu cầu vốn trung và dài hạn rất cao, trong khi ngân hàng thương mại khó lòng đáp ứng đủ. Vì vậy, họ cần phải vận động nguồn tiền từ cổ phiếu và trái phiếu. 

Việc phát hành trái phiếu trong năm 2021 cũng được dự đoán sẽ tăng tỷ trọng phát hành ra công chúng, chứ không chỉ dừng ở mức 6.5%. Đây vẫn là mảnh đất khá màu mỡ đối với các doanh nghiệp, do nhà đầu tư vốn vẫn xem trái phiếu là một hình thức an toàn, kèm theo mức lãi suất cao hơn tiền gửi tiết kiệm. 

Để ngăn chặn các vấn nạn xảy ra, nhiều quy định mới đã được ban hành để đảm bảo một môi trường đầu tư lành mạnh. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu ngay trong phần tiếp nối sau.

Đâu là những quy định phát hành trái phiếu mới nhất từ Chính phủ mà doanh nghiệp cần biết để làm đúng?

Trong thời gian vừa qua, thị trường phát hành trái phiếu doanh nghiệp “nóng” lên bởi 2 quy định mới:

  • Nghị định số 81/2020/NĐ-CP;
  • Nghị định số 153/2020/NĐ-CP.

Nghị định phát hành trái phiếu 

Nghị định số 81 siết chặt việc phát hành của trái phiếu doanh nghiệp, giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư

Nghị định số 81/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/09/2020, đã được sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện phát hành các trái phiếu doanh nghiệp từ Nghị định số 163/2018/NĐ-CP. 

Trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành trong nước sẽ không vượt quá 100 nhà đầu tư trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành. Sau thời gian nêu trên, số lượng nhà đầu tư là không giới hạn. 

Điều kiện cần có của doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu
  • Doanh nghiệp phải là công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn;
  • Có thời gian hoạt động tối thiểu 1 năm;
  • Có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đầy đủ điều kiện;
  • Ký hợp đồng với tổ chức tư vấn về phát hành hồ sơ trái phiếu theo đúng quy định;
  • Đảm bảo tuân thủ số lượng nhà đầu tư khi phát hành;
  • Có phương án phát hành được phê duyệt;
  • Thanh toán đầy đủ cả gốc lẫn lãi của trái phiếu đã phát hành trong 3 đợt liên tiếp trước đó;
  • Đáp ứng đủ các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động theo quy định pháp luật;
  • Đảm bảo số dư nợ trái phiếu riêng lẻ tại thời điểm phát hành không vượt quá 5 lần vốn sở hữu, căn cứ theo báo cáo tài chính quý gần nhất.
  • Mỗi đợt phát hành phải hoàn thành trong vòng 90 ngày kể từ ngày công bố tin tức. Đợt phát hành sau phải cách đợt trước tối thiểu 6 tháng. 
Hồ sơ phát hành trái phiếu mà doanh nghiệp cần chuẩn bị
  • Phương án phát hành;
  • Bản công bố thông tin về đợt phát hành;
  • Hợp đồng giữa doanh nghiệp phát hành và các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan;
  • Báo cáo tài chính năm trước liền kề đã được kiểm toán;
  • Kết quả của tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp và cả loại trái phiếu phát hành;
  • Hợp đồng mua trái phiếu, trong đó có cam kết của nhà đầu tư về việc đã tiếp cận các thông tin cần biết và hiểu rõ rủi ro khi mua trái phiếu. 
Về mục đích phát hành TPDN và chế độ công bố thông tin của DN phát hành:
  • Thông tin cụ thể về chương trình, dự án đầu tư;
  • Các hoạt động sản xuất và kinh doanh cần bổ sung vốn;
  • Thông tin các khoản nợ được cơ cấu: Tên khoản nợ, giá trị và kỳ hạn nợ.
  • Doanh nghiệp phải công bố thông tin về đợt phát hành tối thiểu 3 ngày làm việc trước ngày dự kiến và gửi thông tin cho Sở Giao dịch Chứng khoán;
  • Đối với phát hành các trái phiếu xanh, doanh nghiệp phải công bố thêm quy trình quản lý, giải ngân vốn.

Nghị định 153 củng cố, nới lỏng các cứng nhắc của Nghị định 81 về phát hành các trái phiếu doanh nghiệp

Nghị định 81 có phần khắt khe đối với các doanh nghiệp phát hành. Chính vì vậy mà sự ra đời của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP như một sự giải vây, giúp các doanh nghiệp “dễ thở” hơn. 

Quy định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Nghị định 153 đã gỡ bỏ nhiều chế tài của Nghị định 81 về điều kiện phát hành trái phiếu của doanh nghiệp. Thay vào đó, doanh nghiệp chỉ cần:

  • Là công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn;
  • Thanh toán đủ cả gốc lẫn lãi trái phiếu đã phát hành hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong vòng 3 năm liên tiếp;
  • Đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính;
  • Có phương án phát hành được phê duyệt;
  • Có báo cáo tài chính năm liền trước được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán có đủ điều kiện.

Ngoài ra, Nghị định số 153 còn quy định thêm 3 nghĩa vụ và trách nhiệm của nhà đầu tư đối với việc mua trái phiếu doanh nghiệp:

  • Tiếp cận và hiểu rõ đầy đủ các nội dung, điều khoản trước khi quyết định mua/bán trái phiếu;
  • Tự đánh giá và chịu trách nhiệm về các rủi ro có thể xảy ra;
  • Tuân thủ các quy định pháp luật liên quan về đối tượng nhà đầu tư TPDN riêng lẻ.

Với các quy định phát hành trái phiếu kể trên, nhà đầu tư có thể rút ra được lưu ý gì?

Để là một người chơi thông minh và tuân thủ pháp luật, trước khi quyết định đầu tư, bạn cần “nằm lòng” những điều sau:

Các lưu ý cần nắm khi tham gia trái phiếu doanh nghiệp

  • Tìm hiểu uy tín của doanh nghiệp phát hành trái phiếu:

Bên cạnh các yêu cầu cần có ở một tổ chức phát hành, bạn cần cân nhắc thêm 4 yếu tố đánh giá sau: 

  • Lịch sử kinh doanh: Bạn chỉ nên chọn công ty đã niêm yết trên sàn, kinh doanh có lãi, trả cổ tức đều đặn ngay cả trong giai đoạn suy thoái của thị trường;
  • Vị thế trong ngành: Các công ty đầu ngành sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn, không hứng chịu nhiều rủi ro trong ngành như các công ty nhỏ;
  • Tiềm lực tài chính vững chãi: Thể hiện qua tỷ lệ nợ ở mức an toàn, tốc độ tăng trưởng tốt và có dòng tiền ổn định;
  • Uy tín của ban quản trị công ty: “Đầu tàu” có danh tiếng tốt, trình độ cao và kinh nghiệm lâu năm sẽ là bảo chứng cho chất lượng và tiềm năng của doanh nghiệp. 
  •  Nghiên cứu kỹ thông tin phát hành trái phiếu:

Nhà đầu tư cần phân biệt rõ ràng giữa phương thức phát hành TPDN riêng lẻ và ra công chúng:

  • Phát hành TPDN riêng lẻ (chỉ phù hợp với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp): Doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng điều kiện phát hành, công bố đầy đủ thông tin cho người mua và cho Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội;
  • Phát hành TPDN ra công chúng: Doanh nghiệp phải tuân thủ các nguyên tắc công bố thông tin cho công chúng, phải hoàn tất thủ tục đăng ký chào bán, đồng thời được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp chứng nhận.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần yêu cầu doanh nghiệp phát hành cung cấp đầy đủ tên đơn vị, mục đích phát hành, tài sản đảm bảo, cam kết và phân phối trái phiếu, kỳ hạn phát hành, phương thức thanh toán nợ gốc và báo cáo tài chính.

  • Đánh giá rủi ro:

Bên cạnh việc đánh giá uy tín như đã đề cập, bạn có thể xem xét thêm các yếu tố như:

  • Giá trị thực của trái phiếu (Thông qua định giá);
  • Cân đối lãi suất với khả năng chấp nhận rủi ro;
  • Nghiên cứu kỹ các cam kết mua lại trái phiếu do không ít doanh nghiệp mất khả năng mua lại khi gặp khó khăn tài chính.

>>> Xem thêm: Điểm chung về thị trường trái phiếu Việt Nam TẠI ĐÂY

Hy vọng các cập nhật mới nhất về Quy định phát hành trái phiếu đã giúp các doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư hiểu rõ hơn về việc trao đổi, giao dịch trái phiếu. Trong tương lai, các luật này hứa hẹn giúp “thanh lọc” thị trường, tạo ra môi trường đầu tư lành mạnh và phát triển bền vững hơn.