Hợp tác cùng phát triển

Ngành Điện – QHĐ 8: Bước ngoặt cho ngành điện

Báo cáo ngành 22/05/2023    2478

Chia sẻ

  • Ngày 15/05/2023, Quy Hoạch Điện 8 (QHĐ8) đã chính thức được phê duyệt, mở ra một chương mới cho ngành điện Việt Nam.
  • Trong kịch bản tăng chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ, áp lực tài chính sẽ lớn hơn nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn điện.
  • Chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp xây lắp điện sẽ hưởng lợi sớm nhất từ QHĐ8, theo sau là các nhà phát triển điện gió và điện khí.

Ngày 15/05/2023, Thủ Tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt QHĐ8, mở ra một chương mới cho ngành điện Việt Nam

Sau những cam kết mạnh mẽ tại COP26, mới đây là COP27, mục tiêu phát thải ròng bằng “0” đến 2050, Việt Nam đã điều chỉnh kế hoạch phát triển nguồn trong QHĐ7 sang một phương án chuyển đổi xanh mạnh mẽ hơn trong QHĐ8.

  • Điện than: QHĐ8 đã chính thức loại bỏ khoảng 13.220MW điện than, cơ bản đánh dấu hồi kết sớm cho nguồn điện này. Dự kiến điện than sẽ đạt tăng trưởng kép thấp 2% giai đoạn 2021-30 sau đó giảm 1% giai đoạn 2030-50, chiếm lần lượt 19% và 4% tổng công suất nguồn điện.
  • Điện khí: Nguồn điện sẽ là mũi nhọn trong kế hoạch phát triển của Việt Nam giai đoạn 2021-30 với tăng trưởng kép đạt 26%, chiếm 27% tổng công suất nguồn điện. Trong 2030-50, phát triển điện khí sẽ chậm lại đạt 4%, chiếm 15% tổng công suất trong 2050.
  • Điện gió: Dự kiến điện gió sẽ là mục tiêu phát triển hàng đầu trong cả ngắn và dài hạn. Trong đó, điện gió trên bờ sẽ tăng trưởng kép 25% trong 2021-30, và 6% trong 2030-50, chiếm lần lượt 14% và 13% tổng công suất giai đoạn này. Bên cạnh đó, dự kiến Việt Nam sẽ phát triển 6.000MW điện gió ngoài khơi đầu tiên từ nay đến 2030, sau đó sẽ tăng trưởng mạnh mẽ 15% trong 2030-50, chiếm 16% tổng công suất nguồn điện.
  • Điện mặt trời: Dự kiến sẽ hạn chế phát triển sau giai đoạn tăng trưởng ồ ạt 2020-21. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn khuyến khích phát triển điện mặt trời cho mục đích tự tiêu thụ. Theo đó, công suất điện mặt trời tăng khiếm tốn trong 2021-30 sau đó tăng mạnh 13% từ 2030-50, chiếm 33% tổng công suất.

Nhu cầu vốn lớn để hiện thực hóa tham vọng xanh

Nhu cầu vốn cho phát triển nguồn điện đạt 114 tỷ USD trong 2021-30, phân bổ chủ yếu cho điện gió (30%) và điện khí (35%). Trong giai đoạn 2031-50, tổng nhu cầu vốn sẽ tăng mạnh lên 495 tỷ USD, với điện gió yêu cầu cao nhất khoảng 65% tổng nhu cầu, theo sau là điện mặt trời (18%). Nhu cầu vốn cho phát triển lưới điện vào khoảng 11% tổng nhu cầu vốn ngành điện trong 2021-30 và 7% trong 2031-50. Chúng tôi cho rằng QHĐ8 đã đưa ra được một phương án “đủ và xanh”, tuy nhiên có thể sẽ khó thực hiện hơn QHĐ7 điều chỉnh do tỉ trọng lớn của nhóm điện khí và điện gió, trong khi các công nghệ nhiên liệu thay thế như hydro, ammoniac cho các nhà máy nhiệt điện vẫn trong giai đoạn nghiên cứu, chưa hiệu quả để đưa ra thị trường.

Chúng tôi điểm tên một số những doanh nghiệp sẽ hưởng lợi từ QHĐ8

Chúng tôi nhận thấy PC1, FCN, TV2, những doanh nghiệp niêm yết nổi bật trong lĩnh vực xây lắp hạ tầng điện sẽ hưởng lợi sớm nhất do nhu cầu phát triển cao theo QHĐ8. PVS cũng là cái tên đáng chú ý, hưởng lợi trong dài hạn do tham gia và quá trình xây dựng điện gió ngoài khơi. Bên cạnh đó, các nhà phát triển điện khí, sở hữu dự án được phê duyệt sẽ có triển vọng tươi sáng hơn bao gồm POW, PGV, TV2 và GE2. Hơn nữa, GAS cũng là doanh nghiệp được hưởng lợi từ luận điểm này do tham gia vào chuỗi điện khí LNG với việc phát triển các dự án kho cảng LNG. Chúng tôi đồng thời đánh giá QHĐ8 được ban hành sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp NLTT hàng đầu có kế hoạch tiếp tục phát triển thêm công suất như Trung Nam, BCG, REE, GEG mở rộng công suất. Tuy nhiên, yếu tố ảnh hưởng rõ ràng nhất đến triển vọng của nhóm như chính sách giá hiện tại vẫn chưa rõ ngày ban hành. Chúng tôi kỳ vọng việc phê duyệt QHĐ8 sẽ thúc đẩy tiến độ các dự án mỏ khí giá trị hàng tỷ USD bị đình trệ lâu năm như Lô B, Cá Voi Xanh trong những năm tới.

Đọc báo cáo chi tiết tại: Đây