Hợp tác cùng phát triển

HPG – Gặp ít trở ngại từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung – Cập nhật

Báo cáo phân tích DN 09/08/2018    348

Chia sẻ

  • Kết quả Q2/2018 tăng trưởng tốt do sản lượng tiêu thụ và giá thép đều tăng
  • Ngành thép dài của Việt Nam đã được bảo hộ trong chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc nhờ Chính phủ áp thuế tự vệ.
  • HPG có thể hưởng lợi nhất định từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc trong trung hạn.
  • Theo ước tính của chúng tôi, HPG vẫn có thể cạnh tranh với thép nhập khẩu Trung Quốc kể cả khi thuế tự vệ của Việt Nam không còn hiệu lực vào năm 2020.
  • Duy trì khuyến nghị Mua do HPG ít bị ảnh hưởng bởi các cú sốc từ chiến tranh thương mại so với các công ty cùng ngành trong khu vực.

Giá thị trường

Giá mục tiêu

Tỷ suất cổ tức

Khuyến nghị

Ngành

VND36.550

VND47.800

0,00%

MUA 

THÉP

HPG đã được bảo vệ do thép Trung Quốc bị áp thuế nhập khẩu cao

Mỹ đã áp thuế đối với thép Trung Quốc vào tháng 11/2015 và sau đó các nhà sản xuất thép của Trung Quốc phải mở rộng thị trường xuất khẩu bằng cách bán thép giá rẻ cho các nước châu Á bao gồm Việt Nam. Trong năm 2016, chính phủ Việt Nam đã áp thuế đối với thép Trung Quốc để bảo hộ các nhà sản xuất thép trong nước. Trong 6T2018, sản lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc tiếp tục giảm 17,6% so với cùng kỳ. Trong khi thép Trung Quốc dư thừa phải xuất khẩu sang khu vực lân cận, Việt Nam lại không bị ảnh hưởng nhiều. Ngoài ra, xuất khẩu thép sang Mỹ chỉ chiếm 1-2% sản lượng bán hàng của HPG.

HPG có thể hưởng lợi nhất định từ chiến tranh thương mại

Chúng tôi dự báo việc gia tăng bảo hộ của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ thúc đẩy các nhà máy có định hướng xuất khẩu chuyển từ Trung Quốc qua Việt Nam để vượt qua rào cản thương mại. Chúng tôi nhận thấy vốn FDI đăng ký từ Trung Quốc sang Việt Nam có xu hướng tăng lên trong giai đoạn 2014-17 và cho rằng điều này sẽ dẫn đến nhu cầu thép cho lĩnh vực công nghiệp ở Việt Nam tăng lên. Chúng tôi cho rằng HPG có thể tận dụng vị thế dẫn đầu trong thị trường thép dài và công suất bổ sung từ nhà máy mới Dung Quất (giai đoạn 1 sẽ bắt đầu vào tháng 8/2018) để hưởng lợi từ cơ hội này.

HPG có thể cạnh tranh với thép Trung Quốc dù không có thuế tự vệ

Việc áp thuế đối với thép Trung Quốc tại Việt Nam sẽ hết hiệu lực vào tháng 3/2020 và xác suất về khả năng gia hạn thời gian áp thuế tự vệ là chưa rõ ràng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cho rằng HPG có thể duy trì được năng lực cạnh tranh nhờ: 1) các biện pháp bảo vệ môi trường ở Trung Quốc khuyến khích các nhà sản xuất thép Trung Quốc chuyển sang phương pháp sản xuất lò điện hồ quang (EAF) thân thiện với môi trường nhưng tốn kém hơn có thể sẽ làm tăng giá bán, và sử dụng quặng sắt và than cốc chất lượng cao với chi phí cao hơn; và 2) lợi thế về quy mô của HPG khi nâng công suất lên gấp đôi.

Công suất bổ sung của HPG sẽ được hấp thụ dần

Chúng tôi ước tính công suất sản xuất thép dài trong nước sẽ tăng thêm 5 triệu tấn trong 3 năm tới, tương ứng với hơn 40% công suất của năm 2017. Với vị thế dẫn đầu của HPG trong ngành thép của Việt Nam, chúng tôi cho rằng tăng trưởng sản lượng bán hàng của HPG có thể theo kịp nhu cầu tăng lên của thép xây dựng (giả định 10% mỗi năm trong 2 năm tới). Ngoài ra, HPG đã chứng minh khá tốt khả năng giành thị phần từ đối thủ nội địa, đặc biệt trong giai đoạn thị trường suy yếu. Chúng tôi cũng dự báo sản lượng thép nhập khẩu Trung Quốc (15-20% tổng nhu cầu thép dài) sẽ tiếp tục giảm nhờ thuế tự vệ; điều này sẽ tạo nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường như HPG.

Giữ khuyến nghị Mua với giá mục tiêu 47.800 đồng/cp

Chúng tôi giảm giá mục tiêu và ước tính EPS để phản ánh số lượng cổ phiếu đang lưu hành của HPG tăng lên sau khi chia cổ tức bằng cổ phiếu 40%. Định giá của các công ty cùng ngành trong khu vực đã giảm mạnh do chính sách thuế nhập khẩu của Mỹ nên chúng tôi điều chỉnh giảm mức P/E mục tiêu 12T từ 10,2x xuống còn 8,7x, duy trì mức chênh lệch 30% so với các công ty cùng ngành trong khu vực do HPG có ROE cao hơn và ít bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại. Giá mục tiêu của chúng tôi là 47.800 đồng/cp dựa trên mức giá bình quân của hai phương pháp: 1) P/E dự phóng 8,7x dựa trên EPS trung bình trong giai đoạn 2018-2019, và 2) định giá DCF trong giai đoạn 5 năm. Các yếu tố rủi ro đối với khuyến nghị bao gồm 1) giá thép giảm sâu, 2) nguyên liệu đầu vào tăng giá, và 3) các quy định về môi trường ở Việt Nam nghiêm ngặt hơn.

Xem báo cáo chi tiết tại ĐÂY