Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 29.11.2021 – Đồng USD đang mạnh nhất kể từ khi Covid-19 bắt đầu

Nhận định Thị trường hàng ngày 29/11/2021    25550

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 29/11/2021

1. Thông tin vĩ mô

• Trung Quốc áp lệnh cách ly 7 tuần đối với các tàu cập bến đại lục
Chính sách Zero Covid của Trung Quốc ngày càng khiến chuỗi cung ứng thế giới bị ảnh hưởng trầm trọng hơn, khi mới đây chính quyền đại lục yêu cầu tất cả các thủy thủ nước này phải cách ly 7 tuần khi cập bến. Với những tàu đã thay hoặc bổ sung thuyền viên ở nơi khác, các tàu vẫn bị bắt buộc phải cách ly 2 tuần mới được cập cảng.
Để tuân thủ, các chủ tàu đã phải chuyển hướng tàu, trì hoãn đơn hàng và thay đổi thuyền viên. Điều này chỉ khiến cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng tồi tệ hơn khi Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới và là mắt xích quan trọng cho ngành vận chuyển toàn cầu.
Hậu quả của việc kéo dài thời gian cách ly khiến chi phí vận chuyển tăng không ngừng nghỉ. Giá cước đã lên tới 9,146 USD/container 40 feet, tức gấp sáu lần so với trung bình 5 năm tính đến năm 2019.
Các doanh nghiệp vận tải biển sẽ hưởng lợi. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ chịu thiệt thòi khi phải chấp nhận chi phí vận chuyển tiếp tục đội lên do chính sách Zero Covid của Trung Quốc.
• Giá dầu bật lên 80 USD/thùng, OPEC+ khẳng định cung dầu thô sẽ thặng dư vào 2022
Giá dầu trong tuần đã có lúc giảm dưới 80 USD/thùng sau tuyên bố giải phóng dầu từ kho dự trữ chiến lược của Mỹ cùng với Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Anh – các nhà tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới – nhằm bình ổn giá.
Tuy nhiên, mức độ hiệu quả của chính sách lập tức bị nghi ngờ khi số lượng dự trữ được xả – 70 triệu thùng so với kỳ vọng 100 triệu thùng – chưa đủ làm gián đoạn các kế hoạch sản xuất của nhóm OPEC+, khiến giá dầu nhanh chóng vượt lại mốc 80 USD/thùng.
Việc các nền kinh tế lớn trên thế giới phối hợp giải phóng dự trữ chỉ có tác dụng trong ngắn hạn. Nguồn cung từ kho dự trữ chiến lược không phải là vô tận, trong khi OPEC+ có ảnh hưởng lớn hơn nhiều lên mức độ sản xuất dầu thô toàn cầu.
OPEC+ cảnh báo sẽ thay đổi kế hoạch tăng sản lượng sau khi các nước trên xả dầu từ kho dự trữ. Hơn nữa, nhu cầu tiêu thụ dầu thô toàn cầu vẫn còn lớn khi các nền kinh tế đang phục hồi sau COVID-19, khiến giá dầu nhiều khả năng giữ trên mốc 75 – 80 USD/thùng sang năm 2022.
• Đồng USD đang mạnh nhất kể từ khi Covid-19 bắt đầu
Bloomberg Dollar Index – chỉ số dùng để đo hiệu suất của đồng USD với một rổ các loại tiền tệ lớn trên thế giới – có mức tăng qua tháng mạnh nhất kể từ tháng 3/2020.
Đồng USD đang mạnh lên nhanh chóng trong bối cảnh Fed có thể đẩy nhanh quá trình rút gọn kích thích tiền tệ để đối phó với lạm phát. Hơn nữa, dữ liệu chi tiêu tiêu dùng cá nhân cho thấy nhu cầu tiêu dùng của người Mỹ vẫn đang tăng cao sau thời gian dài bị dồn nén bởi các hạn chế xã hội. Đây là tín hiệu tích cực cho tăng trưởng kinh tế trong quý IV của Mỹ.
Đồng USD mạnh sẽ giúp các nước xuất khẩu sang Mỹ được hưởng lợi. Tuy nhiên, các nước vay bằng đồng USD sẽ chịu áp lực hơn. Tính đến tháng 9, tổng dư nợ bằng đồng USD của các chính phủ và thực thể ngoài Mỹ đang là 13 nghìn tỷ USD, gấp đôi so với mức năm 2008.
• Lê phí trước bạ với ô tô trong nước được giảm 50% lần thứ hai
Chính phủ ban hành Nghị định 103 quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô và các loại xe sản xuất trong nước giảm 50% kể từ ngày 1/12/2021 đến ngày 31/05/2022. Đây là lần thứ hai trong vòng 2 năm phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước giảm một nửa nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất trong nước trong bối cảnh dịch Covid-19.
Việc giảm 50% mức thu trước bạ sẽ làm giảm thu lệ phí trước chính sách, nhưng sẽ kích cầu số lượng ô tô tiêu thụ nên tổng số thu ngân sách nhà nước vẫn tăng lên. Trong 6 tháng cuối năm 2020, số thu lệ phí trước bạ giảm 7,314 tỷ đồng, nhưng tổng thu ngân sách tăng 14,100 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp sản xuất ô tô và phụ tùng, phụ kiện ô tô sẽ được hưởng lợi khi quá khứ cho thấy việc giảm phí trước bạ có tác động tích cực đến doanh số toàn ngành.

2. LÃI SUẤT, TIỀN TỆ & NGÂN HÀNG

• Tháng 11.2022: Ngân hàng nhà nước nới room tăng trưởng tín dụng lần thứ 3 đối với 11 tổ chức tín dụng
Ngân hàng Nhà nước vừa nới room cho 11 ngân hàng. Trong đó, 4 ngân hàng được nâng hạn mức tín dụng lên trên 20%, bao gồm: TPBank (23,4%), Techcombank (22,1%), MSB (22%) và MB (21%). VIB và VPBank đứng ở nhóm tiếp theo với hạn mức tín dụng lần lượt 19,1% và 17,1%..
Khi các Ngân hàng thương mại gần chạm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, họ không thể tiếp nhận nhiều hồ sơ vay vốn, đồng thời sẽ khắt khe hơn trong việc lọc khách hàng vay để chọn hồ sơ tốt nhất. Room tín dụng hạn chế cũng sẽ làm tăng lãi suất cho vay.
Dư địa tín dụng tăng giúp giảm lãi suất  đáp ứng mục tiêu hỗ trợ nền kinh tế.
• Ngân hàng Nhà nước cân nhắc lùi tiếp lộ trình siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn
Từ 1/10/2021 vừa qua, các Ngân hàng thương mại phải giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn (SFLR) từ mức 40% trước đó về mức 37%. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đang cân nhắc lùi thời điểm áp dụng.
Về nguyên tắc để giảm SFLR thì phải giảm/giữ nguyên cho vay trung dài hạn, tăng huy động vốn, hoặc kết hợp với tốc độ phù hợp. Tất cả các hành động đều có thể làm tăng lãi suất, hạn chế khả năng cho vay.
Lùi lộ trình siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn có thể giúp mặt bằng lãi suất tiếp tục ổn định ở mức thấp, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Ngoài ra, cần phát triển kênh huy động qua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) để khai thông nguồn vốn trung dài hạn cho doanh nghiệp.

3. Kênh cổ phiếu

• 3 động lực lớn chính cho ngành ô tô giai đoạn 2022 – 2023
Doanh số bán ô tô Q3/2021 có mức sụt giảm đáng kể là 50.7% YoY do các nhà phân phối/đại lý đã phải đóng cửa các cửa hàng để thực hiện giãn cách dấy lên nhiều lo ngại về tiềm năng tăng trưởng của cổ phiếu nhóm ngành này trong tương lai. Tuy vậy, chúng tôi cho rằng ngành ô tô đang ở trong giai đoạn “dồn nén” để chờ sự phục hồi kể từ năm 2022.
Chúng tôi cho rằng ngành ô tô đang ở trong giai đoạn “dồn nén” để chờ sự phục hồi kể từ năm 2022 với 3 động lực sau:
+ Thứ nhất: Doanh số ô tô sẽ tăng trở lại do nhu cầu bị dồn nén trong giai đoạn giãn cách
+ Thứ hai: Chính sách ưu đãi của Chính phủ là động lực chính thúc đẩy sự phục hồi của ngành ô tô năm 2022. Cụ thể ngày 26/11, Phó thủ tướng Lê Minh Khái thừa uỷ quyền Thủ tướng đã ký Nghị định 103 quy định mức thu lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước. Theo đó, ngày 26/11 phó thủ tưởng đã ký nghị định chính thức áp dụng giảm 50% thuế trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước và lắp ráp từ ngày 1/12/21 đến hết ngày 31/05/22. Ngoài ra, nghị định 57 về thuế nhập khẩu với nguyên liệu và linh kiện không thể sản xuất trong nước để sản xuất, gia công (lắp ráp) lộ trình về 0% sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường lắp ráp ô tô và tăng cường chuỗi giá trị của toàn ngành.
+ Thứ ba: Tầng lớp trung lưu Việt Nam gia tăng nhanh chóng, trong khi tỷ lệ hộ gia đình sở hữu ô tô còn thấp: Việt Nam là một trong những quốc gia có sức mua ô tô cá nhân tăng trưởng nhanh nhất trong vòng mười năm qua. Tuy nhiên tỷ lệ sở hữu ô tô trên đầu người vẫn thấp hơn nhiều so với các thị trường khác ở châu Á (chỉ khoảng 5% dân số). Cùng với tốc độ tăng trưởng tầng lớp trung lưu nhanh, chúng tôi ước tính Việt Nam sẽ đạt tỷ lệ 9% dân số sở hữu ô tô vào 2025 và 30% vào năm 2030.
• HPG – Đề xuất bổ sung 1.664ha đất đầu tư loạt dự án lớn tại Khu Kinh Tế Dung Quất
HPG đề xuất bổ sung 1.664ha đất để thực hiện loạt dự án nhà máy trong đó có Dung Quất 3 với diện tích khoảng 796ha tại khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi).
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi về cơ bản thống nhất chuyển đổi các diện tích đất theo đề xuất của doanh nghiệp sang đất công nghiệp , đất đô thị, thương mại dịch vụ.
Trong dài hạn, HPG sẽ trở thành đơn vị chủ lực cung cấp thép cho cả nước và là nhà xuất khẩu thép với vị thế lớn trên thị trường quốc tế. Mặc dù vậy, trong ngắn và trung hạn, HPG có thể phải đối mặt với rủi ro giá thép giảm và kết quả đi ngang chờ bứt phá.

4. Kênh tài sản khác

• Thị trường tiền số lao dốc
Bitcoin giảm hơn 20% so với mức đỉnh cao mọi thời đại, mức thấp nhất trong vòng 1 tháng.
Ngoài Bitcoin các đồng tiền mã hóa khác cũng suy giảm dẫn đến vốn hóa của thị trường này bốc hơi hơn 600 tỷ gấp 2.2 lần GDP Việt Nam.
2 coin động vật là Dogecoin và Shiba Inu bị đánh bật ra khỏi top 10 sau thời gian trượt dài.
Chính phủ Mỹ thông qua dự luật chi tiêu cơ sở hạ tầng, trong đó có nội dung đánh thuế và siết thị trường tiền số là 1 trong các nguyên nhân khiến thị trường giảm.
Theo thống kê với cú sụt giảm 20% thường sẽ bắt đầu cho đợt điều chỉnh với thời gian tương đối. Do đó, nên theo dõi thêm nếu nhà đầu tư đang dự định đầu tư.
• Đầu tư trái phiếu cùng dự án điện gió lớn nhất Đông Nam Á
Xu hướng năng lượng sạch trên quy mô toàn thế giới. Việt Nam định hướng điện gió, mặt trời chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn phát điện đến năm 2045 (42%) 2020 (23%).
Trung Nam là nhà phát triển hàng đầu về năng lượng tái tạo Việt Nam, tài sản 2.3 tỷ USD, tương đương GDP của tỉnh Nam Định. Là một trong số ít nhà đầu tư có thể tự thi công hạ tầng và nhà máy điện, có lợi thế về đàm phán với nhà cung cấp thiết bị điện.
Nhằm tăng quy mô vốn hoạt động của Công ty và huy động vốn cho dự án năng lượng tái tạo đầy tiềm năng nhà máy điện gió Ea Nam, Trung Nam Group đã phát hành các mã trái phiếu với các kỳ hạn 1 năm, 7 năm, 9 năm phù hợp với nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư. Khi tham gia trái phiếu doanh nghiệp Trung Nam Group, lãi suất trái phiếu tương đối cao từ 9,3 – 9,7%/năm, Trái phiếu được cam kết mua lại định kỳ, giảm thiểu rủi ro cho trái chủ, tài sản đảm bảo có giá trị lớn, hơn 130% giá trị phát hành là dự án điện gió lớn nhất Đông Nam Á đã hoàn thiện pháp lý ký hợp đồng mua bán điện, vốn đầu tư tối thiểu từ 100 triệu đồng.

5. Câu chuyện đầu tư

• Quỹ đầu tư này có tỷ suất lợi nhuận gấp 2.5x huyền thoại Warren Buffett trong 20 năm qua
Tiger Global
Nếu lấy cổ phiếu Berkshire Hathaway làm thước đo, trong vòng hai mươi năm qua tỷ suất lợi nhuận của Warren Buffett đạt khoảng 10,6%.
Ngược lại, trong vòng 20 năm qua, 2 quỹ của Tiger Global (TG) đạt tỷ suất lợi nhuận lên tới 21% (quỹ Public) và 26% (quỹ Private). Với 25 triệu đô vốn ban đầu, giờ đây TG đã quản lý số tiền lên tới 80 tỷ USD. Cá nhân Chase Coleman, founder của TG hiện có khối tài sản ước tính 10 tỷ đô.
CÂU CHUYỆN DIỄN RA NHƯ THẾ NÀO? Tại sao lại có sự vượt trội giữa TG vs. Buffett?
Warren Buffett – Berkshire Hathaway: Hầu như không đầu tư vào các công ty công nghệ/Internet,tập trung đầu tư chủ yếu vào các công ty tại Mỹ.
Chase Coleman – TG: Chỉ tập trung đầu tư vào các công ty công nghệ và Internet, đầu tư trên Toàn cầu, đặc biệt là tập trung đầu tư vào khu vực Châu Á.
Ứng dụng vào đầu tư
1. Việc Warren Buffett không đầu tư vào các công ty công nghệ không có nghĩa là bạn cũng phải máy móc bắt chước. Tùy theo vòng tròn năng lực của mỗi người để lựa chọn lĩnh vực đầu tư.
2. Thế giới ngày càng kết nối, hãy đầu tư với tầm nhìn toàn cầu vì như vậy thì “hòn tuyết” sẽ có quãng đường lăn dài hơn. Tức là doanh nghiệp có thể phát triển lên quy mô lớn hơn.

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0