Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 29.07.2021 | Trung Quốc cân nhắc áp thuế xuất khẩu thép

Nhận định Thị trường hàng ngày 29/07/2021    27658

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 29/07/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• IMF cảnh báo nguy cơ từ lạm phát
– Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 27/7 cảnh báo lạm phát hoàn toàn có thể kéo dài hơn dự kiến, không đơn thuần chỉ là một hiện tượng tạm thời, qua đó thúc giục các ngân hàng trung ương phải chuẩn bị những biện pháp đối phó.
– Lạm phát đang là chủ đề gây chia rẽ trong giới đầu tư, với nhiều nhận định trái chiều về tương lai của tình trạng lạm phát. Tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng tăng 5.4% trong tháng 6, cao nhất trong vòng 13 năm. Tại Anh, lạm phát đã chạm 2.5% cũng trong tháng 6, cao nhất kể từ tháng 8/2018, và cao hơn mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương quốc gia này.
– Nhìn chung, IMF nhận định áp lực giá là hiện tượng nhất thời. “Lạm phát được dự báo quay trở lại mốc trước đại dịch tại phần lớn các quốc gia trong năm 2022”, theo Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu được cơ quan này công bố ngày 27/7.
– Tuy nhiên, IMF cũng đưa ra cảnh báo rằng “sự bất ổn định vẫn đang ở mức cao”. “Hoàn toàn có khả năng áp lực nhất thời đó sẽ kéo dài hơn dự kiến và các ngân hàng trung ương cần phải có những biện pháp đề phòng”, theo IMF. Lạm phát sẽ làm tăng khả năng các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ kích thích, ví dụ như cho siết chương trình mua tài sản.
– Phát biểu hồi đầu tháng 7, chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết thị trường việc làm vẫn chưa đạt kỳ vọng cơ quan này đề ra để dừng các gói hỗ trợ. Ông bổ sung rằng lạm phát có thể sẽ “vẫn tăng cao trong vài tháng tới trước khi có những dấu hiệu hạ nhiệt”.
– IMF chỉ ra rằng nếu Mỹ tung ra nhiều hơn các gói hỗ trợ tài khóa, chắc chắn áp lực lạm phát sẽ bị đẩy cao hơn, dẫn tới việc phải tăng lãi suất thị trường sớm hơn so với dự kiến. Bên cạnh đó, sự gián đoạn kéo dài trong chuỗi cung ứng và đà tăng cao của giá nhà ở là một vài yếu tố có thể dẫn tới tình trạng lạm phát kéo dài.
– IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở 6% cho năm 2021, nhưng đã thay đổi lại nhận định cho năm 2022. Thay vì giữ nguyên mức 4,4% công bố tháng 4, cơ quan này đã nâng dự báo lên 4,9%.
– “Mức gia tăng 0,5 điểm phần trăm cho năm 2022 xuất phát từ dự báo tăng trưởng khả quan của các nền kinh tế phát triển, đặc biệt là Mỹ, với nhận định sẽ có nhiều hơn các gói hỗ trợ bổ sung được thông qua trong nửa cuối năm 2021, và tình hình dịch bệnh tại nhiều quốc gia trong nhóm này sẽ được cải thiện”, theo IMF.

• Trung Quốc cân nhắc áp thuế xuất khẩu thép
– Trung Quốc đang cân nhắc áp thêm thuế lên hoạt động xuất khẩu thép với mục tiêu kìm hãm sản lượng nội địa, đồng thời kìm hãm đà tăng giá hàng hóa – vốn là yếu tố thổi bùng nỗi lo về lạm phát. Hợp đồng tương lai thép giảm mạnh sau thông tin này.
– Các bên đang bàn luận mức thuế trong phạm vi 10%-25% và các sản phẩm bị áp thuế có cả thép cuộn cán nóng (HRC), dựa trên nguồn tin thân cận. Các quan chức muốn áp thuế xuất khẩu thép trong quý 3/2021, mặc dù chính sách này vẫn còn chờ được thông qua.
– Trung Quốc, nước xuất khẩu thép nhiều nhất thế giới, đang ra sức cắt giảm sản lượng thép trong năm 2021 để giảm thiểu lượng carbon thải ra môi trường. Các chính sách của Trung Quốc được đưa ra sau khi đà tăng của nhu cầu thép đẩy giá mặt hàng này tăng lên kỷ lục vào tháng 5. Động thái nâng thuế xuất khẩu có thể siết chặt nguồn cung thép trên một thị trường vốn đã tăng trưởng nóng giữa bối cảnh các nước bắt đầu gượng dậy từ đại dịch Covid-19.
– Các thị trường bên ngoài Trung Quốc chứng kiến giá thép tăng mạnh nhất trong nhiều thập niên, trong đó giá tại châu Âu và Bắc Mỹ liên tục phá kỷ lục khi chính quyền tập trung vào kích thích kinh tế và chi tiêu cho cơ sở hạ tầng.
– Tại Trung Quốc, các cơ quan chức trách đã triển khai hàng loạt đợt cắt giảm sản lượng như một phần của chiến dịch giảm bớt phát thải. Thế nhưng, nửa đầu năm nay, sản lượng thép của Trung Quốc vẫn tăng – thậm chí sắp vượt mức kỷ lục trước đó – vì lo ngại Chính phủ có thể tăng cường biện pháp kiểm soát và gây ra sự khan hiếm nguồn cung thép. Điều này đã đã thúc giá thép và biên lợi nhuận từ hoạt động sản xuất thép tăng mạnh, qua đó thôi thúc các nhà máy đẩy mạnh sản xuất.
– Các hợp đồng tương lai thép giờ đã hồi phục lên gần mức kỷ lục và các nguyên vật liệu khác cũng tăng giá trở lại, qua đó gây ra áp lực lạm phát lên nền kinh tế Trung Quốc.
– Một số nhà cung ứng Trung Quốc có thể nâng giá xuất khẩu sau động thái nâng thuế, nhưng người mua nước ngoài có thể nhập nguồn nguyên liệu từ nơi khác với giá cạnh tranh hơn. Đây là cơ hội cho những doanh nghiệp Thép của Việt Nam.

2. Thông tin Việt Nam

• Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025: 2,87 triệu tỷ đồng, phấn đấu giải ngân trên 90%
– Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 được Quốc hội thông qua vào sáng 28/7. Tại nghị quyết này, Quốc hội đặt mục tiêu tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm 2021 – 2025 khoảng 32 – 34% GDP. Tỷ trọng vốn đầu tư công bình quân 5 năm khoảng 16 – 17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Tỷ trọng chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước (NSNN) khoảng 28%, phấn đấu khoảng 29% tổng chi NSNN, tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương trong đầu tư công; phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bình quân giai đoạn 2021 – 2025 đạt trên 90% kế hoạch Quốc hội giao; số dự án hoàn thành trong giai đoạn đạt trên 80% tổng số dự án được bố trí vốn.
– Trong đó, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; đáp ứng tiến độ để hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông (giai đoạn 1); khẩn trương chuẩn bị đầu tư, sớm khởi công và cơ bản hoàn thành các dự án đường vành đai 3, 4 của khu vực động lực Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, kết nối vùng đồng bằng sông Cửu Long, tuyến nối Tây Nguyên với Nam Trung Bộ, khu vực miền núi phía Bắc, tuyến đường ven biển, hành lang kinh tế Đông – Tây, dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam tuyến phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.
– Tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn NSNN giai đoạn 2021 – 2025 theo kế hoạch là 2.870.000 tỷ đồng, bao gồm: vốn ngân sách trung ương 1.500.000 tỷ đồng (vốn trong nước 1.200.000 tỷ đồng, vốn nước ngoài 300.000 tỷ đồng); vốn cân đối ngân sách địa phương 1.370.000 tỷ đồng. Ngoài ra, dự phòng 10% kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương theo từng nguồn vốn để xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai.
– Với diễn biến phức tạp của dịch Covid 19, để đảm bảo tốc độ tăng trưởng GDP mà Quốc hội đã thông qua thì đầu tư công là một trong những yếu tố then chốt. Điều này sẽ tác động tích cực đến các doanh nghiệp như Thép, Xi măng, Đá xây dựng trong thời gian tới.

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Vincom Retail báo lãi tăng 13% trong quý II
– Theo thông tin Vincom Retail, quý II năm 2021, dù đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại nhưng kết quả hoạt động kinh doanh chính của Vincom Retail vẫn ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2020.
– Tổng doanh thu thuần hợp nhất của Công ty đạt 1.510 tỷ đồng, bằng 92,7% cùng kỳ năm 2020. Doanh thu cho thuê bất động sản đầu tư và cung cấp các dịch vụ liên quan đạt 1.370 tỷ đồng, bằng 104,8% so với cùng kỳ năm 2020, doanh thu chuyển nhượng bất động sản đạt 96 tỷ đồng, bằng 32,4% cùng kỳ năm 2020. Trong quý II, Vincom Retail cũng đã giải ngân 350 tỷ đồng để đồng hành, hỗ trợ các khách thuê chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Kết thúc quý II, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Công ty đạt 388 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước.
– Về quy mô, đến hết ngày 30/6, Vincom Retail đang vận hành 80 TTTM tại 43 tỉnh và thành phố trên toàn quốc. Với tổng diện tích sàn bán lẻ đạt khoảng 1,7 triệu m2, Vincom Retail giữ vững vị thế dẫn đầu thị trường trong lĩnh vực phát triển, sở hữu và quản lý mặt bằng bán lẻ tại Việt Nam.

• Nhựa Bình Minh báo lãi quý II thấp nhất 12 năm
– Doanh thu thuần quý II của Nhựa Bình Minh đạt 1.457 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn tăng mạnh 41% lên 1.265 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp kỳ này giảm 47% xuống gần 187 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận gộp chỉ là 12,8% trong khi còn số này ở cùng kỳ là 28%.
– Trong quý II, giá nguyên liệu đầu vào của ngành nhựa duy trì ở mức cao. Giá PVC đạt mức cao kỷ lục 1.600 USD/tấn hồi giữa tháng 4, tăng 28% so với đầu năm và 81% so với giá bình quân năm 2020 là 884 USD/tấn. Sau đó, giá mặt hàng này đã giảm xuống còn 1.360 USD/tấn nhưng vẫn tăng 9% so với đầu năm và 54% so giá bình quân năm 2020.
– Với kết quả kinh doanh của Nhựa Bình Minh, sau khi trừ đi các khoản chi phí phát sinh, lãi sau thuế đạt gần 42 tỷ đồng, giảm 73% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận theo quý thấp nhất kể từ quý I/2009 (40,9 tỷ đồng).

• FPT báo lãi ròng quý 2/2021 đạt 1,000 tỷ đồng
– Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2021 vừa công bố, CTCP FPT (HOSE: FPT) ghi nhận doanh thu thuần 8,642 tỷ đồng và lãi ròng 1,000 tỷ đồng, tăng lần lượt 24% và 14% so cùng kỳ năm trước.
– Khép lại quý 2/2021, doanh thu thuần của FPT đạt 8,642 tỷ đồng, tăng 24% so cùng kỳ. Lãi gộp thu được 3,460 tỷ đồng, tăng 27%. Kết quả, Công ty báo lãi ròng quý 2 đạt 1,000 tỷ đồng, tăng 14% so cùng kỳ năm trước. Cộng chung với quý 1, FPT ghi nhận doanh thu thuần lũy kế nửa đầu năm trên 16,228 tỷ đồng, tăng 19% so cùng kỳ. Lãi ròng đem về 1,906 tỷ đồng, tăng 17%.
– FPT cho biết kết quả này chủ yếu đến từ nhu cầu gia tăng ở mảng công nghệ và cải thiện biên lợi nhuận tại mảng viễn thông. Trong đó, khối công nghệ đóng góp 56% doanh thu và 44% lãi trước thuế của FPT, tương đương 9,098 tỷ đồng và 1,306 tỷ đồng. Doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin thị trường nước ngoài đạt 6,683 tỷ đồng, tăng 15%; lãi trước thuế đem về 1,061 tỷ đồng, tăng 18% so cùng kỳ. Đối với thị trường trong nước, mảng dịch vụ CNTT ghi nhận doanh thu 2,415 tỷ đồng, tăng 41% và lãi trước thuế 246 tỷ đồng, tăng 245% so cùng kỳ.


Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

———–

Quý Nhà đầu tư vui lòng dành 3 phút tham gia Khảo sát Đánh giá và đóng góp ý tưởng hoàn thiện Bản tin Nhận định thị trường DCALL: TẠI ĐÂY 

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: https://hubs.li/H0RgXR90
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0