Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 29.04.2021 – Lãnh đạo FPT cam kết gì về tăng trưởng 2021?

Nhận định Thị trường hàng ngày 29/04/2021    937

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 29/04/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Nhôm Trung Quốc bị áp thuế chống bán phá giá 4,39-35,58%

– Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 1282/2021 về kết quả rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá một số sản phẩm nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc. Trong đó, Bộ Công Thương quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm nhôm, hợp kim, không hợp kim ở dạng thanh, que và hình đã được đùn ép hoặc chưa xử lý bề mặt; đã hoặc chưa được gia công thêm nhập khẩu vào Việt Nam.

– Theo đó, các nhà sản xuất, xuất khẩu bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá với mức thuế 4,39-35,58%. Quyết định sẽ thay thế Quyết định số 2942 ngày 28/9/2019 của Bộ Công Thương về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc.

Nhật Bản thông qua RCEP

– Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do, chiếm khoảng 30% GDP thế giới, thương mại và dân số. RCEP cũng là thỏa thuận thương mại đầu tiên của Nhật Bản có sự tham gia của cả Trung Quốc và Hàn Quốc, những đối tác thương mại lớn nhất và thứ 3 của nước này.

– RCEP bao gồm 10 quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Đây là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới khi bao trùm một thị trường khổng lồ, gồm 2,27 tỷ dân với tổng GDP là 26.000 tỷ USD và tổng kim ngạch xuất khẩu là 5.200 tỷ USD.

– Trung Quốc đã hoàn tất tiến trình thông qua RCEP vào ngày 15/4. Các nước thành viên RCEP đặt mục tiêu hiệp định này sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/1/2022.

2. Thông tin Việt Nam

• ADB nâng dự báo tăng trưởng Việt Nam lên 6,7%, đồng thời cảnh báo nguy cơ bùng nổ ‘bong bóng’ tài sản

– Sáng ngày 28/4, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã công bố dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay đạt 6,7%, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội 0,7 điểm phần trăm và mục tiêu Chính phủ là 0,2 điểm phần trăm.

– Ngoài ra, theo báo cáo ADB, tăng trưởng Việt Nam sang năm 2022 sẽ đạt 7%. ADB nhận định, đầu tư gia tăng sẽ trở thành động lực quan trọng trong năm nay và năm sau. Đồng thời, thu hút đầu tư nước ngoài sẽ được thúc đẩy nhờ việc kiểm soát dịch bệnh, cũng như Luật đầu tư được ban hành đầu năm 2021.

– Chính phủ Việt Nam tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng lớn trong năm nay, cùng với việc lãi suất thấp kích thích các hoạt động trong bất động sản sẽ giúp lĩnh vực xây dựng tăng trưởng đáng kể.

– Việt Nam cũng sẽ được hỗ trợ bởi sự phục hồi của hai nền kinh tế lớn là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Đây cũng là những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Dự báo, xuất khẩu hàng hóa sẽ tăng 8% trong năm nay và năm sau.

– Quý 1/2021, lạm phát giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016 nhờ chi phí vận tải giảm và nhu cầu yếu. Song, trong bối cảnh phục hồi toàn cầu và tiêu dùng nội địa tăng khiến giá dầu tăng sẽ dẫn đến lạm phát tăng lên 3,8% trong năm nay và 4% năm sau.

– ADB cho hay, thời gian tới, Việt Nam sẽ phải đối mặt với một số thách thức. Cụ thể, thách thức lớn nhất chính là đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại bởi các biến thể mới và triển khai tiêm vaccine còn chậm.

– Đại diện ngân hàng này nhận định: “Nếu việc triển khai vaccine còn chậm trễ, đà tăng trưởng cao trước đại dịch của Việt Nam có khả năng bị tác động”. Đặc biệt, đầu tư tư nhân trong nước phục hồi nhanh chóng cũng có thể làm tăng rủi ro bong bóng tài sản, nhất là khi nguồn vốn không được hướng vào các lĩnh vực sản xuất.

Dòng tiền doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài tăng đột biến gấp 8 lần

– Dòng tiền của doanh nghiệp Việt Nam chảy ra nước ngoài tăng đột biến trong bốn tháng đầu năm nay, tăng 7,9 lần so với cùng kỳ năm ngoái, giữa bối cảnh diễn biến đại dịch Covid-19 trên thế giới còn phức tạp. Điều đáng nói là, xu hướng chọn lĩnh vực đầu tư của doanh nghiệp Việt đã có sự thay đổi.

– Cụ thể, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI), trong bốn tháng đầu năm 2021 này, tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt gần 546 triệu đô la Mỹ, tăng 7,9 lần so với cùng kỳ năm 2020. Trong số này có 18 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt 142,8 triệu đô la, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

– Ngoài ra, có 9 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với tổn vốn tăng thêm là 403,2 triệu đô la, tăng 25,5 lần so với cùng kỳ. Như vậy, ngoài lượng vốn đầu tư các dự án mới tăng cao thì các doanh nghiệp đang có dự án đầu tư ở nước ngoài tiếp tục tăng vốn mở rộng đầu tư.

– Có một điểm đáng chú ý là lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam đang có sự thay đổi. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 10 lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ dẫn đầu với 8 dự án mới và 2 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 270,8 triệu đô la, chiếm 19,6% tổng vốn đầu tư. Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ đứng thứ hai, với tổng vốn đầu tư 147,8 triệu đô la, chiếm 27,1%. Tiếp theo là các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ… Điều này cho thấy xu hướng đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam đã gia tăng trong lĩnh vực khoa học công nghệ, thương mại… thay vì trước đây tập trung nhiều về lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, khai khoáng,…

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Doanh thu quý 1 của Vinhomes đạt gần 13.000 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ, LNTT hơn 7000 tỷ đồng

– CTCP Vinhomes (HoSE: VHM) công bố báo cáo tài chính quý I với doanh thu thuần 12.986 tỷ đồng, tăng 99% cùng kỳ năm trước chủ yếu nhờ tăng trưởng doanh thu bán lẻ và bán lô lớn bất động sản.

– Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 7.085 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 5.396 tỷ đồng, giảm lần lượt 30% và 21% cùng kỳ. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) đạt 1.640 đồng.

– Trong tháng 1, Vinhomes công bố chính thức áp dụng mô hình kinh doanh O2O (Online to Offline), đồng thời thúc đẩy kênh kinh doanh bất động sản thứ cấp trên cùng một nền tảng. Theo đó, mô hình này sẽ tiên phong xây dựng thị trường bất động sản thứ cấp minh bạch khi công khai toàn bộ thông tin và giá bán trên trang thương mại điện tử Vinhomes Online (https://online.vinhomes.vn). Từ đó, gia tăng tính gắn kết giữa chủ đầu tư với chủ sở hữu các sản phẩm của Vinhomes, hướng tới mục tiêu gia tăng giá trị tài sản và đảm bảo tính thanh khoản tốt nhất cho người mua nhà.

– Cũng trong tháng 3, Vinhomes tiếp tục ra mắt quỹ căn cao tầng với hỗ trợ tài chính hấp dẫn tại 2 đại đô thị Vinhomes Ocean Park và Vinhomes Smart City. Trong năm 2021, Vinhomes sẽ đầu tư mạnh mẽ để nâng cấp và ra mắt các sản phẩm mới ở phân khúc cao cấp tại hai đại đô thị này

Lãnh đạo FPT cam kết gì về tăng trưởng 2021?

– Cả thế giới vẫn đang đứng trước những tác động khó lường của Covid-19. Nhưng các thành viên Ban Lãnh đạo FPT lại có cái nhìn lạc quan và khẳng định bối cảnh này chính là thời thế của FPT.

– Không chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu năm 2021 cao gấp hai lần tăng trưởng năm 2020, những người chèo lái con tàu FPT còn tái khẳng định mục tiêu Top 50 Công ty dịch vụ chuyển đổi số hàng đầu thế giới.

– Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT: “Thời thế dành cho những chiến binh can trường, dám vượt qua các giới hạn để bứt phá chuyển bại thành thắng. FPT tiếp tục theo đuổi mục tiêu dài hạn Top 50 Công ty dịch vụ chuyển đổi số hàng đầu thế giới và doanh thu dịch vụ chuyển đổi số tăng trưởng hai con số trong nhiều năm tới”. Nói về vị thế của FPT, ông Bình viện dẫn câu chuyện triển khai chuyển đổi số cho công ty kinh doanh ô tô hàng đầu ở Mỹ với giá trị hợp đồng lên tới 150 triệu USD trong bối cảnh Covid-19. “FPT phải bước vào cuộc đua với 193 công ty công nghệ sừng sỏ, thậm chí có những công ty FPT ngưỡng mộ từ lâu để được chọn vào danh sách 3 công ty mà khách hàng này sẽ ưu tiên chọn triển khai các dự án công nghệ cho họ. Chúng tôi đã thắng trong cuộc đua này và trở thành đối tác Champion – đối tác ưu tiên số 1”, ông Bình tự hào chia sẻ.

– Covid-19 được FPT đánh giá là thời cơ vàng của chuyển đổi số khi đầu tư số trực tiếp vào chuyển đổi không ngừng tăng, với CAGR dự báo đạt 15,5% trong giai đoạn 2020 – 2023 và dự kiến sẽ đạt 6.800 tỷ USD vào năm 2023.

– Vậy, FPT làm gì để thời cơ vàng này không tuột khỏi tầm tay? Ông Hoàng Việt Anh, Phó Tổng Giám đốc FPT, phụ trách chuyển đổi số nhấn mạnh, “chuyển đổi số sẽ tiếp tục là trọng tâm của FPT trong chu kỳ phát triển tiếp theo. Trong đó, các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, blockchain…là mũi nhọn”. Thực tế, năm 2020, doanh thu từ mảng chuyển đổi số của Tập đoàn này tăng trưởng 31% so với cùng kỳ, đạt 3.219 tỷ đồng..

– Năm 2021, FPT đặt mục tiêu doanh thu 34.720 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 6.210 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 16,4% và 18% so với cùng kỳ. Đây cũng sẽ là mức tăng trưởng bền vững FPT mong muốn duy trì trong dài hạn, đặc biệt là khi thế giới đang bước vào kỷ nguyên số, thời cơ vàng cho các công ty công nghệ như FPT. Có vẻ các cam kết đang được Ban lãnh đạo công ty hiện thực hoá: kết thúc Quý 1, FPT công bố doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 7.586 tỷ đồng và 1.397 tỷ đồng, tăng trưởng 14,4% và 22,3%.

Vincom Retail lãi quý I tăng 59% so với cùng kỳ.

– Theo đà phục hồi chung của thị trường bất động sản bán lẻ, Vincom Retail tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng tích cực trong hoạt động kinh doanh quý 1 năm 2021.

– Cụ thể, tổng doanh thu thuần hợp nhất quý I đạt 2.226 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, hoạt động cho thuê bất động sản đầu tư vẫn tiếp tục tăng trưởng với doanh thu đạt 1.712 tỷ đồng, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu từ mảng chuyển nhượng bất động sản đạt 452 tỷ đồng, tăng 124,9% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu đến từ việc bàn giao 3 dự án nhà phố thương mại lớn là Mỹ Tho, Bạc Liêu và Uông Bí. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 781 tỷ đồng, tăng 58,7% so với cùng kỳ năm trước.

– Trong bối cảnh Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, trong quý I, tổng quan ngành bán lẻ ghi nhận phục hồi tích cực về cả sức mua tiêu dùng và sự phát triển về quy mô cửa hàng của các thương hiệu bán lẻ. Nhiều thương hiệu trong nước và quốc tế đã khai trương thêm cửa hàng trong hệ thống TTTM Vincom như H&M, Haidilao Hot Pot, Pandora… ngay trong quý I, khẳng định tiềm năng phục hồi của thị trường bán lẻ nói chung và sức hút của mặt bằng TTTM Vincom nói riêng.

– Về quy mô, tính đến hết ngày 31/3, Vincom Retail sở hữu và vận hành 80 TTTM tại 43 tỉnh và thành phố trên toàn quốc, tổng diện tích sàn bán lẻ đạt khoảng 1,7 triệu m2, giữ vững vị thế là đơn vị dẫn đầu thị trường trong lĩnh vực phát triển, quản lý và vận hành mặt bằng bán lẻ tại Việt Nam.

———–
DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư
Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
Lich Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3 và Thứ 5
Tìm hiểu thêm và đăng ký: http://bit.ly/tuvandautu_DGO
Lịch Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần
Tìm hiểu thêm và đăng ký: http://bit.ly/dangky_khoaDGO
————
Hãy cùng đón chờ các Cập nhật của chúng tôi vào mỗi buổi sáng 8h hàng ngày trên Website:
https://www.vndirect.com.vn/
Soundclound: https://soundcloud.com/vndirect-dcall
Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCVCzjWFSb9iP7iK_VBTS3vQ