Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 28.03.2022 – Bộ Tài chính dự báo CPI bình quân 3 tháng 2-2,1%

Nhận định Thị trường hàng ngày 28/03/2022    34853

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 28/03/2022

1. Thông tin vĩ mô

• FED sẵn sàng tăng lãi suất mạnh tay hơn nếu lạm phát vẫn chưa thể được kiểm soát
Chủ tịch Jerome Powell ngày 21/3 cho biết việc nâng lãi suất có thể được tiến hành với bước nhảy lớn hơn so với bước nhảy 0,25 điểm phần trăm như trong lần tăng vừa rồi, lập trường của FED là sẽ tiếp tục nâng lãi suất cho tới khi lạm phát được đưa về tầm kiểm soát. FED ước tính lạm phát năm nay sẽ giữ trên mục tiêu 2%, duy trì ở 4,1% và giảm còn 2,3% cho đến hết năm 2024.
Trong cuộc họp chính sách vào hai ngày 15 – 16/3, FOMC đã quyết định tăng lãi suất lên 0,25 – 0,5%. Đây là lần tăng lãi suất đầu tiên của FED kể từ tháng 12/2018. FED dự kiến tăng lãi suất 25 điểm phần trăm tại 6 cuộc họp còn lại trong năm nay, đồng nghĩa với việc đưa lãi suất về khoảng 1,75 – 2%. Từ năm 2000 đến nay, Fed chưa khi nào nâng 0,5 điểm phần trăm trong một lần tăng lãi suất.
FED cũng đã ra tín hiệu về việc cắt giảm quy mô của bảng cân đối kế toán gần 9 nghìn tỷ USD. Ông Powell nói kế hoạch cắt giảm có thể bắt đầu từ tháng 5, nhưng chưa có một quyết định chính thức. Các nhà phân tích dự báo rằng lần cắt giảm tài sản này của FED sẽ có tác dụng mạnh hơn so với lần trước.
Tổng thể các gói kích thích tiền tệ vào nền kinh tế kể từ khi đại dịch bắt đầu của FED và Quốc hội Mỹ đạt khoảng 10.000 tỷ USD. Việc FED “mạnh tay” bơm tiền để vực dậy nền kinh tế khỏi ảnh hưởng của dịch Covid-19 là một trong các nguyên nhân đẩy lạm phát tại Mỹ lên cao. Tuy nhiên, hành động thắt chặt của FED dự kiến cũng sẽ diễn ra trong thận trọng khi hiện tại kinh tế đang có dấu hiệu giảm tốc.

• Mỹ cung ứng LNG nhằm giúp EU giảm phụ thuộc nguồn cung khí đốt vào Nga
Mỹ đang hoàn tất kế hoạch cung ứng 15 tỉ m3 LNG cho EU vào cuối năm nay. Kế hoạch hợp tác này tập trung vào bảo đảm an ninh nguồn cung cho EU trong ngắn hạn, tăng cường sản lượng khai thác tại Mỹ trong trung hạn và áp dụng các biện pháp tiêu dùng tiết kiệm.
Nguồn khí LNG từ Mỹ hỗ trợ thực hiện mục tiêu mà EU đưa ra hồi đầu tháng này là thay thế 50 tỉ m3 khí đốt của Nga bằng các nguồn khác trong năm 2022. EU có kế hoạch tăng nhập khẩu 50 tỉ m3 khí LNG từ các nhà cung ứng hàng đầu thế giới như Mỹ, Qatar hay Ai Cập.
Giới chức tham gia soạn thảo kế hoạch của Mỹ nhấn mạnh lượng khí hóa lỏng cung ứng cho châu Âu sẽ phụ thuộc vào các hợp đồng thương mại. Phần lớn khí LNG của Mỹ hiện đều đã có địa chỉ cung ứng cụ thể, nhất là những khách hàng ở châu Á. Bên cạnh đó, các cơ sở chiết xuất, lưu trữ khí LNG của Mỹ dọc duyên hải đều đã hoặc đang được vận hành ở công suất gần tối đa.
Thỏa thuận này với Mỹ sẽ giúp EU giảm phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga, thực hiện được mục tiêu là đến cuối năm 2022 giảm được 2/3 khí đốt nhập khẩu từ Nga . Trong năm 2021, Mỹ đã cung cấp cho EU 22 tỉ m3 khí LNG.

• Bộ Tài chính dự báo CPI bình quân 3 tháng 2-2,1%
Bộ Tài chính dự báo CPI tháng 3 có thể tiếp tục ở mức cao, do chịu tác động chủ yếu từ giá xăng dầu tăng. Bộ Tài chính cho rằng mặt hàng xăng dầu trong nước đang chịu áp lực lớn về nguồn cung, do nhu cầu tiêu dùng và diễn biến giá dầu thế giới.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính dự báo CPI bình quân 3 tháng đầu năm chỉ tăng ở mức 2-2,1% và vẫn nằm trong kịch bản lạm phát đã được báo cáo Phó Thủ tướng – Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá (dự báo CPI bình quân năm 2022 tăng trong khoảng 3,42 – 4,3%).
Trường hợp CPI những tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau so với tháng trước, 9 tháng còn lại của năm nay, CPI mỗi tháng còn dư địa tăng 0,5% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4%.
Áp lực lạm phát của Việt Nam chưa phải là lớn, dù gia tăng nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát với CPI 2 tháng đầu năm chỉ tăng 1,68%. Rủi ro lạm phát đang tăng lên do tác động của xung đột Nga-Ukraine. Việc tăng giá các nguyên liệu đầu vào như than, thép, đồng, nhôm có thể tác động đến giá thành sản xuất của Việt Nam trong khi giá phân bón và nông sản (lúa mì, ngô) tăng cũng gây áp lực lên giá lương thực, thực phẩm trong nước. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng Chính phủ có thể kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm nay thông qua việc giảm thuế để kìm hãm đà tăng của giá xăng dầu. Ngoài ra, Chính phủ có thể giảm giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, như điện, học phí, hoặc phí dịch vụ y tế để giảm áp lực lạm phát.

2. LÃI SUẤT, TIỀN TỆ & NGÂN HÀNG

• Dự trữ ngoại hối cao kỷ lục 110 tỷ USD giúp Việt Nam ổn định tỷ giá khi FED tăng lãi suất
Ngày 16/3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25%, dự kiến có thể sẽ tiếp tục nâng lãi suất thêm 6 lần nữa trong năm 2022 và 3 lần trong năm 2023. Về nguyên lý, việc FED tăng lãi suất sẽ khiến đồng USD lên giá so với hầu hết các đồng tiền khác, trong đó có VND, tạo sức ép nhất định lên tỷ giá USD/VND. Tuy nhiên lần tăng lãi suất này của Fed không gây ra nhiều biến động đối với tỷ giá trên thị trường thế giới.
Trên thị trường Việt Nam cũng tương tự, tỷ giá trung tâm đã có 2 phiên giảm liên tiếp sau động thái của FED. Tỷ giá mua giao ngay và tỷ giá bán kỳ hạn 3 tháng được Ngân hàng nhà nước giữ nguyên. Giá mua bán USD tại các ngân hàng Thương mại cũng giảm nhẹ.
Theo đánh giá của các chuyên gia, một nguyên nhân quan trọng đó là dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang đạt mức cao kỷ lục khoảng 110 tỷ USD vào cuối năm 2021 góp phần củng cố tấm đệm với các cú sốc bên ngoài và ổn định tỷ giá.
Trong thời gian qua ngân hàng nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá tương đối bài bản. Cùng với việc dự trữ ngoại hối lớn, nguồn cung ngoại tệ như kiều hối, giải ngân FDI dự báo vẫn tăng trưởng ổn định, cán cân thương mại dự kiến vẫn thặng dư khoảng 4-8 tỷ USD trong 2022 thì áp lực FED tăng lãi suất lên tỷ giá USD/VND trong 2022 là không quá lớn, dự kiến từ 0.5 – 1%.

• Lợi suất trái phiếu chính phủ tiếp tục tăng ở hầu hết các kỳ hạn dưới 10 năm
Theo thống kê của VBMA dựa trên công bố từ trang thông tin của SSC và HNX, so với cùng kỳ năm ngoái, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng từ đầu năm tăng 7.3%, đạt 8,204 tỷ đồng (chiếm 21.99% tổng giá trị phát hành) và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ tăng 27.12%, đạt 29,118 tỷ đồng (chiếm 78.01% tổng giá trị phát hành).
Bất động sản vẫn là ngành có giá trị phát hành lớn nhất, sau đó là ngành ngân hàng và chứng khoán
So với thời điểm cuối năm 2021, cơ cấu phát hành TPDN của nhóm ngân hàng có sự sụt giảm (từ 31,3% xuống còn 20,4%), thay vào đó là các doanh nghiệp phi ngân hàng khác.
Các ngân hàng đang thu hẹp vai trò ở cả khía cạnh tổ chức phát hành và nhà đầu tư trên thị trường TPDN. Có thể thấy sự tăng trưởng thực chất của thị trường này với định hướng dần trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn thay thế cho kênh tín dụng. Trong năm 2022, chúng tôi đánh giá thị trường trái phiếu vẫn có tiềm năng tăng trưởng tốt do cả cung và cầu duy trì ở mức cao. Tuy nhiên thị trường có thể bị tác động mạnh từ các thay đổi pháp lý, khiến lãi suất phát hành trái phiếu có thể nhích tăng, và vai trò của các Ngân hàng sẽ tiếp tục thu hẹp. Bên cạnh đó, hoạt động xếp hạng tín nhiệm cũng có nhiều tiềm năng phát triển cao.

3. Kênh cổ phiếu

• Cổ phiếu tiêu điểm
– FMC – Xuất khẩu tôm tăng trưởng vượt bật so với cùng kỳ:
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm trong tháng 2-2022 đạt 244,8 triệu USD, tăng 55% so với tháng 2-2021. 2 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm đạt gần 558 triệu USD, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 2 tháng 2022, FMC ghi nhận 40,2 triệu USD doanh thu (+63% svck) với sản lượng sản xuất tăng 40%. Việc Chính Phủ kiểm soát 25% cổ phần của FMC, FCM sẽ được giảm một mức giá nhất định khi mua thức ăn thủy sản và tôm nguyên liệu từ Chính Phủ, làm giảm áp lực lạm phát hàng hóa tiếp tục sẽ là một lợi thế về chi phí của FMC
Dự báo LNST công ty mẹ năm 2022 đạt 375 tỷ đồng (+40% yoy). Với mức giá 63.000 đồng/cổ phiếu hiện tại, FMC hiện giao dịch với hệ số P/E 2022 là 11.x, cao hơn mức trung bình lịch sử là 9.5x. Điều này phản ánh triển vọng tích cực cho năm 2022 của doanh nghiệp. Nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu FMC cần theo dõi chặt chẽ biến động giá tôm nguyên vật liệu.
– KBC – Dự kiến phát hành thêm cổ phiếu tỷ lệ 3:1 bằng nguồn vốn chủ sở hữu:
KBC dự kiến phát hành thêm cổ phiếu theo tỷ lệ 3:1, cổ đông sở hữu 3 cổ phiếu sẽ nhận thêm 1 cổ phiếu mới, tương đương 191,9 triệu cổ phiếu dự kiến phát hành. Nếu thành công, vốn điều lệ của công ty sẽ tăng từ 5.557 tỷ đồng lên 7.676 tỷ đồng. Năm 2021, KBC ghi nhận doanh thu đạt 4.308 tỷ đồng, LNST đạt 955,14 tỷ đồng, lần lượt tăng 100,3% và 198,7% svck.
Mục tiêu doanh thu năm 2022 là 9.800 tỷ đồng và LNST đạt 4.500 tỷ đồng – gấp 4,7 lần so với năm 2021. KBC hưởng lợi lớn từ xu hướng chuyển dịch cơ cấu của ngành sản xuất toàn cầu sang Việt Nam và có thành tích thu hút các khách thuê lớn như LG, Foxconn, Luxshare, Canon… KBC cũng đang tích cực gia tăng đầu tư phát triển khu đô thị. KBC hiện có định giá hợp lý do rủi ro pha loãng cổ phiếu cao từ đợt phát hành riêng lẻ sắp tới. Nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu KBC chú ý theo dõi tiến độ mở bán các dự án mới và tiến độ giải ngân đầu tư từ các khách hàng tiềm năng.
– STB – Thu hồi gần 72.000 tỷ đồng nợ xấu sau 5 năm sáp nhập thêm SouthernBank:
Từ một ngân hàng có năng lực tài chính tốt và phát triển ổn định, sau khi sáp nhập Ngân hàng Phương Nam năm 2015, STB phải đối diện với gần 97.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, chiếm 30% tổng tài sản. Chất lượng tài sản được cải thiện đáng kể. Theo ban lãnh đạo, STB đã thu hồi gần 72.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó khoảng 60.000 tỷ đồng là các khoản thuộc Đề án tái cơ cấu. Theo BCTC quy mô trái phiếu bán cho VAMC giảm từ mức đỉnh hơn 43 ngàn tỷ (2017) về còn hơn 23.7 ngàn tỷ (2021). Sau khi hoàn thành việc tái cơ cấu trong năm 2022, Ngân hàng dự kiến bán 32,5% vốn cổ phần do VAMC đang quản lý cho hai đối tác nước ngoài.
Câu chuyện phục hồi của STB là triển vọng tích cực cho doanh nghiệp. Tổng tỷ lệ nợ quá hạn của ngân hàng (gồm trái phiếu VAMC, lãi dự thu, khoản phải thu và nợ xấu nhóm 3-5) giảm còn 12.3% tính đến cuối 2021 so với mức cao nhất được ghi nhận hồi 2017 là 27,7%. STB đang giao dịch tương ứng với P/B 2021 đạt 1.85x, so với trung vị ngành là 1,9x, nhưng tài sản không sinh lời vẫn cao hơn so với tổng vốn chủ sở hữu; ROE năm 2021 của ngân hàng là 10.8% – thấp hơn nhiều so với trung vị ngành là 16.8%. Nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu STB cần theo dõi sát sao tiến trình tái cơ cấu của ngân hàng.
– PNJ – PNJ thu về 252 tỷ đồng lợi nhuận trong tháng 2.2022, tăng 18% so với cùng kỳ:
CTCP Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) vừa công bố tình hình kinh doanh tháng 2/2022, ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.589 tỷ đồng, tăng 26,5% và LNST đạt 252 tỷ đồng, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 2 tháng đầu năm, doanh thu thuần của PNJ đạt 7.066 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 522 tỷ đồng, lần lượt tăng 41% và 37% so với cùng kỳ năm 2021.
PNJ là cổ phiếu giá trị đáng để đầu tư dài hạn nhờ vào các lợi thế cạnh tranh bền vững như: 1) quy mô sản xuất lớn, 2) đội ngũ thiết kế giàu kinh nghiệm và 3) rào cản gia nhập ngành lớn. Dự báo LNST công ty mẹ năm 2022 đạt 1600 tỷ (+55% svck). Với mức giá 108.000 đồng/cổ phiếu hiện tại, PNJ hiện giao dịch với hệ số P/E 2022 là 15.4x. Đây là mức hấp dẫn với cổ phiếu đầu ngành và còn tiềm năng tăng trưởng như PNJ.

4. Kênh tài sản khác

• Giá phân bón tăng kỷ lục, an ninh lương thực của châu Âu bị đe dọa
Chỉ số giá phân bón ở Bắc Mỹ kết thúc vào ngày 25/3 đạt đỉnh lịch sử tại 1.270 USD/tấn, so với mức 1.248 USD/tấn trong tuần trước đó, tăng gần 2%. So với một tháng trước, khi chiến sự tại Ukraine nổ ra, giá mặt hàng này tăng hơn 40%. Giá lúa mì kỳ hạn giao sau trên Sàn giao dịch nông sản Chicago, Mỹ ngày 25/3 là 1.092 USD/giạ, tăng 45% so với đầu năm. Nhiều nông phẩm khác cũng tăng cao do ảnh hưởng của cuộc chiến tại Ukraine.
Các nguyên nhân khiến cho giá phân bón tăng mạnh trong thời gian qua gồm có: (1) Giá khí đốt, các nguyên liệu để sản xuất phân bón (gồm amoniac, nitơ, nitrat, photpho, kali và amoni sunfat) leo thang; (2) Thương mại giữa Nga và phần còn lại của thế giới bị gián đoạn nghiêm trọng, chuỗi cung ứng đứt gãy khi các nhà nhập khẩu và bên thuê tàu định kỳ chuyển hướng khỏi Nga. (3) Bên cạnh đó, nguồn cung phân bón còn gặp thêm áp lực từ lệnh cấm xuất khẩu của Trung Quốc và cuộc đình công đường sắt ở Canada.
Nga và Ukraine chiếm đến hơn 50% nguồn cung dầu hướng dương và 30% lúa mỳ thế giới. Đồng thời đóng vai trò chủ chốt trong chuỗi cung ứng phân bón, vốn là nguyên liệu cần thiết cho nông nghiệp được sản xuất chính từ khí đốt. Nông dân trên toàn thế giới đang như bị “trừng phạt”, bởi giá phân bón tăng vọt lên mức cao nhất mọi thời đại, gây ra lo ngại về tình trạng thiếu lương thực toàn cầu. Châu Âu là bên chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi đã phải cắt giảm nhà máy phân bón do giá khí đốt và các nguyên liệu đều tăng cao lên mức kỷ lục.
• Giá vàng trong nước tiếp tục tăng, giao dịch ở mức 69,15 triệu đồng
Do giá vàng thế giới tăng cao, mở sang 25/3, hầu hết các doanh nghiệp đều điều chỉnh giá vàng SJC tăng từ 100.000-250.000 đồng/lượng, tỷ giá trung tâm tăng 3 đồng.
Tại thời điểm 9 giờ 10 phút, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá mua và bán vàng SJC từ 68,45-69,15 triệu đồng, tăng 250.000 đồng/lượng.
Công ty Phú Quý cũng điều chỉnh tăng 250.000 đồng, hiện doanh nghiệp này đang giao dịch quanh mức 68,30-69,05 triệu đồng/lượng.
Công ty Doji điều chỉnh giá vàng SJC tăng 200.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước, giá mua và bán dao động từ 68,20-69,05 triệu đồng/lượng.
Chênh lệch chiều mua vào/bán ra đã được các doanh nghiệp rút ngắn, hiện còn từ 700.000-850.000 đồng/lượng.
Trên thế giới, đồng kim loại quý này dao động quanh ngưỡng 1.963 USD/ounce, tăng 22 USD/ounce so với cùng thời điểm phiên trước.
Những ảnh hưởng tâm lý đầu cơ vàng trong cuộc chiến tranh đã kết thúc. Tuy nhiên các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU đối với Nga sẽ thúc đẩy nhu cầu tích trữ vàng trong trung và dài hạn. Giá vàng sẽ tiếp tục xu hướng tăng giá bền vững trong trung và dài hạn bởi lạm phát ngày càng cao trên thế giới.

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0