Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 26.01.2022 | Tỷ trọng CASA của Techcombank vượt 50%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu hơn 163%

Nhận định Thị trường hàng ngày 26/01/2022    93963

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 26/01/2022

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Kinh tế Hàn Quốc năm 2021 tăng trưởng mạnh nhất trong hơn 1 thập kỷ
– Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc thông báo kinh tế nước này tăng trưởng 4% trong năm 2021, tăng trưởng như vậy hồi phục đáng kể tính từ mức âm 0,9% cùng kỳ năm trước, đạt mức mục tiêu 4% của chính phủ. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đồng thời công bố xuất khẩu tăng trưởng 9,7%, còn đầu tư vốn doanh nghiệp tăng 8,3%.
– Trong quý 4/2021, kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng 1,1% so với quý liền trước, ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao hơn so với quý 3/2021. Mức tăng trưởng này cũng cao hơn so với mức tăng 0,9% theo các chuyên gia khảo sát của Reuters.
– Tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc trong năm 2021 lên mức cao nhất trong 11 năm nhờ vào xuất khẩu và tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp lên mạnh, hồi phục sau khi tăng trưởng âm vào năm trước đó. Tuy nhiên, tiêu dùng cá nhân phục hồi yếu kém do các biện pháp giãn cách xã hội đã kéo lùi mức tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc.
– Mặc dù nền kinh tế Hàn Quốc có sự phục hồi mạnh mẽ nhưng sự phục hồi này không đồng đều sau ảnh hưởng của dịch COVID-19 vào năm 2020. Sự phục hồi về chi tiêu cũng không giống nhau do khoảng cách thu nhập xã hội.
– Hơn nữa, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã tăng lãi suất về mức trước đại dịch vào đầu tháng 1 và còn báo hiệu có thể thắt chặt hơn nữa nếu áp lực tăng trưởng và lạm phát vẫn còn mạnh. Với áp lực lạm phát, nhiều khả năng đà tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Hàn Quốc sẽ suy giảm, khi khảo sát của Reuters dự báo nền kinh tế Hàn Quốc sẽ tăng trưởng 2,9% trong năm nay, dưới mức 3,0% mà Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc dự báo.

• Giá quặng sắt tăng tuần thứ 3 liên tiếp
– Giá quặng sắt loại hàm lượng chứa 62% sắt tại khu vực phía Bắc Trung Quốc trong phiên giao dịch cuối tuần trước đã tăng 2,3% lên 137,36 USD/tấn. Giá quặng sắt giao tháng 5/2022 trên sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên (DCE) cũng tăng 2,2% lên 756 Nhân dân tệ (119,17 USD)/tấn – chạm mức cao nhất kể từ tháng 10/2021. Tính chung cả tuần trước, giá quặng sắt trên sàn DCE đã tăng tới 4,6%, xác lập tuần tăng giá thứ 3 liên tiếp.
– Thị trường hiện đang phản ứng tích cực sau khi Trung Quốc phát tín hiệu sẽ đẩy mạnh việc nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế. Giới đầu tư kỳ vọng việc tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ phần nào bù đắp sự suy giảm nhu cầu sử dụng thép trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc.
– Dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường Mysteel (Trung Quốc) cho thấy mức độ hoạt động của các lò cao thuộc 247 doanh nghiệp sản xuất thép tại Trung Quốc tiếp tục tăng lên, đạt 81,08% trong tuần trước, cao hơn mức 79,89% cách đó một tuần. Trung Quốc hiện là quốc gia có sản lượng thép thô và mức tiêu thụ thép lớn nhất thế giới.
– Hãng môi giới giao dịch hàng hoá phái sinh SinoSteel Futures (Trung Quốc) cho biết hiện thị trường kỳ vọng cao rằng hoạt động sản xuất thép tại Trung Quốc sẽ tăng trở lại trong trung hạn tuy nhiên trong ngắn hạn nhu cầu đối với các nguyên nhiên liệu phục vụ sản xuất thép có thể vẫn ở mức thấp do Trung Quốc chuẩn bị tổ chức Thế vận hội mùa Đông trong tháng 2/2022 và các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt hiện tại.

2. Thông tin Việt Nam

• Giá tăng mạnh, nhập khẩu xăng dầu cả năm 2021 vọt lên 4.1 tỷ USD
– Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, lượng xăng dầu nhập khẩu năm 2021 đạt 6,96 triệu tấn, trị giá 4,14 tỷ USD, giảm 15,5% về lượng và tăng 24,6% về trị giá so với năm 2020; giá trung bình 593 USD/tấn, tăng 191 USD/tấn so với giá nhập khẩu cùng kỳ năm trước.
– Năm vừa qua, 4 thị trường cung cấp xăng dầu lớn nhất lần lượt là Malaysia, Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan. Ngôi vị này có sự thay đổi khi Hàn Quốc đánh mất vị trí thị trường nhập khẩu xăng dầu lớn nhất, nhường ngôi vị dẫn đầu cho Malaysia. Năm nay, Thái Lan cũng thế chỗ Trung Quốc là thị trường nhập khẩu xăng dầu lớn thứ 4 của Việt Nam.
– Cụ thể, năm 2021, nhập khẩu từ thị trường Malaysia đạt 2.269.559 tấn, trị giá 1,27 tỷ USD, giá trung bình 563 USD/tấn, tăng 198 USD/tấn so với năm 2020. Malaysia là thị trường mà Việt Nam nhập khẩu xăng dầu nhiều nhất, chiếm 32,4% về lượng và 30,8% về tổng trị giá.
– Giá xăng dầu tăng kỷ lục trong năm qua là nguyên nhân chính dẫn đến chi ngoại tệ nhập nhóm hàng vọt lên trên 4 tỷ USD. Năm 2020, tổng lượng xăng dầu nhập khẩu và tạm nhập để tái xuất của nước ta là 8,27 triệu tấn, trị giá khoảng 3,33 tỷ USD, giảm 17,9% về lượng và giảm 45,7% về trị giá so với năm 2019.
– Bộ Công thương lý giải, lượng nhập khẩu xăng dầu năm 2020 tiếp tục giảm so với năm 2019 do sản xuất trong nước đã đáp ứng một phần đáng kể, tuy nhiên nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu xăng dầu năm 2020 nội địa giảm mạnh dưới tác động của dịch Covid-19. Giá xăng nhập khẩu bình quân năm 2020 giảm khoảng 33,8% so với năm trước cũng là yếu tố kéo nhập khẩu xăng dầu giảm mạnh so với năm 2019.
– Còn trong năm 2021, dù đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng nặng nề và giá xăng dầu lập kỷ lục mới đã tác động tiêu cực đối với nền kinh tế toàn cầu trong đó có Việt Nam và đà tăng của giá xăng dầu vẫn chưa dừng lại. Các doanh nghiệp ngành dầu khí, cụ thể là những doanh nghiệp thượng nguồn hay doanh nghiệp phân phối khí, sẽ tiếp tục được hưởng lợi với việc giá dầu tăng mạnh và nền kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2020 thấp.

• Năm 2021: Thương mại Việt Nam – Trung Quốc tăng gần 25%
– Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, bất chấp dịch bệnh Covid-19, kim ngạch thương mại Việt Nam – Trung Quốc năm 2021 vẫn đạt 165,8 tỷ USD, tăng 24,6% so năm trước. Theo số liệu thống kê của Hải quan Trung Quốc, kim ngạch hai chiều lần đầu tiên vượt ngưỡng 200 tỷ USD, đạt 230,2 tỷ USD, tăng 19,7% so năm trước nếu tính theo đồng USD và 12% khi tính bằng đồng nhân dân tệ (NDT). Với kết quả này, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.
– Ngược lại, Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc trên thế giới sau các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Australia.
– Nhiều nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Trong đó, lớn nhất là điện thoại và linh kiện. Đây là nhóm hàng xuất khẩu “chục tỷ đô” đầu tiên của Việt Nam ở thị trường Trung Quốc khi mới tính con số xuất khẩu trong 10 tháng năm 2021. Đáng chú ý, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nhiều hàng nông sản của Việt Nam. Trong đó, rau quả và cao su là 2 nhóm hàng đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD.
– Dù dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phúc tạp và gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Trung Quốc vẫn tăng trưởng mạnh mẽ. Trung Quốc với quy mô dân số lớn nhất thế giới và hiện có trên 400 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu nên nhu cầu tiêu dùng rất lớn và là thị trường xuất khẩu hấp dẫn với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Tỷ trọng CASA của Techcombank vượt 50%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu hơn 163%
– Theo ngân hàng Techcombank (HoSE: TCB), năm 2021, tổng thu nhập hoạt động năm 2021 tăng 35,4% so với cùng kỳ năm trước, lên 37.100 tỷ đồng, nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ từ cả thu nhập lãi và thu nhập từ hoạt động dịch vụ. Thu nhập từ lãi đạt 26.700 tỷ đồng, tăng 42,4% so với cùng kỳ năm trước, dẫn dắt bởi biên lãi thuần (NIM – tính trên 12 tháng gần nhất) đạt 5,6% (so với mức 4,9% của năm 2020). Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng năm 2021 đạt 23.238 tỷ đồng, tăng 47% so với năm 2020.
– Tăng trưởng dư nợ tín dụng được dẫn dắt bởi sự gia tăng của dư nợ cho vay khách hàng cá nhân, tăng 45,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 161.700 tỷ đồng.
– Tỷ lệ nợ xấu cuối quý IV/2021 ở mức 0,7% và tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 163%. Nợ tái cơ cấu theo chương trình hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 là 1.900 tỷ đồng, tương đương 0,5% tổng dư nợ, thấp hơn mức 2.800 tỷ đồng ở cuối quý III/2021.
– Thu nhập từ hoạt động dịch vụ đã tăng mạnh nhờ ghi nhận sự tăng trưởng ở tất cả các loại phí chủ chốt: Thu phí từ dịch vụ ngân hàng đầu tư (IB) – cấu phần lớn nhất trong thu nhập từ hoạt động dịch vụ, đạt 3.600 tỷ và tăng trưởng 32,8% so với cùng kỳ năm ngoái, phí từ hoạt động phân phối trái phiếu tăng 57,4% và phí từ các dịch vụ IB khác tăng 66,7% trong năm 2021.

• Viglacera lần đầu lãi vượt nghìn tỷ nhờ mảng bất động sản và nhóm kính
– Theo BCTC hợp nhất quý IV, Tổng Công ty Viglacera (HOSE: VGC) đạt 3.692 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 59% so với cùng kỳ. Khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp tăng 63% lên 892 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận sau thuế ở mức 442 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần quý IV/2020. Phần lãi thuộc cổ đông công ty mẹ cũng tăng 356% lên 410 tỷ đồng.
– Lũy kế năm 2021, doanh thu hợp nhất tăng 19%, ở mức 11.200 tỷ đồng. Lãi trước thuế tăng trưởng 83% đạt 1.541 tỷ đồng, phần lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ gấp đôi lên 1.277 tỷ đồng. Đây là năm đầu tiên lợi nhuận vượt nghìn tỷ trong lịch sử hoạt động của công ty.
– Trong cơ cấu doanh thu, dịch vụ cho thuê bất động sản và xây dựng chiếm tỷ trọng lớn nhất 35% với 3.927 tỷ đồng, tăng 58% so với năm 2020. Tiếp đến là nguồn thu từ bán gạch ốp lát 2.577 tỷ, giảm gần 6%. Các sản phẩm gạch, ngói đất sét nung mang lại 1.705 tỷ đồng; doanh thu thuần của nhóm kính là 1.669 tỷ; nhóm sứ, sen vòi, phụ kiện thu về hơn 1.025 tỷ đồng.
– Công ty cho biết bất động sản khu công nghiệp tiếp tục mang lại hiệu quả và đóng góp lợi nhuận chính cho tổng công ty. Với lĩnh vực vật liệu xây dựng, nhóm kính tăng trưởng mạnh về quy mô và lợi nhuận. Quý IV/2021, Viglacera bắt đầu hợp nhất BCTC của Công ty TNHH Kính nổi Siêu trắng Phú Mỹ (PFG) sau khi tỷ lệ sở hữu từ 35% lên 65% từ ngày 1/10/2021.
– Năm 2021, Viglacera đặt mục tiêu 12.000 tỷ đồng doanh thu và 1.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 27% và 19% so với thức hiện năm ngoái. Như vậy, công ty đã hoàn thành 93% kế hoạch về doanh thu và vượt 54% chỉ tiêu lợi nhuận.
– Tại thời điểm 31/12/2021, tổng tài sản đạt 22.015 tỷ đồng, tăng 22,4% so với đầu năm. Tiền và tương đương tiền hơn 2.701 tỷ đồng, tăng 39%. Các khoản phải thu ngắn hạn giảm 11,5% xuống 933 tỷ đồng, chủ yếu do giảm khoản phải thu khách hàng.
– Giá trị xây dựng cơ bản dở dang dài hạn là hơn 5.120 tỷ đồng tại ngày 31/12/2021, chủ yếu ở các khu công nghiệp. Trong đó, một số dự án có giá trị dở dang lớn như khu công nghiệp Yên Phong II C (920 tỷ, Bắc Ninh), khu công nghiệp Yên Mỹ (913 tỷ, Hưng Yên).

4. Nhịp đập thị trường chứng khoán

– Thị trường chứng khoán mở cửa phiên giao dịch ngày 25/01/2022 tương đối ảm đạm khi phần lớn các nhóm ngành đều chìm trong sắc đỏ với mức thanh khoản yếu kém. VN-Index liên tục giằng co dưới mức tham chiếu trong phiên sáng trong biên độ 10 điểm cách vùng tham chiếu, và chạm vùng hỗ trợ 1420 – 1430 hai lần chỉ trong vòng 1 tiếng. Tuy nhiên, lực cầu xuất hiện mạnh kể từ thời điểm phiên chiều bắt đầu, đặc biệt tại các cổ phiếu vốn hóa lớn. Sắc xanh nhanh chóng bao trùm thị trường khi các cổ phiếu trụ đóng vai trò dẫn dắt chỉ số, kéo theo VN-Index bật tăng mạnh mẽ và mở đầu ra cú đảo chiều ngoạn mục cho thị trường. Kết phiên giao dịch VN-Index tăng mạnh gần 40 điểm, đạt mức 1,479.58.
– Về mức độ ảnh hưởng, VHM, HPG, MSN, BID là những mã có tác động tích cực nhất đến chỉ số VN-Index khi góp hơn 11 điểm tăng cho chỉ số này. Trong khi đó, VNM, HAG và SAB là những mã có tác động tiêu cực nhất đến chỉ số.
– Vật liệu xây dựng là ngành ghi nhận sự tăng điểm mạnh nhất thị trường trong phiên giao dịch nhờ mức tăng mạnh của HPG. Giá HPG bật tăng mạnh mẽ hơn 6% khi kết phiên sau khi chạm về vùng hỗ trợ 40.
– Tuy nhiên, sự đóng góp tích cực nhất đến từ ngành ngân hàng khi có tới 19/20 mã trong nhóm tăng giá, góp phần lớn cho việc lan tỏa sự tích cực cho thị trường. Trong đó, LPB nổi bật khi leo dốc tăng hết biên độ, một phần nhờ thông tin hỗ trợ đến từ việc VNPost công bố kế hoạch bán đấu giá cổ phần trong ngân hàng. Các mã khác trong nhóm như TCB, ACB, VIB và TPB cũng bật tăng tích cực sau khi công bố kết quả kinh doanh năm 2021 với sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ.
– Về giao dịch khối ngoại, riêng sàn HOSE, khối ngoại mua ròng trở lại 1.291 tỷ đồng sau 4 phiên bán ròng liên tiếp, tương ứng khối lượng 36,4 triệu cổ phiếu.
– VN-Index hồi phục mạnh mẽ ở phiên chiều giúp chỉ số tăng mạnh gần 40 điểm. Tuy nhiên, vùng 1480 của VN-Index và 1520 của VN30 sẽ tạo ra áp lực cản nhất định, nên nhịp hồi phục của thị trường vẫn cần thời gian và nhiều khả năng sẽ chậm lại với động thái thăm dò của nhà đầu tư. Trong thời gian tới, việc quỹ Jin Suh của Đài Loan giải ngân vào thị trường Việt nam sẽ là yếu tố hỗ trợ cho thị trường, đặc biệt là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
– Thị trường ngày hôm nay cũng cho thấy dòng tiền vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn chiếm hơn 40% tổng thanh khoản, phản ánh sự phân hóa và dịch chuyển tiếp tục diễn ra. Hiện tại, nhà đầu tư nên tránh sự hưng phấn quá đà khi thanh khoản trên thị trường vẫn thấp và biến động chỉ số vẫn đang mạnh và các nhịp rung lắc sẽ xuất hiện ở vùng 1480 – 1500 cho VN-Index, đồng thời quan sát và cân nhắc gia tăng tỷ trọng nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như ngân hàng khi cơ hội xuất hiện.

——–
Trung tâm Tư vấn đầu tư VNDIRECT
Hội tụ trí tuệ – Lan tỏa thành công
📅 Lịch phát sóng các chương trình của Trung tâm TVĐT:
Thứ 2, 15h: La Bàn Đầu tư – điểm lại tin tức vĩ mô & các kênh Tài sản trong tuần.
Thứ 4, 15h30: Tọa đàm đầu tư – cập nhật về Ngành, Mã có câu chuyện đầu tư, đáng chú ý- Chương trình dành riêng cho Khách hàng của VNDIRECT

Thứ 5, 15h30: Cổ phiếu 360 – Nhận định về một mã cổ phiếu ở 2 góc nhìn Tích cực & Tiêu cực
Thứ 7, 9h (2 tuần/ lần) : Đối thoại với PM – Mời Khách mời là PM hoặc các chuyên gia trong Ngành để trao đổi, thảo luận về quan điểm, chiến lược đầu tư.
————
Các chương trình của chúng tôi được phát sóng trên:
🌎 Website: https://www.vndirect.com.vn/
🌎 Fanpage Vndirect Securities Corporation : https://www.facebook.com/vndirect
📺 Youtube: https://www.youtube.com/vndirectdinsightsbantronchuyengia
#Dcall