Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 25.06.2021 LienVietPostBank được chấp thuận tăng vốn điều lệ, chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 12%

Nhận định Thị trường hàng ngày 25/06/2021    19860

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 25/062021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Nhu cầu thanh khoản gia tăng, Trung Quốc bơm thêm gần 5 tỷ USD vào hệ thống tài chính
– Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) bơm 30 tỷ nhân dân tệ (4,6 tỷ USD) bằng hợp đồng mua lại đảo chiều 7 ngày, vượt xa mức giảm 10 tỷ nhân dân tệ giảm tính đến ngày 24/6.
– Động thái trên diễn ra trong bối cảnh lãi suất liên ngân hàng qua đêm tăng lên cao nhất kể từ tháng 2 do các ngân hàng tìm thêm nguồn vốn để mua trái phiếu và tích trữ tiền mặt chuẩn bị cho đợt kiểm tra theo quy định vào cuối quý.
– Động thái tăng bơm tiền này rất đáng chú ý và đánh dấu sự thay đổi về cách tiếp cận của PBoC trong việc quản lý thanh khoản. Trước đó, PBoC dường như không muốn tăng mức bơm tiền một phần vì chi phí tài trợ thấp và nỗi lo ngại của Cơ quan này về khả năng nợ gia tăng trong nền kinh tế.
– Trái phiếu Chính phủ Trung Quốc dường như không bị bán tháo như dự báo của các chuyên gia, dù lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ gia tăng và nền kinh tế hồi phục. Điều này một phần là do tốc độ phát hành trái phiếu mới chậm hơn dự báo và dòng vốn vào gia tăng. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm giảm xuống đáy 8 tháng ở mức 3.06% trong tháng 5/2021, nhưng sau đó tăng lên mức 3.09%.
– Dù vậy, nỗi lo về làn sóng bán tháo trái phiếu lại trỗi dậy khi các cơ quan chính quyền địa phương được cho là sẽ bán khoảng 660 tỷ Nhân dân tệ trái phiếu trong tháng này. Đây là động thái có thể làm cạn kiệt thanh khoản liên ngân hàng. Các ngân hàng Trung Quốc có thể không sẵn lòng cho vay khi càng đến cuối tháng 6/2021, vì họ đang chuẩn bị cho đợt rà soát thanh khoản của các cơ quan điều hành. Điều này làm giảm mức vốn dành cho việc mua trái phiếu.

• Bộ trưởng Tài chính Mỹ cảnh báo nguy cơ vỡ nợ vào tháng 8
– Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 23/6 cảnh báo quốc hội rằng nước Mỹ có nguy cơ vỡ nợ và đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính mới sớm nhất vào tháng 8, nếu các nhà lập pháp không nhanh chóng hành động để đình chỉ hoặc nâng giới hạn vay.
– Trong phiên điều trần trước một tiểu ban của Thượng viện về dự thảo ngân sách mới, Bộ trưởng Yellen cho biết việc vỡ nợ là “điều không thể tưởng tượng được” và sẽ gây ra những hậu quả kinh tế vô cùng thảm khốc. Bà Yellen nói rằng để tránh bất ổn cho thị trường tài chính, quốc hội nên thông qua luật giới hạn nợ mới – cho phép Kho bạc tiếp tục vay – trước khi lệnh đình chỉ gần nhất hết hạn vào ngày 31/7.
– Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ, nếu Mỹ thực sự không thể đảm bảo các nghĩa vụ trả nợ, nền kinh tế sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính, đe dọa việc làm và tiền tiết kiệm của người dân Mỹ vào thời điểm nước này vẫn đang phục hồi sau đại dịch Covid-19.
– Trước đây, Bộ Tài chính Mỹ từng ngăn chặn khả năng vỡ nợ trong vài tháng bằng cách sử dụng các biện pháp quản lý dòng tiền bất thường, như tạm ngừng đóng tiền vào quỹ hưu trí của nhân viên chính phủ. Nhưng lần này, các biện pháp bất thường của Bộ Tài chính Mỹ có thể không còn vào tháng Tám, thời điểm quốc hội Mỹ tạm nghỉ mùa hè theo truyền thống. Khi đó, Bộ Tài chính chỉ có thể dựa vào nguồn thu thuế để thanh toán các nghĩa vụ nợ, nhưng rồi sẽ không thể hoàn thành đáp ứng mọi khoản trả nợ nếu không có khoản vay mới.
– Chia sẻ quan điểm tương tự như chủ tịch Fed Jerome Powell, bà lưu ý hầu hết các thước đo về kỳ vọng lạm phát trong năm tới đều cho thấy nó quay trở lại gần mức 2% mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đề ra. Bà Yellen viện dẫn lý do cho sự gia tăng áp lực giá gần đây là vì tình trạng tắc nghẽn, thiếu hụt nguồn cung phát sinh vào mùa Xuân khi nền kinh tế phục hồi sau giai đoạn đóng cửa vì Covid-19.
– Bộ trưởng Tài chính Mỹ hy vọng những vấn đề đó sẽ “tự giải quyết” trong những tháng tới. Đồng thời, các yếu tố dài hạn góp phần duy trì lạm phát ở mức thấp hơn trong suốt thập kỷ qua sẽ mạnh lên và đưa lạm phát xuống thấp hơn.

2. Thông tin Việt Nam

• Lần đầu tiên, xuất khẩu phân bón đạt khối lượng và kim ngạch cao nhất
– Việc xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài được bắt đầu khi các nhà máy sản xuất phân bón của Việt Nam đáp ứng thừa nhu cầu tiêu thụ trong nước.
– Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải Quan, tính từ đầu năm đến ngày 15/6, xuất khẩu phân bón đạt 615.710 tấn, tương đương giá trị 212,867 triệu USD, tăng 49% về lượng và tăng 1,76 lần về trị giá. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử xuất khẩu phân bón đạt con số cao kỷ lục như vậy.
– Giá phân bón xuất khẩu trong tháng 5 tăng nhẹ 0,9% so với tháng 4 và tăng 14% so với tháng 5-2020, đạt trung bình 342,3 USD/tấn. Tính chung trong cả năm tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu cũng tăng gần 11% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 322 USD/tấn.
– Các loại phân bón của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Campuchia và chiếm 37% trong tổng lượng và 39% trong tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước trong năm tháng đầu năm nay, đạt 214.136 tấn, tương đương 72,7 triệu USD, tăng mạnh 63,3% về lượng và tăng 76,5% kim ngạch so với cùng kỳ, giá cũng tăng 8,1%, đạt 339,5 USD/tấn.
– Xuất khẩu sang Malaysia đạt 41.293 tấn, tương đương 8,6 triệu USD, giá 208,2 USD/tấn, giảm cả về lượng và kim ngạch, tuy nhiên giá xuất khẩu tăng tương đối cao gần 23%. Xuất khẩu sang Lào đạt 24.330 tấn, tương đương 8,98 triệu USD, chiếm hơn 4% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước, tăng 9,3% về lượng và tăng 4,3% về kim ngạch so với cùng kỳ, giá giảm 4,5%, đạt 369 USD/tấn.
– Đáng chú ý, xuất khẩu sang thị trường Philippines và Mozambique mặc dù kim ngạch không lớn, nhưng so với cùng kỳ năm trước thì tăng rất mạnh.
– Ngành phân bón Việt Nam năm 2020 tăng trưởng khả quan bất chấp tình hình dịch bệnh trên toàn cầu. Và với triển vọng tích cực từ ngành nông nghiệp là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tiêu thụ phân bón Việt Nam. Với tình hình thời tiết năm 2021 dự báo thuận lợi, cùng giá các loại nông sản đang ở mức cao, sẽ là điều kiện tốt để người nông dân tăng cường chăm bón cho cây trồng, nâng cao năng suất, từ đó gia tăng nhu cầu sử dụng phân bón. Với triển vọng khả quan trong năm 2021,chúng tôi đánh giá hầu hết các doanh nghiệp phân bón nội địa đều được hưởng lợi.

• Vốn FDI vào Việt Nam nửa đầu năm 2021 đạt gần 15,3 tỷ USD, Long An liên tục dẫn đầu.
– Theo báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/6/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 15,27 tỷ USD, bằng 97,4% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 9,24 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2020.
– Cụ thể, có 804 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (giảm 43,3%), tổng vốn đăng ký đạt gần 9,55 tỷ USD (tăng 13,2% so với cùng kỳ); 460 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (giảm 12,5%), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 4,12 tỷ USD (tăng 10,6% so với cùng kỳ).
– Theo lĩnh vực đầu tư, các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 6,98 tỷ USD, chiếm 45,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,34 tỷ USD, chiếm gần 35% tổng vốn đầu tư đăng ký.
– Theo đối tác đầu tư, đã có 80 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Đầu tư của một số đối tác lớn như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc đều tăng lên so với cùng kỳ. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,64 tỷ USD, chiếm gần 36,9% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020. Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 2,44 tỷ USD, chiếm gần 16% tổng vốn đầu tư và tăng 66,8% so với cùng kỳ.
– Theo địa bàn đầu tư, các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 56 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó, Long An dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,57 tỷ USD, chiếm 23,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 1,43 tỷ USD, chiếm 9,3% tổng vốn đầu tư. Cần Thơ đứng thứ ba với 1,32 tỷ USD, chiếm 8,6% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Bình Dương, Hải Phòng, Hà Nội.
– Tính lũy kế đến ngày 20/6/2021, cả nước có 33.787 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 397,89 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 241,1 tỷ USD, bằng 60,6% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Xe điện là cơ hội để Vingroup thay đổi tầm vóc, Vinbiocare là hướng sản xuất kinh doanh mới
– Tại đại hội cổ đông năm nay, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup đã có những chia sẻ về chiến lược phát triển xe điện và hoạt động của công ty mới mở VinBiocare. Theo ông Phạm Nhật Vượng, kế hoạch sản xuất vắc xin hoàn toàn là phi lợi nhuận.
– Theo đó, Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vingroup trình đại hội thông qua kế hoạch doanh thu thuần 170.000 tỷ đồng, tăng 54% so với năm 2020 và lợi nhuận sau thuế tương đương năm ngoái khoảng 4.500 tỷ đồng.
– Chia sẻ thêm về hoạt động kinh doanh năm nay, Tập đoàn Vingroup sẽ đẩy mạnh các hoạt động nhằm củng cố ba trụ cột chính Công nghệ – Công nghiệp – Thương mại Dịch vụ. Công ty dự kiến đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ ̣của mỗi ngành dọc.
– Trong lĩnh vực Công nghệ – Công nghiệp, VinFast dự kiến ra mắt năm mẫu xe máy điện và ba mẫu xe ô tô thông minh. Các mẫu xe mới giúp VinFast tiếp tục giữ vững vị thế tại thị trường nội địa, đồng thời đưa VinFast ra thị trường quốc tế.
– Về lĩnh vực bất động sản nhà ở, Vinhomes tiếp tục triển khai và bàn giao các dự án dại đô thị, đẩy mạnh triển khai mô hình bán hàng đa kênh kết hợp giữa trực tuyến và truyền thống, đồng thời ra mắt hoạt động kinh doanh thứ cấp hỗ trợ người mua nhà.
– Bên cạnh đó, Tập đoàn Vingroup trình đại hội phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 12,5%. Tổng số cổ phần dự kiến phát hành thêm để chi trả cổ tức bằng cổ phiếu gần 423 triệu cổ phần. Thời gian phát hành dự kiến trong hai quý cuối năm 2021.

• LienVietPostBank được chấp thuận tăng vốn điều lệ, chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 12%
– Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản chấp thuận đề nghị tăng vốn của Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank – LPB). Cụ thể, NHNN chấp thuận việc LienVietPostBank tăng vốn điều lệ thêm tối đa 1.289 tỷ đồng thông qua hình thức phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu.
– Theo kế hoạch đã được ĐHĐCĐ thường niên thông qua, LienVietPostBank sẽ phát hành gần 129 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 12%. Ngoài ra, ngân hàng có kế hoạch phát hành riêng lẻ 66,7 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài, phát hành 265 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành 35 triệu cp theo chương trình ESOP. Nếu hoàn thành được tất cả các đợt phát hành này, vốn điều lệ của LienVietPostBank sẽ tăng lên 15.703 tỷ đồng.
– Về kết quả kinh doanh, quý 1/2021, tính đến hết ngày 31/3/2021, tổng tài sản của LienVietPostBank đạt hơn 245.200 tỷ đồng, tăng trên 20% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng 3 tháng đầu năm đạt 1.112 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ và là quý có lãi cao nhất trong lịch sử nhà băng này.


Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

———–

Quý Nhà đầu tư vui lòng dành 3 phút tham gia Khảo sát Đánh giá và đóng góp ý tưởng hoàn thiện Bản tin Nhận định thị trường DCALL: TẠI ĐÂY 

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0