Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 24.06.2020 – Nửa cuối năm, lãi suất đối mặt áp lực tăng

Nhận định Thị trường hàng ngày 24/06/2020    1865

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: “Nửa cuối năm, lãi suất đối mặt áp lực tăng”

1. Thông tin vĩ mô quốc tế

Trung Quốc và EU cam kết tăng cường hợp tác kinh tế song phương

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 22/6 kêu gọi Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) mở rộng mối quan hệ song phương và tăng cường hợp tác thực tế để đạt được lợi ích chung, đi đến kết quả đôi bên cùng có lợi.

Ông Lý Khắc Cường cho hay hai bên sẽ kết thúc đàm phán Thỏa thuận đầu tư toàn diện Trung Quốc-EU trong năm 2020 và đi đến được một thỏa thuận toàn diện, cân bằng và cấp cao. Thủ tướng Trung Quốc cũng kêu gọi ký kết thỏa thuận chỉ dẫn địa lý song phương vào một thời điểm gần nhất có thể.

ASEAN+3 sẵn sàng đối phó hiệu quả hơn với khủng hoảng tài chính

Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và 10 quốc gia Đông Nam Á (ASEAN+3) đã củng cố chương trình thanh khoản khẩn cấp nhằm sẵn sàng đối phó hiệu quả hơn với các cuộc khủng hoảng tài chính có thể xảy ra trong tương lai.

Trong thông báo ngày 23/6, Bộ Kinh tế và tài chính Hàn Quốc cho biết quyết định này được đưa ra sau khi các nước có những điều chỉnh trong mạng lưới an toàn tài chính khu vực được biết dưới tên gọi Thỏa thuận Đa phương hóa sáng kiến Chiang Mai (CMIM) và chính thức có hiệu lực vào ngày 23/6/2020.

Thỏa thuận CMIM là thể thức hỗ trợ thanh khoản bằng USD của ASEAN+3 với quy mô cam kết lên đến 240 tỷ USD được thực hiện thông qua giao dịch hoán đổi tiền tệ giữa các ngân hàng trung ương để các thành viên CMIM giải quyết các khó khăn khẩn cấp về cán cân thanh toán và thanh khoản USD trong ngắn hạn, thực hiện mục tiêu ổn định tiền tệ và kinh tế vĩ mô.

2. Tin vĩ mô trong nước

Quốc hội trao nhiều cơ chế đặc thù cho Hà Nội trong 5 năm tới

Sáng 19/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội. Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2020 và được thực hiện trong 5 năm.

Trên cơ sở đó, HĐND thành phố quyết định áp dụng trên địa bàn thành phố Hà Nội một số khoản thu phí phù hợp với đặc điểm của thành phố Hà Nội, bao gồm: Phí chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí.

Đồng thời HĐND thành phố có thẩm quyền điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí được quy định trong danh mục phí, lệ phí, trừ các loại phí thuộc nguồn thu của ngân sách trung ương hưởng 100%.

Cùng với đó, ngân sách thành phố Hà Nội được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu phí để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội và chi sự nghiệp kinh tế, khoa học – công nghệ, giáo dục, y tế và phúc lợi xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố Hà Nội.

Đồng thời ngân sách thành phố Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của thành phố Hà Nội.

Ngân sách thành phố Hà Nội cũng được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do UBND thành phố làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước để bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của thành phố Hà Nội.

3. Các kênh đầu tư

Nửa cuối năm, lãi suất đối mặt áp lực tăng

Do đặc thù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 kéo theo suy thoái kinh tế, ngân hàng đang trong quãng thời gian hiếm hoi không đói vốn. Nhưng khi nền kinh tế hồi phục, nhu cầu huy động vốn tăng cao thì áp lực tăng lãi suất cũng dâng lên.

Ngân hàng Nhà nước vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm khá tham vọng là 11-14% dù đã tính đến tác động của dịch Covid-19. Tham vọng này không khó hiểu, bởi tăng trưởng GDP nhiều năm qua phụ thuộc lớn vào tăng trưởng tín dụng.

Tính đến giữa tháng 6, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 2,13% so với đầu năm. Như vậy, áp lực tăng tín dụng trong 6 tháng cuối năm là rất lớn, nhưng không hẳn là không khả thi bởi khác với các nước, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch từ cuối tháng 4, là tiền đề quan trọng để phục hồi tốt trong nửa cuối năm. Nếu tình hình kinh tế thế giới dần tốt lên sau thời gian giãn cách xã hội, “cửa” tăng tín dụng còn rộng mở hơn.

Nhu cầu huy động vốn tăng cao để phục vụ tăng trưởng tín dụng, tạo áp lực tăng lãi suất, mới là một vế. Ở vế còn lại, áp lực lạm phát cũng không nhỏ. Ngay cả trong bối cảnh nền kinh tế đi xuống, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng đầu năm 2020 vẫn tăng tới 4,39% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất trong 3 năm gần đây. Áp lực sẽ lớn hơn nhiều khi nền kinh tế phục hồi và như đã đề cập, áp lực lạm phát càng tăng thì áp lực tăng lãi suất càng lớn, một mặt là để duy trì lãi suất thực dương, mặt khác, nhằm hút bớt tiền về để giảm áp lực lạm phát.

Tựu trung, nửa cuối năm, lãi suất đối mặt áp lực tăng không hề nhỏ, đặc biệt là ở kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do không bị áp trần lãi suất.