Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 23.12.2021 | Mỹ sẽ trở thành nhà xuất khẩu khí đốt lớn nhất thế giới vào năm 2022

Nhận định Thị trường hàng ngày 23/12/2021    89569

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 23/12/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Mỹ sẽ trở thành nhà xuất khẩu khí đốt lớn nhất thế giới vào năm 2022
– Nhu cầu LNG toàn cầu tăng cao kỷ lục mỗi năm kể từ năm 2015, chủ yếu tại Trung Quốc và phần lớn Châu Á. Phần lớn nhu cầu được đáp ứng nhờ xuất khẩu LNG của Mỹ tăng đều đặn, đạt kỷ lục mới hàng năm kể từ năm 2016 và sẵn sàng tiếp tục vào năm 2022.
– Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ dự báo, xuất khẩu LNG của Mỹ sẽ đạt 11,5 tỷ feet khối mỗi ngày vào năm 2022 (tương đương 22% nhu cầu LNG toàn cầu) và sẽ vượt xa Úc và Qatar – hai nhà xuất khẩu lớn nhất hiện nay.
– Một tỷ feet khối là đủ khí đốt cho khoảng 5 triệu ngôi nhà ở Mỹ trong một ngày. Mỹ sẽ vẫn là nhà xuất khẩu LNG lớn nhất theo công suất cho đến khoảng năm 2025, khi Qatar có thể giành lại ngôi dẫn đầu khi việc mở rộng North Field đi vào hoạt động.
– Tuy nhiên, nếu một số nhà phát triển Mỹ xây dựng các nhà máy xuất khẩu LNG mới, Mỹ vẫn có thể duy trì vị trí đứng đầu của mình trong dài hạn.
– Giá khí đốt trên thế giới liên tục đạt mức cao kỷ lục vào năm 2021 do các công ty dịch vụ công ích cố gắng chốt đơn hàng LNG để xây dựng lại kho dự trữ thấp ở châu Âu và đáp ứng nhu cầu lớn ở châu Á.
– Trung tâm khí đốt tự nhiên hóa lỏng cho biết: Sự tăng trưởng xuất khẩu LNG của Mỹ giúp mọi người trên toàn thế giới “tiếp cận nhiều hơn với một sản phẩm dồi dào và giá cả hợp lý, giúp giảm bớt tình trạng khan hiếm nguồn cung hiện nay trên thế giới”.

• Kinh tế Trung Quốc giảm tốc gây thêm trở ngại cho kinh tế toàn cầu
– Nền kinh tế thế giới vẫn đang phải đương đầu với cuộc khủng hoảng Covid-19 lại đối mặt thêm với một trở ngại từ nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc đáng kể.
– Theo dự báo của Bloomberg Economics, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5% trong quý IV, sau khi tăng trưởng 4,9% trong quý trước, so với mức tăng trưởng 6-7% trước đại dịch.
– Sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc bắt nguồn từ các vấn đề của thị trường bất động sản, vốn chiến 25% tổng GDP của Trung Quốc, và cụ thể là cuộc khủng hoảng của tập đoàn China Evergrande Group.
– Cùng với đó là tình trạng thiếu điện và dịch bệnh tái bùng phát, tốc độ hồi phục kinh tế hiện nay không theo hình chữ V như dự báo. Theo Bloomberg, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã chậm lại đáng kể trong khi các biện pháp kích thích vẫn chưa được thực hiện.
– Đối với các nền kinh tế lớn, sự giảm tốc tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc vẫn chưa gây tác động. Tuy nhiên vì là quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn tới giao thương toàn cầu, nếu nền kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp tục giảm tốc cũng sẽ gây ra những trở ngại cho kinh tế toàn cầu, đặc biệt là những nền kinh tế có mức độ phụ thuộc cao vào quốc gia này.

2. Thông tin Việt Nam

• Hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam năm 2021 giữ vững đà tăng đạt hơn 703 triệu tấn
– Bộ Giao thông vận tải cho biết, năm 2021 dù hoạt động hàng hải chịu tác động lớn từ dịch Covid-19, nhưng tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam vẫn ước đạt hơn 703 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2020.
– Cụ thể, hàng xuất khẩu đạt hơn 184 triệu tấn, tăng 4%. Hàng nội địa đạt gần 303 triệu tấn, tăng 5%. Riêng hàng container đạt gần 24 triệu TEUs, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.
– Tổng sản lượng vận tải do đội tàu biển Việt Nam vận chuyển khởi sắc trong đại dịch, ước đạt 156,5 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2020. Trong đó, sản lượng hàng container của đội tàu biển Việt Nam ước đạt hơn 3 triệu TEUs, tăng tới 12% so với năm trước.
– Cùng với đó, khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu vận tải quốc tế do đội tàu biển Việt Nam vận chuyển có nhịp tăng trưởng hiếm có, tăng tới 54%, đạt gần 5 triệu tấn so với năm 2020. Các mặt hàng chủ yếu vận tải trên các tuyến đi Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, khu vực Đông Nam Á và một số tuyến châu Âu.
– Trong tổng số 250.000 tỷ đầu tư vào kết cấu hạ tầng hàng hải trong 10 năm qua, nguồn vốn xã hội hóa huy động được chiếm tới 84%, cho thấy sự hiệu quả trong khai thác cảng biển giúp Việt Nam thu hút được khoản đầu tư rất lớn từ nguồn xã hội hóa.
– Bên cạnh đó, trong quy hoạch tổng thể phát triển cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, Quy hoạch tập trung phát triển hai khu vực Lạch Huyện, Nam Đồ Sơn (Hải Phòng) và Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu) để trở thành các cảng trung chuyển quốc tế.
– Theo đó, quy hoạch xác định mục tiêu đến năm 2030, hệ thống cảng biển Việt Nam đáp ứng thông qua lượng hàng hóa từ hơn 1,1 tỷ – 1,4 tỷ tấn. Trong đó, hàng container từ 38 – 47 triệu TEU; hành khách từ 10,1 – 10,3 triệu lượt khách.

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

• MSB: Năm 2022 hoàn tất bán FCCOM, lợi nhuận tăng hơn 30%, chia cổ tức 30%
– Thông tin tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB cho hay, năm 2021, MSB kỳ vọng lãi trước thuế 5.000 tỷ đồng. Đến hết tháng 10, lãi trước thuế của MSB đạt 4.600 tỷ đồng, vượt 40% kế hoạch cả năm.
– Lãnh đạo MSB cũng cho biết đã hoàn thành thỏa thuận bảo mật với các đối tác cho việc bán 100% FCCOM, ước tính thu về khoảng 2.000 tỷ đồng và hoàn tất trong năm 2022.
– Với lợi nhuận khả quan, MSB sẽ trình Đại hội đồng cổ đông thông qua việc chia cổ tức tỷ lệ 30% cho năm 2021.
– Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản MSB ước đạt 200.000 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với cuối năm trước. Tăng trưởng tín dụng 22% và huy động vốn tăng 11%. MSB ước tính tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đến cuối năm sẽ đạt 34.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 34% tiền gửi, nằm trong top 3 trên thị trường và là một trong những chỉ tiêu quan trọng được ngân hàng tập trung với mục tiêu đạt 40.000 tỷ đồng vào năm 2023.
– Lãnh đạo MSB chia sẻ hiện nay, lượng CASA từ khách hàng cá nhân tăng bình quân 400-500 tỷ đồng mỗi tháng và có thể chạm mục tiêu sớm hơn dự kiến, đồng thời chú trọng vào các dịch vụ mang lại giá trị gia tăng thêm cho khách hàng, tập trung nhóm ưu tiên.
– Về nợ xấu, đến cuối tháng 11/2021, tỷ lệ nợ xấu quá hạn của ngân hàng ở mức 1,38%, nợ nhóm hai chiếm 1,5%. Tổng nợ cơ cấu lại ở mức 2.200 tỷ đồng. Ngân hàng đã trích lập 30% theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước. MSB ước tính trong năm 2022, lượng dư nợ tác động bởi dịch Covid-19 sẽ không thay đổi nhiều khi các khách hàng đều có khả năng trả nợ, đều đặn hàng tháng và được kiểm soát.
– Năm 2022, MSB đặt mục tiêu tài sản tăng 15% lên 230.000 tỷ đồng, tín dụng tăng 25%, tùy thuộc vào sự phê duyệt của Ngân hàng nhà nước. Lãi trước thuế mục tiêu tăng hơn 30%, lên 6.800 tỷ đồng, bao gồm lợi nhuận từ thương vụ bán FCCOM.
– Chia sẻ về định giá cổ phiếu MSB, hiện nay, CFO ngân hàng nhận định P/E, P/B của MSB hiện thấp hơn trung bình ngành, và với tốc độ tăng trưởng trong năm sau, các chỉ số này cao hơn trung bình ngành, P/B ở mức từ 2,2 – 2,5 trong năm 2022.

• Nhà Từ Liêm chốt quyền tạm ứng cổ tức đợt 1/2021 tỷ lệ 15%
– Mới đây, Phát triển Đô thị Từ Liêm (mã NTL) thông báo ngày 5/1/2022 là ngày đăng ký cuối cùng để tạm ứng cổ tức tiền mặt đợt 1/2021. Tỷ lệ thực hiện là 15%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 1.500 đồng. Thời điểm chi trả là 21/1/2022.
– Như vậy, với gần 61 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính công ty sẽ trả hơn 91 tỷ đồng trong đợt tạm ứng sắp tới.
– Năm 2021, doanh nghiệp lên kế hoạch doanh thu đạt 795 tỷ đồng, lãi sau thuế 280 tỷ đồng; lần lượt tăng 22% và giảm 5% so với thực hiện 2020. Chính sách cổ tức năm 2021 tương đương năm ngoái, ở mức 25%.
– Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đi ngang so với cùng kỳ, lần lượt đạt 316 tỷ và 138 tỷ đồng. So với kế hoạch năm, công ty hoàn thành hơn 39% doanh thu và 49% lợi nhuận. Tính đến cuối quý III, đơn vị có hơn 715 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
– Về các dự án đang triển khai, Nhà Từ Liêm hiện đang phát triển các dự án tại Hà Nội, Quảng Ninh. Các dự án chính đang triển khai như Khu đô thị mới Bắc Quốc lộ 32 (Hà Nội, gần 39 ha), Khu đô thị 23 ha Hạ Long (Quảng Ninh)… và một số dự án đang làm thủ tục đầu tư như Khu đô thị mới Dịch Vọng (Hà Nội, 22 ha), Khu đô thị mới Núi Hạm (68 ha, Quảng Ninh).

4. Nhịp đập thị trường chứng khoán

– VN-Index xanh mướt ở đầu phiên, với mức tăng gần 10 điểm và sự tích cực lan tỏa nhiều nhóm ngành khác nhau. Tuy nhiên, mức tăng mạnh này không thể duy trì được lâu. Chỉ số liên tục rút ngắn đà tăng và khi kết thúc phiên sáng, VN-Index chỉ còn tăng gần 5 điểm. Sự suy yếu của thị trường có sự đóng góp không nhỏ của diễn biến giảm giá từ nhóm ngân hàng và chứng khoán. Sang phiên chiều, tình hình cũng không mấy sáng sủa hơn, VN-Index dần đánh mất toàn bộ điểm tăng còn lại và có thời điểm giảm hơn 7 điểm. Sau cả một ngày giao dịch, chỉ số thị trường gần như không biến động gì khi chỉ giảm nhẹ hơn 1 điểm và dừng chân ngay sát mức tham chiếu. Cụ thể, chỉ số VN-Index giảm 1.07 điểm, xuống mức 1,477.67 điểm; HNX-Index giảm 1.91 điểm, còn 453.10 điểm.
– Trong phiên ngày hôm nay, Khối ngoại mua ròng trên sàn HOSE với giá trị hơn 210 tỷ đồng, bán ròng trên sàn HNX với giá trị hơn 332 tỷ đồng. Phần lớn mức bán ròng trên sàn HNX đến từ cổ phiếu CEO, mức bán ròng của riêng cổ phiếu này đã ở mức gần 329 tỷ đồng.
– Xét về mức độ ảnh hưởng, VIC, GVR và MSN là những mã có tác động tích cực nhất, đóng góp tổng cộng gần 4 điểm tăng. Trong khi đó, HPG, HDB và VPB là nhóm cổ phiếu tiêu biểu kéo thị trường giảm điểm.
– Về nhóm ngành, chứng khoán tiếp tục có phiên thứ 2 liên tiếp giảm mạnh nhất trên toàn thị trường. Sắc đỏ xuất hiện trên 22/25 mã cổ phiếu chứng khoán và do vậy, cả ngành giảm hơn 2% trong phiên giao dịch ngày 22/12/2021. Tương tự như chứng khoán, nhóm ngân hàng giảm gần 1%, có tới 15 mã cổ phiếu trong nhóm này kết phiên ở mức giá thấp hơn mức giá của phiên trước. Sắc xanh chỉ xuất hiện rải rác ở một vài cổ phiếu như VCB, MSB hay NVB. Nhóm nông lâm ngư trở lại đà tăng sau vài phiên điều chỉnh, mức tăng cụ thể ở mức 2.48%. Cổ phiếu HAG bật tăng mạnh gần 4%, ASM tăng hết biên độ, VIF và BAF tăng nhẹ gần 1%.
– Khối lượng giao dịch có sự cải thiện mạnh mẽ trên cả hai sàn HOSE và HNX so với phiên giao dịch trước đó. Về mặt kỹ thuật, VN-Index tiếp tục trạng thái giằng co trong biên độ hẹp 1,470 – 1,480.
– Với việc VN-Index đang giao dịch theo biên độ hẹp 1,470 – 1,480 trong các tuần gần đây, nhà đầu tư nên chú ý cơ cấu dòng tiền vào các cơ hội ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, đồng thời quản trị rủi ro và tránh mua đuổi các cổ phiếu đã tăng nóng. Ngoài ra, nhà đầu tư có thể quan sát dần nhóm cố phiểu vốn hóa lớn khi nhiều cổ phiếu đã bị chiết khấu về mức định giá hợp lý và trở nên hấp dẫn với tầm nhìn 2022.

——–
Trung tâm Tư vấn đầu tư VNDIRECT
Hội tụ trí tuệ – Lan tỏa thành công
📅 Lịch phát sóng các chương trình của Trung tâm TVĐT:
Thứ 2, 15h: La Bàn Đầu tư – điểm lại tin tức vĩ mô & các kênh Tài sản trong tuần.
Thứ 4, 15h30: Tọa đàm đầu tư – cập nhật về Ngành, Mã có câu chuyện đầu tư, đáng chú ý- Chương trình dành riêng cho Khách hàng của VNDIRECT

Thứ 5, 15h30: Cổ phiếu 360 – Nhận định về một mã cổ phiếu ở 2 góc nhìn Tích cực & Tiêu cực
Thứ 7, 9h (2 tuần/ lần) : Đối thoại với PM – Mời Khách mời là PM hoặc các chuyên gia trong Ngành để trao đổi, thảo luận về quan điểm, chiến lược đầu tư.
————
Các chương trình của chúng tôi được phát sóng trên:
🌎 Website: https://www.vndirect.com.vn/
🌎 Fanpage Vndirect Securities Corporation : https://www.facebook.com/vndirect
📺 Youtube: https://www.youtube.com/vndirectdinsightsbantronchuyengia
#Dcall