Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 23.11.2021 | MWG khai trương BlueJi – chính thức lấn chân sang thị trường trang sức

Nhận định Thị trường hàng ngày 23/11/2021    79620

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 23/11/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Nhật bản đang cân nhắc mở các kho dầu dự trữ nhằm bình ổn giá
– Theo một số nguồn tin, chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc mở các kho dầu dự trữ nhằm ổn định giá. Và việc mở các kho dầu dự trữ của Nhật Bản có thể được thực hiện trong sự phối hợp với Mỹ.
– Trước đó, Nhật bản chưa từng “giải phóng” kho dầu dự trữ do giá dầu tăng. Các quyết định trước đây trong việc sử dụng dầu dự trữ được đưa ra nhằm giải quyết những lo ngại về nguồn cung sau các thảm họa thiên nhiên và biến động chính trị ở bên ngoài.
– Nhật Bản phụ thuộc vào nguồn cung từ các nước sản xuất dầu ở Trung Đông cho 90% nhu cầu trong nước và đã bắt đầu duy trì việc dự trữ dầu thô từ những năm 1970. Tính đến cuối tháng 9, Nhật Bản còn lượng dầu dự trữ cho 242 ngày sử dụng.
– Trả lời phỏng vấn tại cuộc họp báo ngày 19/11 về khả năng phối hợp với Nhật Bản và các nước khác trong việc mở kho dầu dự trữ, Thư ký báo chí của Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Mỹ đang thỏa luận với lãnh đạo các nước khác nhằm đảo bảo đủ nguồn cung dầu thô, nhưng không đề cập đến khả năng phối hợp.
– Trước đó, Mỹ đã đề nghị một số nền kinh tế lớn nhất thế giới mở kho dầu dự trữ để hạ nhiệt giá dầu trên thị trường và kích thích quá trình phục hồi kinh tế.

2. Thông tin Việt Nam

• Quy hoạch điện VIII sẽ xem xét giảm điện than, phát triển điện gió
– Vào ngày 19/11, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì hội nghị lấy ý kiến hoàn thiện quy hoạch điện VIII. Theo đó, Bộ Công Thương đã tính toán, bổ sung thêm phương án phát triển nguồn điện có xem xét tới yếu tố dự phòng khi tỷ lệ thực hiện nguồn điện không đạt 100% so với quy hoạch và xem xét giảm nguồn điện than theo tinh thần của Hội nghị COP 26.
– So với dự thảo quy hoạch tháng 3 vừa qua, phương án điều hành trong dự thảo tháng 11 đã thể hiện xu hướng phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, phù hợp cam kết cắt giảm khí CO2 tại Hội nghị COP26
– Cụ thể, phương án điều hành trong dự thảo tháng 11 đề xuất công suất nguồn đến năm 2030 giảm khoảng trên 24.000 MW, đến 2045 giảm khoảng 36.000.
– Cũng theo Thứ trưởng, một số quan điểm lớn trong quy hoạch điện VIII là giảm điện than, phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng mới. Cụ thể, điện gió ngoài khơi đóng vai trò quan trọng, sẽ được tập trung ưu tiên trong giai đoạn tới. Dự thảo sẽ xem xét lại việc phát triển điện mặt trời, hiện có nhược điểm là có số giờ vận hành hạn chế, chưa có hệ thống lưu trữ năng lượng.
– Hiện tại, Bộ Công Thương được giao nghiên cứu cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ phát triển điện gió ngoài khơi; cơ chế huy động nguồn vốn để phát triển nguồn điện; đề xuất, làm rõ thêm các phương án để điều hành, đảm bảo an toàn hệ thống.
– Ngoài ra, quan điểm nữa trong quy hoạch Điện VIII là tính toán cân đối nguồn – tải theo vùng miền, hạn chế truyền tải điện đi xa, hạn chế thấp nhất truyền tải điện liên vùng, dự toán cắt giảm hàng nghìn km đường dây 500 kV phải xây mới.

• Tiền gửi từ dân cư liên tục sụt giảm trong nhiều tháng
– Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 9, tổng phương tiện thanh toán toàn nền kinh tế đạt hơn 12,8 triệu tỷ đồng, tăng 6,35% so với cuối năm 2020.
– Cụ thể, tổng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 9/2021 đạt hơn 10,5 triệu tỷ đồng, tăng gần 5,3% so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt hơn 5,2 triệu tỷ đồng, tăng 380.291 tỷ đồng, tương đương tăng 7,8% so với đầu năm.
– Tuy nhiên, tiền gửi dân cư chỉ tăng 2,92%, đạt gần 5,3 triệu tỷ đồng, tương đương tăng hơn 150.000 tỷ đồng so với đầu năm nay. Trong đó, tính riêng trong tháng 8 và tháng 9/2021, tiền gửi dân cư liên tục sụt giảm so với các tháng trước đó.
– Cụ thể, lượng tiền gửi của người dân trong tháng 9/2021 giảm 1.473 tỷ đồng. Trong khi vào tháng 8/2021, con số này chỉ ghi nhận giảm 986 tỷ đồng.
– Còn ở diễn biến tích cực hơn, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đã tăng trở lại trong tháng 8/2021 (tăng 59.148 tỷ đồng) và tháng 9/2021 (tăng 113.858 tỷ đồng), sau khi giảm 25.906 tỷ đồng vào tháng 7/2021.
– Các chuyên gia cho rằng, lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng ở mức rất thấp, trong khi các kênh đầu tư khác như chứng khoán và bất động sản lại thu hút tiền nhàn rỗi.
– Lãnh đạo NHNN cũng cho rằng, so với trước dịch, lãi suất huy động đã giảm khoảng 1 – 1,5%/năm, khiến huy động vốn của hệ thống có xu hướng giảm, dòng tiền dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác.
– Vì thế, không thể tiếp tục giảm lãi suất đầu vào để giảm lãi suất đầu ra, bởi nếu lãi suất quá thấp, người dân sẽ không gửi tiền nữa mà đi đầu tư tài sản khác, có thể dẫn đến bất ổn.
– Trong khi, các ngân hàng chủ yếu đi vay từ người dân để cho vay ngược lại nền kinh tế. Do đó, vẫn phải duy trì được đầu vào, ổn định lãi suất và đảm bảo lợi ích cho người gửi tiền, nhất là trước áp lực lạm phát có thể tăng trong thời gian tới.
– Thông tin từ NHNN cho biết, tính đến ngày 29/10/2021, tín dụng toàn nền kinh tế đạt 9.994.371 tỷ đồng, tăng 8,72% so với cuối năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 6,48%).

3. Nhịp đập thị trường chứng khoán

– Phiên giao dịch đầu tuần 22/11 đã diễn ra tương đối kịch tính với việc các chỉ số tăng mạnh vào đầu phiên nhưng ngay sau đó, áp lực bán gia tăng mạnh khiến hàng loạt cổ phiếu tăng nóng trước đó giảm mạnh, thậm chí giảm sàn. Rất may là cổ phiếu ngân hàng có sự quay trở lại để đỡ nhịp thị trường. Kết thúc phiên, VN-Index giảm hơn 5 điểm, về lại mức 1.447,25 điểm. Dù chỉ giảm hơn 5 điểm, nhưng toàn thị trường có tới 196 mã giảm sàn.
– Xét về mức độ ảnh hưởng, CTG, VCB, BID và VIB là những mã có tác động tích cực nhất khi cùng nhau đóng góp tới hơn 6 điểm tăng cho thị trường. Trong khi đó, GVR và GAS là hai cổ phiếu kéo thị trường đi xuống gần 4 điểm.
– Trên sàn HoSE, khối ngoại mua ròng trở lại 503 tỷ đồng sau 3 phiên bán ròng liên tiếp. VHM được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với giá trị 137 tỷ đồng. CTG và GMD được mua ròng lần lượt 83 tỷ đồng và 75 tỷ đồng. Trong khi đó, VPB bị bán ròng mạnh nhất với 171 tỷ đồng. TPB đứng sau với giá trị bán ròng là 83 tỷ đồng.
– Xét về nhóm ngành, dòng bank chính là điểm sáng của thị trường trong phiên. Kết phiên, bên cạnh bộ 3 gồm HDB, TPB và VIB đóng cửa ở mức giá trần, các mã khác trong ngành cũng ghi nhận mức tăng khá ấn tượng. CTG tăng 5,18%, MSB tăng 6,71% lên sát mức giá trần, STB tăng 3,23%, SHB tăng 3,66%, OCB tăng 2,82%, BID tăng 2,59%, ACB tăng 2,09%, các mã VCB, TCB, VPB tăng trong khoảng 1-2%.
– Trong khi nhóm cổ phiếu thép có phần hạ nhiệt sau nhịp hồi trong phiên sáng. Các mã HPG, HSG, NKG đều thu hẹp biên độ tăng.
– Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường khi sắc đỏ có phần mở rộng hơn, chỉ còn một số mã như SSI, VND xanh nhẹ.
– Tuy nhiên, điểm đáng chú ý chính là nhóm cổ phiếu bất động sản – xây dựng. Sau đợt tăng nóng, đây là phiên thứ 2 nhóm cổ phiếu này bị bán tháo với hàng loạt mã kết phiên tại mức giá sàn, điển hình như KBC, DXG, HBC, DIG, NLG, LCG.
– Câu chuyện hiện tại của thị trường là liệu thị trường có sóng tăng với nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn – đặc biệt là nhóm ngân hàng, hay phiên hôm nay chỉ là kéo trụ để rũ các mã đã tăng nóng từ trước? Rất khó trả lời chính xác câu hỏi này sau phiên hôm nay, nếu chỉ là kéo trụ thì những phiên tới có thể đỉnh cũ cũng chưa chắc là ngưỡng hỗ trợ cứng cho thị trường, còn nếu là dòng tiền dịch chuyển sang các nhóm vốn hoá lớn một cách bền vững thì cơ hội cho các nhà đầu tư vẫn còn nguyên.
– Áp lực chốt lời từ nhóm cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ ngày càng rõ nét, phiên 22/11 là phiên giảm thứ 2 liên tiếp của nhóm cổ phiếu này từ đỉnh cao mới. Dòng tiền đang hướng về nhóm cổ phiếu ngân hàng dứt khoát và mạnh mẽ. Do vậy, chỉ số VN30 có khả năng sẽ vượt đỉnh tháng 11 nhờ lực đẩy từ nhóm cổ phiếu ngân hàng trong bối cảnh thanh khoản tăng dần.
– Nhìn chung, thị trường vẫn chịu áp lực điều chỉnh khi dòng tiền đang có sự cơ cấu lại, dòng tiền có thể sẽ tiếp tục phân hóa, nghĩa là dòng tiền có thể sẽ dịch chuyển từ nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ sang nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng.

4. Tin doanh nghiệp niêm yết

• MWG khai trương BlueJi – chính thức lấn chân sang thị trường trang sức
– Công ty cổ phần thế giới di động (MWG) vừa thông tin ngày 20/11, theo đó công ty có thêm một thành viên mới có tên gọi là BlueJi. Tại đây, khách hàng có thể mua sắm rất nhiều mặt hàng mắt kính hàng hiệu của các thương hiệu nổi tiếng như Nike, Puma, Klenin, Guess,… và trang sức cho cả người lớn và trẻ em gồm: nhẫn, bông tai, dây chuyền, vòng tay. Cả hệ thống 5 siêu thị thuộc chuỗi BlueJi tại TP. HCM sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 20/11/2021.
– Được biết, việc Thế giới di động ‘lấn sân’ vào lĩnh vực trang sức, thời trang đã được ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO chuỗi Thế giới di động và Điện máy Xanh đề cập cách đây không lâu trong cuộc gặp của công ty này với các nhà đầu tư
– Theo ông Đoàn Văn Hiểu Em, năm 2021 là 1 năm đặc biệt với công ty này. Trong đó, tháng 10 là tháng có sức bật, đột phá lớn đối với tình hình kinh doanh của chuỗi Thế giới di động và Điện Máy Xanh.
– Nhận định thị trường sau đại dịch sẽ bước vào giai đoạn bùng bổ và bão hòa, ông Hiểu Em cũng cho rằng ngành điện thoại, điện máy không còn nhiều dư địa phát triển. Theo đó, đại diện MWG cho biết 2 chuỗi này sẽ không mở rộng hơn. Thay vào đó, công ty đang có kế hoạch kinh doanh shop-in-shop trong cửa hàng điện thoại.
– Về quyết định gia nhập thị trường trang sức, CEO MWG nhận định thời trang là mảng bán lẻ lớn, đặc biệt xuất hiện nhiều khoảng trống sau dịch bệnh. Công ty cho biết sẽ mở nhanh để lấy nhanh thị phần, nhưng việc tăng số lượng cửa hàng lên đến mức độ nào thì cần thời gian vận hành và đánh giá hiệu quả mới quyết định.
– Có thể thấy, MWG luôn là một đơn vị có đội ngũ lãnh đạo và hoạch định chiến lược vô cùng năng động. Ban lãnh đạo luôn nhìn trước thị trường, đánh giá và ra những quyết định táo bạo, quyết đoán và tính thực thi cao.

• PNJ lãi 120 tỷ đồng tháng 10
– Công ty Vàng bạc Phú Nhuận (HoSE: PNJ) thông báo doanh thu thuần tháng 10 đạt 2.080 tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế 120 tỷ đồng, giảm 31% nhưng lãi trở lại sau 3 tháng lỗ liên tiếp.
– Tại buổi gặp gỡ giới phân tích gần đây, lãnh đạo PNJ chia sẻ diễn biến chậm trong 2 tuần đầu tháng 10 nhưng doanh thu tăng tốc vào nửa cuối, đặc biệt là đạt mức đỉnh lịch sử trong đợt khuyến mãi ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10. Dù vậy, ban lãnh đạo ước tính dịch bệnh sẽ khiến nhu cầu thị trường ở mức thấp đến quý II/2022, và có thể chưa quay lại mức trước Covid cho đến năm 2023.
– Biên lợi nhuận gộp tháng 10 đạt 17,8%, giảm đáng kể so với mức 21,8% cùng kỳ năm trước. Tổng chi phí cũng tăng 23,4% khiến lợi nhuận giảm.
– Lũy kế 10 tháng, PNJ ghi nhận doanh thu thuần 14.594 tỷ đồng, tăng 8% và thực hiện 69,5% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế 697 tỷ đồng, giảm 14,6% và thực hiện 56,7% kế hoạch năm.
– Doanh thu kênh bán lẻ lũy kế của đơn vị duy trì tăng 8,6% so với cùng kỳ dù ảnh hưởng nghiệm trọng bởi dịch bệnh từ cuối quý II và xuyên suốt quý III. Doanh thu kênh sỉ giảm 5,5% và vàng miếng tăng 15,7%.
– Lũy kế 10 tháng, đơn vị mở mới 18 cửa hàng PNJ Gold, đóng 18 của hàng PNJ Silver, 1 cửa hàng CAO. Trong khi nhãn hàng Pandora đạt mốc 10 cửa hàng đầu tiên ở các thành phố lớn.

——–
Trung tâm Tư vấn đầu tư VNDIRECT
Hội tụ trí tuệ – Lan tỏa thành công
📅 Lịch phát sóng các chương trình của Trung tâm TVĐT:
Thứ 2, 15h: La Bàn Đầu tư – điểm lại tin tức vĩ mô & các kênh Tài sản trong tuần.
Thứ 4, 15h30: Tọa đàm đầu tư – cập nhật về Ngành, Mã có câu chuyện đầu tư, đáng chú ý- Chương trình dành riêng cho Khách hàng của VNDIRECT

Thứ 5, 15h30: Cổ phiếu 360 – Nhận định về một mã cổ phiếu ở 2 góc nhìn Tích cực & Tiêu cực
Thứ 7, 9h (2 tuần/ lần) : Đối thoại với PM – Mời Khách mời là PM hoặc các chuyên gia trong Ngành để trao đổi, thảo luận về quan điểm, chiến lược đầu tư.
————
Các chương trình của chúng tôi được phát sóng trên:
🌎 Website: https://www.vndirect.com.vn/
🌎 Fanpage Vndirect Securities Corporation : https://www.facebook.com/vndirect
📺 Youtube: https://www.youtube.com/vndirectdinsightsbantronchuyengia
#Dcall