Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 21.05.2021 Fed báo hiệu có thể thắt chặt chính sách nếu kinh tế cải thiện nhanh chóng

Nhận định Thị trường hàng ngày 21/05/2021    6518

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 21/05/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Fed báo hiệu có thể thắt chặt chính sách nếu kinh tế cải thiện nhanh chóng

– Các quan chức Fed cho biết đà tăng mạnh của hoạt động kinh tế có thể thôi thúc các quan chức xem xét thắt chặt chính sách tiền tệ, theo biên bản họp tháng 4/2021.

– “Nhiều quan chức tham gia đề xuất, trong trường hợp nền kinh tế tiếp tục hồi phục nhanh chóng hướng tới các mục tiêu của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), việc bắt đầu bàn luận kế hoạch điều chỉnh nhịp độ mua trái phiếu trong những cuộc họp tới có thể là hợp lý”, trích từ biên bản họp của Fed.

– Thị trường đang theo dõi sát sao để tìm kiếm manh mối về thời điểm Fed bắt đầu “khóa van” mua trái phiếu. Hiện tại, Fed đang mua ít nhất 120 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng. Số dư trên bảng cân đối kế toán gần mức 7.9 ngàn tỷ USD, gần gấp đôi mức trước dịch Covid-19.

– Các quan chức Fed đã rất kiên quyết cho rằng sẽ không thay đổi chính sách cho tới khi đạt được mục tiêu kinh tế, nhất là về việc làm và lạm phát. Đây là biên bản họp đầu tiên cho thấy các quan chức Fed báo hiệu việc giảm bớt nhịp độ mua trái phiếu có thể diễn ra, mặc dù chưa có thời gian biểu cụ thể.

– Sau cuộc họp chính sách tháng 4/2021, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết đà hồi phục “vẫn còn không đồng đều và còn lâu mới hoàn tất”, nền kinh tế vẫn chưa cho thấy “bước tiến triển đáng kể”. Tuy vậy, chỉ số CPI tháng 4/2021 tăng 4.2% trong giai đoạn 12 tháng, GDP được dự báo tăng trưởng 10% trong quý 2/2021 và các chỉ báo về sản xuất và chi tiêu đang tăng trưởng mạnh mẽ. Chỉ có một ngoại lệ là tốc độ tăng trưởng việc làm đã chậm lại đáng kể trong tháng 4/2021. Cụ thể, nền kinh tế Mỹ chỉ tạo thêm 266,000 việc làm, trong khi dự báo tới 1 triệu việc làm.

– Tại cuộc họp tháng 4/2021, FOMC quyết định giữ nguyên lãi suất gần mức 0 và duy trì chương trình mua trái phiếu. Cùng với quyết định trên, Fed cũng nâng dự báo về kinh tế, cho rằng tăng trưởng bắt đầu được đẩy nhanh và lạm phát ngày càng tăng.

– Các quan chức Fed vẫn cho rằng áp lực lạm phát chỉ mang tính tạm thời. Tại cuộc họp tháng 4/2021, họ kỳ vọng đà tăng nhu cầu, sự tái mở cửa kinh tế và vấn đề của chuỗi cung ứng sẽ đẩy lạm phát vượt mục tiêu 2% của Fed.

• Ngân hàng Thế giới đầu tư 2 tỷ USD hỗ trợ phục hồi kinh tế châu Phi

– Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 19/5 thông báo sẽ đầu tư 2 tỷ USD hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại châu Phi, cũng như đẩy mạnh hoạt động thương mại tại khu vực trong bối cảnh “Lục địa đen” đang từng bước vượt qua khỏi suy thoái do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

– Thông báo của WB được đưa ra trong bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh hỗ trợ các nước châu Phi phục hồi sau đại dịch Covid-19 do Pháp chủ trì theo hình thức trực tuyến diễn ra tại Paris với sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo châu Phi, cũng như các thể chế tài chính.

– Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC), 1 trong 5 cơ quan của WB, cho biết gói đầu tư 2 tỷ USD trên là một trong những cam kết lớn nhất từ trước tới nay của IFC đối với các sáng kiến cụ thể tại châu Phi trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế của châu lục rơi vào thời kỳ suy thoái, giảm dòng vốn đầu tư từ nước ngoài, cũng như đẩy hàng triệu người dân rơi vào tình trạng nghèo khó hơn.

– Gói đầu tư hỗ trợ này sẽ được tập trung vào việc phát triển khu vực kinh tế tư nhân tại các thị trường mới nổi, trong đó 1 tỷ USD sẽ được sử dụng để hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và trung bình và 1 tỷ USD còn lại được dành để hỗ trợ hoạt động tài chính thương mại quốc tế.

2. Thông tin Việt Nam

• Nhập siêu 1,9 tỷ USD trong nửa đầu tháng 5/2021

– Mức thâm hụt 1,9 tỷ USD trong nửa đầu tháng 5/2021 đã đưa cán cân thương mại của cả nước tính từ đầu năm đến ngày 15/5/2021 nghiêng về hướng nhập siêu với 350 triệu USD…

– Theo báo cáo được Tổng cục Hải quan công bố chiều 19/5, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đang chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 khi kim ngạch xuất khẩu tiếp tục chiều hướng giảm, cán cân thương mại nghiêng về hướng nhập siêu. Cụ thể, 15 ngày đầu tháng 5/2021, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 11,9 tỷ USD giảm 1,93 tỷ USD so với nửa cuối tháng 4/2021. Tính chung từ đầu năm đến ngày 15/5, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 116,8 tỷ USD.

– Trong đó, 4 nhóm hàng chủ lực có kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dệt may. Từ chiều ngược lại, tổng kim ngạch nửa đầu tháng 5 đạt 13,8 tỷ USD nhỉnh hơn đôi chút so với con số 13,76 tỷ USD của nửa cuối tháng 4 trước đó. Tính chung từ đầu năm đến ngày 15/5/2021, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 117,15 tỷ USD.

– Nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất trong nửa đầu tháng 5 là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 2,72 tỷ USD. Ngoài ra, còn một nhóm hàng nhập khẩu “tỷ USD” là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt gần 2,1 tỷ USD.

Với mức thâm hụt tới 1,9 tỷ USD trong nửa đầu tháng 5, nên lũy kế từ đầu năm đến 15/5/2021, cán cân thương mại đảo chiều khi nước ta đã nhập siêu 350 triệu USD.

– Do tình hình dịch bênh diễn biến phức tạp, việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn; nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nhu cầu thị trường chưa hồi phục đồng đều; chi phí đầu vào như logistics, nguyên liệu nhập khẩu tăng cao; các thị trường xuất khẩu nông, thủy sản liên tục đưa ra những thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm…cũng đang là rào cản đối với hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta.

• Thị trường khách sạn hồi phục: Khối lượng đầu tư toàn cầu 2021 dự kiến đạt 35 tỷ USD, tăng 35%

– Các thương vụ mua bán và huy động vốn vào thị trường khách sạn thế giới trong thời gian gần đây cho thấy dấu hiệu lạc quan đối với sự phục hồi của ngành. Tháng 3/2021, tập đoàn Blackstone và tập đoàn Starwood đã mua lại nhà điều hành khách sạn Extended Stay America với giá 6 tỷ USD, thương vụ lớn nhất ở Mỹ kể từ khi COVID-19 bùng nổ.

– Tại Madrid (Tây Ban Nha), tập đoàn Commerz Real của Đức đã thâu tóm một tòa nhà văn phòng tại sân bay của thành phố với mục tiêu chuyển đổi thành khách sạn với 280 phòng mang thương hiệu Zleep Hotels.

– Một cuộc khảo sát gần đây của Jones Lang LaSalle (JLL) ghi nhận 70% các nhà đầu tư sẽ nhắm mục tiêu vào các khách sạn ở châu Á – Thái Bình Dương. Khối lượng đầu tư khách sạn toàn cầu trong năm nay dự kiến sẽ đạt 35 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước, theo báo cáo “Triển vọng đầu tư khách sạn toàn cầu năm 2021” của JLL.

– Khách sạn và các lĩnh vực du lịch giải trí đã bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch, với việc các thành phố đóng cửa và những lo ngại về sức khỏe đã hạn chế số lượng du khách. Tuy nhiên, việc triển khai vắc xin đang diễn ra nhanh chóng cùng với sự dồn nén “cơn khát” được đi du lịch của con người dự kiến sẽ tạo ra một lượng nhu cầu dịch chuyển khổng lồ khi đại dịch được kiểm soát. Kèm theo những thông tin tích cực về việc triển khai vắc xin và dấu hiệu phục hồi ngành du lịch đã bắt đầu.

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

• PNJ tăng hơn 95% lãi ròng sau 4 tháng

– CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) vừa công bố tình hình kinh doanh tháng 4/2021với doanh thu thuần đạt 1.851 tỷ đồng, tăng 269% so với cùng kỳ, và lãi ròng đạt 85 tỷ đồng, tăng 183% so với cùng kỳ.

– Trong đó, doanh thu kênh lẻ đóng góp 61,5%, qua đó đưa doanh thu lũy kế kênh lẻ tăng 60,1% so với 4/2020. Con số này cho thấy hiệu quả từ các chương trình được xây dựng riêng biệt cho từng nhóm khách hàng nhằm gia tăng trải nghiệm, đặc biệt là chuỗi chương trình nhân dịp sinh nhật 33 năm của PNJ.

– Doanh thu kênh sỉ cũng đánh dấu sự phục hồi khi tăng gần 383% so với cùng kỳ, đóng góp hơn 17% vào cơ cấu doanh thu so với con số 13,3% của tháng 4/2020. Cụ thể, mảng vàng miếng chiếm 20,2% trong cơ cấu so với con số 37,6% của cùng kỳ, nhưng lũy kế 4 tháng vượt 69,6%. Điều này cho thấy kết quả tích cực từ quá trình chuyển hóa mạng lưới bán lẻ nhằm tối ưu hóa doanh thu trên từng cửa hàng, cũng như hiệu quả từ hoạt động gia tăng cửa hàng độc lập và giảm dần các cửa hàng trong các trung tâm thương mại.

– Đồng thời, hoạt động tái cấu trúc nhằm tối ưu hóa hàng tồn kho, tiết giảm chi phí sản xuất góp phần quan trọng đưa biên lãi gộp tháng 4 tăng 5,8% so với cùng kỳ, đạt 18,3%.

• Masan Group muốn đưa The CrownX lên sàn

– Trong cuộc gặp gỡ nhà đầu tư diễn ra đầu tháng 5, lãnh đạo Tập đoàn Masan tiết lộ sẽ xem xét niêm yết The CrownX, sau khi các tích hợp kinh doanh giữa mảng tiêu dùng, chế biến thịt với hệ thống VinCommerce được thực hiện thành công và đạt được kỳ vọng.

– Bên cạnh đó, Masan Group cũng đang tiếp tục thực hiện thương vụ tăng vốn cổ phần tiềm năng tại các công ty con để giảm đòn bẩy tài chính cho tập đoàn.

– Để thực hiện điều này, mới đây Alibaba và Baring Private Equity Asia cùng nhóm nhà đầu tư đã chi 400 triệu USD để mua 5,5% cổ phần The CrownX từ Masan Group, đưa định giá công ty lên 7 tỷ USD.

– Trước đó không lâu, SK Group của Hàn Quốc cũng bỏ ra 410 triệu USD để mua lại 16,26% cổ phần của VinCommerce, hệ thống bán lẻ với 2.500 điểm bán offline của The CrownX.

– Masan Group cho biết công ty đang trong quá trình đàm phán một giao dịch đầu tư chiến lược với những nhà đầu tư khác trị giá từ 300 đến 400 triệu USD vào The CrownX. Giao dịch dự kiến hoàn tất trong năm 2021.

– The CrownX được thành lập vào năm 2020 trên cơ sở hợp nhất mảng sản xuất hàng tiêu dùng Masan Consumer Holdings với mảng bán lẻ VinCommerce. Đây được coi là hạt nhân chính trong giai đoạn phát triển 10 năm tiếp theo của tập đoàn.

• SCIC sẽ thoái vốn nhà nước tại SAB, FPT… trong năm 2021

– Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa công bố danh sách 88 doanh nghiệp đơn vị này dự kiến bán vốn trong thời gian tới.

– Trong 88 doanh nghiệp trên có nhiều doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn lên tới hàng ngàn tỷ đồng như Tổng Công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) có vốn điều lệ hơn 6,412 tỷ đồng (SCIC sở hữu 36%); CTCP FPT có vốn điều lệ hơn 7,762 tỷ đồng (SCIC sở hữu gần 6%); Tập đoàn Bảo Việt có vốn điều lệ hơn 6,804 tỷ đồng (SCIC sở hữu 3%); Tổng công ty Sông Đà – CTCP có vốn điều lệ là hơn 4,495 tỷ đồng (SCIC sở hữu 99.79%); Tập đoàn dệt may Việt Nam có vốn điều lệ là 5,000 tỷ đồng (SCIC sở hữu 53.49%) hay TCT CP Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam có vốn điều lệ 1,218 tỷ đồng (SCIC sở hữu 36.3%).

– Theo thông tin từ Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính, ba tháng đầu năm nay, SCIC đã thoái vốn tại 9 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tập đoàn Viettel, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng công ty Thái Sơn, thu về 2,081 tỷ đồng.

———–
DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư
Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
Lich Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3 và Thứ 5
Tìm hiểu thêm và đăng ký: http://bit.ly/tuvandautu_DGO
Lịch Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần
Tìm hiểu thêm và đăng ký: http://bit.ly/dangky_khoaDGO
————
Hãy cùng đón chờ các Cập nhật của chúng tôi vào mỗi buổi sáng 8h hàng ngày trên Website:
https://www.vndirect.com.vn/
Soundclound: https://soundcloud.com/vndirect-dcall
Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCVCzjWFSb9iP7iK_VBTS3vQ