Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 20.10.2021 | TPBank muốn chia cổ tức 35% để tăng vốn

Nhận định Thị trường hàng ngày 20/10/2021    65552

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 20/10/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Sản lượng nhôm Trung Quốc giảm 5 tháng liên tiếp vì thiếu điện
– Sản lượng nhôm của Trung Quốc trong tháng 9 giảm vì thiếu điện ảnh hưởng đến sản xuất của ngành. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp sản lượng nhôm của nước này giảm. Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc, nước này sản xuất 3,1 triệu tấn trong tháng 9, giảm 2,4% so với tháng 8. Tháng 9 cũng là tháng có sản lượng thấp nhất kể từ tháng 6/2020.
– Lần gần đây nhất sản lượng nhôm của Trung Quốc giảm trong 5 tháng liên tiếp là từ tháng 7/2017 đến tháng 11/2017 khi chính phủ Trung Quốc áp dụng các biện pháp ngăn chặn xây dựng trái phép và hoàn thành chỉ tiêu về giảm ô nhiễm môi trường. Do nguồn cung hạn hẹp, giá nhôm trên sàn Thượng Hải, Trung Quốc tăng mạnh trong ngày 18/10, cao nhất 15 năm.
– Thiếu điện nghiêm trọng đang diễn ra ở Trung Quốc. Chính phủ nước này đã cắt giảm điện đối với những ngành tiêu thụ nhiều điện. Để sản xuất được 1 tấn nhôm, lượng điện cần thiết tương đương với trung bình một hộ gia đình ở Anh có thể sử dụng trong 3 năm. Do đó, nhôm là một trong những ngành phải cắt giảm lượng điện đầu tiên ở Trung Quốc.
– Theo Statista, năm 2020, Trung Quốc là quốc gia sản xuất nhiều nhôm nhất thế giới với sản lượng 37 triệu tấn. Ấn Độ và Nga đứng ở vị trí thứ 2 với 3,6 triệu tấn.

2. Thông tin Việt Nam

• Giá nguyên phụ liệu ngành dệt may tăng mạnh
– Giá bông trên Sở Giao dịch ICE của Mỹ đã chinh phục thành công mức đỉnh của 10 năm qua, gia nhập danh sách dài các nguyên liệu thô đang bùng nổ và đà tăng chưa có dấu hiệu sẽ dừng lại. Trong khi đó, giá sợi cũng tăng khoảng 8 – 10%, điều này tác động trực tiếp đến giá nguyên phụ liệu ngành dệt may của Việt Nam.
– Dù có lượng đơn hàng dồi dào, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu đang phải cân đối chặt chẽ chi phí sản xuất, bám sát vào diễn biến giá nguyên liệu trên thị trường.
– Theo khảo sát, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam thường nhập khẩu từ 60 – 70% nguyên liệu sản xuất. Vì vậy giá nguyên phụ liệu hiện nay gần như phụ thuộc từ biến động thị trường thế giới. Đáng chú ý, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng đầu năm nay, trị giá nhập khẩu nhóm hàng nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, da giày tăng 29,4% so với cùng kỳ năm 2020.
– Hiện thời điểm này cũng đang là chu kỳ nước rút tăng giá nguyên phụ liệu trên toàn thế giới. Do phần lớn các doanh nghiệp đang phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu nên chi phí cho sản xuất cũng tăng lên, gây nhiều rủi ro. Mặc dù nguyên phụ liệu tăng giá và chậm giao hàng, nhưng các doanh nghiệp dệt may chưa thể tăng giá thành phẩm trong ngắn hạn. Chúng tôi đánh giá, trong ngắn hạn, ngành dệt may sẽ chưa thể hồi phục.

• Xuất khẩu thép cuối năm dự báo tăng trưởng tốt
– Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho hay, trong 9 tháng năm 2021, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thép các loại vẫn tăng khá do kế thừa được kết quả kinh doanh tốt của những tháng đầu năm 2021. Dự báo cuối năm, với nhu cầu tiêu thụ tăng lên, xuất khẩu thép dự báo sẽ tăng trưởng tốt.
– Cụ thể, theo VSA, thép thành phẩm sản xuất 9 tháng đạt hơn 24,8 triệu tấn, tăng 34,1% so với cùng kỳ năm 2020; tiêu thụ thép các loại đạt gần 22 triệu tấn, tăng 32,5% so; trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt hơn 5,7 triệu tấn, tăng 78,1% so với cùng kỳ năm 2020. Thép thô sản xuất đạt 17,79 triệu tấn, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2020. Tiêu thụ đạt 17,15 triệu tấn, tăng 22%; trong đó, xuất khẩu đạt 1,59 triệu tấn tấn, giảm 31,7% so với cùng kỳ 2020.
– Theo VSA, nhập khẩu thép về Việt Nam là 14,9 triệu tấn với trị giá hơn 11 tỷ USD, tăng 1% về lượng và tăng 44% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu sắt thép thành phẩm và bán thành phẩm đạt 10,6 triệu tấn, với trị giá hơn 9 tỷ USD đến hơn 20 quốc gia và khu vực trên thế giới trong 8 tháng năm 2021, tăng 40% về sản lượng và tăng gấp 2 lần về trị giá xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2020. Đây là động lực thúc đẩy ngành thép giữ được mức tăng trưởng chung thời gian qua.
– Nếu tính riêng trong quý III/2021, thép thành phẩm sản xuất đạt gần 7,16 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ 2020. Tiêu thụ thép thành phẩm các loại quý III đạt hơn 6,2 triệu tấn, giảm lần 7%, so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, sự tăng trưởng tốt ở những tháng đầu năm đã giúp ngành thép vẫn giữ được mức tăng tốt trong thời gian qua.
– Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay, sau hoạt động tốt trong quý I/2021 do giá cả hàng hóa tăng, doanh nghiệp thép trong nước phải đối mặt với nhiều khó khăn khi các tỉnh thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 hoặc ở mức cao nhất. Tính riêng quý III/2021, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay; trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%.
– Giá nguyên liệu sản xuất thép toàn cầu 9 tháng năm 2021 diễn biến phức tạp, giá nguyên liệu sản xuất thép liên tục điều chỉnh tăng kể từ cuối năm 2020; trong đó, giá quặng sắt thời điểm tháng 5/2021 tăng cao gấp 2,6 lần, giá phế liệu đã tăng 2,5 lần so với thời điểm cùng kỳ năm 2020. Sau đó, giá các loại nguyên liệu trên đã điều chỉnh giảm nhẹ trong quý II & III.
– Đại diện lãnh đạo VSA nhận định, triển vọng thị trường thép Việt Nam trong quý IV/2021 sẽ tốt hơn khi các tỉnh thành dần kiểm soát được dịch bệnh và chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ Việt Nam để khôi phục kinh tế sau đại dịch. Nhìn chung, dự báo xuất khẩu thép năm 2021 sẽ tăng trưởng tốt. Bên cạnh đó, với các Hiệp định FTA được ký kết và sự phục hồi sản xuất, đầu tư xây dựng sẽ là nhân tố giúp cho tăng trưởng ngành thép khả quan hơn nữa trong thời gian cuối năm.

3. Nhịp đập thị trường chứng khoán

– VN-Index mở cửa phiên giảm điểm và mau chóng để mất mốc 1.390 điểm. Trong phiên sáng, đã có thời điểm áp lực bán gia tăng mạnh trên thị trường và dồn nhiều vào các mã vốn hóa lớn (VNM, VIC, HPG…) khiến chỉ số lao dốc khá nhanh. Sang tới phiên chiều, lực cầu bắt đáy tại vùng giá thấp gia tăng nhanh chóng khiến chỉ số thu hẹp đà giảm và thậm chí lấy lại sắc xanh, tuy nhiên lực bán gia tăng trong phiên ATC đã đẩy chỉ số xuống dưới mốc tham chiếu khi kết phiên.
– Về mức độ ảnh hưởng đến chỉ số VN-Index, GAS, HPG và MSN là những mã có ảnh hưởng tiêu cực nhất, kìm hãm đà tăng của chỉ số. Trong khi đó, BID, VJC và VHM là những mã có ảnh hưởng tích cực nhất.
– Trên sàn HoSE, khối ngoại tiếp tục bán ròng 471 tỷ đồng, giảm 23% so với phiên trước. Trong đó HPG vẫn bị bán ròng mạnh nhất với 129 tỷ đồng. Tiếp sau đó, VHM bị bán ròng 93 tỷ đồng. NVL cũng bị bán ròng 70 tỷ đồng. Chiều ngược lại, DCM được mua ròng mạnh nhất với giá trị 55 tỷ đồng. DPM cũng được mua ròng 50,5 tỷ đồng.
– Xét về nhóm ngành, bảo hiểm là ngành tăng mạnh nhất thị trường trong phiên ngày 19/10/2021. Trong đó, nổi bật nhất là MIG khi leo dốc tăng hết biên độ. Các cổ phiếu khác như PVI tăng mạnh 7,53%, BIC tiến tốt 5,72%, BVH, BMI, VNR và BIC cùng tăng trung bình trên 3%.
– Nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán phiên sáng còn tăng khá tốt, nhưng đến phiên chiều đã hạ nhiệt, khi gần như chỉ còn tăng trên dưới 1%.
– Thị trường giằng co trong phiên 19/10 và kết phiên với mức giảm rất nhẹ, thanh khoản suy giảm và thấp hơn mức trung bình 20 phiên. Kết hợp với diễn biến giao dịch trong phiên thì có thể thấy là bên mua và bên bán vẫn đang giằng co ở vùng giá hiện tại. Đây là đã phiên thứ sáu liên tiếp mà chỉ số VN-Index thất bại trước ngưỡng 1.400 điểm.
– Trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index vẫn có khả năng tăng qua ngưỡng cản tâm lý 1.400 điểm tuy nhiên cần thêm lực cầu đủ mạnh để vượt qua áp lực bán thường xuyên xuất hiện như những phiên vừa qua. Trong kịch bản tiêu cực, nếu áp lực bán gia tăng thì có thể VN-Index sẽ cần test lại lực cầu trong vùng hỗ trợ gần nhất trong khoảng 1.375-1.380 điểm.

4. Tin doanh nghiệp niêm yết

• PDR báo lãi ròng quý 3 tăng 38%
– Trong quý 3/2021, PDR tiếp tục thực hiện bàn giao các Nền đất của Khu thấp tầng tại Dự án Phân Khu số 9 thuộc Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội, tỉnh Bình Định. Ngoài ra, Công ty cũng thực hiện chuyển nhượng một phần Khu chung cư cao tầng Dự án Phân Khu số 4 và Phân Khu số 9. Kết quả, theo báo cáo hợp nhất, doanh thu thuần cả quý của Công ty ghi nhận gần 1.268 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ.
– Nhờ giá vốn được tiết giảm mạnh, biên lãi gộp của PDR tăng từ 48,5% lên 67,5%. Lợi nhuận gộp nhờ đó tăng 34%, đạt xấp xỉ 856 tỷ đồng. Sau khi trừ đi thuế cùng các loại chi phí khác, lợi nhuân ròng của PDR trong quý 3/2021 đạt gần 608 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ròng 9 tháng đầu năm của PDR tăng 55% so với cùng kỳ, vượt mức 1.111 tỷ đồng.
– Giá trị hàng tồn kho của PDR đạt gần 11.921 tỷ đồng, tăng 28% so với đầu năm. Nguyên nhân do Công ty phát sinh ghi nhận hàng tồn kho đối với các chi phí liên quan đến ba dự án gồm Dự án Bình Dương Tower, Dự án Phước Hải và Dự án Trần Phú Đà Nẵng.
– Điểm cộng cho sức khỏe tài chính của PDR là vay nợ ngắn hạn của Công ty đã giảm 64%, chỉ còn ghi nhận hơn 507 tỷ đồng. Bên cạnh đó, khoản mục người mua trả tiền trước của PDR đạt gấp 2,5 lần đầu năm, với gần 1.579 tỷ đồng, trong đó tiền trả trước cho Dự án Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội chiếm hơn 1.322 tỷ đồng.

• NT2 báo lãi ròng quý 3 đạt 273 tỷ đồng
– Trong quý 3 vừa qua, NT2 ghi nhận doanh thu sản xuất điện tăng 8% trong khi giá vốn hàng bán giảm 13% so cùng kỳ. Nhờ đó, lãi gộp tăng đến 349% (tức gấp 4,5 lần), đạt 305 tỷ đồng.
– Trong các khoản chi phí, đáng chú ý là chi phí tài chính thu hẹp 86%, chỉ còn chưa đến 7 tỷ đồng. Điều này chủ yếu do chi phí đi vay giảm, xuất phát từ việc Công ty đã hoàn thành nghĩa vụ trả nợ khoản vay nước ngoài xây dựng nhà máy Nhơn Trạch 2 vào 01/06/2021. Trong khi đó, quý 3 năm trước NT2 chịu khoản lỗ chênh lệch tỷ giá số tiền gần 21 tỷ đồng.
– Khấu trừ chi phí và thuế, NT2 báo lãi ròng 273 tỷ đồng (cùng kỳ thua lỗ). Đây là kết quả tốt nhất trong 3 năm trở lại đây của doanh nghiệp nhiệt điện (kể từ năm 2018). Tính chung giai đoạn 9 tháng đầu năm 2021, NT2 đem về 4.515 tỷ đồng doanh thu thuần và 413 tỷ đồng lãi ròng, lần lượt giảm 5% và 2% so cùng kỳ. Công ty đã thực hiện 89% kế hoạch lợi nhuận năm 2021 cổ đông giao phó.
– Trong tháng 10/2021, NT2 sẽ chi trả cổ tức còn lại năm 2020 bằng tiền mặt theo danh sách cổ đông đã chốt ngày 30/09. Chi trả dự kiến vào ngày 28/10, tỷ lệ đạt 10% (1 cổ phiếu nhận 1.000 đồng). Như vậy, tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2020 bằng tiền tổng cộng đạt 20%.

• TPBank muốn chia cổ tức 35% để tăng vốn
– Ngày 19/10, Ngân hàng TMCP TPBank (HOSE: TPB) thông báo lấy ý kiến cổ đông về phương án tăng vốn điều lệ đợt 2 năm 2021 bằng hình thức phát hành cổ phiếu để tăng vốn với tỷ lệ 35%. Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận để lại chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ theo nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2021.
– TPBank cho biết thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2021, thời gian thực hiện cụ thể tuỳ thuộc vào quá trình phê duyệt của cơ quan quản lý và đảm bảo phù hợp theo quy định pháp luật.
– Trong quý 3, TPBank đã tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng, nâng tổng số vốn điều lệ của ngân hàng lên hơn 11.716 tỷ đồng, thông qua hình thức chào bán 100 triệu cp riêng lẻ đã được ĐHĐCĐ thường niên 2021 thông qua. Bên cạnh đó, tổng huy động của ngân hàng tính đến cuối tháng 9 đạt 230.644 tỷ đồng, tăng 24,73% so cùng kỳ và vượt xấp xỉ 4% kế hoạch cả năm.
– Tính đến hết ngày 30/09/2021, tổng tài sản của Ngân hàng đạt 260.328 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước và vượt hơn 4% kế hoạch cả năm. Tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt 9.868 tỷ đồng, tăng 39% so cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng trong ba quý qua là 15%. Kết thúc tháng 9, Ngân hàng đã đạt 75,76% kế hoạch lợi nhuận cả năm.


Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: https://hubs.li/H0RgXR90
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0