Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 20.07.2021 | ACB, GVR và SAB được thêm mới vào rổ VN30.

Nhận định Thị trường hàng ngày 20/07/2021    25984

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 20/07/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• OPEC+ phá thế bế tắc, nhất trí tăng sản lượng 2 triệu thùng mỗi ngày cho đến hết năm
– Từ tháng 8 đến tháng 12, OPEC cùng đồng minh sẽ tăng sản lượng thêm 2 triệu thùng mỗi ngày, tức mỗi tháng tăng thêm 400.000 thùng mỗi ngày. OPEC+ còn nhất trí gia hạn thỏa thuận kiểm soát sản lượng đến cuối năm 2022 thay vì tháng 4/2022 như hiện tại, cho phép liên minh có dư địa để hành động trong trường hợp đà phục hồi kinh tế thế giới chững lại vì các biến thể virus mới.
– Trước đó, OPEC+ cắt giảm kỷ lục 9,7 triệu thùng mỗi ngày, tương đương 10% tổng sản lượng thế giới, từ tháng 4/2020 để hỗ trợ giá dầu. Hạn chế này được nới lỏng dần và hiện còn giảm 5,8 triệu thùng mỗi ngày. Tuy nhiên, tại cuộc họp của nhóm OPEC+ vào đầu tháng 7 liên quan đến vấn đề tăng sản lượng, các bên xuất hiện bất đồng, không đưa ra được quyết sách nguồn cung cho tháng 8 làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến giá.
– OPEC+ nhất trí tăng hạn mức cho một số thành viên từ tháng 5/2022, bao gồm UAE, Arab Saudi, Nga, Kuwait và Iran. Tổng điều chỉnh sẽ khiến nguồn cung tăng thêm 1,63 triệu thùng mỗi ngày từ tháng 5/2022.
– Cụ thể, đường sản lượng cơ sở của UAE điều chỉnh từ 3,168 triệu thùng mỗi ngày lên 3,5 triệu thùng mỗi ngày. Đường sản lượng cơ sở Arab Saudi, Nga từ 11 triệu thùng mỗi ngày lên 11,5 triệu thùng mỗi ngày, còn của Iraq và Kuwait đều tăng thêm 150.000 thùng mỗi ngày.
– Thỏa thuận này sẽ góp phần xoa dịu tình trạng thiếu cung và giảm rủi ro giá dầu tăng vọt. Đồng thời, thỏa thuận cũng chấm dứt cuộc xung đột ngoại giao khi mâu thuẫn giữa hai đồng minh lâu năm làm dấy lên nguy cơ tan rã thỏa thuận giữa OPEC và đồng minh, vốn là yếu tố góp phần hỗ trợ đà hồi phục của giá dầu trong thời gian vừa qua. Điều này có thể sẽ khiến giá dầu giảm trong ngắn hạn và tác động xấu đến các doanh nghiệp dầu khí.

• Hàn Quốc có thể trở thành nền kinh tế châu Á đầu tiên tăng lãi suất
– Ngân hàng Trung Ương Hàn Quốc tuần trước khiến thị trường tài chính bất ngờ khi ám chỉ có thể tăng lãi suất sớm nhất vào đầu tháng 8. Dù nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á phục hồi nhanh chóng và lạm phát vượt mục tiêu, Hàn Quốc vẫn đang phải đối phó với số ca Covid-19 cao kỷ lục do biến chủng Delta lây lan, khiến chính phủ phải triển khai biện pháp giãn cách nghiêm ngặt hơn.
– Trước đó, Ngân hàng Trung Ương Hàn Quốc giảm lãi suất 75 điểm cơ bản trong năm 2020 xuống thấp kỷ lục 0,5% để hỗ trợ nền kinh tế. Chính sách này lại thúc đẩy các hộ gia đình đi vay, nâng tổng nợ hộ gia đình lên 1.765 nghìn tỷ won, tương đương 1.500 tỷ USD trong tháng 3. Trong số này, nợ thế chấp chiếm 931 nghìn tỷ won.
– Tiền rẻ còn làm gia tăng đầu cơ bất động sản, chứng khoán và tiền điện tử. Giá nhà tăng mạnh bất chấp hàng loạt biện pháp như thuế và hạn chế cho vay. Ngân hàng Trung Ương Hàn Quốc hồi tháng 6 cảnh báo nguy cơ trên thị trường tín dụng đang cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
– Giới phân tích cho rằng lãi suất đang quá thấp đối với một nền kinh tế được dự báo tăng trưởng 4% năm nay, sẽ là nhanh nhất kể từ năm 2010. Lạm phát hiện vượt mục tiêu 2% của Ngân hàng.
– Nếu Ngân hàng Trung Ương Hàn Quốc tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách cuối tháng 8, Hàn Quốc sẽ “nhảy vọt” lên trước cả Ngân hàng Dự trữ New Zealand, nơi có quan điểm thắt chặt nhất tại các nước phát triển.
– Giới chuyên gia kinh tế đang chia rẽ về việc Ngân hàng Trung Ương Hàn Quốc sẽ mạnh tay thế nào trong cân bằng rủi ro tài chính với tăng trưởng kinh tế. Giới phân tích nhận định những phát biểu gần đây của thống đốc Ngân hàng Trung Ương Hàn Quốc cho thấy “sẽ có ít nhất một lần tăng lãi suất, sau đó tùy theo tình hình phục hồi kinh tế”.

2. Thông tin Việt Nam

• Bộ Thông tin & Truyền thông: 6 tháng đầu năm, doanh thu công nghiệp ICT đạt mốc 65 tỷ USD
– Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết ước tính trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu ngành công nghiệp ICT đạt khoảng 65 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
– Với mức tăng trưởng này, dự báo trong năm 2021, ngành ICT sẽ bứt phá và có thể đạt được mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành gấp 2 đến 3 lần tốc độ tăng trưởng của GDP.
– Doanh thu từ lĩnh vực công nghiệp phần cứng, điện tử đạt khoảng 57,6 tỷ USD, chiếm gần 90% tổng doanh thu công nghiệp ICT. Giá trị xuất khẩu sản phẩm phần cứng, điện tử ước đạt 50,5 tỷ USD, chiếm khoảng 31,6% giá trị xuất khẩu của cả nước, với giá trị xuất siêu ước đạt gần 7,7 tỷ USD, dự báo gấp 5 lần giá trị xuất siêu cả nước.
– Đáng chú ý, 2 nhóm hàng hóa “máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện” và “điện thoại và linh kiện các loại” tiếp tục đứng đầu trong 10 nhóm hàng có giá trị xuất khẩu cao của cả nước. Giá trị xuất khẩu máy tính và linh kiện ước đạt khoảng 24,5 tỷ USD. Giá trị xuất khẩu điện thoại và linh kiện điện thoại ước đạt 26 tỷ USD.
– Đối với ngành bưu chính, ước tính doanh thu 6 tháng đầu năm 2021 đạt trên 20.000 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ. Sản lượng bưu gửi (thư, gói, kiện) đạt trên 590 triệu bưu gửi, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2020.
– Đối với ngành viễn thông, tính đến hết tháng 6/2021, tổng doanh thu dịch vụ viễn thông đạt gần 66,29 nghìn tỷ đồng, tăng 5,29% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, dịch vụ viễn thông di động mặt đất đạt khoảng 46,33 nghìn tỷ, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Dịch vụ viễn thông cố định mặt đất đạt 19,27 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 14,85% so với cùng kỳ.
– Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 126,35 triệu thuê bao điện thoại, giảm 0,01% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số thuê bao điện thoại di động chiếm 123,03 triệu, tăng 0,09% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, số thuê bao điện thoại cố định khoảng 3,32 triệu, giảm 3,61% so với cùng kỳ năm trước.
– Ngoài ra, hiện đang có 86,27 triệu số thuê bao băng rộng, tăng 7,54% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số thuê bao băng rộng di động chiếm 68,08 triệu, tăng 5,78% so với cùng kỳ năm trước và số thuê bao băng rộng cố định chiếm khoảng 18,18 triệu, tăng 14,65% so với cùng kỳ năm 2020.

• Vốn hóa sàn HoSE “bốc hơi” 28,5 tỷ USD sau 2 tuần thông sàn
– Đà giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua bắt đầu từ ngày 5/7 khi HoSE chính thức được “thông sàn” với hệ thống của FPT đi vào hoạt động. Kể từ đó tới nay, VN-Index đã trải qua hơn 2 tuần giảm liên tiếp với tổng mức giảm gần 177 điểm, tương ứng 12,4%. Vốn hóa sàn HoSE trong khoảng thời gian trên cũng mất đi khoảng 661.333 tỷ đồng, khoảng 28,5 tỷ USD.
– Phiên giao dịch 19/7 diễn ra khá tiêu cực với áp lực bán tăng mạnh trên toàn thị trường. Theo đó, VN-Index đóng cửa giảm 55,8 điểm, tương đương 4,29%, xuống 1.243,51 điểm. Đây cũng là phiên giảm sâu nhất của VN-Index trong gần 6 tháng qua (phiên 28/1 VN-Index giảm 6,67%). Mức giảm trên cũng khiến vốn hóa HoSE bị “thổi bay” 209.233 tỷ đồng (khoảng 9 tỷ USD) trong phiên hôm nay.
– Đà giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua bắt đầu từ ngày 5/7 khi HoSE chính thức được “thông sàn”. Kể từ đó tới nay, VN-Index đã trải qua hơn 2 tuần giảm liên tiếp với tổng mức giảm gần 177 điểm, tương ứng 12,4%. Vốn hóa sàn HoSE trong khoảng thời gian trên cũng mất đi khoảng 661.333 tỷ đồng (khoảng 28,5 tỷ USD).
– Việc thị trường giảm sâu gần đây đến từ áp lực chốt lời của giới đầu tư sau giai đoạn tăng không ngừng nghỉ. Với mức tăng gần 28%, VN-Index được ghi nhận là chỉ số chứng khoán có mức tăng mạnh thứ 2 thế giới trong nửa đầu năm 2021.
– Quỹ ngoại Dragon Capital đánh giá đợt dịch Covid-19 lần này nguy hiểm và phức tạp hơn cả 3 đợt trước cộng lại, đặc biệt ảnh hưởng tới nhiều khu vực sản xuất và vùng kinh tế trọng điểm như TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh. Do mức độ phức tạp của chủng virus Delta, Dragon Capital hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 từ 6% về 5% để phản ánh các rủi ro hiện có, và cho rằng nhịp điều chỉnh gần đây là vận động bình thường của thị trường, và có thể sẽ cần thêm một thời gian trước khi thị trường tìm lại mức cân bằng.
– Dữ liệu Bloomberg cho thấy, tính theo giá đóng cửa phiên 19/7, định giá P E của VN-Index chỉ còn 17,06 và “hạ nhiệt” đáng kể so với mức P E gần 20 vào đầu tháng 7. Nếu cập nhật KQKD quý 2/2021, định giá P E của VN-Index sẽ còn thấp hơn nhờ triển vọng lợi nhuận các doanh nghiệp tăng trưởng tích cực trong quý.

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

• ACB, GVR và SAB được thêm mới vào rổ VN30.
– Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM vừa công bố danh mục cổ phiếu trong rổ VN30 trong đợt cơ cấu tháng 7/2021.
– Theo đó, cổ phiếu TCH của Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy, mã SBT của Thành Thành Công – Biên Hòa và REE của Cơ điện lạnh bị loại khỏi rổ VN30. Thay vào đó, cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu, GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và SAB của Sabeco được thêm mới vào rổ VN30 trong đợt này.
– Danh mục VN30 này sẽ có hiệu lực chính thức vào ngày 2/8. Bên cạnh đó, HOSE cũng cho biết danh mục cổ phiếu dự phòng trong chỉ số VN30 kỳ này gồm cổ phiếu VCG và 4 đại diện đến từ nhóm ngân hàng là VIB, MSB, EIB, LPB.

• VIB tăng trưởng 68% sau 6 tháng
– Ngân hàng Quốc Tế VIB công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, với tổng doanh thu đạt 7.308 tỷ đồng, tăng trưởng 52% so với cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh việc ưu tiên hỗ trợ kịp thời khách hàng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, ngân hàng tiếp tục cải thiện hiệu quả hoạt động, đưa tỷ lệ chi phí hoạt động trên thu nhập xuống còn 37%. Lợi nhuận trước thuế ghi nhận mức 3.952 tỷ đồng. Hiệu quả sử dụng vốn đạt 32,8%, đưa ngân hàng này 10 quý liên tiếp nằm trong top đầu ngành về hiệu quả kinh doanh.
– Tính đến hết ngày 30/6, tổng tài sản của VIB đạt trên 277.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng trên 185.000 tỷ đồng, tăng 8,1% so với đầu năm. Huy động tiền gửi khách hàng tăng trưởng trên 12%. Với việc tập trung vào chiến lược bán lẻ, dư nợ bán lẻ của VIB tiếp tục tăng trưởng hai chữ số, đạt 14,2%, kể cả trong giai đoạn dịch, chiếm tỷ trọng gần 90% tổng dư nợ của ngân hàng.
– Cùng với đó, tỷ lệ nợ xấu của VIB giảm về mức 1,3%. Với việc quản trị rủi ro chặt chẽ, ngân hàng duy trì các chỉ số rủi ro và hệ số an toàn ở mức thận trọng. Tỷ lệ an toàn vốn ở mức 10,3%, tỷ lệ cho vay trên tiền gửi ở mức 73,1%.
– Ngân hàng cũng đã có kế hoạch chào bán tối đa hơn 46,5 triệu cổ phiếu mới, qua đó tăng vốn sau chào bán lên tối đa hơn 15.997 tỷ đồng. Nếu hoàn thành kế hoạch tăng vốn này đúng tiến độ, VIB sẽ trở thành ngân hàng có vốn lớn thứ 12 trong hệ thống ngân hàng thương mại hiện nay.

• Kinh Bắc muốn chào bán 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ, Dragon Capital dự kiến mua 20%
– Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc thông qua phương án phát hành 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ chào bán cho các nhà đầu tư, tỷ lệ 21,3%. Số cổ phiếu phát hành riêng lẻ này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng một năm kể từ ngày phát hành.
– Giá bán được xác định căn cứ vào điều kiện hạn chế chuyển nhượng với nhà đầu tư, Hội Đồng Quản Trị quyết định bằng 85% giá đóng cửa bình quân của 30 phiên giao dịch liền trước ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có công văn xác nhận đầy đủ hồ sơ và không thấp hơn 28.000 đồng cho 1 cổ phiếu. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm nay, sau khi được Ủy ban chấp thuận.
– Danh sách nhà đầu tư dự kiến tham gia đợt chào bán này gồm 3 tổ chức và 5 cá nhân. Trong đó, 2 quỹ thuộc Dragon Capital đăng ký mua tổng cộng 20 triệu cổ phiếu, chiếm 20% tổng lượng phát hành. Công ty Cổ phần Quản lý quỹ đầu tư SGI đăng ký mua 15 triệu cổ phiếu. Ba cá nhân gồm Trần Thu Thảo, Trịnh Bảo Duy Tân, Nguyễn Hồng Nhung đăng ký mỗi người 15 triệu cổ phiếu.
– Kinh Bắc dự kiến sẽ dùng 10% số tiền thu được để bổ sung vốn lưu động, 40% để tái cơ cấu lại các khoản nợ vay, 50% tăng quy mô hoạt động đầu tư, góp vốn vào công ty con, công ty liên doanh liên kết.


Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

———–

Quý Nhà đầu tư vui lòng dành 3 phút tham gia Khảo sát Đánh giá và đóng góp ý tưởng hoàn thiện Bản tin Nhận định thị trường DCALL: TẠI ĐÂY 

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: https://hubs.li/H0RgXR90
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0