Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 19.11.2021 | Trung Quốc giải phóng dầu từ dự trữ chiến lược, giá dầu Brent rớt mốc 80 USD

Nhận định Thị trường hàng ngày 19/11/2021    79359

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 19/11/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Trung Quốc giải phóng dầu từ dự trữ chiến lược, giá dầu Brent rớt mốc 80 USD
– Trung Quốc đang giải phóng dầu từ kho dự trữ chiến lược vài ngày sau khi Mỹ kêu gọi Trung Quốc cùng bán dầu dự trữ chiến lược. Động thái giải phóng dự trữ chiến lược nhằm đảm bảo sự ổn định trên thị trường năng lượng toàn cầu sau khi giá dầu thô chạm đỉnh nhiều năm trong tháng trước. Washington đang kêu gọi các quốc gia châu Á, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc chung tay tăng nguồn cung dầu sau khi OPEC+ từ chối nâng sản lượng.
– Chưa có quyết định nào được đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung, mặc dù cả hai bên nhất trí tiếp tục thảo luận về tình hình thị trường dầu và có khả năng cùng hợp tác ứng phó, các quan chức cho biết.
– Bắc Kinh và Washington hiện cùng quan ngại về mức giá dầu và nhiên liệu quá cao, lạm phát, cũng như tác động từ đà tăng của chi phí tới đà hồi phục của nền kinh tế.
– Trung Quốc đang tích cực giải phóng dự trữ quốc gia trong năm nay với mục tiêu kéo giảm giá dầu thô trong nước. Hồi tháng 9/2021, Cục Thực phẩm và Dự trữ Chiến lược Quốc gia Trung Quốc tổ chức đấu giá công khai 7.4 triệu thùng dầu, tương đương gần 1 ngày nhập khẩu dầu của Trung Quốc. Quốc gia này cũng thực hiện chào bán riêng lẻ trước khi tổ chức đấu giá công khai.
– Dữ liệu từ Chính phủ cho thấy dự trữ dầu thô tại Mỹ sụt 2.1 triệu thùng trong tuần trước, trái ngược hoàn toàn với dự báo tăng 1.4 triệu thùng từ các nhà phân tích. Bên cạnh đó, làn sóng lây nhiễm mới Covid-19 ở châu Âu đã khiến Chính phủ một số nước buộc phải áp dụng lại các biện pháp hạn chế, qua đó cũng gây áp lực lên giá dầu.

2. Thông tin Việt Nam

• UNCTAD: Năm 2022, giá cả sẽ tăng vọt do giá cước vận tải tăng đột biến
– Việc tăng giá cước vận tải hiện nay sẽ tác động sâu sắc đến thương mại và cản trở sự phục hồi KT-XH, đặc biệt là ở các nước đang phát triển cho đến khi hoạt động vận tải biển trở lại bình thường.
– Liên hợp quốc ngày 18/11 cảnh báo việc tăng giá cước vận tải container sẽ đồng nghĩa với người tiêu dùng phải trả giá mua hàng cao hơn trong năm tới trừ khi các vấn đề về nhiên liệu liên quan đến đại dịch COVID-19 được giải quyết. Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) cho biết giá nhập khẩu toàn cầu có thể tăng 11% và giá tiêu dùng tăng 1,5% từ nay cho đến năm 2023.
– Theo Tổng thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan, việc tăng giá cước vận tải hiện nay sẽ tác động sâu sắc đến thương mại và cản trở sự phục hồi kinh tế xã hội, đặc biệt là ở các nước đang phát triển cho đến khi hoạt động vận tải biển trở lại bình thường.
– Trong báo cáo Đánh giá về Vận tải Hàng hải năm 2021 UNCTAD cho biết giá tiêu dùng toàn cầu sẽ tăng đáng kể trong năm tới cho đến khi sự gián đoạn chuỗi cung ứng vận tải biển được giải quyết, các hạn chế về cảng và sự hoạt động kém hiệu quả của các khu bốc dỡ hàng hóa được khắc phục.

• Kéo dài thời gian miễn thuế nhập khẩu linh kiện ôtô đến 2027
– Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 101/2021 về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.
– Trong đó, Chính phủ quyết định kéo dài thời gian thực hiện chương trình ưu đãi thuế đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2027, để tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ôtô trong nước.
– Theo quy định mới của Nghị định 101, giai đoạn từ 2022-2027, sản lượng cho kỳ xét ưu đãi 6 tháng và 12 tháng lần lượt là 11.500 và 23.000 chiếc đối với xe xăng. Trong khi đó, con số này đối với xe sử dụng pin nhiên liệu hay xe Hybrid, xe ôtô sử dụng nhiên liệu sinh học hoàn toàn, xe sử dụng khí thiên nhiên chỉ là 125 xe và 250.
– Chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp xe ôtô đã được áp dụng kể từ tháng 11/2017 và sẽ hết hạn vào 31/12/2022. Trong đó, các linh kiện ôtô buộc phải nhập khẩu sẽ được ưu đãi thuế 0% khi doanh nghiệp đáp ứng đủ một số điều kiện như sản lượng xe sản xuất, lắp ráp tối thiểu… Doanh nghiệp đã đăng ký tham gia chương trình ưu đãi thuế theo quy định hiện hành không cần phải đăng ký lại.
– Sự điều chỉnh chính sách sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục khuyến đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ôtô trong nước.

3. Nhịp đập thị trường chứng khoán

– VN-Index mở cửa phiên giao dịch ngày 18/11/2021 tương đối tích cực khi nhanh chóng vượt mốc 1.480 điểm. Sang nửa đầu phiên chiều, VN-Index tiếp tục duy trì sắc xanh trước khi giảm lại về tham chiếu. Tuy nhiên chỉ số không giữ được sắc xanh khi áp lực bán mạnh từ nhóm vốn hoá lớn ở phiên ATC đã kéo VN-Index giảm hơn 6 điểm.
– Với VN-Index, VIC, GAS và HPG là những mã có tác động tiêu cực nhất khi cùng nhau lấy đi hơn 5 điểm của chỉ số này. Trong khi đó, BID, SSI và GEX là những mã có tác động tích cực nhất.
– Trên sàn HoSE, khối ngoại đẩy mạnh bán ròng hơn 473 tỷ đồng, gấp đôi phiên trước. VNM vẫn được khối ngoại trên HoSE mua ròng mạnh nhất với 120 tỷ đồng. CTG đứng sau với giá trị mua ròng là 106 tỷ đồng. Trong khi đó, SSI bị bán ròng mạnh nhất với 290 tỷ đồng. HPG và VND bị bán ròng lần lượt 238 tỷ đồng và 139 tỷ đồng.
– Nhóm chứng khoán tiếp tục thu hút nhà đầu tư và là một trong những ngành tăng mạnh nhất thị trường. Trong đó, SSI bật tăng hết biên độ với thông tin tăng vốn điều lệ lên 15.000 tỷ đồng, qua việc chào bán thêm cổ phiếu. Các mã khác như HCM, SHS, VCI, MBS cũng đồng thời tăng từ 5-6%.
– Nhóm cổ phiếu Thép tiếp tục chịu áp lực bán mạnh trong phiên, trong đó HSG giảm mạnh hơn 6%, NKG giảm 4,97%, HPG, POM cùng giảm trung bình gần 3%. Với việc giá thép xây dựng trên sàn giao dịch Thượng Hải liên tục hạ nhiệt thời gian gần đây là nguyên nhân tiêu cực ảnh hưởng đến giá của nhóm cổ phiếu này.
– Các cổ phiếu dầu khí giảm khá mạnh, cụ thể GAS giảm hơn 3%, các cổ phiếu khác như BSR, PVD, PVC và PVS cùng sụt giảm trung bình hơn 4%. Thông tin Trung Quốc giải phóng dầu từ dự trữ chiến lược và làn sóng lây nhiễm mới Covid-19 ở châu Âu đã khiến Chính phủ một số nước buộc phải áp dụng lại các biện pháp hạn chế, qua đó cũng gây áp lực lên giá dầu. Điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến các cổ phiếu dầu khí trong nước.
– Phiên giảm điểm hôm nay chủ yếu do tác động từ phiên đáo hạn phái sinh, tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn mà không lan rộng ra toàn thị trường. Vì vậy, mức ảnh hưởng chưa phản ánh toàn bộ diễn biến phiên giao dịch, và với phiên giảm điểm tương đối nhẹ của chỉ số VN-Index (-0,41%) thì xu hướng hiện tại của thị trường vẫn không có gì thay đổi và chỉ số vẫn duy trì khả năng hướng tới kháng cự tâm lý 1.500 điểm trong thời gian tới.
– Thị trường có thể sẽ vẫn còn chịu áp lực điều chỉnh và phân hóa trong phiên giao dịch kế tiếp. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn của thị trường tiếp tục tăng dần và dòng tiền ngắn hạn vẫn đang phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu cho nên các nhà đầu tư ngắn hạn có thể chủ động chốt lời các mã đã đạt kỳ vọng và hạn chế mua đuổi các trạng thái đã tăng nhiều trong thời gian vừa qua.

4. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Hóa chất Đức Giang muốn khởi công xây dựng dự án 12.000 tỷ đồng từ quý I/2022
– Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HoSE: DGC) vừa công bố tài liệu họp ĐHCĐ bất thường, dự kiến diễn ra ngày 10/12 tại Hưng Yên. Theo đó, HĐQT dự kiến trình cổ đông phương án điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Tổ hợp Hóa chất Đức Giang Nghi Sơn tại thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa – đây là dự án có quy mô lớn nhất từ trước đến nay của tập đoàn. Tổng vốn đầu tư dự kiến 12.000 tỷ đồng, chia làm hai giai đoạn (giai đoạn 1 là 10.000 tỷ đồng, giai đoạn 2 là 2.000 tỷ). Trong khi theo phê duyệt ban đầu dự án chia làm 3 giai đoạn với mức vốn đầu tư lần lượt là 2.000 tỷ, 7.000 tỷ và 3.000 tỷ đồng.
– Về giai đoạn 1 sắp tới, vốn tự có của tập đoàn là 5.500 tỷ đồng, tương đương 55% tổng vốn đầu tư cho giai đoạn này. Trong đó, 3.000 tỷ đồng sẽ góp trong năm sau từ nguồn lợi nhuận để lại và 2.500 tỷ còn lại sẽ góp tiếp trong năm 2023-2024 từ nguồn lợi nhuận để lại hoặc phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu. Tính đến cuối tháng 9, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Hóa chất Đức Giang là hơn 1.813 tỷ đồng.
– Bên cạnh đó, thời gian đầu tư dự án cũng được điều chỉnh. Cụ thể, tổ hợp sẽ được khởi công xây dựng từ quý I năm sau và kéo dài đến năm 2028. Sản phẩm của dự án là xút rắn và nhựa PVC dẻo. Diện tích mặt bằng dự kiến sử dụng là 80 ha. Ngay trong giai đoạn 1, công ty dự kiến sản xuất các sản phẩm như xút rắn, nhựa PVC, Chloramin B… nhằm thu về doanh thu khoảng 8.723 tỷ đồng và lợi nhuận thu về 1.800 tỷ.
– Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ được khởi công vào tháng 9/2020, hoàn thành từng phân xưởng và có thể bán hàng từ cuối năm 2021. Giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành tháng 6/2022. Giai đoạn 2 bắt đầu đầu tư từ năm 2022 đến 2024 và giai đoạn 3 bắt đầu đầu tư từ năm 2025 đến 2026. Tuy nhiên dự án còn gặp một số khó khăn trong đó có ý kiến người dân đụa phương lo ngại về sự ô nhiễm hóa chất, nguy cơ ảnh hưởng môi trường sống, nên chưa đủ điều kiện trình Bộ Tài nguyên & Môi trường thẩm định, hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng khác…
– Về hoạt động kinh doanh, lũy kế 9 tháng, doanh nghiệp đạt 6.094 tỷ đồng doanh thu và 1.113 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 31% và 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, Hóa chất Đức Giang đã thực hiện 81% chỉ tiêu doanh thu và vượt 1% mục tiêu lợi nhuận cả năm. Cuối tháng 10 vừa qua, tập đoàn lên kế hoạch doanh thu hợp nhất quý IV đạt 3.650 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 600 tỷ đồng, lần lượt gấp 2,3 lần và gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước. Nếu đạt được, đây tiếp tục là mức lợi nhuận kỷ lục của doanh nghiệp.

• Tập đoàn PAN muốn tăng vốn lên hơn 4.500 tỷ đồng thông qua thưởng, chào bán cổ phiếu
– Tập đoàn PAN (HoSE: PAN) thông báo triển khai lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ. Ngày đăng ký cuối cùng là 1/12. Cụ thể, tập đoàn sẽ phát hành tối đa 235,8 triệu cổ phiếu tăng vốn từ 2.164 tỷ đồng lên 4.522 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp dự kiến phát hành tối đa 86,5 triệu cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu, tỷ lệ 40%; chào bán cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 50%, tương ứng 108 triệu cổ phiếu với giá 15.000 đồng/cp và chào bán riêng lẻ 41,1 triệu cổ phiếu.
– Với phương án phát hành riêng lẻ, giá chào bán không thấp hơn 90% bình quân giá đóng cửa 10 phiên liền trước ngày HĐQT quyết định phê duyệt phương án chi tiết và trong mọi trường hợp không thấp hơn giá trị sổ sách theo BCTC quý gần nhất. Phương án này sẽ thực hiện sau khi The PAN Group phát hành xong tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu và chào bán cho cổ đông hiện hữu. Cổ phiếu phát hành riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm với nhà đầu tư chiến lược và 1 năm với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
– Doanh nghiệp huy động vốn để tăng tỷ lệ sở hữu tại các công ty thành viên hoạt động có hiệu quả, nâng cao lợi ích tổng thể cho tập đoàn; M&A các công ty trong lĩnh vực nông nghiệp – thực phẩm, có hệ thống quản trị minh bạch, đạt hiệu quả kinh doanh tốt hoặc triển vọng cao trong vòng 5 đến 10 năm tới; đầu tư ngắn và trung hạn vào các sản phẩm đầu tư an toàn, có lãi suất cố định trên thị trường vốn, tiền tệ, tối ưu hóa nguồn vốn…
– Về hoạt động kinh doanh, trong 9 tháng đầu năm, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần 6.402 tỷ đồng, tăng 10%. Lợi nhuận sau thuế đạt 231,8 tỷ, tăng 30% và phần thuộc cổ đông công ty mẹ đạt 121,4 tỷ, tăng 24% so với cùng kỳ 2020. Các mảng kinh doanh đóng góp lớn vào lợi nhuận cổ đông công ty mẹ lần lượt là thủy sản xuất khẩu, giống cây trồng và nông dược, khử trùng. Đáng chú ý, mảng hạt và snack đạt tăng trưởng lợi nhuận vượt trội so với cùng kỳ nhờ xuất khẩu và gia tăng tỷ lệ hàng giá trị gia tăng trong cơ cấu sản phẩm.

——–
Trung tâm Tư vấn đầu tư VNDIRECT
Hội tụ trí tuệ – Lan tỏa thành công
📅 Lịch phát sóng các chương trình của Trung tâm TVĐT:
Thứ 2, 15h: La Bàn Đầu tư – điểm lại tin tức vĩ mô & các kênh Tài sản trong tuần.
Thứ 4, 15h30: Tọa đàm đầu tư – cập nhật về Ngành, Mã có câu chuyện đầu tư, đáng chú ý- Chương trình dành riêng cho Khách hàng của VNDIRECT

Thứ 5, 15h30: Cổ phiếu 360 – Nhận định về một mã cổ phiếu ở 2 góc nhìn Tích cực & Tiêu cực
Thứ 7, 9h (2 tuần/ lần) : Đối thoại với PM – Mời Khách mời là PM hoặc các chuyên gia trong Ngành để trao đổi, thảo luận về quan điểm, chiến lược đầu tư.
————
Các chương trình của chúng tôi được phát sóng trên:
🌎 Website: https://www.vndirect.com.vn/
🌎 Fanpage Vndirect Securities Corporation : https://www.facebook.com/vndirect
📺 Youtube: https://www.youtube.com/vndirectdinsightsbantronchuyengia
#Dcall