Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 19.08.2021 | Vinamilk công bố đối tác liên doanh tại Phillipines, sản phẩm thương mại sẽ lên kệ 9/2021

Nhận định Thị trường hàng ngày 19/08/2021    40217

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 19/08/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Biến thể Delta làm tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu
– Biến thể Delta hoành hành gây đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa ở châu Á, trung tâm sản xuất của thế giới. Các quốc gia từng thành công trong việc ngăn chặn Covid-19 đang chứng kiến biến thể Delta lây lan nhanh chóng, tạo ra hàng loạt thách thức tại các nhà máy và bến cảng. Những khó khăn ở châu Á – nơi Liên hợp quốc ước tính chiếm khoảng 42% xuất khẩu thế giới – có nguy cơ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, khi nhu cầu hàng hóa thường tăng cao trong mùa mua sắm lễ Giáng sinh. Các trục trặc lưu thông khởi phát từ các cảng châu Á, sau đó lan tỏa và tạo ra những chậm trễ ở những nơi như Los Angeles hoặc Rotterdam, dẫn đến giá cả hàng hóa đắt đỏ hơn khi đến tay người tiêu dùng.
– Cụ thể, biến thể Delta đã xâm nhập vào hệ thống phòng dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc. Dù số ca nhiễm tương đối thấp, nhưng với phương pháp tiếp cận không khoan nhượng, bến Mai Sơn ở cảng Ninh Ba – Chu Sơn, cảng lớn thứ 3 thế giới, lập tức bị phong tỏa, khiến tất cả các dịch vụ container đi và đến đều bị tạm dừng vào tuần trước. gây ảnh hưởng lớn đến vận chuyển quốc tế.
– Trong khi Đông Nam Á – một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất – có nhà máy đã ngừng sản xuất hàng điện tử, hàng may mặc và một số sản phẩm khác, đe dọa đà tăng trưởng xuất khẩu, vốn là lực đỡ cho nhiều nền kinh tế dựa vào thương mại để vượt qua và phục hồi sau dịch. Indonesia đang dẫn đầu Đông Nam Á về số ca mắc và tử vong, trở thành một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên toàn cầu do tiêm chủng chậm lại.
– Các đợt bùng phát cũng làm tồi tệ thêm một năm chồng chất khó khăn đối với các nhà xuất khẩu, vì chi phí vận chuyển tăng cao do thiếu container và nguyên liệu thô như chất bán dẫn khan hiếm và đắt đỏ. Các nhà sản xuất đã chứng kiến hoạt động sụt giảm trong tháng trước, do phải vật lộn để duy trì hoạt động nhà máy, một dấu hiệu cho thấy đại dịch có thể tạo ra sự sụt giảm trong thương mại có khả năng phục hồi của khu vực.
– Theo ước tính của Natixis, Indonesia, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan chiếm 5,7% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu, nhưng họ có thể tác động mạnh đến các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử. Trung Quốc nhập khẩu 38% máy xử lý dữ liệu và 29% thiết bị viễn thông từ 5 quốc gia này, trong khi Mỹ phụ thuộc vào một nửa nhập khẩu chất bán dẫn từ đó. Samsung Electronics cho biết vào tháng trước, doanh thu trong lĩnh vực kinh doanh điện thoại di động đã bị ảnh hưởng bởi dịch bùng phát ở Việt Nam.

2. Thông tin Việt Nam

• ‘Kẹt’ mạng lưới quốc tế, hàng container qua cảng biển Việt Nam vẫn tăng trưởng hai chữ số
– Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, sản lượng hàng hóa container qua hệ thống cảng biển Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2021 vẫn có mức tăng trưởng 2 con số với mức tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020, ước đạt gần 16,8 triệu TEUs. Trong đó, hàng xuất khẩu ước đạt hơn 5,4 triệu TEUs, tăng 16%; hàng nhập khẩu ước đạt hơn 5,5 triệu TEUs, tăng tới 21% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam ước đạt hơn 480,4 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020.
– Một số khu vực cảng biển có sản lượng hàng container thông qua cao nhất tính trong 8 tháng đầu năm 2021 như: khu vực Quảng Nam tăng hơn 115%, khu vực Mỹ Tho tăng 41%, khu vực Hải Phòng tăng hơn 17%. Ngược lại, một số khu vực giảm mạnh như: khu vực Quảng Ninh giảm 98%, khu vực Đà Nẵng giảm 38%, khu vực Cần Thơ giảm 23% so với cùng kỳ năm 2020.
– Thời gian qua, các hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết được phát huy, hoạt động xuất nhập khẩu từ đầu năm đến nay tăng trưởng tích cực. Theo nhận định của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa dự báo vẫn khởi sắc trong những tháng cuối năm. Tăng trưởng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển sẽ tích cực hơn khi dịch bệnh sớm được kiểm soát, các hiệp định thương mại tự do được thực hiện toàn diện.
– Trên cơ sở phân tích, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng của các cảng biển khu vực phía Nam.
– Với kịch bản số 1, dịch Covid-19 tại Việt Nam được kiểm soát vào cuối quý 3/2021, vaccine phòng dịch được tiêm chủng trên diện rộng, doanh nghiệp hoạt động trở lại, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tăng từ 5-7%, khu vực Cái Mép sẽ tăng từ 12-15% so với 6 tháng đầu năm, do các hãng tàu chủ động điều chuyển hàng hóa từ Thành phố Hồ Chí Minh ra để đảm bảo nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa cho các doanh nghiệp.
– Kịch bản thứ 2, dịch bệnh được kiểm soát vào đầu quý 4/2021, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh dự báo tăng từ 3-5%, khu vực Cái Mép tăng từ 15-17% do hãng tàu, khách hàng tăng cường chuyển đổi hàng hóa về Cái Mép và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai quy định thu phí hạ tầng cảng biển từ tháng 10/2021.
– Còn kịch bản thứ 3, dịch bệnh được kiểm soát vào giữa quý 4/2021, doanh nghiệp dần phục hồi sản xuất vào các tháng cuối năm với đà phục hồi chậm hơn so với thời điểm thông thường do ảnh hưởng thời gian dài giãn cách. Dự kiến, sản lượng hàng hóa thông qua khu vực cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh và Cái Mép sẽ tương đương với 6 tháng đầu năm.

3. Nhịp đập thị trường chứng khoán

• Thị trường giằng co trong biên độ hẹp
– Thị trường điều chỉnh sang phiên thứ hai liên tiếp với cùng kịch bản bán ở cuối phiên và được cộng hưởng từ lượng bán ròng của khối ngoại ở các mã trụ. VHM tiếp tục gây ảnh hưởng khá nhiều đến chỉ số trong phiên nay, nhưng nếu loại bỏ biến động này thì giao dịch nhìn chung khá ổn định. Thị trường đi ngang là chính, dao động quanh tham chiếu và cổ phiếu phân hóa chứ không áp đảo.
– Tín hiệu không được tích cực là dòng tiền tiếp tục suy giảm trong phiên hôm nay. VHM tiếp tục bị bán rất mạnh nhưng tổng thể thanh khoản VN30 vẫn tiếp tục giảm do thanh khoản ở các nhóm Ngân hàng, Thép giảm mạnh so với các phiên trước. Dòng tiền cũng giảm ở cả Midcap và Smallcap. Sức nóng của nhóm đầu cơ vẫn ổn nhưng nếu dòng tiền tiếp tục giảm thì khả năng cao thị trường sẽ yếu dần.
– Khối ngoại tiếp tục có chuỗi 7 phiên bán ròng liên tục. Hôm nay là phiên bán ròng mạnh nhất của các nhà đầu tư ngoại trên thị trường Việt Nam kể từ phiên giao dịch 15/1/2021. Riêng HOSE con số bán ròng là 1886 tỷ đồng. Lực bán ròng hôm nay ngoài việc tập trung vào mã VHM, SSI như các phiên trước đó, đã ghi nhận thêm việc bán ròng chứng chỉ quỹ FUEVFVND với hơn 301 tỷ đồng.
– Độ rộng thị trường tuy kém, nhưng dòng tiền có sự chọn lọc ở nhóm cổ phiếu Chứng khoán, Thủy sản, Bảo hiểm, Thép, Dược. Ở chiều ngược lại nhóm cổ phiếu Ngân hàng, Bất động sản chịu áp lực bán khiến chỉ số chung giảm điểm.
– Do tín hiệu hỗ trợ chưa rõ ràng nên có thể VN-Index sẽ cần thêm thời gian tích lũy tại vùng 1.355-1.370 điểm. Giai đoạn này mua mới là khá khó khi nhóm tăng mạnh đang giao dịch ở vùng giá cao còn nhóm yếu tích lũy nền giá lại chưa có tín hiệu bứt phá trong ngắn hạn. Nhà đầu tư tạm thời nên quan sát thị trường trong các phiên sắp tới và chờ thị trường có tín hiệu tích cực trở lại trước khi xem xét tìm kiếm cơ hội giao dịch mới.

4. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Nhựa Bình Minh: Lần đầu tiên lỗ, hoạt động duy trì 15-20%
– Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng giám đốc Nhựa Bình Minh (HoSE: BMP) thông tin, sản lượng bán hàng trong tháng 7 đạt 5.213 tấn, giảm 44%; doanh thu 244 tỷ đồng, giảm gần 39% so với cùng kỳ năm trước. Nửa đầu tháng 7, tình hình Covid-19 tương đối ổn định nên hoạt động sản xuất duy trì mức bình thường. Song, nửa sau tháng 7 hoạt động kinh doanh sa sút nghiêm trọng trước các biện pháp giãn cách, việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn. Sản phẩm của doanh nghiệp không được đưa vào diện thiết yếu và chỉ được phục vụ một số công trình đặc thù như bệnh viện dã chiến. Đồng thời, với giá nguyên liệu đầu vào cao đã nhập trước đó, doanh nghiệp lần đầu tiên trong lịch sử ghi nhận lợi nhuận âm khoảng 3,7 tỷ đồng tháng 7.
– Nửa đầu năm, doanh thu đạt 2.606 tỷ đồng, tăng 14,5% cùng kỳ năm trước; lãi sau thuế 126 tỷ đồng, giảm 51% và thực hiện 24% kế hoạch năm. Biên lợi nhuận gộp giảm sâu từ 26,4% về 15%. Lũy kế 7 tháng, BPM thực hiện được 55% kế hoạch doanh thu cả năm và 53% kế hoạch sản xuất. Tuy nhiên, đơn vị mới thực hiện 23% kế hoạch lợi nhuận năm do giá nguyên liệu tăng cao. Giá hạt nhựa PVC tăng rất mạnh trong nửa đầu năm và đạt đỉnh vào tháng 5 với 1.600 USD/tấn, trong khi mức bình quân 2020 ở khoảng 900-1.000 USD/tấn.
– Nhựa Bình Minh đã tăng giá bán khoảng 14% trong 6 tháng đầu năm, và sẽ duy trì giá bán để thúc đẩy sản lượng cho 4 tháng còn lại của năm. Giá nguyên liệu đang có xu hướng giảm từ tháng 5, khoảng 20%, có thể cải thiện biên lợi nhuận. Giá nguyên liệu nhựa được dự báo tăng trở lại từ tháng 9 dù không cao như đầu năm.
– Lãnh đạo Nhựa Bình Minh chia sẻ tình hình còn nghiêm trọng hơn trong tháng 8 khi sản lượng tiêu thụ ước khoảng 1.400 tấn, doanh thu khoảng 70-75 tỷ đồng, giảm sâu so với cùng kỳ năm trước và rất thấp so với mức kế hoạch 400-500 tỷ đồng mỗi tháng.
– Đợt dịch bùng phát lần này khiến toàn bộ hoạt động của công ty chỉ duy trì ở mức 15-20% so với bình thường trong tháng 7 và nửa đầu tháng 8. Về hoạt động sản xuất, công ty không duy trì mô hình 3 tại chỗ ở nhà máy Sài Gòn do điều kiện không gian và nhà máy chỉ còn 5% lực lượng lao động làm việc, lượng hàng tồn kho vẫn đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Nhà máy ở Bình Dương duy trì khoảng 80% lao động làm việc, chủ yếu cho khu vực bán hàng và chỉ sản xuất một số mặt hàng cần thiết. Ở Long An, doanh nghiệp có hơn 150 lao động và vẫn duy trì làm việc bình thường theo mô hình 3 tại chỗ. Tính chung toàn doanh nghiệp, lực lượng lao động còn làm việc chiếm khoảng 20%.
– Với diễn biến dịch còn phức tạp thì tình hình sản xuất kinh doanh sẽ còn bị ảnh hưởng đến nửa đầu tháng 9. CEO đánh giá tháng 9 có thể phục hồi 50% sản lượng tiêu thụ và sản xuất đã là kết quả rất tốt. Theo đó, doanh nghiệp chỉ có thể kỳ vọng vào hoạt động quý IV. Nếu Covid-19 được khống chế thì mảng xây dựng dân dụng sẽ được đẩy mạnh hơn, doanh nghiệp đã chuẩn bị kế hoạch về hàng tồn kho, năng lực sản xuất để đón đầu nhu cầu phục hồi sau dịch.

• Vinamilk công bố đối tác liên doanh tại Phillipines, sản phẩm thương mại sẽ lên kệ vào tháng 9/2021
– CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, HOSE: VNM) công bố đối tác liên doanh tại Philippines là Del Monte Philippines, Inc. (DMPI), công ty con của Del Monte Pacific Limited và là một doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống hàng đầu tại Philippines. Tổng vốn đầu tư giai đoạn đầu là 6 triệu USD, trong đó Vinamilk và đối tác góp 50% mỗi bên. Liên doanh sẽ nhập khẩu các sản phẩm sữa từ Vinamilk, sau đó được tiếp thị và phân phối tại Philippines thông qua DMPI.
– Liên doanh sẽ sử dụng đồng thương hiệu Del Monte-Vinamilk cho các sản phẩm của mình và phát huy sức mạnh thương hiệu của cả hai doanh nghiệp. Tính đến nay, DMPI đã hoạt động tại Philippines hơn 95 năm, nổi tiếng với các sản phẩm từ dứa và trái cây hỗn hợp đóng gói, nước trái cây, nước sốt cà chua.
– Liên doanh sẽ kết hợp thế mạnh của Vinamilk trong khâu sản xuất và Del Monte về khâu phân phối. Vinamilk hiện đang sở hữu chuỗi giá trị khép kín với hệ thống 13 trang trại bò sữa đạt tiêu chuẩn quốc tế như GLOBAL G.A.P, Organic Châu Âu và Mỹ, khai thác đàn bò sữa gần 160,000 con, kết hợp với 13 nhà máy trên khắp Việt Nam. Với năng lực sản xuất lớn, Vinamilk hiện đang kinh doanh hơn 250 chủng loại sản phẩm, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu về sữa, sản phẩm từ sữa và nước giải khát và xuất khẩu đến 56 quốc gia trên thế giới. Trong khi đó, DMPI hiện đang sở hữu mạng lưới phân phối rộng khắp Philippines, có mối quan hệ lâu dài, bền chặt với các nhà bán lẻ thực phẩm, đồ uống hàng đầu và quan hệ đối tác với các nhà phân phối trên cả nước. Hiện tại, các sản phẩm của DMPI đang có mặt tại hơn 100,000 điểm bán lẻ tại Philippines.
– Philippines là quốc gia có dân số lớn thứ hai ở Đông Nam Á, nơi thu nhập người dân và mức tiêu thụ các sản phẩm sữa bình quân đầu người ngày càng tăng. Liên doanh mang đến cơ hội phát triển cho ngành sữa Philippines khi Vinamilk mở rộng sang một thị trường mới và Del Monte mở rộng ngành hàng mới với sản phẩm thiết yếu được người tiêu dùng sử dụng hàng ngày.


Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

———–

Quý Nhà đầu tư vui lòng dành 3 phút tham gia Khảo sát Đánh giá và đóng góp ý tưởng hoàn thiện Bản tin Nhận định thị trường DCALL: TẠI ĐÂY 

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: https://hubs.li/H0RgXR90
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0