Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 19.01.2022 | Thị trường sắp chào đón thêm quỹ 5.000 tỷ đồng từ Đài Loan

Nhận định Thị trường hàng ngày 19/01/2022    94716

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 19/01/2022

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Moody’s: Zero Covid của Trung Quốc có thể giáng thêm đòn vào chuỗi cung ứng thế giới
– Các nút thắt trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã tồn tại trong khoảng 1 năm trở lại đây, và được dự báo sẽ “dịu bớt trong những tháng đầu năm 2022”, theo Moody’s Analytics.
– Cụ thể, Trung Quốc sẽ có những thay đổi đối với lạm phát và chính sách của ngân hàng trung ương trong một vài tháng tới, và Trung Quốc đang bắt đầu chứng kiến áp lực ngày một giảm dần trên giá nhà sản xuất, giá nguyên liệu đầu vào. Tuy nhiên, trong bối cảnh Trung Quốc siết chặt chiến lược zero Covid và duy trì đóng cửa nhiều nhà máy và cảng biển quan trọng, tình trạng gián đoạn có thể sẽ gia tăng.
– Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, trong năm ngoái đã cho đóng cửa một phân cảng quan trọng tại cụm cảng Ninh Ba – Chu San, cảng biển bận rộn thứ 3 thế giới. Quyết định được đưa ra sau khi một công nhân xét nghiệm dương tính với Covid-19, và đây không phải lần đầu quốc gia này yêu cầu một phân cảng quan trọng tạm dừng hoạt động vì phát hiện ca dương tính với Covid-19.
– Bắc Kinh đã áp dụng chiến lược zero Covid kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào đầu năm 2020. Quốc gia này thực hiện các biện pháp như cách ly nghiêm ngặt và hạn chế đi lại, ngay cả trong phạm vi một thành phố, nhằm kiểm soát dịch bệnh. Các biện pháp kiểm soát dịch bệnh cực đoan này đã ảnh hưởng không nhỏ tới nền công nghiệp sản xuất và vận tải hàng hóa toàn cầu, khiến cho cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng càng trở nên trầm trọng. Với việc Trung Quốc phát hiện ra ca dương tính đầu tiên với Omicron cho thấy việc duy trì chiến lược zero Covid không thể loại bỏ hết các rủi ro dịch bệnh xâm nhập. Điều này sẽ đặt ra dấu hỏi cho khả năng mở cửa lại và chấp nhận sống chung với Covid-19 của Trung Quốc.

2. Thông tin Việt Nam

• Thị trường sắp chào đón thêm quỹ 5.000 tỷ đồng từ Đài Loan
– Thị trường chứng khoán Việt Nam sắp chào đón thêm một quỹ nước ngoài đến từ Đài Loan (Trung Quốc) là Jih Sun Vietnam Opportunity Fund (JSV Fund), được tư vấn bởi VinaCapital. Ngày 10/1, JSV Fund sẽ bắt đầu huy động vốn đầu tư vào thị trường Việt Nam. Quy mô theo mệnh giá phát hành khoảng 6 tỷ Đài tệ (khoảng 5.000 tỷ đồng).
– Theo Bloomberg, quỹ sẽ đầu tư 50% vào cổ phiếu và chứng chỉ lưu ký nước ngoài. Trong phần này, tỷ trọng cổ phiếu của thị trường Việt Nam là không thấp hơn 70%. Ngày bắt đầu giải ngân là 26/1.
– Danh mục đầu tư của quỹ trải dài nhiều ngành nghề như vật liệu xây dựng, bất động sản, ngân hàng và chứng khoán. Trong đó, top những khoản đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất đến gồm HPG (9%), VHM (6%), MBB (5%), VCB (5%), KBC (4%)…
– Quỹ chọn đầu tư vào Việt Nam vì nhận thấy Việt Nam là một viên kim cương của châu Á và đang có tốc độ phát triển kinh tế thuộc mức hàng đầu khu vực, đồng thời cho biết Việt Nam hiện đang có 4 nguồn lợi đến từ kinh tế, dân số, vốn nước ngoài và thị trường chứng khoán. Việt Nam được kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng trưởng kinh tế mạnh trong 10 năm tới, đặc biệt là tiềm năng từ thị trường chứng khoán vốn mới chỉ có 4% dân số có tài khoản chứng khoán.
– Sau Fubon, Việt Nam tiếp tục đón thêm quỹ ngoại Đài Loan, cho thấy sự tích cực của triển vọng thị trường Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Việc quỹ ngoại tham gia vào thị trường trong nước là tín hiệu phản ánh triển vọng phát triển tốt của thị trường nội địa trong tương lai.

• Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam năm 2021
– Mặc dù tăng trưởng GDP năm 2021 chỉ đạt 2,58% nhưng hoạt động xuất nhập khẩu vẫn là một điểm sáng. Tháng 12/20211, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 66,2 tỷ USD, tăng 6% so với tháng trước, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước.
– Năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 668,54 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 336,31 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 332,23 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm 2020. Thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, kim ngạch đạt 96,3 tỷ USD. Bên cạnh đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 109,9 tỷ USD.
– Hết năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa đạt xuất siêu 4,08 tỷ USD. So với năm 2020, xuất siêu năm 2021 chỉ bằng 20% nhưng nhờ vào mục tiêu của Chính phủ “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đã giúp cho hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa phát triển ổn định.
– Dịch Covid-19 diễn ra với nhiều lần bùng dịch nghiêm trọng đã gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh tế. Tình hình xuất, nhập khẩu cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mặc dù nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, thương mại toàn cầu giảm sút, xuất nhập khẩu các nước đều giảm nhưng Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao. Trong thời gian tới, khi các nước thích nghi với xu hướng bình thường mới, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sẽ cao hơn.

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Dệt may TNG lãi kỷ lục 233 tỷ đồng, tăng 52% so với năm 2020
– Công ty Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) công bố BCTC quý IV/2021 với lợi nhuận sau thuế 63,5 tỷ đồng, gấp 2,7 lần cùng kỳ năm trước. Doanh thu trong quý ghi nhận 1.363 tỷ đồng, tăng 43%. Giá vốn tăng ít hơn giúp lãi gộp đạt hơn 213 tỷ đồng, tăng 53% so với quý IV/2020. Trong kỳ, hoạt động tài chính mang lại hơn 19 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.
– Lũy kế cả năm, doanh thu Dệt may TNG đạt gần 5.444 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 233 tỷ đồng; lần lượt tăng 22% và 52% so với thực hiện năm 2020. Doanh nghiệp thực hiện 113% kế hoạch doanh thu và 133% kế hoạch lợi nhuận năm, và là kết quả kinh doanh cao nhất từ khi hoạt động đến nay.
– Doanh nghiệp lý giải lợi nhuận tăng nhờ định hướng tập trung vào khai thác, tăng tỷ trọng các khách hàng FOB (chủ động từ nguyên liệu đến thành phẩm). Cùng với việc khách hàng dịch chuyển đơn hàng từ các nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sang Việt Nam; doanh nghiệp xác định rõ dòng hàng mục tiêu là các sản phẩm kỹ thuật, cao cấp. Đồng thời, đơn vị áp dụng các giải pháp nâng cao năng suất lao động bằng việc sử dụng máy móc tự động, ứng dụng công nghệ 4.0 kiểm soát tình hình sản xuất của các nhà máy…
– Tại thời điểm cuối kỳ, doanh nghiệp còn 13 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, giảm 90% so với đầu năm. Khoản phải thu tăng 61% lên 726 tỷ đồng, hàng tồn kho tăng 13% đạt 1.159 tỷ đồng. Ngoài ra, trong năm doanh nghiệp tăng vay nợ ngắn hạn thêm 339 tỷ đồng lên 1.621 tỷ đồng, ngược lại vay dài hạn giảm 114 tỷ đồng lên 457 tỷ đồng.
– Đây là kết quả kinh doanh cao nhất từ khi hoạt động đến nay. Bên cạnh được hưởng lợi từ việc khách hàng dịch chuyển đơn hàng từ các nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sang Việt Nam, TNG xác định rõ dòng hàng mục tiêu là các sản phẩm kỹ thuật, cao cấp nên đã áp dụng các giải pháp nâng cao năng suất lao động bằng việc sử dụng máy móc tự động, ứng dụng công nghệ 4.0, nhờ đó đã nâng cao năng suất tại các nhà máy.

• Phú Tài (PTB) ước lãi trước thuế 650 tỷ đồng năm 2021, đặt mục tiêu lãi 790 tỷ đồng trong năm 2022
– Năm 2021, Công ty Cổ phần Phú Tài công bố lãi trước thuế đạt 650 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2021 của Phú Tài ước đạt 6.554 tỷ đồng, tăng 16% so với năm trước đó và hoàn thành 94% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế tăng 41% so với số lãi đạt được năm 2020 và hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.
– Kế hoạch lãi 790 tỷ đồng năm 2022. Cùng với đó Phú Tài cũng thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022 với mục tiêu doanh thu hợp nhất tăng 11% so với thực hiện năm 2021, lên 7.250 tỷ đồng. Chỉ tiêu lãi trước thuế tăng 21% lên 790 tỷ đồng.
– Hiện Phú Tài chưa công bố báo cáo tài chính quý 4/2021. Còn số liệu trên BCTC hợp nhất quý 3/2021 ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.730 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 493 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 397 tỷ đồng.

4. Nhịp đập thị trường chứng khoán

– VN-Index mở cửa giảm hơn 12 điểm ngay sau phiên ATO. Có thời điểm, VN-Index giảm gần 19 điểm. Kết phiên sáng, nhờ sự trợ giúp của cổ phiếu nhóm VN30, VN-Index chỉ còn giảm hơn 8 điểm. Sang phiên chiều, nhóm vốn hóa lớn hồi nhẹ đầu phiên giúp VN-Index tiến về gần tham chiếu. Tưởng như thị trường đã tìm được điểm cân bằng thì lực bán mạnh sau 2 giờ chiều đã đẩy chỉ số tiếp tục giảm sâu. Đỉnh điểm trong ngày, VN-Index có lúc giảm mạnh hơn 28 điểm. Kết thúc giao dịch, VN-Index giảm 13.9 điểm, xuống còn 1,438.94 điểm.
– Về mức độ ảnh hưởng, VHM, GVR, VIC và SHB là những mã có tác động tiêu cực nhất đến chỉ số VN-Index, khi kéo thị trường giảm đi tổng cộng hơn 6 điểm. Trong khi đó, VCB, BID và GAS là những mã có tác động tích cực nhất đến chỉ số.
– Ngành chứng khoán tiếp tục có phiên giảm mạnh. Trong nhóm có tới 14/25 mã nằm sàn, cụ thể như các mã: VND, VCI, VIX, FTS, AGR,… Các mã khác như SSI, HCM, SHS và MBS cũng đều lao dốc trong phiên. Tương tự như ngành chứng khoán, ngành xây dựng cũng chứng kiến hàng loạt những mã nằm sàn như: THD, CII, BCG, ROS, DPG, FCN,…
– Đi ngược với thị trường chung, nhóm cổ phiếu dầu khí lại bật tăng khá tích cực. Cụ thể, cổ phiếu PVD bật tăng 5.6%, PVB và PVS cùng tiến hơn 3%, OIL và GAS tăng hơn 2%, PLX cũng hiện sắc xanh nhẹ. Giá dầu WTI (West Texas Intermediate) đã vượt đỉnh cũ tháng 10/2021 và đạt mức cao nhất kể từ năm 2015 đến nay. Điều này là động lực để nhóm dầu khí bứt phá mạnh mẽ.
– Về mua ròng của khối ngoại, riêng sàn HoSE, khối ngoại mua ròng đột biến 896 tỷ đồng (gấp 4,5 lần phiên trước), tương ứng giá trị mua ròng là 27,6 triệu cổ phiếu.
– VN-Index đang trải qua giai đoạn biến động mạnh khi việc các mã giảm sàn và mất thanh khoản trong vài ngày vừa qua khá phổ biến, phản ánh hiện tượng margin call tại nhóm các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ vốn đã tăng quá nóng trong giai đoạn cuối năm 2021. Trong đó, nhóm VN30 đang nỗ lực cân bằng thị trường nhờ sức bật từ nhóm ngân hàng, đặc biệt là nhóm ngân hàng quốc doanh. Với đà giảm tạm thời suy yếu, thị trường có khả năng sẽ hồi phục trở lại trong các phiên sắp tới.
– Tuy nhiên, diễn biến hồi phục không đồng nghĩa với cơ hội, khi giai đoạn hiện tại đề cao tính quản trị rủi ro. Do vậy, nhà đầu tư có thể kỳ vọng sự hồi phục của thị trường nhưng vẫn duy trì sự thận trọng do thị trường chưa có tín hiệu hỗ trợ đủ tốt cũng như đang ở trong giai đoạn điều chỉnh lại kỳ vọng sau khi các nhóm cổ phiếu đầu cơ đã tăng quá nóng. Tín hiệu tích cực hơn cả tại thời điểm này đến từ nhóm blue chips khi có sự tăng giá tích cực, phản ánh tín hiệu phân hóa sang nhóm này tại thời điểm hiện tại.

——–
Trung tâm Tư vấn đầu tư VNDIRECT
Hội tụ trí tuệ – Lan tỏa thành công
📅 Lịch phát sóng các chương trình của Trung tâm TVĐT:
Thứ 2, 15h: La Bàn Đầu tư – điểm lại tin tức vĩ mô & các kênh Tài sản trong tuần.
Thứ 4, 15h30: Tọa đàm đầu tư – cập nhật về Ngành, Mã có câu chuyện đầu tư, đáng chú ý- Chương trình dành riêng cho Khách hàng của VNDIRECT

Thứ 5, 15h30: Cổ phiếu 360 – Nhận định về một mã cổ phiếu ở 2 góc nhìn Tích cực & Tiêu cực
Thứ 7, 9h (2 tuần/ lần) : Đối thoại với PM – Mời Khách mời là PM hoặc các chuyên gia trong Ngành để trao đổi, thảo luận về quan điểm, chiến lược đầu tư.
————
Các chương trình của chúng tôi được phát sóng trên:
🌎 Website: https://www.vndirect.com.vn/
🌎 Fanpage Vndirect Securities Corporation : https://www.facebook.com/vndirect
📺 Youtube: https://www.youtube.com/vndirectdinsightsbantronchuyengia
#Dcall