Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 19.01.2021 – Gói cứu trợ của ông Biden có thế khiến nhà đầu tư rút vốn khỏi châu Á

Nhận định Thị trường hàng ngày 19/01/2021    972

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 19/01/2021

1. Vĩ mô quốc tế

Gói cứu trợ của ông Biden có thế khiến nhà đầu tư rút vốn khỏi châu Á

– Ông James Sullivan, Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường vốn châu Á (bên ngoài Nhật Bản) tại hãng dịch vụ tài chính lâu đời JPMorgan cho biết: “Hầu hết các nhà đầu tư đều đánh giá rất tích cực về châu Á và các thị trường mới nổi so với Mỹ” trước khi thông tin chi tiết về gói kích thích kinh tế mới nhất được Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden công bố.”Trong vài tháng qua, chúng tôi ghi nhận hơn 18 tuần liên tiếp dòng vốn đổ vào châu Á (bên ngoài) Nhật Bản”, ông Sullivan nói, đồng thời nhận định “rất có khả năng” các quỹ đầu tư bắt đầu xoay vòng rút vốn từ các thị trường mới nổi ở châu Á về Mỹ do kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của ông Biden.

– Chuyên gia Sullivan cho biết JPMorgan trước đó đã dự báo GDP của Mỹ sẽ bị kéo giảm 2 điểm phần trăm do thiếu gói kích thích tài khóa bổ sung. Gói kích thích 1,900 tỷ USD của ông Biden lớn gấp đôi so với quy mô được dự báo bởi Tập đoàn JPMorgan, do vậy ông Sullivan cho rằng gói kích thích này sẽ là một “bất ngờ tích cực” đối với thị trường Mỹ cũng như đối với tăng trưởng nói chung của nền kinh tế lớn nhất thế giới. “Dòng vốn đầu tư vào châu Á đã chuyển biến rất tích cực trong vài tháng qua, nhưng nay rất có thể phải chứng kiến điều ngược lại”, ông Sullivan cảnh báo. “Tôi muốn nói rằng chúng ta có thể đã đi được một nửa giao dịch ở giai đoạn này”, chuyên gia này nói thêm. Cũng theo chuyên gia này, Trung Quốc – một trong những thị trường hoạt động tốt nhất châu Á trong năm 2020 – có thể sẽ là một trong những thị trường đầu tiên bị ảnh hưởng bởi gói kích thích kinh tế của ông Biden.

Giới triệu phú Mỹ ‘vung tiền’ đầu tư chứng khoán như thể bong bóng thị trường đang cận kề

– Chỉ có 9% triệu phú tham gia khảo sát với E-Trade cho rằng thị trường hiện tại không phải bong bóng. Trong khi đó, đây là câu trả lời của phần còn lại: 16% nghĩ rằng chúng ta chắc chắn đang ở trong một quả bong bóng; 46% thấy diễn biến hiện tại “khá giống” bong bóng, 29% cho rằng bong bóng sắp diễn ra.Tuy nhiên, những nhà đầu tư giàu có này lại không tháo chạy khỏi thị trường hay đầu tư vào những tài sản an toàn. Trên thực tế, trong bối cảnh nỗi lo ngại về bong bóng chứng khoán gia tăng, những nhà đầu tư này lại cho biết tâm lý ưa thích ngày càng mạnh mẽ hơn, đặc biệt là trong quý I/2020. Mike Loewengart – CIO tại bộ phận quản lý vốn E-Trade Financial, cho biết: “Thị trường ngày càng nhận ra rằng nền kinh tế đang trên đà hồi phục và có những dấu hiệu cho thấy nhiều yếu tố thúc đẩy thị trường đã xuất hiện.”

– Cuộc khảo sát của E-Trade được thực hiện từ ngày 1/1 đến ngày 7/1, với 904 nhà đầu tự định hướng, họ quản lý ít nhất 10.000 USD trong 1 tài khoản môi giới trực tuyến. Trong khi đó, số liệu về các triệu phú bao gồm 188 nhà đầu tư với tài sản có thể đầu tư từ 1 triệu USD trở lên. Dường như mâu thuẫn về xu hướng tăng giá vẫn tiếp tục trong thời điểm nỗi lo ngại về bong bóng gia tăng lại không hề rõ ràng. Thị trường “con bò” hiện tại tiếp tục diễn ra bất chấp mọi rủi ro và các chuyên gia cho rằng diễn biến này vẫn được thúc đẩy. Tuy nhiên, “con đường” tăng giá có thể yêu cầu một số nhà đầu tư phải điều chỉnh danh mục đầu tư, tập trung vào những lĩnh vực định giá thấp.

– Hiện có rất nhiều cuộc tranh luận về một thị trường đã bị thúc đẩy quá mức và một bối cảnh như bong bóng dotcom. Điều này khiến nhà đầu tư khó có thể tránh tâm lý lung lay. Tuy nhiên, trong số các nhà đầu tư giàu có này, ngay cả khi nỗi lo sợ về bong bóng tăng lên, họ vẫn ngày càng lạc quan hơn so với số còn lại. 64% triệu phú tin rằng thị trường sẽ “tăng tốc”, tăng 9 điểm phần trăm so với quý IV/2020 và nhóm nhà đầu tư còn lại chỉ có 57% có quan điểm này.Trong số nhóm nhà đầu tư triệu phú, tỷ lệ chấp nhận rủi ro đã tăng lên trong quý I, tăng 8 điểm phần trăm (từ 16% lên 24%). Đa số (63%) cho biết họ vẫn giữ suy nghĩ như quý trước. Chỉ 13% triệu phú cho biết tâm lý chấp nhận rủi ro của họ đã giảm. Trong khi đó, các nhà đầu tư giàu có không kỳ vọng về mức lợi nhuận lớn hơn, với nhóm giàu nhất cho rằng thị trường tăng không quá 5% trong quý này. 59% triệu phú dự đoán lợi nhuận theo quý của S&P tiếp tục tăng mạnh, với 43% trong số đó nhận thấy mức tăng không quá 5%. Trong khi đó, số người cho rằng thị trường sẽ đi xuống giảm từ 28% xuống 22%.

Ông Trump tiếp tục ‘chĩa mũi nhọn’ vào Huawei trong những ngày cuối nhiệm kỳ

– Theo nguồn tin mà Reuters tiếp cận được, Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn Mỹ cho biết Bộ Thương mại Mỹ “đang có ý định từ chối một số lượng lớn yêu cầu cấp phép xuất khẩu hàng hóa cho Huawei và thu hồi ít nhất một giấy phép đã cấp trước đó”. Cụ thể, nguồn thạo tin của Reuters cho biết 4 công ty đã bị tước 8 giấy phép. Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn Mỹ cũng lưu ý thêm rằng các công ty đã chờ đợi quyết định cấp giấy phép trong nhiều tháng và việc bị từ chối là một thách thức với họ.Theo Reuters, các công ty nhận được thông báo sẽ có 20 ngày để phản hồi. Trong khi đó, Bộ Thương mại Mỹ có 45 ngày để thông báo cho các công ty về bất cứ thay đổi nào trong quyết định.

– Đây được xem là hành động mới nhất và cuối cùng trong nỗ lực lâu dài của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm làm suy yếu Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới mà ông Trump luôn cho rằng là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ. Ông Trump sẽ chuyển giao quyền lực cho tổng thống đắc cử Joe Biden từ ngày 20/1. Chính quyền ông Trump đã đưa Huawei Technologies vào “Danh sách thực thể” (Entity List) từ giữa tháng 5/2019. Những cá nhân và tổ chức bị liệt vào danh sách này là vì được cho đã tham gia hoặc có khả năng cao tham gia vào các hoạt động gây đe dọa cho an ninh quốc gia hay các lợi ích về chính sách ngoại giao của Mỹ. Theo đó, chính quyền Mỹ cấm tập đoàn này mua các phần cứng, phần mềm và dịch vụ từ các nhà cung cấp công nghệ của Mỹ.Trước đó, trong cuộc bỏ phiếu ngày 10/12/2020, tất cả các thành viên của Ủy ban Truyền thông Mỹ (FCC) đã nhất trí thông qua việc yêu cầu các nhà mạng trong nước loại bỏ thiết bị viễn thông do Huawei sản xuất đồng thời cân nhắc việc rút giấy phép hoạt động của China Telecom Corp. tại Mỹ.

– FCC cho biết họ sẽ công bố danh sách thiết bị bị cấm và xây dựng một chương trình hoàn tiền cho các nhà cung cấp dịch vụ nhằm thay thế các thiết bị đáng ngờ. Động thái của FCC được xem như là một bước đi kế tiếp trong nỗ lực hạn chế thiết bị công nghệ 5G do các công ty Trung Quốc sản xuất, tham gia vào hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thông của Mỹ. Chính quyền Tổng thống Trump thời gian gần đây đã liên tục thúc giục các đồng minh không nên cho phép Huawei tham gia vào cơ sở hạ tầng mạng 5G quan trọng, vì cho rằng thiết bị của hãng viễn thông Trung Quốc có thể được sử dụng cho mục đích gián điệp. Mới đây nhất, chính phủ Anh ngày 30/11/2020 công bố lệnh cấm lắp đặt các thiết bị viễn thông 5G mới của Huawei sau tháng 9/2021. Lệnh cấm này nằm trong kế hoạch loại bỏ thiết bị Huawei khỏi mạng 5G vào cuối năm 2027 của Anh.

2. Vĩ mô Việt Nam

UBCK đưa ra 3 giải pháp để thị trường không ‘nghẽn lệnh”, yêu cầu HoSE đẩy nhanh đưa hệ thống mới vào hoạt động

– UBCKNN cho biết, để đảm bảo cho hoạt động thông suốt của thị trường, khắc phục tình trạng quá tải hệ thống giao dịch, UBCKNN đã báo cáo Bộ Tài Chính và chỉ đạo HOSE triển khai đồng thời và đồng bộ nhiều giải pháp kể cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Theo đó, về ngắn hạn, các đơn vị liên quan thực hiện ngay các giải pháp để tối ưu hóa lượng lệnh giao dịch nhập vào hệ thống.

– Thứ nhất, thực hiện nâng đơn vị giao dịch từ 10 lên 100 cổ phiếu/lô để hạn chế giao dịch lô lẻ từ ngày 04/01/2021 và tiếp tục nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật khác để hạn chế, tối ưu hoá lượng lệnh vào hệ thống. Thứ hai, UBCKNN đã chỉ đạo HOSE khẩn trương phối hợp và yêu cầu các công ty chứng khoán rà soát, hạn chế lỗi phát sinh từ phía công ty, hạn chế giao dịch tự động… nhằm tránh tác động xấu đến hệ thống. Thứ ba, UBCKNN cũng đã chỉ đạo HOSE tiến hành thực hiện rà soát nội bộ, kiểm soát rủi ro, hạn chế lỗi có thể xảy ra đối với hệ thống giao dịch, cải tiến các quy trình xử lý sự cố, tăng cường trực ca vào các thời gian giao dịch cao điểm.

– Về giải pháp trung hạn, UBCKNN đã yêu cầu HOSE nghiên cứu nâng cấp hệ thống dự phòng cho hệ thống giao dịch hiện tại, đảm bảo các giao dịch diễn ra suôn sẻ, thông suốt cho đến khi hệ thống Công nghệ thông tin TTCK mới (KRX) chính thức đi vào hoạt động. Về giải pháp dài hạn, UBCKNN đã yêu cầu HOSE và các đơn vị đẩy nhanh tiến độ đưa hệ thống KRX sớm vào hoạt động, thay thế cho hệ thống hiện nay trong thời gian sớm nhất để có thể giải quyết triệt để vấn đề quá tải hệ thống giao dịch.

Doanh nghiệp tạm “thở phào” khi Mỹ không áp thuế trừng phạt hàng xuất khẩu Việt Nam

– Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) mới đây đã có báo cáo về vụ việc điều tra theo mục 301 đối với vấn đề định giá thấp tiền tệ của Việt Nam. Theo đó, báo cáo của USTR kết luận rằng “Các hành vi, chính sách và biện pháp can thiệp của Việt Nam góp phần vào việc định giá thấp đồng tiền của Việt Nam, bao gồm những can thiệp quá mức vào thị trường ngoại hối và các hành động liên quan khác, xét trong bối cảnh tổng thể của tất cả những hành động này,” là “không hợp lý” và “gây khó khăn cho hoặc hạn chế thương mại của Hoa Kỳ.” Điều đáng mừng là, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert E. Lighthizer cho biết “USTR hiện không đề cập hoặc đề xuất việc Chính phủ Hoa Kỳ áp thuế hoặc sử dụng các biện pháp trừng phạt đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam”. Nói dễ hiểu, sẽ không có “biện pháp trừng phạt” nào được đưa ra lúc này.

– Tuy nhiên, đại diện USTR cũng nói thêm rằng: “Các hành vi, chính sách và biện pháp can thiệp không lành mạnh góp phần vào việc định giá thấp tiền tệ gây hại cho người lao động và doanh nghiệp Hoa Kỳ và cần phải được giải quyết. Tôi hy vọng rằng Hoa Kỳ và Việt Nam có thể tìm ra con đường giải quyết các mối quan tâm của chúng tôi.” Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng kinh tế Hoa Kỳ – ASEAN chia sẻ, có thể nói, Việt Nam đã thực hiện thành công mục tiêu giai đoạn 1 của “cuộc chiến” này là “câu giờ”.

– “Các doanh nghiệp tại Việt Nam có thể tạm “thở phào”, nhưng Chính phủ Việt Nam vẫn phải tiếp tục “chiến đấu” để đảm bảo chính quyền Biden không tiến hành các biện pháp mang tính trừng phạt trong thời gian tới. Tin vui là “xét trong bối cảnh tổng thể của mối quan hệ song phương” trong thời gian tới, hai nước có nhiều cơ hội đẩy mạnh hợp tác hơn nữa, trong đó có lĩnh vực kinh tế thương mại, hơn là trừng phạt nhau”, ông Vũ Tú Thành nhận định. Cùng quan điểm khi trao đổi với Phóng viên, chuyên gia Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới nhận định, Việt Nam còn một năm để cải thiện tình hình này. “Theo đó, cần tăng cường nhập khẩu nhiều hơn nữa từ Mỹ để Mỹ giảm thâm hụt thương mại. Tuy nhiên đây là vấn đề khó, đòi hỏi nỗ lực hợp tác của chính quyền mới ở cả hai nước trong thời gian dài, có thể mất nhiều năm”, ông Sơn cho biết.

Ngành thủy sản năm 2021 và độ nhạy với dịch Covid-19

– Theo đánh giá của nhóm phân tích CTCK SSI, ngành thủy sản có độ nhạy cao với đại dịch do: gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu tạo ra cả cơ hội và thách thức; và Giá bán bình quân giảm do nhu cầu giảm, đặc biệt là nhu cầu ở kênh nhà hàng. VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản có thể tăng trưởng 10% so với cùng kỳ và đạt 9,4 tỷ USD trong năm 2021 (cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân (CAGR) giai đoạn 2016-2019 là 6,8%), trong đó xuất khẩu tôm vẫn là động lực tăng trưởng (+15% so với cùng kỳ đạt 4,4 tỷ USD), tiếp theo là cá tra (+5% so với cùng kỳ đạt 1,6 tỷ USD) và các sản phẩm thủy sản khác (+6% so với cùng kỳ đạt 3,4 tỷ USD).

– Tuy nhiên, SSI cho rằng mức tăng trưởng xuất khẩu tôm mạnh như vậy là khó khả thi, vì sự phục hồi của nguồn cung (Ấn Độ) sau Covid-19 có thể kìm hãm tăng trưởng xuất khẩu tôm Việt Nam. Các công ty xuất khẩu tôm sẽ khó có thể tái lập mức tăng trưởng đã đạt được trong năm 2020 trước sự cạnh tranh từ Ấn Độ. Cũng lưu ý rằng chu kỳ nuôi tôm ngắn (chỉ 3-4 tháng), và ước tính cạnh tranh với Ấn Độ tại thị trường Mỹ và EU (đóng góp 37% giá trị xuất khẩu của tôm Việt Nam) sẽ trở nên gay gắt hơn vào nửa cuối năm 2021.