Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 18.10.2021 – Ngành Thép và Xi măng hưởng lợi gì khi Trung Quốc thiếu điện sản xuất?

Nhận định Thị trường hàng ngày 18/10/2021    20257

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 11/10/2021

1. Thông tin vĩ mô

  • Lạm phát tháng 9 của Mỹ tăng lên 5.4%, cao nhất 13 năm

Bộ Lao động Mỹ công bố lạm phát tháng 9 đạt mức 5.4%, vượt kỳ vọng thị trường và là mức tăng so với cùng kỳ cao nhất trong 13 năm.

Ngoài việc nhu cầu tiêu dùng tiếp tục hồi phục mạnh khi nền kinh tế mở cửa trở lại và gián đoạn trong chuỗi cung ứng khiến giá hàng hóa bị đẩy lên, đóng góp lớn cho đà tăng lạm phát trong tháng 9 đến từ việc giá năng lượng (xăng, dầu, khí) tăng vọt lên. Ước tính giá các loại năng lượng ở Mỹ đã tăng 25% kể từ đầu năm.

Số liệu CPI tháng 9, thách thức tuyên bố “lạm phát chỉ là tạm thời” và mục tiêu lạm phát 2.5% của Fed. Hơn nữa, số liệu việc làm mới tháng 9 chỉ đạt 182,000 càng tạo ra những câu hỏi về đà hồi phục bền vững của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm 2021.

Lạm phát Mỹ vẫn tiếp tục tăng do ảnh hưởng khủng hoảng năng lượng chưa phản ánh hết, đặc biệt khi mùa đông sắp đến, ảnh hưởng tới triển vọng kinh tế của Mỹ năm 2021.

  • Bong bóng bất động sản ở Trung Quốc – Evergrande mới chỉ là tảng băng nổi

Trong thị trường 139 tỷ USD trái phiếu rủi ro cao ở Trung Quốc (junk bond) – trái phiếu có lợi suất ít nhất 10% cao hơn so với tỷ lệ cơ bản – giá trị trái phiếu của các công ty bất động sản chiếm tới 46%, phản ánh tình trạng đầy rủi ro trong bối cảnh ngày càng nhiều doanh nghiệp bất động sản lỡ hẹn trả nợ hoặc vỡ nợ.

Tính đến nay, Evergrande đã chưa thể trả 277 triệu USD cho trái phiếu nước ngoài, và còn phải thanh toán 573 triệu USD đến cuối năm. Các công ty nhỏ hơn như Fantasia đã không thể thanh toán trái phiếu trong tuần vừa rồi, trong khi Sinic và Modern Land đang trì hoãn thời hạn thanh toán.

Hiệu ứng nợ xấu Evergrande đang lan rộng và chỉ là bề nổi bong bóng bất động sản. Làn sóng vỡ nợ sẽ ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế của Trung Quốc.

  • Nghịch lý khi một trong những nhà sản xuất than lớn nhất thế giới cũng thiếu than

Sau Trung Quốc, Ấn Độ là nước tiếp theo đang đối mặt với khủng hoảng thiếu điện khi không đủ nguồn cung than để duy trì hoạt động của các nhà máy nhiệt điện, vốn chiếm 70% sản lượng điện của Ấn Độ.

Tại đầu tháng 10, 80% trong số 135 nhà máy nhiệt điện của Ấn Độ không còn đủ trữ lượng để dùng trong 10 ngày, trong khi lượng than trung bình trong kho tại các nhà máy điện trong 4 năm trở lại đây để sử dụng chưa bao giờ thấp hơn 18 ngày.

Việc nhu cầu điện tăng đột biến sau đợt dịch quá mạnh giai đoạn tháng 4 – 8 do kinh tế phục hồi nhanh chóng khiến các nhà máy điện trở tay không kịp. Trong khi đó, sản lượng điện ở các loại hình nhà máy khác giảm do thời tiết khiến nhu cầu nhiệt điện càng tăng thêm.

Ấn Độ là một trong những nước sản xuất than lớn nhất thế giới, nhưng cũng là nhà nhập khẩu than lớn thứ 3 thế giới. Với việc giá than toàn cầu đã tăng mạnh khiến Ấn Độ giảm nhập khẩu than và phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung trong nước, dẫn đến khủng hoảng thiếu than như hiện nay và sẽ còn đẩy giá than toàn cầu tiếp tục cao lên nữa.

  • Nhìn lại 1 năm sau khi thực thi hiệp định EVFTA

Sau 1 năm thực thi hiệp định thương mại EVFTA, báo cáo Chính phủ cho thấy tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 54.6 tỷ USD và tăng 11.9% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu đạt 38.5 tỷ USD, tăng 11.3% so với cùng kỳ. Các mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn tăng mạnh nhất là sắt thép (252%), máy móc thiết bị khác (44%), phương tiện vận tải và phụ tùng (42%), máy tính và linh kiện (33%), và thủy sản (14%).

Tại tháng 9/2021, vốn đầu tư đăng ký của các doanh nghiệp EU đạt 22.24 tỷ USD, tăng 483 triệu USD so với cùng kỳ. Xu thế chủ yếu đầu tư vào công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, năng lượng tái tạo, hay công nghiệp phụ trợ.

Một khi Việt Nam mở cửa kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục, xuất khẩu Việt Nam sẽ còn hưởng lợi lớn hơn nữa từ EVFTA.

2. LÃI SUẤT, TIỀN TỆ & NGÂN HÀNG

  • Lãi suất huy động đi ngang trong quý 4

Hiện nay, tốc độ huy động tiền gửi tăng thấp hơn tốc độ cho vay nhưng thanh khoản hệ thống vẫn khá dồi dào. Sang tháng 10, nhiều ngân hàng vẫn duy trì lãi suất huy động không đổi so với tháng trước.

Lạm phát hiện vẫn đang trong tầm kiểm soát (<4%).

Các NHTW trên thế giới chuẩn bị thắt chặt chính sách tiền tệ, quá trình này được tiến hành chậm rãi do sự hồi phục kinh tế sau đại dịch ở nhiều quốc gia vẫn còn yếu. Các NHTM Việt Nam có thể duy trì lãi suất ở mặt bằng thấp như hiện tại trong quý 4.

Áp lực tăng lãi suất có thể xuất hiện vào cuối năm, khi ngân hàng thường đẩy mạnh cho vay. Đồng thời, doanh nghiệp và nguời dân có xu hướng rút tiền khỏi hệ thống, kéo theo áp lực tăng lãi suất huy động.

  • Ngân hàng dẫn đầu phát hành Trái phiếu doanh nghiệp2021

9T2021, nhóm  NHTM tiếp tục dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 132.300 tỷ đồng. Trong đó có 31.700 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 (chiếm 24%), 75% trái phiếu phát hành kỳ hạn ngắn 2-4 năm.

Nhóm BĐS xếp thứ 2 với tổng khối lượng phát hành 126.700 tỷ đồng. Trong đó, có khoảng 11% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu.

Việc hoãn, giãn nợ khiến một lượng lớn dòng tiền chưa thể về ngân hàng, gây nên thiếu hụt vốn. Vì vậy, các ngân hàng cần tăng mạnh phát hành trái phiếu để bù đắp  nhu cầu phát hành trái phiếu trong năm 2021 vẫn còn cao, nhất là trái phiếu tăng vốn đáp ứng nhu cầu bổ sung nguồn vốn cấp 2, tăng tỷ trọng nguồn vốn trung, dài hạn và cải thiện hệ số an toàn vốn. Lãi suất có thể tăng nhẹ vào cuối năm.

3. Kênh cổ phiếu

  • Ngành Thép và Xi măng hưởng lợi gì khi Trung Quốc thiếu điện sản xuất?

Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng thiếu điện nghiêm trọng khi nhiều thủ phủ sản xuất công nghiệp lớn của TQ bị buộc phải cắt điện

Khủng hoảng thiếu điện ở Trung Quốc đã ảnh hưởng rất lớn đến nhóm các ngành thâm dụng điện, bao gồm thép và xi măng. Đáng chú ý, phần lớn sản lượng thép và xi măng của Trung Quốc tập trung ở các khu vực thiếu điện sản xuất như Hà Bắc, Sơn Đông, Liêu Ninh..

Ngoài ra, với thực trạng tồn kho thép & xi măng ở Trung Quốc đang ở mức thấp nhất kể từ đầu năm và giá bán có dấu hiệu tăng đáng kể từ tháng 8/2021.

Trung Quốc đang gặp tình trạng thiếu hụt nguồn cung Thép – XI măng tạm thời và xu hướng này sẽ tối thiểu tiếp tục trong quý 4/2021 khi sản lượng điện dùng cho sản xuất tại quốc gia này chưa có dấu hiệu hồi phục.

  • TCM – 2 tháng liên tiếp báo lỗ, 9 tháng đầu năm lợi nhuận giảm 41,6% so với cùng kỳ

TCM công bố DTT tháng 9 đạt 180 tỷ đồng (-38% yoy); lỗ 13,7 tỷ đồng. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp doanh nghiệp báo lỗ.

Lũy kế 9T2021, doanh thu đạt 2.588 tỷ đồng, tương đương so với cùng kỳ; lãi sau thuế đạt 111 tỷ đồng, giảm 41,6% yoy (thực hiện 65% kế hoạch DT và 38.3% kế hoạch LN).

TCM lý giải nguyên nhân do dịch bệnh bùng phát lần thứ 4 diễn biến phức tạp, đặc biệt tại TP.HCM.

Với tình hình chung khả năng trong ngắn hạn cũng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến KQKD Q4 của TCM trước khi kỳ vọng vào triển vọng tươi sáng từ sự phục hồi sau đại dịch.

4. Kênh tài sản khác

  • Ngân hàng Trung Ương Anh: Tiền số có thể gây khủng hoảng tài chính toàn cầu

Quy mô của thị trường tiền số tăng trưởng kinh ngạc từ 16 USD năm 2015 lên đến 2.3 nghìn tỷ USD hiện tại.

So với con số 250 nghìn tỷ USD của thị trường tài chính toàn cầu, quy mô của thị trường tiền số không đáng kể.

Tuy nhiên, tại thời điểm trước khủng hoảng nợ dưới chuẩn quy mô của thị trường này cũng chỉ 1.2 nghìn tỷ USD.

Tiền số ngày càng có liên kết sâu rộng với thị trường tài chính truyền thống, do đó sự phá hủy dây chuyền là hoàn toàn có thể.

Điều này cho thấy tiền số ngày càng được quan tâm nhiều hơn, nhưng Ngân hàng Trung Ương Anh có thể theo đuổi các chính sách để hãm tăng trưởng “nóng” của thị trường tiền số cùng với 1 số NHTW khác do Anh có vị thế trên thị trường tài chính quốc tế.

  • Các khu vực bất động sản dự kiến phục hồi như nào sau đợt dịch này?

Quý III/2021 lượng tin đăng bán nhà đất toàn thị trường giảm 56%, mức độ quan tâm giảm 38% theo batdongsan.com.vn.

Hà Nội chịu tác động ít nhất do ít chịu ảnh hưởng bởi đợt dịch này hơn các thị trường khác. So với cùng kỳ giá nhà liền thổ tăng 12%, trung bình khoảng 4,500 USD/m2, tương đương 100 triệu/m2.

TP.HCM và tỉnh phía Nam thị trường đóng cửa hoàn toàn. Giá đất liền thổ TP.Hồ Chí Minh thấp hơn Hà Nội, trung bình khoảng 68 triệu/m2.

Sau dịch, thị trường BĐS Hà Nội dự báo phục hồi sớm nhất cuối tháng 10, Đà Nẵng tháng 12, và TP.HCM dự báo thị trường sẽ hồi phục muộn hơn.

Thị trường BĐS 1 số tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Thanh Hóa, Long An, Huế.. có khả năng sôi động sớm hơn.

Thị trường bất động sản sẽ sớm hồi phục, nhóm cổ phiếu bất động sản sẽ thu hút dòng tiền.

  • Đầu tư trái phiếu cùng doanh nghiệp năng lượng tái tạo Trung Nam Group

Trend năng lượng sạch trên quy mô toàn thế giới. Việt Nam định hướng điện gió, mặt trời chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn phát điện đến năm 2045 (42%) 2020 (23%).

Trung Nam là nhà phát triển hàng đầu về NLTT Việt Nam, tài sản 2.3 tỷ USD, tương đương GDP của tỉnh Nam Định. Là một trong số ít nhà đầu tư có thể tự thi công hạ tầng và nhà máy điện. Có lợi thế về đàm phán với nhà cung cấp thiết bị điện.

Năng lượng chính là trụ cột vững mạnh nhất và là lĩnh vực đầu tư cốt lõi của Trung Nam Group với các dự án Thủy điện, Điện gió và Điện mặt trời với tổng công suất đạt 1.063,95 WH. Về mảng phát triển BĐS, quỹ đất của Trung Nam Group đến thời điểm hiện tại đạt trên 1.043 ha. Với nền tảng vững chắc, xây dựng trên niềm tin của khách hàng và chính sách khuyến khích, phối hợp trong công việc, mỗi dự án của Trung Nam Group là một điển hình về chất lượng và tính chuyên nghiệp.

Nhằm tăng quy mô vốn hoạt động của Công ty và huy động vốn cho dự án năng lượng tái tạo đầy tiềm năng nhà máy điện gió Ea Nam, Trung Nam Group đã phát hành 4 mã trái phiếu kỳ hạn dài, với tổng giá trị lên tới gần 4.000 tỷ đồng. Khi tham gia trái phiếu doanh nghiệp Trung Nam Group, Lãi suất trái phiếu tương đối cao, lên tới 9.5% với mức độ an toàn cao, giá trị tài sản đảm bảo cho 135% giá trị trái phiếu, vốn đầu tư tối thiểu từ 100 triệu đồng.

5. Câu chuyện đầu tư

  • Văn hóa doanh nghiệp

Một người Do Thái bước vào ngân hàng New York, đi tới quầy vay vốn và chễm chệ ngồi xuống. Giám đốc quầy vay vốn: “xin hỏi ngài có việc gì không ạ”.

“Tôi muốn vay một ít tiền, 1 usd”

“Dĩ nhiên là được, chỉ cần có bảo lãnh, vay nhiều hơn cũng không sao.”

“Được, những thứ này mang ra để bảo lãnh được chứ?”

Người Do Thái vừa nói vừa rút ra 1 đống cổ phiếu, trái phiếu… từ trong chiếc ví da xịn và đặt trước bàn làm việc của giám đốc vay vốn. Tổng cộng là 500 ngàn đô.

“Một usd của ngài đây, Lãi suất năm là 6%. Chỉ cần ngài trả đủ 6% lãi suất, 1 năm sau trả lại số tiền vay thì chúng tôi sẽ trả lại số cổ phiếu này cho ngài.”

Giám đốc ngân hàng cảm thấy rất kỳ lạ và hỏi kỹ nguyên do. Người Do Thái trả lời:

“Xin ông không cần phải lo lắng cho tôi, chỉ là trước khi tôi đến đây, tôi đã hỏi qua mấy ngân hàng chi phí thuê két bảo hiểm của họ đều rất đắt. Do vậy tôi đang xin  gửi số cổ phiếu này tại đây. Chi phí thật sự quá rẻ, một năm chỉ có 0.06 đô la Mỹ.”

Thường thì ngân hàng lo rủi ro nên sẽ có chặn trên của một khoản vay, ngược lại người đi vay thường muốn khoản vay cao nhất có thể. Người Do Thái đã nhìn ra lỗ hổng này để thay đổi tư duy, tận dụng cơ hội.

  • Ứng dụng trong đầu tư:

Những doanh nghiệp có khả năng tận dụng tốt cơ hội, luôn thay đổi để thích ứng, có văn hóa Agile là những doanh nghiệp nên được nắm giữ dài hạn. Có hai loại doanh nghiệp có thể mua:

Một là, MAY MẮN NHỜ CÓ NĂNG LỰC. Họ nhìn thấy cơ hội một mảng mới và họ đẩy mạnh sang mảng kinh doanh đó. Dự đoán của họ đúng và họ cũng tận dụng tốt cơ hội đó đem lại.

Hai là, MAY MẮN VÀ CÓ NĂNG LỰC. Dạng công ty này hoạt động trong một lĩnh vực và vĩ mô tự nhiên thuận lợi. Họ nhanh chóng bắt kịp xu thế và phát triển rất mạnh

Hai dạng doanh nghiệp này đều nên nắm giữ. Nhưng dạng (1) thì cho thấy cái tầm của họ lớn hơn; trong khi dạng (2) chỉ cho thấy khả năng thực thi của họ tốt. Dạng (2) sẽ cần phải đánh giá doanh nghiệp thường xuyên hơn.

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

Quý Nhà đầu tư vui lòng dành 3 phút tham gia Khảo sát Đánh giá và đóng góp ý tưởng hoàn thiện Bản tin Nhận định thị trường DCALL: TẠI ĐÂY 

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0 

 

 

DMCA.com Protection Status