Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 18.02.2021 – Việt Nam tăng 3 bậc trong bảng xếp hạng Chỉ số Logistics 2021

Nhận định Thị trường hàng ngày 18/02/2021    499

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 18/02/2021

1. Tin tức vĩ mô quốc tế

Ngân hàng châu Âu mạnh tay giảm nhân sự, đóng chi nhánh

Ngân hàng lớn thứ hai của Đức, Commerzbank, tuần trước cho biết sẽ cắt giảm một phần ba nhân viên trong nước và gần một nửa địa điểm hoạt động truyền thống sau áp lực từ cổ đông Cerberus Capital Management. Các thương vụ sáp nhập đang tiến hành ở Italy và Tây Ban Nha dự kiến cũng sẽ khiến hàng nghìn chi nhánh phải đóng cửa vì chồng chéo hoạt động.

Hãng tư vấn kinh doanh Kearney dự đoán 35% trên tổng 165.000 chi nhánh ngân hàng ở châu Âu sẽ biến mất sau ba năm. Ngân hàng là một trong những mắt xích yếu kém của kinh tế châu Âu, khi tỏ ra rất chậm thay đổi. Bên cạnh đó, họ bước vào cuộc khủng hoảng Covid-19 khi đang phải xoay xở với nợ xấu phát sinh từ khủng hoảng cách đây cả thập kỷ.

Đại dịch đã đẩy ngành ngân hàng ở châu Âu vào tình thế cấp bách. Chính phủ các nước từ lâu khó chấp nhận việc sáp nhập ngân hàng thì nay đã thay đổi quan điểm. Andrea Enria, Chủ tịch ban kiểm soát của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB)nhận định: “Đại dịch, ở một mức độ nào đó, là chất xúc tác để các ngân hàng bắt đầu giải quyết những điểm yếu này theo cách triệt để hơn”.

Chi phí của các ngân hàng châu Âu cao so với doanh thu, một phần do vận hành các chi nhánh kém hiệu quả. 5 nhà băng hàng đầu của Tây Ban Nha đã đóng 8% chi nhánh vào năm ngoái và tuyên bố sẽ còn đóng cửa nhiều hơn nữa.

Đến nay, các nhà đầu tư vẫn hoài nghi kế hoạch cắt giảm được đưa ra liệu đã đủ hay chưa. Cổ phiếu ngân hàng châu Âu đã giảm suốt nhiều năm. Các ngân hàng lớn nhất của châu Âu dù có tài sản tương đương các nhà băng ở Mỹ, nhưng giá trị thị trường lại chỉ bằng một phần.

Trung Quốc vượt Mỹ, thành đối tác thương mại lớn nhất của EU

Cơ quan thống kê EU Eurostat cho biết năm ngoái, Trung Quốc vượt Mỹ, trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU nhờ hồi phục sau đại dịch. Eurostat hôm nay cho biết khối lượng thương mại của Liên minh châu Âu (EU) với Trung Quốc đạt 586 tỷ euro (711 tỷ USD) năm 2020, so với 555 tỷ euro (673 tỷ USD) của Mỹ. Xuất khẩu của EU tăng 2,2%, lên 202,5 tỷ euro, trong khi nhập khẩu từ Trung Hoa Quốc tăng 5,6%, lên 383,5 tỷ euro (465 tỷ USD). Xuất khẩu của EU sang Mỹ giảm 13,2% trong cùng kỳ và nhập khẩu giảm 8,2%.

Ngoài cuộc khủng hoảng Covid-19, thương mại giữa EU và Mỹ bị suy yếu bởi một loạt đòn ăn miếng trả miếng dẫn đến việc áp thuế lên thép và các sản phẩm như rượu sâm banh của Pháp hay xe máy Harley-Davidson.

Eurostat cho biết thương mại với Anh giảm mạnh năm 2020, năm Anh chính thức rời EU, dù trong giai đoạn chuyển tiếp để giảm bớt ảnh hưởng của Brexit cho đến ngày 31/12. Xuất khẩu của EU sang Anh giảm 13,2%, trong khi nhập khẩu giảm 13,9%. Tuy nhiên, Anh vẫn là đối tác thương mại lớn thứ ba của khối, sau Trung Quốc và Mỹ.

Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU sau khi nước này hứng chịu đại dịch Covid-19 trong quý đầu tiên, nhưng phục hồi mạnh mẽ với mức tiêu thụ cuối năm 2020 thậm chí vượt năm trước đó. Điều này giúp thúc đẩy doanh số bán sản phẩm của châu Âu, đặc biệt trong lĩnh vực ô tô và hàng xa xỉ, trong khi xuất khẩu của Trung Quốc sang châu Âu được hưởng lợi từ nhu cầu mạnh mẽ về thiết bị y tế và điện tử. Việc Mỹ bị “truất ngôi” diễn ra trong bối cảnh EU và Trung Quốc đang tìm cách thông qua thỏa thuận đầu tư đã được đàm phán từ lâu để giúp các công ty châu Âu tiếp cận tốt hơn với thị trường Trung Quốc.

2. Tin tức vĩ mô Việt Nam

Việt Nam tăng 3 bậc trong bảng xếp hạng Chỉ số Logistics 2021

Agility (một trong những Doanh nghiệp logistic hàng đầu trên thế giới) vừa qua đã công bố Báo cáo Chỉ số Logistics thị trường mới nổi 2021. Theo đó, các quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương, với Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia là các thị trường mới nổi đứng đầu về xếp hạng.

Chỉ số Logistics các thị trường mới nổi xếp hạng 50 quốc gia dựa trên các yếu tố khiến các quốc gia này trở nên hấp dẫn đối với các nhà cung cấp dịch vụ logistics, giao nhận hàng hóa, hãng tàu, hãng hàng không và nhà phân phối.

Trong số các nước ASEAN, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 8, tăng 3 bậc so với xếp hạng năm trước; trong khi Indonesia (xếp ở vị trí thứ 3), Malaysia (ở bậc 5), Thái Lan (xếp ở vị trí thứ 11); Philippines tăng một bậc lên vị trí thứ 21. Trung Quốc và Việt Nam là 2 quốc gia đặc biệt trên thế giới ghi nhận mức tăng trưởng GDP dương trong năm 2020, trong khi hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ khác đều chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, dẫn đến tăng trưởng âm.

Đáng chú ý, trong bối cảnh các doanh nghiệp đang dần di chuyển cơ sở sản xuất cũng như đa dạng nguồn cung, 1.200 giám đốc điều hành ngành logistics được khảo sát trong báo cáo khẳng định rằng họ không muốn rút khỏi Trung Quốc hoặc các thị trường khác.

Đối với các đơn vị cân nhắc sẽ chuyển dịch ra khỏi Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp đã chọn Việt Nam là trung tâm sản xuất ưa thích hơn các quốc gia khác (19,6%). Các thị trường châu Á khác như Ấn Độ (17,4%), Indonesia (12,4%), Thái Lan (10,3%) và Malaysia là những lựa chọn hàng đầu tiếp theo. Chỉ có 7,8% các lãnh đạo trong ngành logistics cho hay, việc chuyển hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc sẽ đồng nghĩa với việc chuyển dịch vụ về nước của họ.

Bên cạnh đó, châu Á – Thái Bình Dương là khu vực được đánh giá sẽ phục hồi sau đại dịch Covid-19 vào cuối năm 2021. Trong số người tham gia khảo sát, 55,9% dự đoán kinh tế ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ phục hồi trong năm 2021; 53,1% tin rằng kinh tế ở châu Âu cũng sẽ phục hồi.

Dệt may Việt Nam nhiều tháng đứng vị trí thứ nhất về thị phần tại Mỹ

Theo số liệu báo cáo của McKinsey công bố cuối năm 2020, lợi nhuận ngành thời trang toàn cầu đã giảm 93%. Bên cạnh đó, hơn 10 thương hiệu chuỗi cung ứng và thương hiệu thời trang lớn phá sản, khoảng 200.000 lao động trong các chuỗi cung ứng thời trang tại Mỹ mất việc làm. Trong bối cảnh đó, do không bị gián đoạn sản xuất, thị phần của hàng dệt may Việt Nam vẫn ghi nhận tăng trưởng trong năm vừa qua, lần đầu đạt 20% tại thị trường Mỹ, nhiều tháng đứng ở vị trí số 1 về thị phần.

Đáng chú ý, năm 2020 cũng là năm đầu tiên sau 25 năm xuất khẩu dệt may của Việt Nam tăng trưởng -10,5%, đạt 35 tỷ USD so với 39 tỷ USD năm 2019. Song, trong bối cảnh tổng cầu thế giới giảm hơn 22%, từ 740 tỷ USD xuống 600 tỷ USD, các quốc gia cạnh tranh đều có mức giảm 15-20%, mức sụt giảm của ngành dệt may Việt vẫn thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung thế giới.

Tính riêng tháng 1 vừa qua, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam đạt khoảng 2,6 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ. Trong đó, một số sản phẩm có mức tăng cao khoảng 9-36%, cho thấy tín hiệu tăng trưởng xuất khẩu khả quan của ngành, cùng với đó là sự gia tăng thị phần nước ngoài.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam Vinatex, ông Lê Tiến Trường nhận định, theo các dự báo của thế giới, thị trường dệt may toàn cầu có thể phục hồi về mức tương đương năm 2019 sớm nhất là quý II/2022 và chậm nhất là quý IV/2023. Như vậy, năm 2021 thị trường dự báo tiếp tục khó khăn, bất định, phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh trên thế giới. Nhiều đặc điểm mới của chuỗi cung ứng sẽ được thiết lập.

Bước sang năm 2021, ngành dệt may trong nước dự kiến đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 39 tỷ USD ra thị trường nước ngoài, mục tiêu trung bình là 38 tỷ USD. Theo đó, để hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 39 tỷ USD đề ra, các doanh nghiệp dự kiến phải tìm kiếm, mở rộng thị trường, trong đó các FTA được coi là cơ hội lớn để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.

3. Kênh tài sản đầu tư

Giá vàng rơi 5 ngày liên tiếp, “chữ thập tử thần” xuất hiện

Những đột phá trong lĩnh vực sản xuất vắc xin cùng tốc độ lây nhiễm đang chậm lại thúc đẩy sự lạc quan về tăng trưởng toàn cầu đồng thời tác động trái chiều lên giá vàng và lợi suất trái phiếu kho bạc của Mỹ. Vàng đã giảm 5% trong năm nay và dường như xu hướng này sẽ không sớm kết thúc.

Cụ thể, trung bình giá vàng trong 50 phiên gần nhất đã thấp hơn so với mức trung bình giá của 200 ngày. Mô hình này được gọi là “chữ thập tử thần”, báo hiệu những diễn biến tiêu cực của giá vàng có thể xảy ra trong tương lai.

Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Oanda Corp, cho biết: “Lợi suất trái phiếu toàn cầu tăng mạnh và nó giáng một đòn chí mạng vào vàng”. Trong khi đó, đồng USD đang tăng. “Sự phục hồi của đồng USD có thể sẽ không dừng lại nếu lợi suất trái phiếu toàn cầu tiếp tục tăng. Và đó có thể là chất xúc tác khiến giá vàng giảm xuống dưới 1.750 USD/ounce”, Moya cho biết.

Lợi suất trái phiếu tăng vọt khiến nhà đầu tư lo ngại

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng 9 điểm cơ bản vào thứ Ba, lên 1,30%, mức cao chưa từng thấy kể từ tháng 2/2020. Lợi suất trái phiếu 30 năm cũng đạt mức cao nhất trong 1 năm. Nhiều người ở Phố Wall tin rằng, việc lợi suất trái phiếu tăng cao có thể khiến thị trường chứng khoán vốn đang “bay cao” sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn, đồng thời gây ra mối đe dọa đối với các lĩnh vực như công nghệ vốn được hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp.

Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm – vốn được sử dụng làm thước đo cho các khoản thế chấp, cho vay sinh viên và lãi suất đi vay hàng năm của thẻ tín dụng, giao dịch quanh mức khoảng 0,6% trong phần lớn năm 2020. Nhiều người lo ngại rằng sự phục hồi của lợi suất trái phiếu có thể cản trở sự phục hồi kinh tế, khi các công ty và người tiêu dùng phải chịu mức lãi suất đi vay ngày càng cao. Trong khi đó, những người khác băn khoăn về việc đợt kích thích tài khóa mới có thể khiến mức giá tăng lên sau 1 thập kỷ không lạm phát.

4. Câu chuyện đầu tư

Bài học từ thất bại của CEO Mekong capital và hành trình tìm ra thế giới di động kế tiếp

Huy động về gần 250 triệu USD cho quỹ mới nhất – MEF IV, Mekong Capital đang khiến giới quan sát ngóng chờ điểm đến tiếp theo trong hành trình đầu tư của quỹ này.

Mekong Capital nổi tiếng với khoản đầu tư vào CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) – thoái vốn thành công và đạt tỷ suất sinh lời tới 57 lần. Trong các sự kiện có đại diện của công ty này tham dự, người ta luôn nhắc về khoản đầu tư ấy khi giới thiệu, và thế là đủ. Thế nhưng, đó chỉ là phần nổi của tảng băng giá trị mà Mekong Capital tạo ra trong 20 năm qua.

Hai điểm mấu chốt khi “Mekong capital đầu tư vào doanh nghiệp”

Mekong Capital tập trung vào các yếu tố nội bộ của công ty, cách họ làm việc với công ty, cách xây dựng bộ máy điều hành, và văn hóa doanh nghiệp.

Khi tiếp cận với một công ty tiềm năng, đầu tiên, chúng tôi sẽ hỏi xem họ có ý định xây dựng một ban lãnh đạo mạnh mẽ hay không. Nhiều công ty nói rằng có thể làm được điều đó, nhưng sau cùng lại không xảy ra.

Mekong Capital có khả năng tìm ra những công ty thực sự xây dựng được đội ngũ lãnh đạo vững mạnh. Kinh nghiệm của chúng tôi trong 20 năm qua cho thấy, đội ngũ quản lý là yếu tố số một làm nên các khoản đầu tư thành công.

Thứ hai, chúng tôi sẽ xem họ cam kết với việc chuyển đổi như thế nào. Cụ thể là việc chuyển đổi từ người “quản lý” thành một người “lãnh đạo” và việc học cách điều hành mới, cách giao tiếp mới trong công ty. Vì vậy, Mekong Capital tìm kiếm các doanh nghiệp cởi mở.

Một số người nghĩ rằng họ đã có câu trả lời cho mọi vấn đề, hoặc không hứng thú với việc phát triển cá nhân, sẽ không phù hợp với chúng tôi.

Những khoản đầu tư thất bại của Mekong Capital trong quá khứ và bài học từ đó?

Kể từ khi thành lập, chúng tôi có nhiều khoản đầu tư thất bại. Sẽ không thể nêu tên cụ thể, nhưng tôi có thể chia sẻ những bài học kinh nghiệm từ sai lầm mắc phải.

Đầu tiên, chúng tôi cảm thấy khó khăn với những khoản đầu tư vào công ty gia đình, bởi chúng tôi nhận thấy rằng họ ít tập trung vào xây dựng đội ngũ quản lý mạnh. Tuy nhiên, tôi biết rằng vẫn có những ngoại lệ.

Mô hình chung của họ là có nhiều thành viên gia đình trong công ty, văn hóa về lòng trung thành chứ không phải về hiệu suất. Thông thường rất khó để đạt được những mục tiêu, và đó là thách thức với chúng tôi.

Đôi khi chúng tôi có những khoản đầu tư tốt, nhưng lại bán nó quá sớm. Như khi Mekong Capital đầu tư vào Masan Consumer giai đoạn 2008 – 2009. Công ty đang tăng trưởng và có một đội ngũ quản trị tốt, chúng tôi bán nó sau 18 tháng. Khoản đầu tư đạt tỷ suất sinh lời gấp đôi. Công ty vẫn tiếp tục tăng trưởng, tăng trưởng và tăng trưởng sau đó; nếu đầu tư lâu dài hơn, tỷ suất sinh lời đã là 8 lần.

Một câu chuyện khác là chúng tôi đầu tư vào giai đoạn 2007 khi thị trường bong bóng. Hầu hết cổ phiếu được định giá quá cao và chúng tôi cũng đầu tư vào các công ty chưa niêm yết cũng với mức giá tương tự. Khi thị trường sụp đổ năm 2008, chúng tôi mất rất nhiều tiền.