Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 17.08.2020 – Thống đốc NHNN yêu cầu 6 tháng cuối năm, cần tạo điều kiện giảm nhanh hơn lãi suất

Nhận định Thị trường hàng ngày 17/08/2020    548

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: Thống đốc NHNN yêu cầu 6 tháng cuối năm, cần tạo điều kiện giảm nhanh hơn lãi suất

1. Tình hình vĩ mô thế giới

Mỹ, Trung bất ngờ hoãn họp đánh giá thỏa thuận thương mại giai đoạn 1

Theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, Trung Quốc cần phải chi tổng cộng 142,7 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa Mỹ vào từ nay đến cuối năm để hoàn thành cam kết theo thỏa thuận với Mỹ, nếu tính theo số liệu xuất khẩu của Mỹ. Còn chiểu theo cách thống kê của mình, Bắc Kinh sẽ phải chi 172,7 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ, theo nhóm nghiên cứu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson.

Theo số liệu thống kê của cả hai bên và dữ liệu do Viện Kinh tế Quốc tế Peterson tổng hợp, trong nửa đầu năm 2020, Trung Quốc mới nhập khẩu chưa đầy 1/4 giá trị cam kết nhập khẩu từ Mỹ

Bất chấp sự chậm trễ thực thi cam kết của Bắc Kinh, cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Larry Kudlow, đầu tuần này cho rằng giá trị hàng hóa Trung Quốc nhập từ Mỹ vẫn là “những con số thực sự tốt”.

Cố vấn Kudlow cũng phủ nhận khả năng thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung giai đoạn 1 sẽ bị hủy bỏ do quan hệ song phương gần đây xấu đi.

Các nhà quan sát nhận định, sẽ không hề có lợi cho Mỹ nếu kích hoạt cuộc chiến thuế quan mới với Trung Quốc giữa lúc nền kinh tế lớn nhất thế giới đang “lâm bệnh” vì Covid-19.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết có thể gia tăng áp lực nhằm vào nhiều công ty Trung Quốc, trong đó có Alibaba

Alibaba hiện là hãng bán lẻ và thương mại điện tử lớn nhất thế giới, cũng nằm trong danh sách những tập đoàn Internet và trí tuệ nhân tạo (AI) lớn nhất. Doanh thu và lợi nhuận của Alibaba đã vượt qua tổng doanh thu của toàn bộ các nhà bán lẻ Mỹ, trong đó có cả Walmart, Amazon và eBay kể từ năm 2015. Tập đoàn này đã đạt doanh thu 72 tỷ USD trong năm nay.

Ông chủ Nhà Trắng gần đây liên tục gia tăng áp lực nhằm vào nhiều tập đoàn công nghệ và ứng dụng Trung Quốc. Washington lo ngại khả năng các ứng dụng này thu thập dữ liệu người dùng và bị Bắc Kinh sử dụng cho mục đích bất chính, đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.

Các công ty công nghệ Mỹ có thể bị trả đũa ra sao

Các doanh nghiệp lớn của Mỹ, điển hình là Apple, sẽ cũng chịu “tai bay vạ gió” không nhỏ. Bởi, Trung Quốc đang là thị trường tiêu thụ iPhone lớn nhất của Apple và hãng này cũng đã xác định WeChat là ứng dụng rất quan trọng trên thị trường Hoa Lục.

Nếu chấp hành lệnh của chính phủ Mỹ thì Apple sẽ phải gỡ bỏ Tik Tok và WeChat ra khỏi App Store dành cho thị trường Trung Quốc. Với việc người dân Hoa Lục không còn được dùng WeChat thì điều này còn tệ hại hơn việc người dùng phương Tây xài smartphone của Huawei nêú không được phép truy cập Play Store của Google.

Chắc chắn là mảng kinh doanh kinh doanh iPhone ở Trung Quốc của Apple sẽ sụt giảm nghiêm trọng sau khi lệnh cấm có hiệu lực. Đối với dân Trung Quốc, mua iPhone mà không có WeChat chẳng khác nào mua một “cục gạch” với giá trên trời.

Kinh tế Malaysia suy giảm mạnh

GDP quý II của Malaysia giảm 17,1% so với cùng kỳ năm trước, tệ nhất kể từ quý IV/1998. So với quý I, GDP quý II giảm 16,5% và là quý giảm thứ hai liên tiếp, đồng nghĩa kinh tế Malaysia rơi vào suy thoái kỹ thuật.

Kinh tế Malaysia bắt đầu có dấu hiệu phục hồi vào cuối quý II. Tăng trưởng sản xuất và doanh thu đều dương trong tháng 6, tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 4,9%.

Thống đốc ngân hàng trung ương Malaysia Nor Shamsiah Mohd Yunus hôm nay cho biết bà “lạc quan thận trọng rằng giai đoạn tồi tệ nhất đã qua”. Dự báo tăng trưởng cả năm được điều chỉnh giảm do đại dịch Covid-19 có tác động mạnh hơn ước tính ban đầu lên lực cầu toàn cầu và thời gian phong tỏa tại Malaysia được kéo dài.

Thái Lan đang kiểm soát đại Covid-19 khá tốt nhưng thành công đó đang bị che mờ bởi cơn suy thoái kinh tế trầm trọng, khiến các vụ phá sản gia tăng và tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt

Kể từ khi đại dịch Covid-19 ập đến Thái Lan hồi tháng 3, khoảng 70% lực lượng lao động Thái Lan bị giảm thu nhập trung bình hàng tháng 47% và 11% doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước này đang bên bờ vực đóng cửa vĩnh viễn đồng thời 75% doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực du lịch chứng kiến doanh thu suy giảm ít nhất 75%.

Tuần tới, Hội đồng Phát triển Xã hội Kinh tế quốc gia Thái Lan (NESDC) sẽ công bố dữ liệu tăng trưởng GDP của nước này trong quí hai với mức suy giảm có thể hơn 12%, theo dự báo của giới phân tích. GDP Thái Lan được dự báo giảm 8-10% trong năm 2020, trước khi hồi phục với mức tăng trưởng 4-5% trong năm 2021.

2. Tin vĩ mô trong nước

Môi trường kinh doanh xấu đi trong bối cảnh dịch Covid-19 quay trở lại đặt các ngân hàng vào tình huống đầy áp lực trong nửa cuối năm, sau khi nửa đầu năm ưu tiên cho tăng trưởng lợi nhuận

Tháng 7 vừa qua, dịch bệnh bất ngờ bùng phát trở lại với cường độ rất mạnh và diễn biến phức tạp. Cho dù có dập được “ổ dịch” tại Đà Nẵng thì nguy cơ bùng phát trở lại những lần tiếp theo là rất cao, với điển hình gần đây nhất là 3 ca mắc mới Covid-19 không có yếu tố dịch tễ liên quan trực tiếp đến Đà Nẵng. Đây cũng là lý do khiến Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 thống nhất nhận định: “Có thể từ giờ trở đi chúng ta sẽ không còn những khoảng thời gian yên bình như trước nữa”.

Trong tình thế như vậy, khó lòng kỳ vọng rằng nền kinh tế sẽ hồi phục mạnh khi người dân trở lại tâm thế phòng thủ, thắt chặt chi tiêu. Bản thân việc giảm mạnh lãi suất tiết kiệm trước mắt cũng có tác động tiêu cực đến chi tiêu, khi tiền lãi thu về của người dân ít hơn đáng kể so với trước đây. Trong khi đó, “quân bài tẩy” đầu tư công cần thời gian để lan tỏa tác động tích cực đến toàn bộ nền kinh tế, trong trường hợp giải ngân thuận lợi.

Đối với các ngân hàng, kịch bản kinh doanh đã thay đổi, kế hoạch điều tiết lợi nhuận về cơ bản đã “vỡ” và điều này gây áp lực rất lớn cho lợi nhuận ngân hàng nửa cuối năm. Bên cạnh áp lực suy giảm nguồn thu, áp lực tăng trích lập dự phòng thì cũng phải kể đến áp lực thoái lãi dự thu khi lượng lớn nợ vay sẽ phải chuyển nhóm hoặc tái cơ cấu theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN

Dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam vừa được chuyển sang đầu tư công ‘hút’ nhà đầu tư

Theo thông tin từ các đơn vị của Bộ Giao thông Vận tải, hiện đã có 120 nhà thầu mua hồ sơ 3 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam vừa được chuyển đổi từ hình thức PPP (hợp tác công tư) sang đầu tư công theo Nghị quyết số 117/2020 ngày 19/6 của Quốc hội, gồm Mai Sơn – Quốc lộ 45, Phan Thiết – Dầu Giây và Vĩnh Hảo – Phan Thiết.

Theo đại diện các ban quản lý dự án, đến ngày 27/8, các dự án sẽ đóng thầu. Trong trường hợp thuận lợi, cuối tháng 9, một số gói thầu xây lắp của 3 dự án sẽ khởi công xây dựng. Các gói thầu còn lại sẽ khởi công hết trong tháng 10.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự án cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45 dài 53,5km, tổng mức đầu tư khoảng 12.343 tỷ đồng; cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết dài 100,8km, tổng mức đầu tư khoảng 11.183 tỷ đồng; cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây dài 99km, tổng mức đầu tư khoảng 13.656 tỷ đồng.

Không phát triển thêm dự án nhiệt điện than mới

Ngày 14/8, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã dẫn đầu đoàn công tác làm việc chuyên đề với Bộ Công Thương và các bộ, ngành về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).

Tại buổi làm việc, Viện Năng lượng cũng đưa ra 11 kịch bản phát triển nguồn điện với các điều kiện đầu vào khác nhau. Theo đó, kịch bản được lựa chọn là kịch bản bảo đảm các mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo theo Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo quốc gia và Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị. Cụ thể, đến 2030, năng lượng tái tạo chiếm khoảng 32%, tăng lên 40,3% vào năm 2045 và 43% vào năm 2050. “Theo phương án chọn này, tỉ lệ nhiệt điện than sẽ giảm dần từ mức 42% hiện nay xuống còn khoảng 36% vào năm 2035 và khoảng 31% vào năm 2045. Trong giai đoạn 2020-2030, sẽ không phát triển thêm các dự án nhiệt điện than mới”, Viện trưởng Viện Năng lượngcho hay.

Thống đốc Ngân hàng nhà nước yêu cầu 6 tháng cuối năm, cần tạo điều kiện giảm nhanh hơn mặt bằng lãi suất

Người đứng đầu ngành ngân hàng đề nghị các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN, bảo đảm phù hợp thực tiễn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, TCTD tháo gỡ khó khăn, khôi phục kinh tế. Tập trung chỉ đạo các TCTD triển khai mạnh mẽ, quyết liệt các giải pháp cơ cấu lại nợ, cho vay mới, giảm lãi suất, phí… quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN.

Thống đốc yêu cầu các TCTD, đặc biệt là công ty tài chính tiêu dùng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank)… triển khai mạnh mẽ các gói tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân với lãi suất hợp lý, thủ tục đơn giản và phù hợp với quy định của pháp luật.

3. Các kênh tài sản

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể tăng nóng trong quý 3 nhưng sẽ hạ nhiệt trong quý 4/2020 do các quy định mới mang tính siết chặt hơn sẽ có hiệu lực đầu tháng 9 năm nay

Tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong quý 2/2020 là 122.300 tỷ đồng, tăng 69,7% so với cùng kỳ 2019.

Lũy kế 6 tháng đầu năm là 171.500 tỷ đồng, tăng 61,3% so với cùng kỳ, bỏ xa mức tăng trưởng 37% trong năm 2019; trong đó chỉ có 10.000 tỷ đồng (chiếm 5,8% tổng lượng phát hành) của Tập đoàn Masan là phát hành ra công chúng; còn lại 94,2% là phát hành riêng lẻ của 133 doanh nghiệp

Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng khoảng 15,6% so với cuối năm 2019 lên mức 791.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 12,9% GDP.

Việt Nam cùng với Trung Quốc, Malaysia là những nước châu Á có thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng mạnh nhất.

Hiện quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tính trên GDP của Việt Nam đã bỏ xa Indonesia, vượt qua Philippines nhưng vẫn còn cách khá xa mức 23% GDP của Thái Lan; 33-35% GDP của Trung Quốc, Singapore; 50,9% GDP của Malaysia và 80% GDP của Hàn Quốc (theo ADB).