Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 16.06.2021 Chính thức áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đường Thái Lan lên hơn 47%

Nhận định Thị trường hàng ngày 16/06/2021    15545

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 16/062021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Xuất khẩu cá tra sang EU giảm hơn 26% so với cùng kỳ
– Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho biết, tính đến nửa đầu tháng 5, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường EU đạt 39,4 triệu USD, giảm 26,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Hà Lan giảm 21,7%; Tây Ban Nha giảm 33%; Đức giảm 50,8% và Bỉ giảm 38,2%. Như vậy, 3 năm trở lại đây, giá trị xuất khẩu cá tra sang EU vẫn chưa thể thoát khỏi mức tăng trưởng âm.
– Theo nguồn tin từ một số nhà nhập khẩu lớn của EU, năm 2020, thị trường thủy sản EU bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Các biện pháp giãn cách ở Italy, Pháp, Đức… tác động không nhỏ tới lưu thông vận chuyển hàng hóa nội khối và ngoại khối.
– Đầu năm nay, thị trường bán lẻ EU tăng 30% so với năm trước. Tuy nhiên ngành dịch vụ thực phẩm (nhà hàng, khách sạn…) vẫn rất chậm. Tại châu Âu, thị trường lớn nhất của cá tra là khu vực Bắc Âu, người tiêu dùng quan tâm nhiều tới tính an toàn, giá cả và sự tiện lợi.
– Theo VASEP, Bangladesh và Trung Quốc là hai đối thủ cạnh tranh với cá tra Việt Nam. Tuy số lượng nhập khẩu từ hai thị trường này vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng giá trị nhập khẩu lại ngày càng tăng. Một lợi thế lớn đối với Bangladesh là quốc gia này được hưởng lợi từ quy chế GSP+, quy chế này cho phép các nhà xuất khẩu được miễn thuế nhập khẩu. Do đó, cá tra Bangladesh cạnh tranh trên thị trường châu Âu về giá cả. Trong khi đó, Trung Quốc xuất khẩu một lượng nhỏ với khoảng 50-100 tấn cá tra sang châu Âu hàng năm.
– Hiện nay, phần lớn sản phẩm cá tra xuất khẩu sang EU là sản phẩm cá tra phile đông lạnh. Trong đó, Hà Lan là thị trường xuất khẩu lớn nhất của doanh nghiệp cá tra Việt Nam với sản phẩm là cá tra giá trị gia tăng lớn.
• Nhiều thị trường bất động sản nóng trên thế giới đang phát cảnh báo như năm 2008
– New Zealand, Canada và Thụy Điển được xếp vào những thị trường nhà ở đang “bong bóng” nhất thế giới, dựa trên các chỉ số chính được sử dụng trong bảng theo dõi của Bloomberg Economics. Anh và Mỹ cũng đang cận kề nhóm dẫn đầu này.
– Lãi suất thấp kỷ lục, các gói kích thích tài khóa quy mô chưa từng có, lượng nhà ở hạn chế và kinh tế thế giới phục hồi mạnh mẽ đang đẩy giá nhà lên cao chưa từng thấy trên phạm vi thế giới.
– Phân tích của Bloomberg Economics tập trung chính vào các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Người lao động làm việc tại nhà cần thêm không gian và ưu đãi thuế từ một số chính phủ với người mua nhà cũng kích thích lực cầu vào thị trường bất động sản.
– Ngay cả khi các thước đo rủi ro tăng, lãi suất thấp, các tiêu chuẩn cho vay nhìn chung cao hơn trong quá khứ và các chính sách an toàn vĩ mô đã được triển khai, nguy cơ một sự sụp đổ vẫn chưa rõ ràng. Do đó giai đoạn phía trước sẽ thiên về hạ nhiệt hơn là sụp đổ. Dù vậy, nguy cơ sẽ gia tăng khi có sự bùng nổ đồng bộ giá nhà như trong chu kỳ hiện tại.
– Khi chi phí đi vay bắt đầu tăng, thị trường bất động sản – và các biện pháp được triển khai để bảo vệ ổn định tài chính sẽ là bài kiểm tra quan trọng.

2. Thông tin Việt Nam

• Bộ Giao thông vận tải yêu cầu tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công
– Bộ trưởng Giao thông vận tải vừa có Chỉ thị số 06 về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm nay nhằm thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm nay.
– Theo đó, căn cứ kế hoạch giải ngân chi tiết hàng tháng đã được bộ chấp thuận để làm cơ sở chỉ đạo, điều hành thực hiện; Đảm bảo kế hoạch giải ngân tổng thể dự án của bộ trong năm đạt tối thiểu 90% kế hoạch và phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vào 31/1/2022. Trong đó, các dự án có nguồn vốn kéo dài từ kế hoạch năm 2020 phải giải ngân toàn bộ trước ngày 31/12/2021.
– Với tinh thần “Kiên định thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, Bộ trưởng Giao thông vận tải yêu cầu thủ trưởng các đơn vị chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các cơ quan tham mưu liên quan quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công, đẩy mạnh tiến độ giải ngân các dự án, đồng thời chú trọng đến kiểm soát chất lượng.
– Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang triển khai 19 công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải. Trong đó, có 6 dự án đang chuẩn bị các thủ tục đầu tư; 10 dự án đang triển khai thực hiện; 3 dự án đang hoàn tất thủ tục nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng.
– Năm nay, Bộ Giao thông vận tải được giao khoảng 43.401 tỷ đồng. Trong đó, 38.159 tỷ đồng vốn trong nước, 4.837 tỷ đồng vốn nước ngoài và khoảng 405 tỷ đồng kế hoạch kéo dài. Tới hết tháng 5, lũy kế giải ngân tại các dự án do Bộ Giao thông vận tải quản lý ước đạt 13.516 tỷ đồng, đạt 32,7% kế hoạch đã phân bổ và đạt 32,1% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.
• Chính thức áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đường Thái Lan lên hơn 47%
– Ngày 15/6 Bộ Công Thương vừa có Quyết định 1578/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Cụ thể mức thuế chống bán phá giá chính thức là 42,99% và mức thuế chống trợ cấp chính thức là 4,65%. Tổng cộng hai loại thuế này là 47,64%. Quyết định có hiệu lực thực thi kể từ ngày 16/6/2021. Thời hạn áp dụng là 5 năm kể từ ngày quyết định chính thức có hiệu lực.
– Trước đó, ngày 9/2/2021, Bộ Công Thương ban hành Quyết định 477/QĐ-BTC về việc áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan ở mức 48,88%.
– Tuy nhiên, sau khi cân nhắc tác động kinh tế – xã hội theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, nhằm đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của người nông dân, ngành sản xuất, chế biến đường trong nước (gồm cả tạo điều kiện về nguyên liệu cho sản xuất), người tiêu dùng, Bộ Công Thương quyết định tạm thời thu thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường thô có xuất xứ Thái Lan ở mức 33,88%.
– Như vậy, mức thuế chống bán phá giá chính thức đã có sự điều chỉnh tăng 9,11%, trong khi mức thuế chống trợ cấp chính thức giảm đến 29,23% so với mức thuế tạm thời được áp dụng trước đó.
– Thông tin này sẽ tác động tích cực đến các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước khi giá đường nhập khẩu từ Thái Lan sẽ tăng khá mạnh sau khi áp thuế. Điều này giúp các doanh nghiệp có thể tăng trưởng doanh thu cũng như cải thiện biên lợi nhuận gộp, đặc biệt là những doanh nghiệp tự chủ được về nguồn mía nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Tuy nhiên một số doanh nghiệp phải nhập khẩu đường làm đầu vào sản xuất sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực từ việc áp thuế chống bán phá giá này.
• NHNN xử lý yêu cầu nới ‘room’ tín dụng cho ngân hàng
– Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp nhận và xử lý đề xuất nới, cấp thêm ‘room’ tín dụng mới cho các ngân hàng sử dụng hết chỉ tiêu. Dựa trên kiến nghị của các nhà băng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành đánh giá và đưa ra định mức phù hợp cho mỗi tổ chức tín dụng. Việc này cũng tiến hành tương tự như mọi năm, khi nào có ngân hàng yêu cầu, đề xuất sẽ được xử lý.
– Trước đó, một số ngân hàng có tình trạng hết “room” tín dụng và thắt chặt giải ngân nhằm kiểm soát không vượt trần. Với các nhà băng được cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao nhất ngành như Vietcombank và Techcombank, hoạt động giải ngân vẫn diễn ra bình thường.
– Đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã giao chỉ tiêu tín dụng lần một đến các tổ chức tín dụng trong hệ thống. Nhóm ngân hàng quốc doanh gồm Agribank, BIDV, VietinBank được cấp “room” năm nay 6,5-7,5%, riêng Vietcombank được giao 10,5%. Hạn mức của một số ngân hàng thương mại cổ phần như VIB, ACB, Sacombank là 8,5-9,5% và MB, VPBank, Techcombank là 10,5-12%. Nhìn chung, mặt bằng “room” tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp cho các tổ chức tín dụng thấp hơn tổng thể cả năm trước.
– Một số ý kiến về việc bỏ hạn mức tăng trưởng tín dụng xuất hiện. Moody’s, từng nhận định hiệu quả chính sách tiền tệ của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực do Ngân hàng Nhà nước kiểm soát thông qua đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng và đặt trần lãi suất cho vay và tiền gửi. IMF cũng cho rằng Việt Nam nên dỡ bỏ dần trần tăng trưởng tín dụng đồng thời nới lỏng quy định về trần lãi suất huy động và cho vay nhằm cải thiện tính hiệu quả chính sách tiền tệ theo cơ chế thị trường.
– Trong khi đó, chuyên gia tài chính cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước quản lý tín dụng theo hệ số an toàn vốn (CAR) gồm cả chuyện huy động vốn và cho vay để toàn diện hơn. Ngân hàng Nhà nước cũng đã có lộ trình để áp dụng những chính sách đó.
– Vụ trưởng Tín dụng, ông Nguyễn Tuấn Anh từng cho biết Ngân hàng Nhà nước căn cứ vào quy mô, chất lượng tài sản của từng tổ chức tín dụng để xếp hạng A, B, C… và giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng linh hoạt.

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Kienlongbank sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 13%
– HĐQT Kienlongbank (UPCoM: KLB) thông qua tăng vốn điều lệ, theo phương án phát hành gần 41,6 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2020, tương đương tỷ lệ 13%.
– Thời gian dự kiến phát hành chậm nhất là ngày 30/9 sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước Việt Nam chấp thuận. Thời gian dự kiến hoàn thành tăng vốn trước 31/12.
– Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ Kienlongbank sẽ tăng từ 3.236 tỷ đồng lên 3.653 tỷ đồng. Năm nay, Kienlongbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng. Trong khi đó, quý I, ngân hàng lãi trước thuế hơn 700 tỷ đồng, gấp 12,3 lần so với cùng kỳ 2020 và thự hiện 70% kế hoạch năm.
– Đến 31/3, tổng tài sản ở mức 61.942 tỷ đồng, tăng 8,14% so với đầu năm; tổng nguồn vốn huy động đạt 55.933 tỷ đồng, tăng 7,42% so đầu năm; tổng dư nợ cấp tín dụng đạt 35.747 tỷ đồng, tăng trưởng 2,97%. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 3,22% xuống còn 1,19%.
• FPT lãi ròng 5 tháng tăng hơn 18%
– CTCP FPT (FPT) công bố KQKD 5 tháng năm 2021 với doanh thu đạt 13,3 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1,6 nghìn tỷ đồng tăng lần lượt là 19% và 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả kinh doanh tích cực này chủ yếu được thúc đẩy bởi 3 mảng kinh doanh cốt lõi của công ty: Xuất khẩu phần mềm, Dịch vụ viễn thông và Giáo dục.
– Mảng Xuất khẩu phần mềm doanh thu và lợi nhuận trước thuế tăng trưởng lần lượt là 13% và 18% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận trước thuế của mảng này tăng thêm 70 điểm cơ bản so với vùng kỳ đạt 16,2% trong 5 tháng năm 2021 nhờ hiệu suất nhân viên cải thiện và thu nhập từ lãi gia tăng. Trong khi đó, giá trị hợp đồng xuất khẩu phần mềm mới tăng 52% so với cùng kỳ và đạt 7,4 nghìn tỷ đồng trong 5 tháng năm 2021.
– Tăng trưởng doanh thu Chuyển đổi số tăng từ mức 1% lên mức 5% trong 5 tháng năm 2021 so với 4 tháng năm 2021 nhờ triển khai dự án tăng tốc ở thị trường Nhật Bản. Ban lãnh đạo kỳ vọng tăng trưởng doanh thu chuyển đổi số sẽ cải thiện trong các tháng tiếp theo. Chuyển đổi số chiếm 29% doanh thu Xuất khẩu phần mềm trong 5 tháng năm 2021 so với mức 32% trong 5 tháng năm 2020.
– Nhờ lợi nhuận từ PayTV, biên lợi nhuận cải thiện từ dịch vụ internet băng thông rộng và sự tăng trưởng tốt của mảng quảng cáo trực tuyến, lợi nhuận trước thuế của khối viễn thông tăng 28,7% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế của khối giáo dục, đầu tư và khác giảm do một số mảng kinh doanh vẫn đang trong thời gian đầu tư, hiện chưa tạo ra lợi nhuận.

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

———–

Quý Nhà đầu tư vui lòng dành 3 phút tham gia Khảo sát Đánh giá và đóng góp ý tưởng hoàn thiện Bản tin Nhận định thị trường DCALL: TẠI ĐÂY 

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0