Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 15.12.2021 | Đan Mạch vươn lên top 10 quốc gia, vùng lãnh thổ có vốn FDI lớn nhất tại Việt Nam

Nhận định Thị trường hàng ngày 15/12/2021    87278

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 15/12/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Kinh tế Mỹ đối mặt với lạm phát cao
– Theo khảo sát của Fed New York, kỳ vọng về lạm phát giá tiêu dùng tại Mỹ cao hơn trong ngắn hạn gia tăng, còn kỳ vọng về tăng trưởng thu nhập trong tương lai giảm xuống, cho thấy nhiều khả năng đà tăng giá hàng hóa sẽ vượt xa mức tăng lương, thậm chí với tốc độ còn nhanh hơn trong thời gian tới.
– Theo dữ liệu Bộ Lao động Mỹ đưa ra tuần trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 10 tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 6/1982 tới nay, đặt ra thách thức chính trị đối với chính phủ của Tổng thống Joe Biden và củng cố kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất vào năm tới.
– Theo cuộc khảo sát, người tiêu dùng dự đoán lạm phát tại Mỹ sẽ đạt mức trung bình 6% trong một năm, cao hơn so với kỳ vọng 5,7% được đưa ra hồi tháng 10, trong khi kỳ vọng về tăng trưởng thu nhập trong năm tới giảm xuống 2,8% trong tháng 11, từ mức 3% của tháng trước. Nếu xảy ra, lạm phát sẽ tăng nhanh hơn 3,2 điểm phần trăm so với thu nhập trong một năm, mức chênh lệch lớn nhất kể từ khảo sát được thực hiện vào năm 2013.
– Tuy nhiên, dự đoán về mức lạm phát trung bình của Mỹ trong ba năm tới giảm xuống 4%, từ mức trước đó là 4,2%. Đây là mức giảm đầu tiên kể từ tháng 6 và chỉ là lần giảm thứ hai kể từ tháng 10/2020. Đồng thời, sự không chắc chắn về mức lạm phát trong tương lai cũng tăng.
– Theo khảo sát Chỉ số tâm lý người tiêu dùng mới nhất từ Đại học Michigan (Mỹ), lạm phát hiện là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng nước này. Khi được hỏi trực tiếp liệu lạm phát hay thất nghiệp là vấn đề nghiêm trọng hơn mà nền kinh tế lớn nhất thế giới đang phải đối mặt, 76% người tham gia khảo sát đã chọn lạm phát, trong khi chỉ 21% chọn thất nghiệp.
• Nhu cầu hàng hóa mùa Giáng sinh đẩy cước vận chuyển hàng không lên mức kỷ lục
– Chi phí vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không trên khắp thế giới đã đạt mức kỷ lục khi các doanh nghiệp chạy đua đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng cao trước thềm Giáng sinh. Giá cước trên các tuyến bay từ Thượng Hải đến Bắc Mỹ lần đầu tiên đạt 14 đô la Mỹ/kg vào tuần trước, tăng mạnh so với mức 8 đô la vào cuối tháng 8 và phá mức kỷ lục trước đây, 12 đô la/kg, được thiết lập khi đại dịch Covid-19 bắt đầu tấn công các chuỗi cung ứng vào đầu năm 2020.
– Những sản phẩm thường được vận chuyển bằng đường hàng không bao gồm hàng thời trang và điện tử tiêu dùng cũng như các linh kiện như phụ tùng ô tô hoặc chip bán dẫn. Ngoài ra, nhiều công ty cũng đang gấp rút đặt mua và vận chuyển các thiết bị bảo hộ cá nhân và các bộ kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bằng đường hàng không để ứng phó với biến thể Omicron.
– Giá cước cũng tăng ở mức tương tự trên các tuyến bay từ Hồng Kông đến châu Âu và Mỹ, và trên các tuyến bay xuyên Đại Tây Dương giữa Frankfurt (Đức) và Bắc Mỹ. Trên tuyến bay đi từ Frankfurt đến Bắc Mỹ, giá cước tăng từ 3,5 đô la lên 5,4 đô la/kg kể từ khi Mỹ thông báo mở cửa biên giới cho khách quốc tế vào đầu tháng 11. Điều này cho thấy quyết định mở cửa biên giới của Mỹ để nối lại các đường bay xuyên Đại Tây Dương cũng không giúp ích nhiều khi các hãng hàng không ưu tiên chở khách, khiến sức chứa ở khoang bụng máy bay bị hạn chế vì khách đi tham quan, du lịch thường mang theo nhiều vali hành lý.
– Các chuỗi cung ứng luôn bận rộn nhất trong quý 4 hàng năm vì phải căng sức đáp ứng nhu cầu mua sắm trước thềm Giáng sinh. Nhưng nhu cầu tăng đột biến theo mùa vụ diễn ra khi khủng hoảng vận tải biển và tình trạng ùn tắc ở các cảng vẫn chưa hạ nhiệt. Vì vậy, nhiều nhà bán lẻ buộc phải chuyển sang vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không, cho thấy cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng giờ lan sang cả ngành hàng không vận tải và vẫn chưa có giải pháp trong ngắn hạn.

2. Thông tin Việt Nam

• Đan Mạch vươn lên top 10 quốc gia, vùng lãnh thổ có vốn FDI lớn nhất tại Việt Nam
– Tính từ đầu năm đến 20/11, Đan Mạch xếp thứ 22 trên tổng số 100 quốc gia, vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và hoạt động góp vốn đạt gần 44,5 triệu USD.
– Trong đó, 6 dự án cấp mới trong 11 tháng với giá trị ước đạt gần 13,5 triệu USD. 2 dự án điều chỉnh vốn trị giá hơn 24,6 triệu USD và 15 lượt góp vốn, mua cổ phần đạt gần 6,4 triệu USD. Như vậy, với dự án Lego đầu tư tại Bình Dương trị giá 1 tỷ USD, Đan Mạch sẽ vươn lên vào top 10 các quốc gia có vốn FDI lớn nhất tại Việt Nam.
– Dự kiến nhà máy ở Việt Nam sẽ chủ yếu sản xuất đồ chơi cho thị trường Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Ấn Độ. Llý do Lego chọn Việt Nam là lực lượng lao động và kỹ năng phù hợp đã sẵn sàng cho việc nhà máy đi vào hoạt động. Ngoài việc nhà máy ở Bình Dương là dự án lớn nhất từ trước đến nay của một doanh nghiệp Đan Mạch thực hiện tại Việt Nam thì đây còn là nhà máy trung hòa CO2 đầu tiên trên thế giới và chạy bằng năng lượng mặt trời.
– Ngày 8/12 vừa qua, biên bản ghi nhớ hợp tác xây dựng một nhà máy mới tại tỉnh Bình Dương giữa Tập đoàn Lego và Công ty Liên doanh TNHH Khu Công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) đã được ký kết. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD, dự kiến được triển khai vào nửa cuối năm 2022 và bắt đầu đi vào hoạt động trong năm 2024, góp phần tạo ra 4.000 việc làm. Khi đi vào hoạt động, đây sẽ là nhà máy thứ 6 trên thế giới và thứ 2 ở châu Á, giúp Lego mở rộng mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu.
• Xuất khẩu dệt may phục hồi ngoạn mục
– Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) báo cáo sơ lược tình hình sản xuất – kinh doanh của ngành trong năm 2021. Theo đó, ước tính giá trị xuất khẩu toàn ngành đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019. Trong đó, riêng xuất khẩu các mặt hàng may mặc dự kiến đạt 28,9 tỷ USD, tăng khoảng 4,5% so với năm 2020; xuất xơ sợi sang Trung Quốc dự kiến đạt 5,5 tỷ USD, tăng 47% so với năm 2020 và tăng 32% so với năm 2019.
– Hai năm qua, ngành dệt may chịu nhiều khó khăn và thách thức. Khi dịch bệnh xuất hiện hồi đầu năm 2020, giãn cách xã hội khiến một ngành phụ thuộc lớn vào nhập khẩu đầu vào như dệt may bị đứt gãy chuỗi cung ứng do không có nguồn nguyên liệu. Khi sản xuất trong nước phục hồi thì dịch hoành hành tại các thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, Nhật Bản, EU khiến số lượng đơn hàng giảm sút. Tiếp đó, khi Mỹ và EU phục hồi thì một lần nữa, dịch bệnh lại bùng phát ở Việt Nam gây nên khủng hoảng thiếu nhân lực.
– Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VITAS, năm 2022, dự báo tình hình dịch bệnh trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng sẽ vẫn diễn biến rất phức tạp, khó lường do có sự xuất hiện của biến chủng Omicron, song ngành dệt may Việt Nam đang ghi nhận một số tín hiệu tích cực. VITAS xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng cho năm 2022, trong đó kịch bản tích cực nhất là kim ngạch xuất khẩu đạt 42,5 – 43,5 tỷ USD, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát cơ bản vào quý I/2022. Kịch bản trung bình đạt 40 – 41 tỷ USD, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát giữa năm 2022 và kịch bản thấp nhất đạt 38 – 39 tỷ USD, trong trường hợp dịch bệnh còn diễn biến phức tạp kéo dài đến cuối năm 2022. Ông Cẩm cũng cho biết, hiện tại, hầu hết doanh nghiệp dệt may đã kín đơn hàng ít nhất đến hết quý II/2022.
– Công ty Chứng khoán VNDirect kỳ vọng, ngành dệt may sẽ hồi phục hoàn toàn vào quý II/2022 nhờ lợi thế đi theo sau sự phục hồi của Mỹ và EU là hai thị trường xuất khẩu lớn của dệt may Việt Nam. Ngoài ra, khó khăn của ngành dệt may Myanmar sẽ là cơ hội để Việt Nam tăng thị phần tại thị trường EU, Nhật Bản và Hàn Quốc khi Myanmar hiện đang là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam tại ba thị trường này.

3. Nhịp đập thị trường chứng khoán

– VN-Index mở cửa phiên giao dịch ngày 14/12/2021 với trạng thái giằng co và biến động quanh mốc tham chiếu sau phiên ATO. Dưới sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu thép, VN-Index bật tăng mạnh sau đó và có lúc chỉ số này tăng gần 9 điểm. Tuy nhiên, áp lực từ bên bán tăng dần khiến VN-Index giảm điểm dần về mốc tham chiếu trước khi kết thúc phiên sáng. Bước sang phiên chiều, bên bán tiếp tục chiếm ưu thế, VN-Index có thời điểm giảm sâu gần 6 điểm trước khi hồi phục gần về mức giá mở cửa. Khép lại ngày giao dịch, chỉ số gần như không biến động so với phiên trước, VN-Index dừng chân ở mức 1,476.02 điểm.
– Xét về mức độ ảnh hưởng đến chỉ số VVN-Index, HPG, BCM, DIG và NVL là những mã có tác động tích cực nhất đến VN-Index. Riêng HPG đã góp hơn 1 điểm tăng cho chỉ số. Trong khi đó, PDR, VIC, VPB là những mã có ảnh hưởng tiêu cực nhất, kìm hãm chỉ số tăng điểm.
– Trên sàn HoSE, khối ngoại đẩy mạnh bán ròng 880 tỷ đồng, tăng vọt so với mức bán ròng chỉ 45 tỷ đồng của phiên trước, tương ứng khối lượng 26,2 triệu cổ phiếu. HPG tiếp tục bị khối ngoại bán ròng mạnh với giá trị 533 tỷ đồng. VPB và GEX đứng sau với giá trị bán ròng lần lượt 148 tỷ đồng và 109 tỷ đồng. Trong khi đó, VIC được mua ròng mạnh nhất với 52 tỷ đồng.
– Xét về nhóm ngành, nhóm ngành vật liệu xây dựng, nhóm cổ phiếu thép trở lại giao dịch hết sức sôi động và tích cực. Nổi bật trong nhóm là các mã NKG, HSG và POM đều tăng trần trong phiên. Ngoài ra, HPG trong phiên giao dịch đóng cửa với mức tăng 2.47%. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu xi măng giao dịch khá ảm đạm khi HT1 giảm mạnh 6.27%, BCC sụt giảm 2.59%, BTS giảm gần 1%.
– Mặt khác, nhóm cổ phiếu VN30 có sự phân hóa trong đó, PDR giảm 5,9%, PNJ giảm 2,3%, KDH giảm 2,2%, STB giảm 1,9%.
– Phiên giao dịch ngày 14/12/2021 xuất hiện mẫu hình nến Doji, thể hiện sự cân bằng giữa bên mua và bên bán trong phiên giao dịch. Khối lượng có sự hồi phục so với phiên trước và tiến sát mức trung bình 20 ngày gần nhất cho thấy sự cải thiện của dòng tiền.

– Xu hướng thị trường trong ngắn hạn vẫn là đi ngang tích lũy để tạo nền vượt qua vùng 1,500 điểm. Nhà đầu tư nên lưu ý một số sự kiện trong tuần này như: Cuộc họp chính sách của Fed, phiên đáo hạn hợp đồng tương lai và quá trình cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư như VNM ETF, FTSE Vietnam ETF hay MVIS Vietnam Index. Do xu hướng tăng điểm trong dài hạn vẫn được duy trì, nhà đầu tư có thể tận dụng khi thị trường biến động mạnh để giải ngân thêm, tập trung vào các nhóm có triển vọng lợi nhuận tốt trong giai đoạn cuối năm như bất động sản, xây dựng, ngân hàng và cao su.

4. Tin doanh nghiệp niêm yết

• DGC chốt quyền tạm ứng cổ tức 2021 bằng tiền tỷ lệ 10%
– Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HoSE: DGC) thông báo 24/12 là ngày đăng ký cuối cùng thực hiện tạm ứng cổ tức năm 2021 bằng tiền với tỷ lệ 10%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phần sẽ được nhận 1.000 đồng. Với hơn 171 triệu cổ phiếu đang lưu hành, số tiền phải chi dự kiến 171 tỷ đồng trong đợt thanh toán sắp tới. Thời gian thanh toán cổ tức là ngày 7/1/2022.
– Năm nay, Hóa chất Đức Giang lên kế hoạch doanh thu 7.552 tỷ đồng, tăng 21%; lãi sau thuế 1.100 tỷ đồng, tăng 16%. Cổ tức 2021 duy trì tỷ lệ 30% như năm ngoái.
– Đại hội cũng thông qua việc điều chỉnh phương án đầu tư dự án Tổ hợp Hóa chất Đức Giang Nghi Sơn tại thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa – đây là dự án có quy mô lớn nhất từ trước đến nay của tập đoàn. Tổng vốn đầu tư dự kiến 12.000 tỷ đồng, chia làm hai giai đoạn (giai đoạn 1 là 10.000 tỷ đồng, giai đoạn 2 là 2.000 tỷ). Về giai đoạn 1 sắp tới, vốn tự có của tập đoàn là 5.500 tỷ đồng, tương đương 55% tổng vốn đầu tư cho giai đoạn này. Trong đó, 3.000 tỷ đồng sẽ góp trong năm sau từ nguồn lợi nhuận để lại và 2.500 tỷ còn lại sẽ góp tiếp trong năm 2023-2024 từ nguồn lợi nhuận để lại hoặc phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu.
– Tổ hợp dự kiến được khởi công xây dựng từ quý I năm sau và kéo dài đến năm 2028. Sản phẩm của dự án là xút rắn và nhựa PVC dẻo. Diện tích mặt bằng dự kiến sử dụng là 80 ha. Trong giai đoạn 1, công ty dự kiến sản xuất các sản phẩm như xút rắn, nhựa PVC, Chloramin B và dự kiến mang về doanh thu khoảng 8.723 tỷ đồng và lợi nhuận thu về 1.800 tỷ đồng.
• Sản lượng giảm 29%, doanh thu tháng 11 của PV Power bằng 58% kế hoạch
– PV Power (HoSE: POW) vừa thông báo sản lượng điện tháng 11 ở mức 854,7 triệu kWH, thực hiện 50% kế hoạch tháng và giảm 39% so với cùng kỳ năm trước. Tổng công ty cho biết nhu cầu phụ tải trên hệ thống tiếp tục giảm thấp do tình hình dịch Covid-19. Đồng thời mưa trên diện rộng cả nước và đặc biệt mưa bão tại miền Trung, các nhà máy điện mặt trời vẫn được ưu tiên huy động.
– Hai đơn vị vượt kế hoạch tháng là Nhà máy điện Hủa Na và Nhà máy điện Đakđrinh với sản lượng lần lượt hơn 57 triệu và 88 triệu kWh. Ngược lại, 5 nhà máy còn lại không hoàn thành chỉ tiêu tháng 11. Trong đó, nhà máy Cà Mau 1 và 2 cùng nhà máy điện Vũng Áng 1 tiếp tục là những đơn vị ghi nhận sản lượng thấp nhất, bằng 39% và 34% mục tiêu.
– Theo đó, doanh thu tháng 11 ở mức 1.436 tỷ đồng, bằng 58% kế hoạch tháng và giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Luỹ kế 11 tháng, doanh thu của PV Power giảm gần 11%, ước đạt 23.164 tỷ đồng. Nguyên nhân là do phụ tải giảm sâu bởi ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài, nhà máy Cà Mau 1 và 2 chỉ được huy động với sản lượng thấp đầu tháng 11. Nhà máy điện Vũng Áng 1 đang dừng tổ máy số 1 để xử lý sự cố.
– Trong tháng 12, PV Power đề ra mục tiêu sản lượng dự kiến là 1.788 triệu kWh và doanh thu 2.635 tỷ đồng. Ngoài ra, tổng công ty sẽ tiếp tục làm việc với EVN/EPTC để đàm phán các hợp đồng mua bán điện PPA cho các nhà máy điện năm 2022. Đồng thời, PV Power phối hợp với PV Gas, TKV, các đơn vị cung cấp dầu để đảm bảo cung ứng đủ nhiên liệu (khí, than, dầu) cho các nhà máy điện.

——–
Trung tâm Tư vấn đầu tư VNDIRECT
Hội tụ trí tuệ – Lan tỏa thành công
📅 Lịch phát sóng các chương trình của Trung tâm TVĐT:
Thứ 2, 15h: La Bàn Đầu tư – điểm lại tin tức vĩ mô & các kênh Tài sản trong tuần.
Thứ 4, 15h30: Tọa đàm đầu tư – cập nhật về Ngành, Mã có câu chuyện đầu tư, đáng chú ý- Chương trình dành riêng cho Khách hàng của VNDIRECT

Thứ 5, 15h30: Cổ phiếu 360 – Nhận định về một mã cổ phiếu ở 2 góc nhìn Tích cực & Tiêu cực
Thứ 7, 9h (2 tuần/ lần) : Đối thoại với PM – Mời Khách mời là PM hoặc các chuyên gia trong Ngành để trao đổi, thảo luận về quan điểm, chiến lược đầu tư.
————
Các chương trình của chúng tôi được phát sóng trên:
🌎 Website: https://www.vndirect.com.vn/
🌎 Fanpage Vndirect Securities Corporation : https://www.facebook.com/vndirect
📺 Youtube: https://www.youtube.com/vndirectdinsightsbantronchuyengia
#Dcall