Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 15.07.2021 | Những ngân hàng đầu tiên công bố lãi 6 tháng đầu năm

Nhận định Thị trường hàng ngày 15/07/2021    24605

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 15/07/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• CPI Mỹ cao nhất 13 năm, Fed liệu có giữ được bình tĩnh?
– Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng mạnh nhất 13 năm trong tháng 6 vừa qua, do những nút thắt nguồn cung và giá dịch vụ đi lại gia tăng trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục phục hồi mạnh từ Covid-19.
– Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy mặt hàng ô tô cũ đóng góp hơn 1/3 mức tăng CPI. Theo hãng tin Reuters, vì lý do này, nhiều chuyên gia kinh tế tiếp tục tin rằng lạm phát cao chỉ là vấn đề tạm thời, phù hợp với quan điểm bấy lâu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến nói rằng lạm phát sẽ không sớm hạ nhiệt, thách thức lập trường của Fed. So với tháng 5, CPI tháng 6 của Mỹ tăng 0,9%, mạnh nhất từ tháng 6/2008. Con số này cao hơn so với mức dự báo tăng 0,5% mà giới phân tích đưa ra trước đó và mức tăng 0,6% ghi nhận trong tháng 5.
– Trong đó, giá xe ô tô đã qua sử dụng tăng 10,5%, mạnh nhất kể từ tháng 1/1953, khi Chính phủ Mỹ bắt đầu theo dõi giá cả mặt hàng này. Trong những tháng gần đây, cơn sốt giá ô tô cũ là một nguyên nhân chính đẩy các chỉ số lạm phát của Mỹ leo thang. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, giá ô tô cũ ở Mỹ trong tháng 6 tăng 45,2%. Các dữ liệu từ ngành công nghiệp ô tô cho thấy giá xe cũ ở Mỹ có thể sớm hạ nhiệt. Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy sự leo thang giá cả đang lan rộng trong nền kinh tế. Giá thực phẩm, xăng dầu, quần áo, tiền thuê nhà… đều tăng trong tháng 6.
– Trong vòng 1 năm tính đến tháng 6, CPI Mỹ tăng 5,4%, mạnh nhất kể từ tháng 8/2008 và cao hơn mức tăng 5% ghi nhận trong tháng 5. Chỉ số CPI lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, tăng 0,9% trong tháng 6 so với tháng 5, sau khi tăng 0,7% trong tháng 5. So với cùng kỳ năm ngoái, CPI lõi tăng 4,5% trong tháng 6, mạnh nhất từ tháng 11/1991, sau khi tăng 3,8% trong tháng 5.
– Đối với các nhà phê bình, lạm phát cao là cơ sở để tăng cường sự chỉ trích nhằm vào việc giữ nguyên chính sách tiền tệ và tài khoá cùng siêu lỏng lẻo của Mỹ. Chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 được đánh giá là thành công, lãi suất siêu thấp, cùng gần 6 nghìn tỷ tiền kích cầu từ Chính phủ Mỹ kể từ tháng 3/2020 đã thổi bùng nhu cầu trong nền kinh tế, khiến chuỗi cung ứng không phản ứng kịp.
– Với gần 160 triệu người Mỹ đã được tiêm vaccine, nhu cầu đi lại ở nước này đang tăng mạnh. Giá phòng khách sạn tăng 7,9% trong tháng 6 so với tháng 5, giá vé máy bay tăng 2,7%.
“Việc lạm phát tăng mạnh gần đây xuất phát từ một số nhóm hàng hoá-dịch vụ nhất định, nên lãnh đạo Fed có thể tiếp tục giữ quan điểm rằng lạm phát chỉ là tạm thời. Nhìn chung, thị trường đồng tình với quan điểm này của Fed”, chuyên gia kinh tế trưởng Michael Feroli của JPMorgan Chase phát biểu.
– Lạm phát ở Mỹ có thể đã đạt đỉnh ở mức này, nhưng nhiều khả năng sẽ giữ ở ngưỡng cao trong thời gian còn lại của năm nay, thậm chí sang năm 2022 và 2023, vì giá các dịch vụ đi lại còn chưa trở lại mức trước đại dịch. Giá thuê nhà đã tăng mạnh trong tháng 6 và có khả năng lên cao hơn khi người lao động quay trở lại các thành phố lớn để làm việc.
• Thâm hụt ngân sách Mỹ tăng lên 2.240 tỷ USD
– Thu ngân sách liên bang trong chín tháng trên tăng lên mức 3.050 tỷ USD, trong khi tổng chi tăng lên 5.290 tỷ USD, chủ yếu do các khoản trợ cấp thất nghiệp và các chương trình kích thích kinh tế trong đại dịch.
– Đầu tháng này, Văn phòng Ngân sách Quốc hội ước tính thâm hụt ngân sách của Mỹ trong tài khóa 2021 sẽ lên đến 3.000 tỷ USD, gần với mức kỷ lục 3.130 tỷ USD trong tài khóa 2020, với tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP là cao nhất kể từ Chiến tranh Thế giới II.
– Nhà Trắng công bố đề xuất ngân sách 6.000 tỷ USD cho tài khóa 2022, khiến các nghị sĩ của đảng Cộng hòa và các nhà theo dõi ngân sách lên tiếng. Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Liên bang có trách nhiệm, Maya MacGuineas, cho rằng việc chi thêm 3.000 tỷ USD, 4.000 tỷ USD hay thậm chí là 6.000 tỷ USD trong khi nguồn thu không tăng đủ hay không cắt giảm chi tiêu để bù lại là một điều rất đáng quan ngại.
– Khi nợ công trên đà tăng lên mức cao kỷ lục mới và nền kinh tế đang có những dấu hiệu phục hồi, bất kể khoản đầu tư lớn nào cũng cần tránh làm tăng thêm nợ. Theo bà MacGuineas, các nhà hoạch định chính sách cần đề ra một tiến trình ngân sách vững chắc trước khi bàn đến việc sẽ chi hàng nghìn tỷ USD theo các chính sách mới. Tình hình ngân sách đang ra ngoài tầm kiểm soát. Nước Mỹ cần có một tiến trình ngân sách thích hợp hơn, nhưng một khởi đầu tốt đẹp sẽ phải xuất phát từ những quy định hiện có.

2. Thông tin Việt Nam

• Sản lượng thép xây dựng bán ra trong tháng 6 giảm kỷ lục
– Theo Hiệp hội Thép (VSA), sản lượng thép xây dựng sản xuất trong tháng 6 đạt 847.279 tấn, giảm 21,04% so với tháng 5 nhưng vẫn tăng 5,2% so với cùng kỳ 2020.
– Tuy nhiên, lượng bán hàng tháng 6 chỉ đạt 655.046 tấn, giảm 31,36% so với tháng trước và giảm 18,1% so với cùng kỳ năm 2020. Đây cũng là sản lượng bán ra thấp nhất của tháng 6 trong 5 năm trở lại đây, kể từ 2016.
– Trong tháng 6, giá các loại nguyên vật liệu sản xuất thép có xu hướng ổn định theo đà chững lại của giá nguyên liệu thị trường khu vực và thế giới. Giá bán thép trong nước ở mức bình quân 16.200 – 16.500 đồng/kg.
– Theo VSA, bán hàng thép xây dựng tháng 7 sẽ có nhiều khó khăn khi bước vào mùa mưa và sẽ có sự cạnh tranh rất lớn từ các nhà sản xuất thép xây dựng hàng đầu Việt Nam. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhiều công trình dân dụng tạm thời hoãn lại cũng gây áp lực lên doanh số bán hàng của các thương hiệu.
– Về tình hình thép nửa đầu năm nay, sản xuất thép xây dựng đạt hơn 5,6 triệu tấn, tăng 11,6% so với cùng kỳ 2020. Bán hàng đạt 5,3 triệu tấn, tăng 8,7% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 830.700 tấn, tăng 27% so với cùng kì 2020. Tồn kho thời điểm 30/6 là 822.348 tấn. Theo VSA, đây là mức tồn kho bình thường để gối đầu tiêu thụ các tháng tiếp theo.
– Về thị phần của các doanh nghiệp sản xuất thép trong 6 tháng đầu năm, Hòa Phát dẫn đầu với 34,5%. Tiếp đến là VnSteel với 16%, Vina Kyoei 7,8%, Formosa với 7,8% và Pomina với 5,8%.

• Tháng 6 thâm hụt thương mại 450 triệu USD
– Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tổng giá trị xuất nhập khẩu của cả nước trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 317,66 tỷ USD, tăng 32,5% (tương đương gần 78 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại thâm hụt 993 triệu USD.
– Trong đó, tổng giá trị xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 219,87 tỷ USD, tăng 36,6% (tương ứng tăng 58,96 tỷ USD); giá trị xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trong nước là 97,8 tỷ USD, tăng 24,2% (tương ứng tăng 19,04 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020.
– Trong đó, tính riêng tháng 6/2021, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ở cả 2 kỳ đạt 27,14 tỷ USD. Kết quả, 6 tháng đầu năm 2021, tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam đạt 158,34 tỷ USD, tăng 29% (tương ứng tăng 35,57 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020.
– Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa từ đầu năm đến hết tháng 6/2021 của nhóm các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lên 116,55 tỷ USD, tăng 34% (tương ứng tăng 29,6 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73,6% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước.
– Trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng giá trị nhập khẩu của cả nước đạt 159,33 tỷ USD, tăng 36,3% (tương ứng tăng 42,43 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa từ đầu năm đến hết tháng 6/2021 của nhóm các doanh nghiệp FDI lên 116,55 tỷ USD, tăng 34% (tương ứng tăng 29,6 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73,6% tổng giá trị nhập khẩu của cả nước.

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Vietnam Airlines kế hoạch giảm gần 11.000 tỷ đồng chi phí từ thuế, phí và tự thân
– Tại cuộc họp ĐHĐCĐ của Vietnam Airlines sáng nay, Chủ tịch HĐQT Đặng Ngọc Hòa cho biết từ cuối tháng 3/2020, mạng bay quốc tế đi/đến Việt Nam gần như dừng hoạt động, chỉ còn đối tượng khách chuyên gia hoặc công dân hồi hương. Sản lượng khách tổng thị trường bằng 19,7% năm 2019. Thị trường nội địa giảm 23,3% so với mới năm trước do ảnh hưởng lớn từ đợt giãn cách xã hội. Mặt bằng giá vé giảm mạnh do dư thừa cung.
– Trong năm ngoái, Chính phủ thông qua gói giải pháp hỗ trợ 12.000 tỷ đồng; cho phép điều chỉnh chính sách khấu hao, phân bổ chi phí sửa chữa bảo dưỡng phù hợp với công suất sử dụng tài sản; giảm thuế bảo vệ môi trường, phí cất cánh, điều hành bay, phí bảo lãnh chính phủ. Theo đó, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu hợp nhất 42.276 tỷ đồng và lỗ 11.178 tỷ đồng trong năm ngoái.
– Kế hoạch năm nay tiếp tục được xây dựng trên giả định Chính phủ cho phép áp dụng tiếp các chính sách về khấu hao tài sản và phân bổ chi phí theo đề xuất, bên cạnh giải pháp tự thân 6.800 tỷ đồng trong đó lớn nhất đến từ kế hoạch đàm phán với các nhà cung ứng, các đối tác cho thuê tàu bay, sửa chữa bảo dưỡng… Qua đó, chi phí cắt giảm mục tiêu đạt trên 10.000 – 10.800 tỷ đồng. Từ những giải pháp này, công ty đặt chỉ tiêu doanh thu hợp nhất 37.364 tỷ đồng, giảm 11,6% so với thực hiện năm trước. Lỗ sau thuế là 14.526 tỷ đồng, trong đó phần lỗ thuộc về cổ công ty mẹ là 12.908 tỷ đồng.
– HĐQT Vietnam Airlines trình cổ đông phương án phát hành 800 triệu cổ phần HVN cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 56,4% với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu. Số vốn huy động sau đợt phát hành là 8.000 tỷ đồng. Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu HVN theo phương thức chuyển giao quyền mua. Cổ đông được chuyển nhượng quyền mua 1 lần và chỉ được chuyển nhượng cho các tổ chức, cá nhân trong nước.

• Những ngân hàng đầu tiên ‘khoe’ lãi 6 tháng đầu năm
– Trong số 7 ngân hàng ước lãi 6 tháng đầu năm 2021, quán quân về quy mô lợi nhuận vẫn thuộc về anh cả Vietcombank với 14,560 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2020 và thực hiện 58% kế hoạch cả năm.
– Vietcombank cho biết kết quả kinh doanh tích cực đến từ dư nợ tín dụng đạt trên 920,000 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm 2021, trong đó tín dụng bán lẻ tiếp tục tăng trưởng cao ở mức 12% so với đầu năm 2021, chiếm 55% tổng dư nợ tín dụng. Cùng với đó, huy động vốn thị trường I đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm 2021.
– Vị trí á quân là “ông lớn” Vietinbank, ước lãi trước thuế đạt 13,000 tỷ đồng, tăng 75% so cùng kỳ. Trong đó, Vietinbank cho biết dư nợ tín dụng tăng 5% so với đầu năm (trong khi cùng kỳ chỉ tăng 1%) lên 1.06 triệu tỷ đồng. Như vậy, so với chỉ tiêu lợi nhuận 16,800 tỷ đồng của cả năm, Vietinbank thực hiện hơn 3/4 kế hoạch sau nửa chặng đường.
– Kế đến là MBB, ước lợi nhuận trước thuế hợp nhất nửa đầu năm đạt 7,986 tỷ đồng, tăng 56% so cùng kỳ. Theo MBB, dư nợ tín dụng của ngân hàng mẹ trong 6 tháng đầu năm tăng 11% lên 339,900 tỷ đồng, kịch trần hạn mức ban đầu được Ngân hàng Nhà nước giao. Số dư tiền gửi không kỳ hạn tăng 7%, lên 137,571 tỷ đồng.
– Xét về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, MSB có lợi nhuận trước thuế tăng mạnh nhất, gấp gần 3 lần cùng kỳ, đạt 2,800 tỷ đồng, thực hiện 85% kế hoạch đề ra cho cả năm.
– ABBank xếp vị trí thứ hai về mức tăng trưởng lợi nhuận với 85%, ước lãi trước thuế đạt 1,164 tỷ đồng, thực hiện được 59% kế hoạch 2021.
– Hai ngân hàng còn lại ước lãi trước thuế 6 tháng đầu năm là TPBank và SCB. Trong đó, TPBank ước đạt 3,007 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 48% so cùng kỳ và thực hiện 54% kế hoạch năm. Riêng SCB báo lãi trước thuế 456 tỷ đồng, tăng 29 tỷ đồng so cùng kỳ, tỷ lệ tăng 7%.
– Trong 6 tháng cuối năm 2021, các ngân hàng sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ chi phí vốn thấp do chính sách tiền tệ nới lỏng được kỳ vọng duy trì trong nửa cuối năm 2021 để hỗ trợ nền kinh tế cũng như giúp các ngân hàng duy trì thanh khoản ổn định. Bên cạnh đó, tăng trưởng dư nợ vay của các ngân hàng, vốn chiếm một nửa tín dụng hệ thống, có thể vượt hạn mức tăng trưởng tín dụng được cấp cho năm 2021 do kết quả từ việc mở rộng nhanh chóng trong những tháng đầu năm.


Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

———–

Quý Nhà đầu tư vui lòng dành 3 phút tham gia Khảo sát Đánh giá và đóng góp ý tưởng hoàn thiện Bản tin Nhận định thị trường DCALL: TẠI ĐÂY 

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: https://hubs.li/H0RgXR90
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0