Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 14.01.2022 | Giá bán mủ tăng, Cao su Phước Hòa lãi riêng lẻ quý IV đạt 209 tỷ đồng

Nhận định Thị trường hàng ngày 14/01/2022    94315

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 14/01/2022

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Lạm phát của Mỹ lên mức cao nhất kể từ năm 1982
– Theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 7% trong năm 2021, mức tăng cao nhất kể từ năm 1982.
– Giá thực phẩm cao hơn được đánh dấu trong báo cáo mới nhất của Bộ Lao động và là yếu tố góp phần đáng chú ý nhất vào lạm phát, mặc dù mức tăng 0,5% trong tháng trước ít hơn so với những tháng gần đây. Trong khi đó, giá đồ đạc và hoạt động gia đình, quần áo, xe mới và chăm sóc y tế cũng tăng trong tháng 12/2021. Ở chiều ngược lại, giá bảo hiểm xe cơ giới và giải trí giảm. Giá năng lượng cũng giảm 0,4% trong tháng 12/2021 sau một loạt đợt tăng, kéo theo giá xăng và khí đốt tự nhiên cũng giảm.
– Tuy nhiên, giá tất cả các mặt hàng trừ thực phẩm và năng lượng đã tăng 0,6% trong tháng trước, nhiều tuần sau khi tăng 0,5% trong tháng 11/2021. Bộ Lao động Mỹ cũng cho biết, tháng 12/2021 đánh dấu lần thứ sáu giá tăng ít nhất 0,5% trong 9 tháng qua.
– Sau khi dần thoát khỏi những ảnh hưởng của đại dịch, nhu cầu tiêu thụ ở Mỹ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ. Việc tăng lên của các chỉ số giá nhà ở, ô tô đã qua sử dụng và xe tải là những yếu tố đóng góp lớn nhất cho đà tăng này của chỉ số chung.
– Việc lạm phát Mỹ tăng 7% trong năm 2021 cho thấy hành động của Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (Fed) đẩy nhanh quá trình kết thúc mua lại tài sản chính phủ nhằm dọn đường cho lộ trình tăng lãi suất trong năm 2022 để kiềm chế lạm phát là bước đi hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Mỹ và thế giới sẽ chịu những biến động nhất định một khi Fed bắt đầu tăng lãi suất.

• JP Morgan: Dư địa tăng cung của OPEC dự báo giảm, giá dầu có thể lên 125 USD/thùng trong 2022
– JP Morgan dự báo giá dầu năm nay có thể lên tới 125 USD/thùng và 150 USD/thùng vào năm 2023. Giá dầu ngày 12/1 chạm đỉnh hai tháng nhờ nguồn cung thắt chặt khi tồn kho tại Mỹ, quốc gia tiêu thụ nhiều dầu nhất thế giới, giảm xuống thấp nhất kể từ năm 2018. USD suy yếu cùng với lo ngại liên quan biến chủng Omicron giảm cũng là yếu tố tích cực đến thị trường.
– Ngoài ra, khả năng đáp ứng mức tăng thêm 400,000 thùng/ngày của OPEC+ đang bị đặt dấu hỏi khi tháng vừa rồi OPEC+ chỉ tăng được mức bơm thêm 280,000 thùng/ngày. Việc OPEC+ gặp khó khăn trong việc tăng sản lượng theo kế hoạch là tín hiệu hỗ trợ tích cực cho giá dầu tiếp đà tăng.
– Giả sử việc khai thác dầu đúng như hạn ngạch, dư địa tăng cung của OPEC sẽ giảm còn 4% tổng sản lượng vào quý IV/2022 từ mức 13% của quý III/2021, JP Morgan lưu ý.
– Việc thiếu cung từ OPEC+ cùng đà phục hồi mạnh mẽ của lực cầu sau đại dịch đang giúp cho triển vọng giá dầu vượt 90 USD/thùng trở nên hoàn toàn khả thi. Điều này sẽ là tác động tích cực cho các doanh nghiệp dầu khí, vốn chịu ảnh hưởng trong 2 năm vừa qua khi nhu cầu sử dụng xăng dầu suy yếu vì đại dịch

2. Thông tin Việt Nam

• Bộ Công Thương dự kiến trình quy hoạch điện VIII trong quý I
– Tại họp báo thường kỳ Bộ Công Thương vừa diễn ra, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết Bộ Công Thương đang khẩn trương hoàn thiện quy hoạch điện VIII theo hướng bền vững, dành nhiều không gian để phát triển nguồn năng lượng xanh, sạch, thân thiện với môi trường, chi phí sản xuất hợp lý, hài hòa lợi ích nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng điện.
– Ngoài ra, thông tin về phương án cung ứng điện năm nay, đại diện Cục Điều tiết điện lực cho biết Bộ Công Thương đã có kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2022. Trong đó, Bộ dự kiến sản lượng điện sản xuất và mua của toàn hệ thống điện là khoảng 275,5 tỷ kWh, tăng hơn 7,8% so với 2021.
– Dự kiến, Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ quy hoạch điện VIII trong quý I này. Năm nay, Bộ Công Thương dự kiến huy động khoảng 35,6 tỷ KWh từ nguồn năng lượng tái tạo, chiếm hơn 13% tổng nhu cầu điện của cả hệ thống.
– Việc sớm hoàn thành quy hoạch điện VIII giúp đảm bảo thực hiện cam kết của Việt Nam đã đưa tại hội nghị COP26 là đưa phát thải ròng bằng 0 vào 2050 và đưa ra hướng dẫn rõ ràng về quan điểm ưu tiên phát triển năng lượng sạch, tái tạo đã được định hướng tại Nghị quyết 55/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045.

• Hà Nội: Sẽ thành lập 2-5 khu công nghiệp mới giai đoạn 2021-2025
– UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 65/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Thành lập 2-5 khu công nghiệp mới giai đoạn 2021-2025.” Các khu công nghiệp dự kiến sẽ được thành lập gồm: khu công nghiệp sạch Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn; Khu công nghiệp Đông Anh, huyện Đông Anh; Khu công nghiệp Bắc Thường Tín, huyện Thường Tín; Khu công nghiệp Phú Nghĩa mở rộng, huyện Chương Mỹ; Khu công nghiệp Phụng Hiệp huyện Thường Tín.
– Bên cạnh đó, thành phố cũng tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các khu công nghiệp đã có chủ đầu tư như: Khu công nghiệp Quang Minh I, huyện Mê Linh; Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội, quận Bắc Từ Liêm. Thành phố còn thực hiện rà soát, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (giai đoạn 2).
– Thực tế, với lợi thế cạnh tranh về môi trường đầu tư thông thoáng, chính trị ổn định, kinh tế-xã hội phát triển bền vững, nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao, Thủ đô Hà Nội là một trong những địa phương hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài. Dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Hà Nội trong những năm gần đây đang có xu hướng tăng lên, đặc biệt là sau khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương.
– Hiện tại, trên địa bàn TP. Hà Nội có 10 khu công nghiệp đã thành lập và đang hoạt động với tổng diện tích 1,347,42ha. Trong đó có 9 khu công nghiệp với diện tích 1.270,5 ha đã hoạt động ổn định có tỷ lệ lấp đầy đạt gần 100% như: khu công nghiệp Thăng Long, diện tích 274 ha; khu công nghiệp Nội Bài, diện tích 114ha; khu công nghiệp Nam Thăng Long, diện tích 31,5 ha; khu công nghiệp Quang Minh I, diện tích 407 ha.
– Tính đến tháng 12/2021 các khu công nghiệp Hà Nội đã thu hút được trên 700 dự án, trong đó có 303 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 6,1 tỷ USD; 399 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 18.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2015-2020 thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp là 1,7 tỷ USD, đạt 130% so với mục tiêu đề ra, tăng 13% so với giai đoạn 2011-2015.

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Giá bán mủ tăng, Cao su Phước Hòa lãi riêng lẻ quý IV đạt 209 tỷ đồng
– Cao su Phước Hòa (HoSE: PHR) công bố BCTC công ty mẹ quý IV/2021 với doanh thu thuần 591 tỷ đồng, tăng 14%. Giá vốn tăng thấp hơn nên lãi gộp đạt 78 tỷ đồng, tăng 126%. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 6,7% lên 13,2%. Doanh thu tài chính tăng 19% lên 179 tỷ đồng, song lợi nhuận khác giảm mạnh từ 332 tỷ về 12 tỷ đồng. Do vậy, lợi nhuận sau thuế đạt 209 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ năm trước.
– Doanh nghiệp cho biết giá bán tăng đã làm cho lợi nhuận từ kinh doanh mủ cao su tăng. Lợi nhuận hoạt động tài chính tăng nhờ tăng tiền thu từ cổ tức. Song, tiền thu từ thanh lý cao su giảm và cùng kỳ năm trước có ghi nhận tiền đền bù hỗ trợ thiệt hại khi bàn giao đất thực hiện dự án Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2 là 304 tỷ đồng.
– Lũy kế cả năm, doanh thu thuần đạt 1.463 tỷ đồng, tăng 38%. Lãi gộp 184 tỷ đồng, tăng 162%. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 6,6% lên 12,57%. Song lợi nhuận khác giảm mạnh từ 959 tỷ đồng về 33 tỷ đồng. Do vậy, lợi nhuận sau thuế giảm 65% xuống 331 tỷ đồng.
– Giá bán cao su tăng đã giúp cho lợi nhuận kinh doanh mủ cao su của DN tăng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế giảm 65,3% so vói cùng kỳ do tiền thu từ thanh lý gỗ cao su giảm và cùng kỳ năm trước có ghi nhận 304 tỷ đồng tiền đền bù hỗ trợ thiệt hại khi bàn giao đất thực hiện dự án Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2.

• Doanh thu xuất khẩu Vĩnh Hoàn tháng 12 đạt 896 tỷ đồng, giảm 2% so với tháng trước
– Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) công bố doanh thu xuất khẩu tháng 12 đạt 896 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ năm trước và giảm nhẹ 2% so với tháng trước. Trong đó, thị trường Mỹ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng 131% đạt 313 tỷ đồng, EU tăng 43% đạt 128 tỷ đồng và Trung Quốc tăng 16% đạt 162 tỷ đồng. Các thị trường khác cũng có mức tăng trưởng doanh thu mạnh 66% đạt 293 tỷ đồng.
– Xét về cơ cấu sản phẩm, cá tra ghi nhận mức tăng 69% đạt 528 tỷ đồng, sản phẩm phụ tăng 47% đạt 222 tỷ đồng, các sản phẩm khác có mức tăng từ 31% đến 246%. Lũy kế cả năm, doanh thu xuất khẩu đạt 8.707 tỷ đồng, tăng 21%. Riêng thị trường Mỹ đóng góp 3.742 tỷ đồng, tỷ trọng 42,5%.
– Theo Vĩnh Hoàn, sự phục hồi ngành dịch vụ thực phẩm ở Mỹ đã tạo thuận lợi cho tăng trưởng xuất khẩu thủy sản Việt Nam, do đây là thị trường xuất khẩu tôm và cá tra lớn nhất. Nhu cầu thủy sản bình quân ngày càng tăng trên toàn cầu cùng các hiệp định thương mại tự do (FTA) là động lực cho tăng trưởng ngành thủy sản.

4. Nhịp đập thị trường chứng khoán

– Tiếp tục đà hưng phấn từ cuối phiên 12/01, VN-Index mở cửa giao dịch ngày 13/01/2022 tương đối tích cực. Với sự hỗ trợ của nhiều nhóm ngành, đặc biệt là nhóm dầu khí, ngân hàng và chứng khoán, VN-Index bật tăng hơn 10 ngay sau phiên ATO. Tuy nhiên, giai đoạn chỉ số diễn biến theo chiều tiêu cực, phản ánh dòng tiền bán gia nhập. Chỉ số đã 2 lần chọc thủng xuống tham chiếu trong nửa cuối phiên sáng, và giảm nhẹ 0.4 điểm trước khi vào giờ nghỉ. Sang phiên chiều, thị trường trở nên tiêu cực hơn, VN-Index liên tục giảm điểm. Tuy có lực hồi phục kéo chỉ số gần về mốc tham chiếu, nhưng lực bán mạnh ở phiên ATC đã rũ bỏ đi nỗ lực hồi phục trước đó của chỉ số này. Kết thúc ngày giao dịch, VN-Index giảm 14.46 điểm, xuống còn 1,496.05 điểm.
– Về mức độ ảnh hưởng, Về mức độ ảnh hưởng, VIC, VHM, GVR, GAS và VRE là những mã có tác động tiêu cực nhất đến chỉ số VN-Index, khi lấy đi hơn 7 điểm của chỉ số này. Trong khi đó, các mã cổ phiếu ngân hàng như BID, VCB và CTG là những mã có tác động tích cực nhất.
– Nhóm cổ phiếu nông – lâm – ngư là một trong những nhóm giảm điểm mạnh nhất trong phiên. Hầu hết các mã trong nhóm đều hiện sắc đỏ như ASM, VIF, SJF,… HAG và HNG cũng cùng nhau giảm mạnh. CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) dự kiến bán 48.1 triệu cổ phiếu CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HNG) đang sở hữu từ ngày 17/01 – 15/02/2022. Theo thông báo, mục đích giao dịch là ngân hàng bán thu hồi nợ. HAG đang sở hữu hơn 178 triệu cp của HNG. Nếu giao dịch hoàn tất trọn vẹn, doanh nghiệp của Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) sẽ hạ sở hữu tại HNG xuống còn 130 triệu cp (11.73%). Với thông tin trên, giá cổ phiếu HNG tiếp tục lao dốc và nằm sàn khi kết thúc giao dịch; giá cổ phiếu HAG cũng lao dốc 5.72%.
– Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, bộ đôi VIC và VHM sụt giảm gần 2%. Hàng loạt cổ phiếu có vốn hóa nhỏ trong ngành cùng nhau nằm sàn như: DXG, CEO, ITA, FLC, NBB, QCG,…
– Trong phiên ngày 13/1, khối ngoại bán ròng trở lại trên sàn HOSE 121 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng là 6,7 triệu cổ phiếu.
– Sau nhịp tăng khá mạnh đầu phiên, áp lực bán gia tăng mạnh đã khiến thị trường quay đầu điều chỉnh, dù nhóm cổ phiếu trụ cột như bank, thép duy trì sự tích cực. Tín hiệu tích cực phiên này là dòng tiền vẫn mạnh mẽ ở các mã ngân hàng, độ rộng của rổ VN30 cũng ở mức trung tính. Việc thị trường rung lắc sẽ ảnh hưởng nhiều đến nhóm cổ phiếu đã tăng mạnh trong thời gian vừa qua trong khi nhóm bluechips cũng đã tạo được nền tích lũy kéo dài và khả năng giảm cũng sẽ ít hơn. Về kỹ thuật, vùng hỗ trợ mạnh ngắn hạn đối với chỉ số tại vùng 1.456-1.475 điểm. Chúng tôi cho rằng, thị trường vẫn đang tiềm ẩn rủi ro và các nhịp điều chỉnh, đặc biệt khi chỉ còn chưa đầy 3 tuần cho đến Tết nguyên đán 2022. Nhà đầu tư cần thận trọng quan sát trong giai đoạn hiện tại, tránh mua đuổi và đợi những phiên điều chỉnh về vùng hỗ trợ để giải ngân vào những nhóm ngành có câu chuyện tăng trưởng cho năm 2022.

——–
Trung tâm Tư vấn đầu tư VNDIRECT
Hội tụ trí tuệ – Lan tỏa thành công
📅 Lịch phát sóng các chương trình của Trung tâm TVĐT:
Thứ 2, 15h: La Bàn Đầu tư – điểm lại tin tức vĩ mô & các kênh Tài sản trong tuần.
Thứ 4, 15h30: Tọa đàm đầu tư – cập nhật về Ngành, Mã có câu chuyện đầu tư, đáng chú ý- Chương trình dành riêng cho Khách hàng của VNDIRECT

Thứ 5, 15h30: Cổ phiếu 360 – Nhận định về một mã cổ phiếu ở 2 góc nhìn Tích cực & Tiêu cực
Thứ 7, 9h (2 tuần/ lần) : Đối thoại với PM – Mời Khách mời là PM hoặc các chuyên gia trong Ngành để trao đổi, thảo luận về quan điểm, chiến lược đầu tư.
————
Các chương trình của chúng tôi được phát sóng trên:
🌎 Website: https://www.vndirect.com.vn/
🌎 Fanpage Vndirect Securities Corporation : https://www.facebook.com/vndirect
📺 Youtube: https://www.youtube.com/vndirectdinsightsbantronchuyengia
#Dcall