Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 13.11.2020 – Nga tuyên bố vắc xin chống COVID-19 hiệu quả tới 92%

Nhận định Thị trường hàng ngày 13/11/2020    675

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 13/11/2020

1. Vĩ mô quốc tế

Nga tuyên bố vắc xin chống COVID-19 hiệu quả tới 92%

Không lâu sau công bố của Mỹ về vắc xin chống Covid-19, phía Nga cũng khẳng định các thử nghiệm lâm sàng cho thấy Sputnik V, loại vắc xin đầu tiên trên thế giới được cấp phép, hiệu quả tới 92%.

Đây là loại vắc xin thứ 2 công bố kết quả trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, giúp tiến thêm một bước trong nỗ lực toàn cầu để tạo ra vắc xin ngăn chặn đại dịch Covid-19, vốn làm 1,2 triệu người trên toàn cầu thiệt mạng và tàn phá nền kinh tế thế giới.

Vắc xin Sputnik V của Nga là loại vắc xin đầu tiên trên thế giới được cấp phép hồi tháng 8. Tuy nhiên, nó được cấp phép trước khi trải qua thử nghiệm trên quy mô lớn vào tháng 9. Điều này khiến vắc xin Nga chưa được thế giới đánh giá cao.

Con số của Nga cho thấy nó cao hơn hẳn so với vắc xin mà hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (trụ sở tại Đức) phối hợp phát triển. Thông tin này được đưa ra 2 ngày sau khi vắc xin của Mỹ tạo ra tâm lý hứng phấn cho thị trường tài chính toàn cầu.

G20 dự kiến miễn trừ nợ cho các nước nghèo

Các quan chức tài chính của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) dự kiến sẽ hoàn thành xây dựng một khuôn khổ chung để giải quyết vấn đề nợ của các nước nghèo nhất thế giới khi họ nhóm họp vào ngày 13/11 tới, trước khi các nhà lãnh đạo G20 thông qua khuôn khố này một tuần sau đó.

Khuôn khổ trên, được các quan chức G20 thống nhất trên nguyên tắc vào tháng trước và nhận được sự ủng hộ của Câu lạc bộ Paris, về cơ bản sẽ mở rộng các quy tắc của nhóm chủ nợ phi chính thức để bao gồm cả Trung Quốc, nước chiếm tới 63% tổng số tiền cho vay nợ của G20 trong năm 2019 (theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới).

Cuộc họp bất thường ngày 13/11 diễn ra trong bối cảnh xuất hiện những dấu hiệu cho thấy đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm các vấn đề đối với các quốc gia nghèo nhất, 50% trong số đó hiện đang hoặc có nguy cơ lâm vào cảnh túng quẫn vì nợ.

Anh đang từ từ rơi vào khủng hoảng nợ cá nhân

Tổ chức tư vấn tín dụng và từ thiện nợ StepChange của Anh cảnh báo vương quốc này đang từ từ rơi vào một cuộc khủng hoảng nợ cá nhân, khi số người gặp phải những vấn đề nghiêm trọng về nợ đã lên tới hàng triệu do đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Theo một nghiên cứu của StepChange công bố ngày 12/11, thêm 3 triệu người đang đứng trước nguy cơ phải gia nhập nhóm gồm 1,2 triệu người đang gặp khó khăn nghiêm trọng về tài chính, trong khi 5,6 triệu người đang trong tình trạng khất nợ hoặc đang phải đi vay để đủ sống.

Gần 15 triệu người đang bị tác động tiêu cực về tài chính do dịch bệnh, tương đương khoảng 30% người trưởng thành. Gần 1/5 những người bị ảnh hưởng phải trải qua những điều tồi tệ như chỉ có một bữa ăn trong 1 ngày hoặc 2 thậm chí trong 3 ngày, hoặc sống trong cảnh không có điện trong 5 ngày hoặc hơn.

Đầu tháng này, chính phủ Anh đã tăng cường các biện pháp ứng phó với dịch nhằm hỗ trợ việc làm và thu nhập, trong đó có cơ chế bảo vệ việc làm cho những người phải tạm nghỉ do dịch, trong khi các nhà quản lý yêu cầu các ngân hàng gia hạn thanh toán các khoản vay nghỉ dưỡng tới 6 tháng.

2. Vĩ mô Việt Nam

Khu kinh tế tại Khánh Hòa có thêm dự án điện khí gần 3.2 tỷ USD

Khu Kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa) chuẩn bị đón thêm dự án Nhà máy Điện tua bin khí chu trình hỗn hợp Vân Phong với vốn đầu tư gần 3,2 tỷ USD, công suất 3.000 MW. Nhà máy sẽ được xây dựng tại Khu Công nghiệp Ninh Thủy với tổng diện tích khoảng 40ha, bao gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn đầu tiên, triển khai nhà máy với 2 tổ máy có tổng công suất 1.500MW, vận hành thương mại vào năm 2025; Giai đoạn 2 có công suất 1.500MW và vận hành thương mại sau năm 2028.

Trong đó, khí hóa lỏng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là nguồn nguyên liệu chính, một phần nhập khẩu, trong giai đoạn 1 sẽ tiêu thụ lượng khí khoảng 1,2 triệu tấn/năm. Bên cạnh đó, nguyên liệu phụ của nhà máy là dầu diesel với tổng mức tiêu thụ 20.000m3/năm, được cung cấp từ các công ty lọc hóa dầu Việt Nam. Thiết bị đầu tư cho dự án được đánh giá là những thiết bị tiên tiến nhất hiện nay, với tổng mức đầu tư gần 3,2 tỷ USD.

Về lợi thế của dự án điện khí tại Khu Công nghiệp Ninh Thủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, đây là khu vực đã có sẵn Cảng tổng hợp nam Vân Phong, gần Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong. Những yếu tố này giúp việc vận hành nhà máy điện khí sẽ diễn ra hết sức thuận lợi. Đồng thời, tại khu vực hiện có dự án Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 đang thi công và dự kiến vận hành vào năm 2023. Từ đó, việc thỏa thuận đấu nối vào đường dây 500kV sẽ dễ dàng hơn.

Sân bay Long Thành được Thủ tướng duyệt đầu tư giai đoạn 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt đầu tư dự án sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1 trị giá 4,664 tỷ USD, tương đương gần 109.112 tỷ đồng.

Dự án được chia thành 4 dự án thành phần, trong đó, dự án thành phần 1 gồm các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước được Thủ tướng giao cơ quan quản lý nhà nước liên quan (Hải quan, Công an, Công an cửa khẩu, Cảng vụ, Kiểm dịch y tế) bố trí nguồn vốn thực hiện.

Dự án thành phần 2 gồm công trình phục vụ quản lý bay, chủ đầu tư được Thủ tướng giao cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam làm chủ đầu tư.

Dự án thành phần 3 gồm công trình thiết yếu trong cảng như nhà ga hành khách, hạ tầng hàng không, hệ thống cấp nước, xử lý nước thải; nhà ga hàng hóa số 1, nhà để xe; hệ thống giao thông kết nối tuyến số 1 và số 2… sẽ do ACV làm chủ đầu tư.

Dự án thành phần 4 là những công trình khác được thực hiện bởi các nhà đầu tư, chủ đầu tư do Bộ Giao thông vận tải chủ trì lựa chọn.

Thủ tướng yêu cầu dự án thành phần (2,3,4) chỉ được sử dụng vốn của nhà đầu tư, không sử dụng bảo lãnh Chính phủ.

Quốc hội thông qua dự toán ngân sách 2021, chưa điều chỉnh lương cơ sở

Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước 2021 với tỷ lệ tán thành đạt 92,53%. Dự toán ngân sách nhà nước năm sau là hơn 1,34 triệu tỷ đồng, tổng số chi ngân sách nhà nước là hơn 1,68 tỷ đồng, mức bội chi ngân sách nhà nước là 343.670 tỷ đồng, tương đương 4% tổng sản phẩm trong nước (GDP), tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 608.569 tỷ đồng.

Quốc hội cũng thông qua việc điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm nay. Trong đó, tăng bội chi ngân sách Trung ương là 133.500 tỷ đồng để bảo đảm dự toán chi đầu tư phát triển năm nay Quốc hội đã quyết định.

Nghị quyết giao Chính phủ phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm chi để giảm bội chi ngân sách nhà nước, huy động vay bù đắp bội chi phù hợp với tiến độ thu và dự kiến giải ngân ngân sách trung ương.Theo đó, việc chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng và trợ cấp đối với người có công chưa thực hiện trong năm nay để tập trung nguồn lực khắc phục hậu quả do dịch Covid-19 và thiên tai gây ra.