Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 13.08.2021 | Fubon FTSE Vietnam ETF nộp đơn xin tăng quy mô đầu tư thêm 180 triệu USD

Nhận định Thị trường hàng ngày 13/08/2021    34793

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 13/08/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Covid-19 ảnh hưởng cán cân tài khoản vãng lai toàn cầu
– Theo tạp chí Eurasia Review, năm 2020 là một năm nhiều khó khăn. Tất cả các hoạt động du lịch phải tạm ngừng trong một thời gian. Giá dầu mỏ biến động mạnh. Giao dịch vật tư y tế đạt mức cao mới.
– Chi tiêu của các hộ gia đình chuyển sang hàng tiêu dùng thay vì dịch vụ, và tiết kiệm tăng vọt khi mọi người ở nhà trong bối cảnh hoạt động đi lại bị hạn chế trên toàn cầu. Các chính sách chưa từng có mà các nước triển khai trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát giúp ngăn chặn tình trạng suy thoái kinh tế. Những biện pháp phản ứng khẩn cấp, như những thay đổi lớn về du lịch, tiêu dùng và thương mại, đang khiến thế giới trở nên mất cân bằng hơn về kinh tế. Điều này được thể hiện trong cán cân tài khoản vãng lai – số liệu phản ánh giao dịch hàng hóa và dịch vụ trên toàn cầu.
– Theo các báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cán cân tài khoản vãng lai toàn cầu, được tính bằng tổng giá trị tuyệt đối của thâm hụt và thặng dư tài khoản vãng lai của tất cả các quốc gia trên thế giới, tăng từ mức 2,8% GDP của thế giới trong năm 2019 lên 3,2% GDP năm 2020; và tỷ lệ này được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành ở nhiều nơi trên thế giới. Tỷ lệ này lẽ ra giảm nếu đại dịch không bùng phát.
– Mặc dù thâm hụt hoặc thặng dư tài khoản vãng lai không phải lúc nào cũng là vấn đề đáng quan ngại ở mỗi quốc gia, nhưng sự mất cân đối quá mức trong cán cân tài khoản vãng lai toàn cầu – vượt quá khả năng điều chỉnh của các chính sách và nền tảng kinh tế – có thể gây ra những nguy cơ bất ổn.
– Trong bối cảnh hiện nay, các điều kiện tài chính toàn cầu thuận lợi, cùng với sự hỗ trợ chính sách tiền tệ chưa từng có của các ngân hàng trung ương, giúp những quốc gia có thâm hụt tài khoản vãng lai lớn cải thiện tình trạng này.
– Các dự báo của IMF cho thấy cán cân tài khoản vãng lai toàn cầu sẽ bắt đầu có sự cải thiện trong những năm tới, về mức 2,5% GDP toàn cầu vào năm 2026, khi thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc và thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ đều giảm. Tuy nhiên, sự cải thiện này có thể diễn ra chậm, nếu các nền kinh tế có thâm hụt tài khoản vãng lai lớn như Mỹ tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa bổ sung, hoặc các nước có thặng dư tài khoản vãng lai lớn như Đức có sự điều chỉnh chính sách tài khóa nhanh hơn dự kiến.
– Đại dịch bùng phát trở lại và việc thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu có thể làm gián đoạn dòng vốn chảy vào các thị trường mới nổi. Khi đó, các nền kinh tế đang phát triển cũng có thể ảnh hưởng đến cán cân tài khoản vãng lai toàn cầu. Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng hầu hết các nguyên nhân dẫn đến việc mất cân bằng cán cân tài khoản vãng lai ở các quốc gia thường xảy ra trước khi đại dịch bùng phát. Các lý do thường thấy là sự mất cân đối trong tài khóa, các vấn đề mang tính cơ cấu và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

2. Thông tin Việt Nam

• Ngân hàng chờ đợi chất xúc tác mới
– Báo cáo phân tích của một số tổ chức gần đây đánh giá dù biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng có thể chịu áp lực trong ngắn hạn do động thái giảm lãi suất cho vay, thấp hơn mức đỉnh cao giai đoạn cuối năm 2020 và nửa đầu năm, nhưng nếu so với thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 thì hiện vẫn cao hơn nhiều. Đây là hệ quả của việc lãi suất cho vay của các nhà băng thời gian qua tuy có giảm nhưng chậm hơn rất nhiều so với lãi suất huy động, do đó mức giảm của lãi suất cho vay trong tháng 7 vừa qua tuy khá mạnh nhưng có lẽ cũng chưa bắt kịp mức giảm xuống của chi phí vốn trong một năm qua của các ngân hàng. Với việc lãi suất huy động hưởng lợi theo các chính sách giảm liên tục lãi suất điều hành trong năm 2020, trong khi lãi suất cho vay đầu ra còn tùy thuộc vào chiến lược kinh doanh và chính sách cho vay của các ngân hàng. Ngoài ra, ảnh hưởng của dịch bệnh cũng giúp tăng nguồn vốn không kỳ hạn có giá vốn rẻ của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong suốt thời gian qua.
– Do đó, nỗi lo ngại lớn nhất hiện nay vẫn nằm ở nguy cơ nợ xấu tăng mạnh và áp lực chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong năm nay cũng như giai đoạn tới. Báo cáo tài chính quý 2 của 27 ngân hàng đã công bố cho thấy gần 60% trong số này chứng kiến nợ xấu tuyệt đối tăng lên so với đầu năm nay, trong đó một số ngân hàng tăng khá mạnh kéo theo áp lực tăng trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Dù vậy, thị trường cũng đang chờ đợi vào một chất xúc tác mới, đó là khả năng Thông tư 03/2021/TT-NHNN sẽ sớm được sửa đổi và ban hành ngay trong năm nay, qua đó có thể giúp ngân hàng giảm bớt áp lực cũng như hỗ trợ thêm cho nền kinh tế và các doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay.
– Sửa đổi được mong chờ nhiều nhất là cho phép các TCTD được phép cơ cấu nợ cho các khoản vay phát sinh sau ngày 10/06/2020. Số liệu thống kê từ Hiệp hội Ngân hàng, tổng dư nợ thực tế từ ngày 10/06/2020 đến nay của các ngân hàng là hơn 1.19 triệu tỷ đồng, tuy nhiên, hơn 600,000 tỷ trong đó đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Giả sử nếu không được tái cơ cấu, các khoản vay này buộc phải chuyển thành nợ xấu thì con số trích lập dự phòng của các nhà băng là không hề nhỏ. Đáng lưu ý là Thông tư 11/2021/TT-NHNN ban hành mới đây cũng đã yêu cầu các TCTD phải phân loại nợ và trích lập dự phòng đầy đủ mỗi tháng một lần, thay vì là hàng quý như trước đây. Điều này sẽ tạo áp lực rất lớn lên các nhà băng nếu như những quy định sửa đổi ban hành quá chậm, khi các khoản vay sẽ phải đánh giá thường xuyên hơn và phân loại chính xác hơn.
– Thứ hai là kỳ vọng quy định sửa đổi có thể kéo dài thời hạn trích lập dự phòng bổ sung hơn 3 năm, có thể lên 5 năm cho nợ tái cơ cấu theo Thông tư 01 và Thông tư 03. Rõ ràng nợ tái cơ cấu trong hơn 1 năm qua chưa đến mức báo động, do đó trích lập 30% theo số này không phải là áp lực quá lớn đối với các ngân hàng có nợ tái cơ cấu thấp, nhưng nếu quy định sửa đổi cho phép các ngân hàng tái cơ cấu cho các khoản vay phát sinh sau ngày 10/6/2020, khả năng số nợ tái cơ cấu có thể tăng lên rất lớn, khi đó chi phí trích lập theo tỷ lệ 30% cho các khoản vay tái cơ cấu cũng sẽ tăng lên rất mạnh.
– Thứ ba là thời gian tái cơ cấu có thể linh hoạt hơn, không nên quy định cứng nhắc, vì thời gian tái cơ cấu quá ngắn, khách hàng chưa kịp phục hồi thì buộc ngân hàng phải hỗ trợ bằng cách tái cơ cấu tiếp lần 2, lần 3.
– Ngoài ra, về khoản nợ được miễn, giảm lãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong trường hợp khách đã trả đầy đủ nợ sau khi được miễn, giảm lãi theo Thông tư 03, các ngân hàng cũng đã đề xuất NHNN cho phép TCTD không phải thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo nợ nhóm 3 như quy định tại Thông tư 02…
– Nếu những sửa đổi theo đề xuất này sớm được thông qua, kỳ vọng áp lực chuyển nợ xấu cũng như chi phí trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của các ngân hàng sẽ được giãn ra trong thời gian dài hơn, trong khi các doanh nghiệp cũng có thêm cơ hội tiếp cận chính sách tái cơ cấu nợ linh hoạt và phù hợp hơn trong tình hình thực tế hiện nay cũng như ngày càng khó lường hơn trong giai đoạn tới

3. Nhịp đập thị trường chứng khoán

• Thị trường cần thêm thời gian tích lũy
– Trong phiên giao dịch 12/08, chỉ số VN-Index giao dịch giằng co quanh mốc tham chiếu, và đóng cửa giảm gần 5 điểm ở mức 1,353.05 điểm-mức thấp nhất trong ngày. Kịch bản phiên giao dịch ngày hôm qua lại lặp lại khi áp lực bán mạnh xuất hiện ở phần lớn các cổ phiếu vốn hóa lớn khiến đà rơi mở rộng về cuối phiên.
– Thanh khoản HOSE đạt giá trị gần 22,700 tỷ đồng (giảm 14%). Độ rộng thị trường nghiêng về số mã tăng giá (185 mã tăng/ 183 mã giảm). Về phía nước ngoài, họ bán ròng hơn 143 tỷ đồng trên HOSE, tập trung chủ yếu vào VRE, VNM, và SSI.
– Nhóm VN30 có đến 20 mã giảm giá, trong đó tập trung hầu hết cổ phiếu ngân hàng (trừ VPB và CTG còn giữ được đà tăng giá từ ban sáng). Bên cạnh đó là các mã cổ phiếu MWG, STB, FPT, MSN cũng bị áp lực chốt lời mạnh. Trong khi đó nhóm cổ phiếu Bất động sản và Bất động sản khu công nghiệp, Xây dựng và Vật liệu xây dựng vẫn duy trì được đà tăng ở phiên nay, chiều ngược lại các cổ phiếu nhóm Cảng biển, Phân bón bị chốt lời mạnh ở phiên chiều và nhiều cổ phiếu thậm chí đóng cửa ở mức giá sàn.
– VN-Index tiếp tục hồi phục bất thành và quay đầu giảm điểm. Thanh khoản mặc dù thấp hơn phiên trước, nhưng vẫn trên mức trung bình 20 phiên, cho thấy áp lực chốt lời vẫn đang hiện hữu. Tạm thời, thị trường chưa đủ động lực để tiếp tục hành trình đi lên và cần thêm thời gian tích lũy để cân bằng. Vùng quanh 1340 điểm sẽ là vùng hỗ trợ ngắn hạn của chỉ số nên nhà đầu tư có thể quan sát diễn biến của chỉ số ở vùng giá trên để cơ cấu lại danh mục, đồng thời tìm kiếm cơ hội đầu tư tốt để giải ngân khi thị trường cân bằng và ổn định trở lại.

• Fubon FTSE Vietnam ETF nộp đơn xin tăng quy mô đầu tư thêm 180 triệu USD
– Theo tin từ Fubon FTSE Vietnam ETF, ngày 11/8/2021, quỹ đã nộp đơn xin bổ sung vốn lần thứ 2. Theo đó, Fubon FTSE Vietnam ETF dự kiến sẽ phát hành thêm hơn 333 nghìn chứng chỉ quỹ, tương ứng 5 tỷ Đài Tệ (khoảng 180 triệu USD) để đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam.
– Sau đợt phát hành này, quy mô Fubon FTSE Vietnam ETF sẽ lên khoảng 20 tỷ Đài Tệ (khoảng 720 triệu USD), qua đó trở thành quỹ ETF có quy mô lớn nhất Thị trường chứng khoán Việt Nam.
– Fubon FTSE Vietnam ETF sử dụng chỉ số tham chiếu là FTSE Vietnam 30 Index. Các cổ phiếu lớn nhất danh mục quỹ gồm có HPG, MSN, VHM, VIC, NVL, VNM, VRE, VCB, SSI. Trong tháng 7, Fubon FTSE Vietnam ETF đã mua ròng khoảng 175 triệu USD (~4.000 tỷ đồng) cổ phiếu Việt Nam. Tuy vậy, bước sang tháng 8, quỹ đang có động thái bán ròng khoảng 37 triệu USD (~860 tỷ đồng) cổ phiếu Việt Nam.

4. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Vĩnh Hoàn (VHC): Xuất khẩu đồng loạt phục hồi và tăng mạnh trong tháng 7, dẫn đầu là thị trường Mỹ với mức tăng 31%
– Vĩnh Hoàn (VHC) vừa công bố báo cáo IR tháng 7/2021. Ghi nhận, trong kỳ VHC đạt doanh thu 765 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ, đồng thời tiếp tục tăng 7% so với tháng 6 vừa qua. Trong đó, đóng góp chính vào đà tăng doanh thu là sản phẩm cá tra với mức tăng trưởng 27% so với tháng 7/2020, đạt 554 tỷ doanh thu.
– Nhóm sản phẩm phụ liên quan (by-products) cũng tăng đáng kể 15% lên mức 125 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng cao thứ 2 trong tổng doanh thu VHC, sau sản phẩm chính là cá tra phi lê. Sản phẩm chức năng (Wellness) cũng tăng trở lại 19%, đóng góp doanh thu vào khoảng 60 tỷ đồng.
– Về thị trường xuất khẩu, kim ngạch sang Mỹ trong tháng 7 năm nay tiếp đà tăng mạnh 31% so với cùng kỳ năm ngoái, theo VHC thị trường này cải thiện đáng kể do sự tái hoạt động của nhà hàng cũng như ngành dịch vụ thực phẩm sau cao điểm dịch Covid-19 bùng phát. Những thị trường còn lại cũng bắt đầu quay đầu hồi phục và tăng trưởng, sau tháng 6 giảm sút trước tâm lý đợt bùng dịch mới chủng Covid-19 Delta. Trong đó, kim ngạch xuất sang thị trường Châu Âu tăng 14%, thị trường Trung Quốc tăng 18%.
– Đáng chú ý, mới đây VHC đã cùng với CJ và Baemin rót vốn vào startup thịt tôm nhân tạo – Shiok Meats – tại Singapore, hướng đến công nghiệp protein thay thế. Theo kế hoạch, 12-18 tháng tiếp theo là thời gian rất quan trọng và các khoản tiền huy động sẽ cho phép Shiok Meats xây dựng một cơ sở sản xuất hiện đại ở Singapore, trong đó tập trung vào R&D.
– Trong bối cảnh nhu cầu đối với các loại thực phẩm thay thế thịt đang bùng nổ do quan ngại của con người liên quan đến sức khỏe, vấn đề bảo vệ động vật và môi trường chăn nuôi, Shiok Meats thực hiện sứ mệnh đem lại cho người tiêu dùng thịt tôm chế tạo trong phòng thí nghiệm.


Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

———–

Quý Nhà đầu tư vui lòng dành 3 phút tham gia Khảo sát Đánh giá và đóng góp ý tưởng hoàn thiện Bản tin Nhận định thị trường DCALL: TẠI ĐÂY 

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: https://hubs.li/H0RgXR90
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0