Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 13.01.2022 | Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,7% trong năm 2022

Nhận định Thị trường hàng ngày 13/01/2022    93872

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 13/01/2022

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Wolrd Bank dự báo tăng trưởng toàn cầu giảm còn 4.1% năm 2022 và 3.2% năm 2023
– Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu mới nhất của WB, kinh tế toàn cầu sau giai đoạn phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 đang bắt đầu rơi vào tình trạng suy thoái trong bối cảnh mối đe dọa mới từ các biến thể COVID-19 và sự gia tăng lạm phát, nợ và bất bình đẳng thu nhập, gây cản trở tới khả năng phục hồi của các nền kinh tế đang phát triển.
– Tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ giảm sâu từ 5,5% năm 2021 xuống 4,1% năm 2022 và 3,2% vào năm 2023 khi các nhu cầu trước đây bị dồn nén giảm đi và các chính sách hỗ trợ tài khóa và tiền tệ sẽ thu hẹp lại trên toàn thế giới.
– Tăng trưởng kinh tế chậm lại sẽ đi kèm với gia tăng khoảng cách về tốc độ tăng trưởng giữa các nền kinh tế tiên tiến và các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Tốc độ tăng trưởng các nền kinh tế tiên tiến dự kiến sẽ giảm từ 5% năm 2021 xuống còn 3,8% vào năm 2022 và 2,3% vào năm 2023. Ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, tăng trưởng dự kiến sẽ giảm từ 6,3% năm 2021 xuống 4,6% năm 2022 và 4,4% năm 2023.
– Đến năm 2023, dự báo tất cả các nền kinh tế tiên tiến có thể khôi phục sản xuất hoàn toàn; tuy nhiên sản xuất ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển sẽ vẫn thấp hơn 4% so với mức trước đại dịch.
– Về dự báo triển vọng theo khu vực, Đông Á và Thái Bình Dương được dự báo tăng trưởng năm 2022 sẽ giảm xuống 5,1%, sau đó tăng nhẹ lên 5,2% vào năm 2023. Châu Âu và Trung Á được dự báo tăng trưởng năm 2022 sẽ giảm tốc xuống 3% và xuống 2,9% vào năm 2023. Châu Mỹ Latinh và Caribe được dự báo tăng trưởng sẽ giảm xuống 2,6% vào năm 2022 trước khi tăng nhẹ lên 2,7% vào năm 2023. Trung Đông và Bắc Phi được dự báo tăng trưởng năm 2022 sẽ tăng lên 4,4%, sau đó giảm xuống 3,4% trong năm 2023. Nam Á: được dự báo tăng trưởng sẽ tăng lên 7,6% trong năm 2022, sau đó giảm xuống 6% trong năm 2023. Và cuối cùng Châu Phi cận Sahara được dự báo tăng trưởng năm 2022 sẽ tăng nhẹ lên 3,6% và lên 3,8% trong năm 2023.

2. Thông tin Việt Nam

• Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,7% trong năm 2022
– Theo dự báo của Ngân hàng Standard Chartered, nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,7% và 7% cho năm 2023.
– Standard Chartered dự báo nền kinh tế sẽ tiếp tục hồi phục trong năm 2022 khi tình hình kiểm soát dịch bệnh toàn cầu cải thiện. Tốc độ gia tăng thu nhập tại Việt Nam trong những năm gần đây cao hơn chi tiêu, mang đến một nguồn dự trữ tiết kiệm giúp chống chọi với đại dịch.
– Thêm vào đó, kỳ vọng mới đến từ môi trường thương mại toàn cầu được cải thiện sẽ hỗ trợ xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2022 mặc dù nhập khẩu có thể sẽ vẫn tăng cao.
– Tuy nhiên, lạm phát có thể trở thành mối quan ngại đối với Việt Nam trong năm 2022. Dự báo lạm phát của Việt Nam sẽ đạt lần lượt 4,2% và 5,5% trong năm 2022 và 2023.
– Ngân hàng này cũng dự đoán mức độ tăng giá của đồng VND sẽ chậm lại do (i) tài khoản vãng lai của Việt Nam đang bị thâm hụt và (ii) tỷ giá USD-VND đang tiếp cận những giới hạn của biên độ tỷ giá. Thặng dự cán cân thanh toán và sự linh động trong chính sách ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hỗ trợ VND trong trung hạn. Ngân hàng dự báo tỷ giá USD-VND sẽ đạt 22.500 vào giữa năm 2022 và 22.300 vào cuối năm 2022.

• Xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang EU năm 2022 được dự báo tăng trưởng tốt nhờ hiệp định EVFTA
– Hiện nay, Châu Âu hiện là thị trường lớn thứ 3 của nông, lâm, thủy sản Việt Nam, sau châu Á và châu Mỹ. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính của Việt Nam sang thị trường EU trong 11 tháng năm 2021 đạt khoảng 2,2 tỷ USD và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2020. Với kết quả này, EU là một trong những thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất, chiếm 13,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính.
– Hiệp định EVFTA là cơ hội để nông sản Việt liên kết sâu rộng vào thị trường lớn, có giá bán cao, nhưng cũng là thách thức đối với các nhà xuất khẩu. Bộ Công Thương dự báo, các mặt hàng như cà phê, hạt điều, cao su, rau quả, hạt tiêu, gạo và chè tiếp tục sẽ là những mặt hàng đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng đối với thị trường EU và có tiềm năng tăng trưởng trong năm 2022.
– Đặc biệt, mặt hàng cà phê tiếp tục tận dụng tốt lợi thế về thuế suất 0% theo EVFTA để gia tăng thị phần trong tổng nhu cầu 10 tỷ USD mỗi năm mà EU đang có. Về thị trường, Đức, Italy, Tây Ban Nha và Bỉ tiếp tục là các thị trường xuất khẩu chính, có tiềm năng tăng trưởng như những năm trước đây
– Tuy nhiên, để tận dụng tốt các lợi thế ở thị trường EU, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam cần tăng cường chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường này, đồng thời đảm bảo nguồn lực lượng lao động quay trở lại làm việc nhằm hoạt động tối đa công suất dể đáp ứng nhu cầu xuất khẩu

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

• OCB chuẩn bị phát hành gần 6 triệu cổ phiếu ESOP và phát hành riêng lẻ
– Ngày 11/1, Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Phương (Mã: OCB) đã thông qua việc triển khai phương án tăng vốn điều lệ bằng hình thức phát hành cổ phiếu ESOP và riêng lẻ.
– Theo đó, OCB sẽ phát hành ESOP 5 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp theo tỷ lệ 0,365%. Số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng 4 năm kể từ ngày phát hành. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý 1/2022. Vốn thu được từ đợt phát hành sẽ bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư và cho vay (50 tỷ đồng).
– Ngoài ra, OCB cũng sẽ chào bán riêng lẻ 882.341 cổ phiếu cho Ngân hàng Aozora với giá dự kiến 25.571 đồng/cp.
– Trên thị trường, trong phiên sáng 12/1, cổ phiếu OCB đang giao dịch quanh mức 26.000 đồng/cp, ghi nhận tăng 44% trong vòng 1 năm qua. Khối lượng giao dịch bình quân cũng khá cao với hơn 4,4 triệu đơn vị mỗi phiên.

• HAGL đặt mục tiêu lãi 1.120 tỷ năm 2022
– Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HSX: HAG) công bố tình hình kinh doanh cả năm 2021 ghi nhận doanh thu đạt 2.230 tỷ – giảm gần 30% so với năm 2020. Dù vậy, khấu trừ chi phí, Công ty có lãi trở lại với 120 tỷ đồng. Ước tính, riêng quý 4/2021, HAG lãi 78 tỷ đồng.
– Năm qua, với ngành cây ăn trái HAG đã phát triển được tổng diện tích vào khoảng 10.000ha. Trong đó, diện tích chuối đã trồng là 5.000 ha (bao gồm 2.500ha tại Việt Nam, 1.500 ha tại Lào và 1.000 ha tại Campuchia) cùng các loại cây khác như mít, bơ, sầu riêng, xoài.
– Với ngành chăn nuôi, HAG đã xây dựng được 7 cụm chuồng trại chăn nuôi heo với công suất nuôi khoảng 400.000 con heo thịt mỗi năm. Có thể nói, sau chục năm chật vật và quyết định tập trung cho mảng cây ăn trái, 2021 là năm HAG ghi nhận nhiều điểm sáng.
– Thứ nhất, cơ cấu tài chính gọn gàng hơn sau khi nhường lại HAGL Agrico cho Thaco. Thứ hai, công cuộc cơ cấu tài chính có điểm sáng. Với dòng tiền từ kinh doanh, thoái vốn khỏi HNG, HAG đã giảm được 10.000 tỷ nợ vay tại ngân hàng. Theo kế hoạch, HAG sẽ phấn đấu giảm dư nợ phải trả ngân hàng xuống còn 5.000 tỷ đồng trong năm 2022. Thứ ba, mảng kinh doanh cốt lõi mới là heo ghi nhận nhiều lợi thế khi doanh nghiệp tuyên bố tự chủ được khoảng 40% nguyên liệu làm thức ăn, từ đó giá thành một con heo thành phẩm so với thị trường rất cạnh tranh.
– Với những tín hiệu mới mẻ trên, HAG đề ra kế hoạch doanh thu tăng mạnh trong năm 2022 lên 4.820 tỷ đồng. LNST dự kiến gấp gần 10 lần lên 1.120 tỷ đồng.

4. Nhịp đập thị trường chứng khoán

– Một số thông tin tiêu cực trong buổi chiều ngày 11/1 đã gây áp lực lên dòng cổ phiếu bất động sản ngay đầu phiên ngày 12/01/2022. Nhiều cổ phiếu bất động sản nóng trong thời gian qua nằm sàn la liệt. Trong khi cổ phiếu bất động sản hụt hơi thì nhóm ngân hàng lại là trụ đỡ chính giúp VN-Index giao dịch ở trên mức tham chiếu trong nửa đầu phiên sáng. Nhưng khi các cổ phiếu ngân hàng yếu thế, VN-Index đã có lúc mất 20 điểm. Kết thúc phiên sáng, VN-Index dừng chân ở mức 1,475.73 điểm. Bước sang phiên giao dịch chiều, sự phục hồi của nhóm ngân hàng đã giúp VN-Index tích cực trở lại. Chỉ số thị trường liên tục cải thiện điểm số của mình và duy trì xu hướng tăng cho tới cuối phiên. Kết phiên, VN-Index có cho mình 18.2 điểm tăng, đạt mức 1,510.51 điểm.
– Về mức độ ảnh hưởng, BID, GAS, TCB và CTG là những mã có tác động tốt nhất đến chỉ số VN-Index, khi đóng góp tổng cộng hơn 9 điểm tăng. Trong khi đó, đà giảm sâu của DIG và GEX đã kéo thị trường giảm mất gần 2 điểm.
– Về nhóm ngành, cổ phiếu ngành khai khoáng tăng mạnh nhất thị trường trong phiên giao dịch ngày 12/01/2022 (+3.92%). Các cổ phiếu dầu khí như: PVD, PVS, PVC, PVB, BSR hay OIL đồng loạt tăng giá với mức tăng trung bình trên 4% nhờ thông tin hỗ trợ từ việc OPEC+ chưa thể tăng sản lượng lên 400,000 thùng/ngày như cam kết .
– Nhóm ngành tài chính có phiên giao dịch khởi sắc khi ngành chứng khoán kết phiên với mức tăng 3.1%, nằm trong những nhóm tăng tốt nhất trong phiên. Nhóm ngân hàng cũng đồng loạt tăng điêm tích cực, đặc biệt với các mã BID, STB và TPB đều tăng trần với khối lượng mua vào lớn.
– Những cổ phiếu thuộc nhóm đầu cơ FLC, KLF, HAI, ROS, ART và AMD đồng loạt kết phiên ngày 12/01/2022 với mức giảm kịch sàn, phản ánh những tin tức tiêu cực liên quan đến dòng cổ phiếu đang diễn ra, kèm theo áp lực bán tháo của các nhà đầu tư cá nhân.
– Trong phiên ngày 12/1, khối ngoại mua ròng trên sàn HOSE với giá trị gần 424 tỷ đồng và mua ròng trên sàn HNX với giá trị hơn 35 tỷ đồng.
– Trong phiên 12/01/2022, bất chấp có sự rung lắc ở phiên sáng, VN-Index đã phục hồi mạnh mẽ để kết phiên với mức tăng gần 20 điểm. Hơn nữa, việc VN-Index tăng mạnh nhờ nhóm VN30 cho thấy sự tích cực dần trở lại với các cổ phiếu vốn hóa lớn. Chỉ số vẫn trụ vững trên đường Middle của dải Bollinger Bands và mục tiêu tiếp theo sẽ có thể là vùng 1,530-1,540 điểm (đỉnh lịch sử và ngưỡng Fibonacci Projection 61.8%).

——–
Trung tâm Tư vấn đầu tư VNDIRECT
Hội tụ trí tuệ – Lan tỏa thành công
📅 Lịch phát sóng các chương trình của Trung tâm TVĐT:
Thứ 2, 15h: La Bàn Đầu tư – điểm lại tin tức vĩ mô & các kênh Tài sản trong tuần.
Thứ 4, 15h30: Tọa đàm đầu tư – cập nhật về Ngành, Mã có câu chuyện đầu tư, đáng chú ý- Chương trình dành riêng cho Khách hàng của VNDIRECT

Thứ 5, 15h30: Cổ phiếu 360 – Nhận định về một mã cổ phiếu ở 2 góc nhìn Tích cực & Tiêu cực
Thứ 7, 9h (2 tuần/ lần) : Đối thoại với PM – Mời Khách mời là PM hoặc các chuyên gia trong Ngành để trao đổi, thảo luận về quan điểm, chiến lược đầu tư.
————
Các chương trình của chúng tôi được phát sóng trên:
🌎 Website: https://www.vndirect.com.vn/
🌎 Fanpage Vndirect Securities Corporation : https://www.facebook.com/vndirect
📺 Youtube: https://www.youtube.com/vndirectdinsightsbantronchuyengia
#Dcall