Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 12.08.2021 | Kinh Bắc lãi ròng hơn 34 tỷ đồng quý II, 6 tháng hoàn thành 39% kế hoạch

Nhận định Thị trường hàng ngày 12/08/2021    36237

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 12/08/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Giá quặng sắt thấp nhất hơn 4 tháng, đà giảm vẫn chưa dừng lại
– Ngày 10/8, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Đại Liên (Trung Quốc) lúc kết thúc phiên giao dịch giảm 1,3% so với phiên liền trước, xuống 853 nhân dân tệ (131,6 USD)/tấn, sau khi có thời điểm xuống chỉ 823 nhân dân tệ, mức thấp nhất kể từ ngày 26/3. Quặng sắt 62% nhập khẩu vào Trung Quốc, giao ngay tại cảng biển, cũng xuống mức thấp nhất kể từ 2/4, chỉ còn 168,5 USD/tấn.
– Việc giá quặng sắt ngày càng rời xa mức cao kỷ lục của tháng 5 (khi đó đạt 237,6 USD/tấn) chủ yếu do động thái cắt giảm sản lượng thép ở Trung Quốc nhằm giảm lượng khí phát thải. Sản lượng thép hạn chế nên giá thép tăng, bất chấp giá quặng sắt giảm. Theo đó, giá thép thanh vằn trên sàn Thượng Hải kết thúc phiên 10/8 tăng 2%, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 2,2%, riêng thép không gỉ giảm 0,9%.
– Yếu tố tâm lý của nhà đầu tư cũng ảnh hưởng đến giá quặng sắt, sau khi Trung Quốc công bố dữ liệu cho thấy xuất khẩu bất ngờ tăng chậm lại trong tháng 7 do ảnh hưởng từ đợt bùng phát dịch Covid-19 tồi tệ nhất kể từ đầu năm ngoái. Các nhà đầu tư lo ngại không biết Trung Quốc sẽ cần bao lâu để kiểm soát dịch bệnh và khôi phục hoạt động đi lại cũng như vận chuyển hàng hóa, dịch vụ. Điều đó gây áp lực lên lạm phát, và làm cho hoạt động sản xuất bị chậm lại, cản trở đà hồi phục kinh tế.
– Nhiều khả năng nhu cầu quặng sắt của Trung Quốc – nơi chiếm hơn một nửa sản lượng thép thế giới – vẫn yếu tới năm 2022, cho đến Thế vận hội Olympic Bắc Kinh mùa đông vào tháng 2.
– Nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc đã giảm tháng thứ tư liên tiếp về khối lượng, dấu hiệu cho thấy những hạn chế của Bắc Kinh đối với sản lượng thép đang làm giảm nhu cầu đối với khoáng sản này. Dữ liệu thương mại mới nhất của Trung Quốc vừa công bố cho thấy nhập khẩu quặng sắt đã giảm xuống 88,51 triệu tấn trong tháng 7 so với 89,4 triệu của tháng liền trước. So với cùng tháng năm ngoái, nhập khẩu trong tháng 7 cũng giảm 21% (tháng 7/2020 nhập khẩu 112,6 triệu tấn).
– Những dữ liệu này là dấu hiệu cho thấy các chính sách của Chính phủ Trung Quốc nhằm giảm sản lượng thép để đáp ứng các mục tiêu phát thải bắt đầu có tác động. Hiện nay, các nhà máy thép ở khu vực Sơn Tây đã được lệnh cắt giảm sản lượng 50%.
– Hai tuần qua đã có nhiều thông điệp trái chiều từ Trung Quốc về kế hoạch cắt giảm sản lượng thép. Nhiều nhà máy thép đã ngừng sản xuất trở lại. Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA) dự đoán sản lượng thép sẽ giảm trong nửa cuối năm, trong khi cơ quan hoạch định chính sách cấp cao nhất của Trung Quốc ra dấu hiệu không muốn ngành thép cắt giảm quá mạnh. Giới phân tích cho rằng tăng trưởng sản xuất thép của Trung Quốc trong quý 3 năm nay sẽ giảm so với cùng kỳ năm trước, phù hợp với dữ liệu kim ngạch nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc đã tăng 69,5% trong 7 tháng đầu năm nay.

2. Thông tin Việt Nam

• Xuất khẩu sản phẩm từ cao su 6 tháng đầu năm 2021 tăng trưởng mạnh
– Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu nhóm sản phẩm từ cao su trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng mạnh 66,8% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 644,35 triệu USD. Riêng trong tháng 6, xuất khẩu nhóm sản phẩm từ cao su đạt 112,95 triệu USD, giảm 1,6% so với tháng liền kề trước đó nhưng tăng mạnh 70,6% so với cùng tháng năm 2020.
– Nhóm sản phẩm từ cao su của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Mỹ, chiếm 29,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt gần 188,42 triệu USD, tăng mạnh 92,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, riêng tháng 6 xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt 34,52 triệu USD, tăng 4,5% so với tháng 5/2021 và tăng 87,5% so với tháng 6/2020.
– Đứng thứ 2 là thị trường Nhật Bản đạt 101,84 triệu USD, tăng 48,8%, chiếm 15,8% trong tổng kim ngạch; riêng tháng 6/2021 đạt 17,23 triệu USD, tăng 3,4% so với tháng 5/2021 và tăng 71,2% so với tháng 6/2020. Sau đó là thị trường EU đạt 95,19 triệu USD, tăng 73,5% so với cùng kỳ, chiếm 14,8%. Xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 51,29 triệu USD, tăng 29,7%, chiếm 8%.
– Nhìn chung, xuất khẩu nhóm sản phẩm từ cao su 6 tháng đầu năm 2021 sang gần như tòan bộ các thị trường đều đạt mức tăng mạnh về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020, phản ánh nhu cầu sử dụng sản phẩm từ cao su lớn trên toàn cầu trong bối cảnh các nước đang trong quá trình hồi phục kinh tế, và cũng là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cao su của Việt Nam.

• Bộ Giao Thông Vận Tải: Phải giải ngân 26.000 tỉ đồng vốn đầu tư công từ này cho đến tháng 9/2021
– Bộ Giao thông vận tải (GTVT) yêu cầu đến tháng 9 phải giải ngân tối thiểu được 60% kế hoạch vốn đầu tư công, tương đương với khoảng 26.000 tỷ đồng.
– Theo Bộ, trong tháng 8/2021, các Ban quản lý dự án, các chủ đầu tư phải giải ngân 3.076 tỷ đồng theo kế hoạch. Cùng với đó, cần giải ngân thêm 980 tỷ đồng bù phần chậm kế hoạch tháng 7. Còn hơn 24.400 tỷ đồng, các đơn vị phải hoàn thành giải ngân trong những tháng còn lại, với mục tiêu chậm nhất đến tháng 9/2021 phải giải ngân tối thiểu được 60% kế hoạch của năm (khoảng 26.000 tỷ đồng).
– Theo thống kê, đến hết tháng 7/2021, Bộ GTVT đã giải ngân được 44,1% kế hoạch được giao. Trong đó phần vốn đã được giải ngân chủ yếu vẫn là chi trả công tác đền bù giải phóng mặt bằng, tạm ứng hợp đồng, thanh toán nợ đọng, thu hồi vốn ứng trước; khối lượng thi công hoàn thành còn thấp. Tuy nhiên, kết quả giải ngân trong tháng 7/2021 lại chậm so với kế hoạch khoảng 980 tỷ đồng, chủ yếu do diễn biến tiêu cực của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 khiến nhiều tỉnh thành phải giãn cách xã hội và giảm hoạt động kinh doanh.
– Trong năm 2021, Bộ GTVT được giao khoảng 43.401 tỷ đồng vốn đầu tư công, bao gồm: 42.996 tỷ đồng (gồm 38.159 tỷ đồng vốn trong nước và 4.837 tỷ đồng vốn nước ngoài) và khoảng 405 tỷ đồng dự phòng kế hoạch kéo dài. Việc giải ngân theo đúng mục tiêu đã đề ra sẽ là góp phần tạo động lực tăng trưởng lớn cho kinh tế của nửa cuối năm nay.

3. Nhịp đập thị trường chứng khoán

• Áp lực chốt lời ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn
– Thị trường đột ngột xấu đi vào cuối phiên, với áp lực bán gia tăng mạnh tại nhóm VN30. Đây là phiên thứ 2 liên tiếp nhóm này bị xả và sẽ ảnh hưởng một phần tới tâm lý thị trường. Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ ngày càng nóng dần. Dòng tiền đổ vào nhóm vốn hóa nhỏ cũng đang gia tăng đến mức kỷ lục. Smallcap sàn HoSE hôm nay giao dịch riêng khớp lệnh đã tới trên 3.400 tỷ đồng.
– Phiên hôm nay nhóm VN30 quay đầu hàng loạt, nhiều mã thanh khoản rất lớn nhưng giá không tăng. Đây là biểu hiện của lượng hàng lớn đã bán ra tại vùng giá hiện tại. Thanh khoản khớp lệnh gia tăng so với phiên trước đó và tiếp tục cao hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy áp lực bán ra trong phiên 11/08 là tương đối mạnh.
– Sau chuỗi mua ròng dài nhất trước đó của khối ngoại, khối này đã chuyển sang trạng thái bán ròng phiên thứ 2 liên tiếp có giá trị bán ròng trên 500 tỷ. Riêng phiên 11/08, khối ngoại bán ròng gần 760 tỷ trên cả 2 sàn HOSE và HNX. Trong đó, SSI đứng đầu giá trị bán ròng với hơn 326 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, VHM ghi nhận giá trị mua ròng hơn 202 tỷ.
– VN-Index nhìn chung đã duy trì được đà tăng điểm tích cực với việc vượt ngưỡng 1,350 điểm trong 2 phiên giao dịch liền trước. Nhiều khả năng chỉ số sẽ có giai đoạn tích lũy trong ngắn hạn quanh vùng này trước khi tạo ra xu hướng mới, đặc biệt là trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ như hiện tại. Nhà đầu tư có thể cân nhắc tận dụng nhịp này để cơ cấu lại danh mục theo hướng chốt lời các cổ phiếu đã đạt được lợi nhuận kỳ vọng và tạm thời ngừng giải ngân mới.

4. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Kinh Bắc lãi ròng hơn 34 tỷ đồng quý II, 6 tháng hoàn thành 39% kế hoạch
– Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II. Nhờ ghi nhận doanh thu từ hợp đồng cho thuê đất khu công nghiệp và đô thị, Kinh Bắc lãi ròng hơn 34 tỷ đồng trong quý 2/2021 (trong khi cùng kỳ lỗ gần 3 tỷ đồng). Tính riêng quý 2/2021, doanh thu thuần của KBC đạt gần 750 tỷ đồng, gấp 4.4 lần cùng kỳ, chủ yếu là doanh thu từ cho thuê đất và cơ sở hạ tầng. Lãi gộp của Công ty ghi nhận hơn 448 tỷ đồng, gấp 4 lần quý 2 năm trước. Không chỉ doanh thu thuần, doanh thu tài chính của KBC cũng ghi nhận mức tăng mạnh khi gấp hơn 6 lần cùng kỳ, đạt xấp xỉ 67 tỷ đồng, phần lớn đến từ lãi tiền gửi và cho vay của Công ty.
– Ở chiều ngược lại, chi phí lãi vay trong kỳ của KBC gấp gần 4 lần cùng kỳ, với gần 157 tỷ đồng, trong bối cảnh tính đến cuối quý 2, tổng nợ vay của Công ty đã tăng 30% so với đầu năm. Ngoài ra, chi phí quản lý cũng tăng mạnh gấp hơn 3 lần cùng kỳ, xấp xỉ 135 tỷ đồng. Kết quả, KBC báo lãi ròng hơn 34 tỷ đồng trong quý 2/2021, trong khi ở quý 2 năm trước, Công ty lỗ gần 3 tỷ đồng.
– Kết quả lũy kế 6 tháng đầu năm của KBC cũng cho thấy sự tăng trưởng khi doanh thu thuần và lãi ròng đạt lần lượt 2,752 tỷ đồng và 634 tỷ đồng, gấp gần 4 lần và hơn 12 lần so với cùng kỳ. Dù vậy, kết quả lợi nhuận sau thuế của KBC chỉ mới thực hiện được hơn 39% so với mục tiêu 2 ngàn tỷ đề ra cho năm 2021. Dù vậy, triển vọng kết quả kinh doanh thuận lợi cho Kinh Bắc trong nửa cuối năm vẫn tích cực khi nhiều dự án của công ty sẽ có thể bắt đầu được triển khai và ghi nhận doanh thu trong 6 tháng cuối năm.

• Hà Đô sẽ ghi nhận doanh thu Hado Charm Villas từ quý III
– Bản tin nhà đầu tư tháng 7 của Tập đoàn Hà Đô cho biết gần 100 căn biệt thự, liền kề tại dự án Hado Charm Villas đủ điều kiện bàn giao nhà cho khách hàng. Dự kiến doanh thu dự án sẽ ghi nhận bắt đầu từ quý III. Hiện tại, sau chỉ thị giãn cách xã hội, việc thi công tại dự án đã tạm dừng.
– Dự án Hado Charm Villas có diện tích 30 ha tại huyện Hoài Đức, TP Hà Nội, bao gồm các sản phẩm thấp tầng, và bắt đầu mở bán từ năm 2020. Tại báo cáo thường niên 2020, công ty cho biết sẽ tiếp tục mở bán các giai đoạn tiếp theo, ghi nhận doanh thu ước tính hơn 3.500 tỷ đồng giai đoạn 2021 – 2023. Trong 6 tháng đầu năm, mảng bất động sản của Hà Đô có doanh thu giảm 54% cùng kỳ. Điều này tác động tới lợi nhuận giảm 44% cùng kỳ, hoàn thành 40% kế hoạch năm. Mặc dù vậy, việc bắt đầu ghi nhận doanh thu Charm Villas từ quý III là yếu tố khích lệ đối với Hà Đô nhằm hoàn thành mục tiêu kinh doanh trong năm 2021.
– Đối với mảng năng lượng, dòng tiền và doanh thu luôn đảm bảo ngay cả những giai đoạn dịch bệnh, thiên tai. Ước tính doanh thu bán điện năm nay có thể đạt 1.180 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với cùng kỳ.
– Hà Đô đang sở hữu, vận hành 5 nhà máy thủy điện (Sông Tranh 4, Đắk Mi 2 và Za Hưng ở Quảng Nam, Nhạn Hạc – Nghệ An, Nậm Pông – Nghệ An), 2 nhà máy điện mặt trời (Hà Đô Ninh Phước – Ninh Thuận, Hồng Phong 4 – Bình Thuận) và Nhà máy điện gió 7A – Ninh Thuận. Trong đó, công ty cho biết 3 dự án gồm Thủy điện Sông Tranh 4, Thủy Điện Đăk Mi 2, Điện gió 7A đang gấp rút triển khai những giai đoạn cuối để chuẩn bị phát điện thương mại trong quý III. Đồng thời, trong tháng 7, khoản vay hơn 34 triệu EUR từ ngân hàng LBBW (Đức) cho dự án Điện gió 7A đã đủ điều kiện giải ngân. Công ty cho biết việc giải ngân sẽ được thực hiện hết trong quý II với tổng lãi vay và chi phí quy đổi năm là 3,2%.


Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

———–

Quý Nhà đầu tư vui lòng dành 3 phút tham gia Khảo sát Đánh giá và đóng góp ý tưởng hoàn thiện Bản tin Nhận định thị trường DCALL: TẠI ĐÂY 

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: https://hubs.li/H0RgXR90
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0