Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 12.01.2021 – Nhắm vào Alibaba, Trung Quốc củng cố nền tảng để trở thành siêu cường

Nhận định Thị trường hàng ngày 12/01/2021    699

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 12/01/2021

1. Vĩ mô quốc tế

Nhắm vào Alibaba, Trung Quốc củng cố nền tảng để trở thành siêu cường

Giống như Mỹ và EU, Trung Quốc đang tìm cách điều chỉnh lĩnh vực công nghệ từ bảo vệ dữ liệu đến chống độc quyền. Các công ty công nghệ của Trung Quốc đã phát triển nhưng trước đó phần lớn không bị cản trở bởi các quy định và trở thành một trong những công ty công nghệ lớn nhất trên thế giới.

Vào tháng 11, Ngân hàng trung ương Trung Quốc và các cơ quan quản lý đã phát hành dự thảo quy tắc được gọi là cho vay vi mô, bao gồm các điều khoản như yêu cầu về vốn đối với các công ty công nghệ cung cấp các khoản vay. Cơ quan Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường (SAMR) của Trung Quốc cũng đã công bố các quy tắc dự thảo nhằm ngăn chặn các hoạt động độc quyền của các nền tảng internet. Đây là một trong những đề xuất sâu rộng nhất ở Trung Quốc nhằm điều chỉnh các công ty công nghệ lớn.

Tháng 12 vừa qua, SAMR cho biết họ đã bắt đầu điều tra Alibaba về các hoạt động độc quyền. Vào tháng 10, Trung Quốc đã phát hành dự thảo luật bảo vệ dữ liệu cá nhân nhằm điều chỉnh cách các công ty xử lý dữ liệu người dùng. Tất cả những quy định này là một phần trong nỗ lực lớn hơn của Trung Quốc nhằm trở thành một cường quốc công nghệ toàn cầu lớn, theo Kendra Schaefer, một đối tác của Trivium China, công ty nghiên cứu có trụ sở tại Bắc Kinh. “Với tất cả những điều này, tôi cho rằng Trung Quốc hiểu rằng nếu họ muốn trở thành một siêu cường công nghệ thì họ phải đặt trên một nền tảng quy định vững chắc,” Schaefer nói với CNBC.

Cửa hàng không có nhân viên dần trở thành xu hướng tại Nhật Bản

Công ty NTT Docomo công bố kế hoạch tham gia vào hệ thống cửa hàng không nhân viên và sẽ phát triển hệ thống máy bán hàng tự động có thể cung cấp khoảng 50 mặt hàng thực phẩm, đồ điện gia dụng. Hệ thống máy bán hàng tự động này sẽ được lắp đặt ở các khu chung cư, văn phòng làm việc và dự kiến được triển khai tại 100 địa điểm ở khu vực thủ đô Tokyo vào cuối năm 2021, sau đó dần mở rộng ra các đô thị khác như Osaka.

NTT Docomo cho biết hệ thống của hàng không nhân viên sẽ sử dụng công nghệ 5G để quản lý hàng hóa, kiểm soát nhiệt độ, đóng mở cửa hàng từ xa. Tất cả các mặt hàng sẽ được kết nối nhờ công nghệ kết nối vạn vật (IoT). Người tiêu dùng có thể sử dụng phần mềm chuyên dụng để mua hàng và thanh toán bằng điện thoại hoặc thẻ tín dụng.

Trong khi đó, chuỗi cửa hàng tiện ích Seven-Eleven đã triển khai 500 điểm bán hàng không nhân viên và hiện đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 mở 1.000 điểm trên toàn Nhật Bản. Ngoài NTT Docomo và Seven-Eleven, hai chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn của Nhật Bản là Ministop và Lawson cũng đang xúc tiến kế hoạch xây dựng các cửa hàng không sử dụng nhân viên.

Theo Trung tâm đánh giá năng suất Nhật Bản, năng suất lao động của các đơn vị bán lẻ Nhật Bản trong năm 2018 là 6,44 triệu yên (gần 62.000 USD), thấp hơn nhiều so với mức 7,94 triệu yên của các ngành khác. Chuỗi cửa hàng tiện lợi vốn có được doanh thu tốt từ trước đến nay cũng bắt đầu xu hướng cắt giảm số lượng của hàng vào năm 2019.

2. Vĩ mô Việt Nam

Độ phủ thông tin tín dụng Việt Nam đã cao hơn trung bình thế giới

Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) cho biết, độ phủ thông tin tín dụng Việt Nam đã tăng từ 41,8% năm 2015 lên 59,6% năm 2020.

Cụ thể, năm 2020, độ phủ thông tin tín dụng tiếp tục được cải thiện so với năm 2019, tăng hơn 2,9 triệu khách hàng vay (trên 10,7 triệu hồ sơ vay mới). Nâng số khách hàng trong kho dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia vượt trên 30% so với mục tiêu đặt ra tại Đề án phát triển giai đoạn 2015 – 2020. Độ phủ thông tin tín dụng Việt Nam đạt được cao hơn mức trung bình của khu vực châu Á Thái Bình Dương và khu vực nước có thu nhập cao OECD.

Bên cạnh việc mở rộng độ phủ thông tin tín dụng, năm 2020 CIC còn hỗ trợ giảm thiểu tác động của Covid-19 thông qua việc giảm giá sản phẩm, dịch vụ 2 lần với tổng số tiền là khoảng 200 tỷ đồng.Điều này góp phần hỗ trợ các ngân hàng giảm chi phí hoạt động, qua đó giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện để các doanh nghiệp và cá nhân được tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ các tổ chức tín dụng.

Vận hành thị trường điện cạnh tranh vào năm 2026

Thủ tướng vừa phê duyệt đề án “Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến 2030, tầm nhìn đến 2045″, trong đó xác định sẽ củng cố, hoàn thiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh trong giai đoạn 2021-2025 và hoàn thiện, phát triển, mở rộng phạm vi thị trường bán lẻ điện cạnh tranh từ năm 2026.

Để hoàn thành mục tiêu vừa nêu, ngành điện sẽ được tái cơ cấu theo Quyết định 168/2017 của Thủ tướng đảm bảo thị trường bán buôn điện vận hành minh bạch, công bằng và hiệu quả. Đồng thời, cơ chế và việc hỗ trợ vận hành thị trường điện giao ngay, hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ thị trường bán buôn điện cũng sẽ được hoàn thiện, đảm bảo thị trường điện vận hành theo đúng mô hình thiết kế đã được phê duyệt.

Riêng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, đề án đặt mục tiêu nghiên cứu, xây dựng đề án tái cơ cấu ngành điện và điều chỉnh quy định pháp lý về cơ chế giá bán lẻ điện, bảo đảm giá điện minh bạch theo nguyên tắc thị trường cạnh tranh theo đúng tinh thần Nghị quyết 55/2020 của Bộ Chính trị.

Bên cạnh việc nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước đối với ngành năng lượng nhằm giải quyết kịp thời những vướng mắc, rào cản về pháp lý, chiến lược còn đặt mục tiêu hoàn thiện khung pháp lý đối với ngành năng lượng, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của mỗi phân ngành và chính sách thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo.

Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lý và chỉ đạo triển khai xây dựng, phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến 2030, tầm nhìn đến 2045. Cơ quan này đồng thời phải rà soát điều kiện về cơ sở hạ tầng, tái cơ cấu ngành năng lượng, triển khai giải pháp cần thiết để xây dựng, phát triển thị trường năng lượng theo lộ trình đã được Thủ tướng phê duyệt.

Vũng Tàu cho phép Fecon nghiên cứu nhà máy điện gió trên biển công suất 500MW

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa đồng ý chủ trương cho phép Công ty cổ phần Năng lượng Fecon thực hiện nghiên cứu lập hồ sơ đề xuất bổ sung quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đối với dự án nhà máy điện gió trên biển. Dự án nhà máy điện gió trên biển có tổng công suất dự kiến 500MW, diện tích nghiên cứu khảo sát dự án khoảng 120 km2 vùng biển ngoài khơi tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Diện tích chiếm đất có thời hạn dự kiến 175 ha, diện tích chiếm đất tạm thời 165 ha. Vị trí dự kiến được giới hạn bởi tọa độ VT01-VT04.

Phương án đấu nối dự kiến đấu nối chuyển tiếp trên đường dây 220kV Bà Rịa – Vũng Tàu bằng đường dây mạch kép dài khoảng 50 km (15 km đường dây trên không 220kV đi trên đất liền và 35 km cáp ngầm 220kV đi dưới biển). Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu yêu cầu Fecon lựa chọn đơn vị tư vấn đủ năng lực, kinh nghiệm để lập hồ sơ đề xuất bổ sung quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đối với dự án nhà máy điện gió trên biển này.

Ngoài ra, trong quy trình thực hiện lập hồ sơ bổ sung quy hoạch, đề nghị nhà đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát tọa độ vị trí để loại trừ và điều chỉnh các khu vực chồng lấn, khu vực ảnh hưởng tới dân cư và các quy hoạch khác, đồng thời thực hiện những quy định tại Luật Biển Việt Nam, Luật Tài nguyên, môi trường và Hải đảo…UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng lưu ý trong quy trình thực hiện lập hồ sơ bổ sung quy hoạch đề nghị nhà đầu tư xem xét đề xuất phương án hỗ trợ cho ngư dân đánh bắt hải sản trong khu vực của dự án do hoạt động của dự án ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân.

3. Tin tức tài sản đầu tư

Giá Bitcoin lao dốc, vốn hóa thị trường tiền điện tử bốc hơi 170 tỷ USD

Vốn hóa thị trường tiền điện tử lúc 12h10 (giờ Singapore) hôm nay là 959,53 tỷ USD, giảm từ mức 1.100 tỷ USD một ngày trước đó, theo Coinmarketcap. Bitcoin, đồng tiền điện tử lớn nhất, mất giá 11% xuống 35.828,06 USD lúc 12h15 giờ Singapore.

Đợt bán tháo xảy ra trong bối cảnh thị trường tiền điện tử vừa có đợt tăng giá mạnh và một số nhà đầu tư có xu hướng chốt lời. Dù vậy, giá Bitcoin vẫn tăng hơn 340% trong 12 tháng qua, tuần trước chạm đỉnh lịch sử sát 42.000 USD.

Giá Bitcoin tăng do nhiều yếu tố, bao gồm lực cầu từ các nhà đầu tư tổ chức lớn. Bitcoin thường được ví như “vàng kỹ thuật số” – tài sản an toàn tiềm năng để phòng hộ lạm phát. Trong nghiên cứu gần đây, JPMorgan cho rằng giá Bitcoin có thể chạm 146.000 USD trong dài hạn để cạnh tranh với vàng. Chamath Palihapitiya, giám đốc điều hành tại Social Capital, cho rằng Bitcoin “có thể có giá 100.000 USD, rồi 150.000 USD rồi 200.000 USD” nhưng khó đưa ra mốc thời gian cụ thể do bản chất “siêu đầu cơ” của đồng tiền này.