Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 11.01.2022 | Dư địa lớn cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong năm 2022

Nhận định Thị trường hàng ngày 11/01/2022    93160

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 11/01/2022

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Vòng xoáy lạm phát cao tiếp tục càn quét nhiều nước trên thế giới
– Lạm phát đã và đang trở thành nỗi lo của nhiều quốc gia trên thế giới, sau hậu quả của đại dịch Covid kéo dài hơn hai năm qua. Cụ thể:
– Tỷ lệ lạm phát của Chile đạt mức 7,2% vào năm 2021, cao nhất kể từ năm 2007. Tỷ lệ lạm phát của quốc gia Nam Mỹ này trong năm ngoái vượt xa mức lạm phát 2,97% đã ghi nhận vào năm 2020 và cao hơn nhiều so với dự báo. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 12/2021 đã tăng 0,8% so với tháng trước đó, khiến Ngân hàng Trung ương Chile quyết liệt tăng lãi suất trong những tháng gần đây, và không loại trừ động thái này còn tiếp diễn.
– Tại Ba Lan, tỷ lệ lạm phát đạt 8,6% vào tháng 12/2021, mức cao nhất kể từ tháng 11/2000. Văn phòng Thống kê Nhà nước Ba Lan hôm 7/1 báo cáo, thực phẩm và đồ uống, năng lượng và xăng dầu là những mặt hàng chính góp phần làm tăng chỉ số giá tiêu trong tháng vừa qua. Ngoài ra, lạm phát của Ba Lan liên tục nằm trong số những nước có mức lạm phát cao nhất thuộc Liên minh châu Âu (EU) trong hai năm qua.
– Cùng ngày, Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố số liệu sơ bộ cho thấy tỷ lệ lạm phát của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) đã tăng lên mức cao kỷ lục 5% trong tháng 12/2021, cao nhất kể từ năm 1997 khi các dữ liệu bắt đầu được thu thập.
– Tại Anh, hơn 20 công ty năng lượng đã phá sản kể từ tháng 8 năm ngoái, do giá khí đốt toàn cầu tăng kỷ lục khiến một số nhà cung cấp bị tổn thương và không thể phục hồi trước các cú sốc giá. Các hộ gia đình tại Anh nhiều khả năng phải tiếp tục đối mặt với hóa đơn năng lượng tăng vọt vào năm 2022. Các chuyên gia cũng dự kiến hóa đơn năng lượng của người tiêu dùng nước này sẽ tăng khoảng 50% vào tháng 4. Nếu mức tăng trên thành hiện thực, nó sẽ đẩy CPI của Anh tăng thêm 6,2%.
– Có thể thấy, lạm phát không chỉ còn là một rủi ro trong tương lai, mà đã bắt đầu càn quét tại nhiều quốc gia trên thế giới, tạo nên mối bận tâm không nhỏ cho các nhà hoạch định chính sách các quốc gia làm sao cân bằng giữa việc kích thích phục hồi nền kinh tế sau dịch, đồng thời ngăn chặn được “cơn bão” lạm phát kỷ lục đang xảy ra.

• Các nền kinh tế mới nổi sẽ bị ảnh hưởng thế nào với việc thắt chặt chính sách tiền tệ của FED vào năm 2022
– Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã khiến các nhà đầu tư lo ngại sau khi biên bản cuộc họp tháng 12/2021 cho thấy các thành viên đã sẵn sàng thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn dự kiến trước đó.
– Fed cho biết, có thể sẵn sàng bắt đầu tăng lãi suất, rút lại chương trình mua trái phiếu và tham gia vào các cuộc thảo luận cấp cao về việc giảm nắm giữ trái phiếu Kho bạc và chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp.
– Các thị trường mới nổi của châu Á có vị thế tốt, tuy nhiên sẽ bị tác động nhiều hơn bởi những yếu tố này và đặc biệt nếu Fed thực hiện thắt chặt chính sách. Hơn nữa, sẽ có sức ép lãi suất thực tế giữa các thị trường mới nổi ở châu Á và Mỹ, dẫn đến rủi ro dòng vốn rút ròng khỏi thị trường trái phiếu trong khu vực châu Á, đặc biệt là từ các nền kinh tế dễ bị tổn thương hơn.
– Nhìn lại năm 2013, Fed đã tạo ra hiện tượng bán tháo trên thị trường tài chính khi bắt đầu cắt giảm chương trình mua tài sản. Các nhà đầu tư hoảng sợ và gây ra tình trạng bán tháo trái phiếu, khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng đột biến.
– Do đó, các thị trường mới nổi ở châu Á phải hứng chịu dòng vốn chảy ra mạnh và đồng tiền mất giá mạnh khi Fed tăng lãi suất, và hoàn toàn có thể buộc các ngân hàng trung ương trong khu vực phải tăng lãi suất để bảo vệ tài khoản vốn.

2. Thông tin Việt Nam

• Dư địa lớn cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong năm 2022
– Nhu cầu tiêu thụ thủy hải sản bình quân đầu người trên thế giới tăng đang tạo ra tiềm năng tăng trưởng lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Bên cạnh đó, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng tạo ra động lực tăng trưởng cho toàn ngành.
– Theo báo cáo triển vọng nông nghiệp của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), tiêu thụ thủy hải sản bình quân đầu người trên thế giới dự kiến là 21,2kg vào năm 2030, tăng từ mức trung bình 20,5kg trong giai đoạn 2018-2020. Dự kiến, tiêu thụ thủy hải sản bình quân đầu người sẽ tăng 3,6% trong giai đoạn 2020-2030 , tạo ra tiềm năng cho xuất khẩu thủy sản.
– Dự kiến sản lượng thủy hải sản tiêu thụ sẽ mở rộng trên tất cả các châu lục, được thúc đẩy bởi thu nhập ngày càng cao, đô thị hóa, mở rộng sản xuất, cải thiện kênh phân phối, đổi mới sản phẩm, cùng với việc người tiêu dùng ngày càng công nhận thủy hải sản là thực phẩm lành mạnh và bổ dưỡng.
– Ngoài ra, do Mỹ là thị trường xuất khẩu tôm và cá tra lớn nhất của Việt Nam, sự phục hồi của ngành dịch vụ ăn uống được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho triển vọng tăng trưởng xuất khẩu cho thủy sản Việt Nam. VASEP nhận định, xuất khẩu tôm sang Mỹ dự kiến sẽ tăng mạnh vào năm 2022 do Việt Nam chuyển sang trạng thái thích ứng linh hoạt với đại dịch COVID-19. Ngoài ra, Mỹ tăng gấp đôi thuế chống bán phá giá đối với tôm xuất khẩu từ Ấn Độ từ 3% lên 7,15% vào tháng 11/2021, đã nâng cao lợi thế cạnh tranh cho các nước đối thủ khác; trong đó có Việt Nam.
– Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) hỗ trợ Việt Nam có thêm lợi thế cạnh tranh tại EU vào năm 2022. Ấn Độ, Ecuador và Việt Nam là ba nước xuất khẩu tôm lớn nhất sang EU. So với Ấn Độ, Việt Nam được hưởng lợi nhiều hơn từ thuế xuất khẩu.

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Nguồn cung đường thế giới thiếu hụt gần 4 triệu tấn năm 2022 – SBT hưởng lợi nhờ sở hữu vùng nguyên liệu lớn
– Theo Tổ chức Đường Quốc tế (ISO), thâm hụt đường toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên trong niên vụ 2021-2022, đạt 3,8 triệu tấn so với mức thiếu hụt 3 triệu tấn trong niên vụ 2020-2021. Sự thiếu hụt này là do sản lượng sản xuất ở Brazil giảm do thời tiết khô hạn
– Ngoài ra, so với giá đường trong khu vực (bao gồm cả các nước ASEAN và Trung Quốc), giá đường của Việt Nam vẫn ở mức thấp hơn. Do đó, giá đường trong nước sẽ tiếp tục tăng theo xu hướng tăng giá toàn cầu trong năm 2022. Bên cạnh đó, từ tháng 6/2021, Bộ Công Thương chính thức áp dụng thuế chống bán phá giá 42,99% và thuế chống trợ cấp 4,65% lên các sản phẩm Đường Mía có nguồn gốc xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan. Việc áp thuế chống bán phá giá kết hợp hoạt động điều tra đường nhập lậu gắt gao của Nhà nước sẽ tiếp tục hỗ trợ giá đường trong nước trong năm tới.
– Là doanh nghiệp đầu ngành mía đường tại Việt Nam, giá đường leo thang năm qua đã ngay lập tức phản ánh vào kết quả kinh doanh của SBT. Niên độ 2020-2021, SBT ghi nhận doanh thu thuần đạt 14.925 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ với mức tiêu thụ 1,16 triệu tấn đường tăng 10 so với cùng kỳ.
– Bước sang niên độ 2021-2022, SBT tiếp tục gặt hái “quả ngọt” trong quý đầu tiên khi doanh thu tăng 18% đạt 4.312 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 195 tỷ, tăng 88% so với cùng kỳ.
– Với việc tự chủ vùng nguyên liệu đầu vào hơn 66.000 ha, chiếm 25% tổng vùng nguyên liệu của cả nước. Bên cạnh đó giá đường thế giới tăng cao cùng chính sách áp thuế tự vệ sẽ trở thành bệ phóng để SBT tiếp tục củng cố vị thế và triển vọng tích cực trong ngành đường năm 2022.

• Vietcombank đề xuất nới room ngoại lên 35%, tiếp tục chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn
– Tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2021 và triển khai nhiệm vụ 2022, ban điều hành Vietcombank cho biết, ngân hàng đã đạt chỉ tiêu hoạt động kinh doanh và vượt kế hoạch Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị giao.
– Cụ thể, huy động vốn thị trường I đạt 1.154.000 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm 2020. Tỷ trọng huy động vốn không kỳ hạn (CASA) bình quân đạt 32,2%, tăng 3,3 điểm % so với năm 2020. Dư nợ tín dụng đạt 963.670 tỷ đồng, tăng 14,99% so với cuối năm 2020
– Ngoài ra, ngân hàng thực hiện kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng: Tỷ lệ nợ nhóm 2 ở mức 0,34%; Tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,63%. Trích lập đủ 100% dự phòng cụ thể của dư nợ cơ cấu theo Thông tư 03 – sớm trước 2 năm so với thời hạn quy định của Ngân hàng nhà nước. Tỉ lệ quỹ dự phòng bao nợ xấu nội bảng đạt mức cao nhất hệ thống ngân hàng (424%). Chỉ số sinh lời ROAA và ROAE tăng cao so với 2020, đạt mức 1,6% và 21%.
– Năm 2022, ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản 8% so với năm 2021. Tín dụng tăng 12%, nợ xấu được kiểm soát dưới 1,5%, lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12% so với năm 2021.
– Mặc dù có kết quả kinh doanh khả quan năm 2021, song để đảm bảo tăng trưởng bền vững dài hạn, lãnh đạo Vietcombank tiếp tục đề xuất Ngân hàng nhà nước, Chính phủ có cơ chế hỗ trợ tăng vốn, tăng trưởng tín dụng.
– Bên cạnh đó, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cũng đề nghị Chính phủ, Ngân hàng nhà nước tiếp tục tạo điều kiện để Vietcombank tiếp tục tăng vốn bằng cách cho phép ngân hàng giữ lại lợi nhuận sau thuế để trả cổ tức bằng cổ phiếu. Đồng thời, có lộ trình tăng giới hạn sở hữu nước ngoài, trước mắt là tăng lên 35%.

4. Nhịp đập thị trường chứng khoán

– VN-Index bước vào phiên giao dịch đầu tuần ngày 10/01/2021 với sắc xanh nhẹ, nhưng sự phân hóa lại xuất hiện ở nhiều nhóm ngành trên sàn giao dịch khi nhiều cổ phiếu midcap và penny đạt tới mức giá trần. Phần lớn thời gian trong phiên sáng giao dịch trên mức điểm tham chiếu. Tuy vậy, diễn biến trên sàn chứng khoán trong phiên chiều lại không êm ả như nhiều nhà đầu tư kỳ vọng. VN-Index quay đầu giảm điểm liên tục từ mức tăng cao nhất trong ngày (gần 8 điểm tăng), và khối lượng khớp lệnh lớn diễn ra khi nhóm midcap và penny gặp áp lực bán mạnh khiến hiện tượng nghẽn lệnh xảy ra vào 2 giờ chiều. Trên thị trường, nhiều mã cổ phiếu đột ngột chuyển từ mức tăng kịch trần sang mức giảm sàn. Kết thúc phiên, VN-Index giảm sâu 24.77 điểm, dừng chân ngay trên mức 1,500 điểm.
– Về mức độ ảnh hưởng, GAS, BCM và NVL là những mã có tác động tiêu cực nhất lên VN-Index. 3 cổ phiếu trên cùng nhau kéo giảm thị trường xuống tổng cộng gần 3 điểm.
– Về nhóm ngành, toàn bộ 24/24 mã cổ phiếu ngành chứng khoán đồng loạt giảm mạnh theo diễn biến giảm điểm của VN-Index. Những cổ phiếu dầu khí sau một tuần tăng mạnh theo giá dầu thế giới, đã không thể tiếp tục duy trì đà tăng của mình trong phiên 10/01/2021. Cổ phiếu PVS giảm 4.48%, BSR giảm 4.92%, PVD giảm 6.81%, PVC đi lùi 4.1%. Nhóm khai khoáng lọt vào một trong những ngành có mức giảm sâu nhất thị trường, khoảng 3.71%. Nhóm Nông – Lâm – Ngư có diễn biến khá đặc biệt khi hầu như không bị ảnh hưởng gì bởi đà giảm của VN-Index.
– Khối ngoại phiên ngày 10/2/2021 bán ròng trên sàn HOSE với giá trị hơn 465 tỷ đồng, mua ròng trên sàn HNX với giá trị gần 28 tỷ đồng.
– Việc nghẽn lệnh phiên 10/01/2022 khi thị trường giảm điểm mạnh cho thấy áp lực bán mạnh từ nhóm cổ phiếu đầu cơ midcap và penny, vốn đã tăng rất nóng trong 1 quý trở lại, dẫn tới hiện tượng nhiều cổ phiếu có biên chênh lệch giữa giá đóng cửa và giá cao nhất lên tới hơn 12%. Với việc nhiều cổ phiếu nóng đóng cửa sụt giảm mạnh khi giá cao nhất phiên đã có lúc vượt 5% cho thấy áp lực bán đang càng ngày dồn dập. Trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa đến Tết âm lịch và hơn 90% giá trị giao dịch đang được thực hiện bởi các nhà đầu tư cá nhân, sự thận trọng trong giao dịch cần được đề cao hơn hết nhằm quản trị rủi ro. Trong trung hạn, thị trường vẫn đang diễn biến với xu hướng tăng, nên việc các phiên điều chỉnh diễn ra sẽ là cơ hội để các nhà đầu tư giải ngân vào các nhóm cổ phiếu có câu chuyện ngành và vĩ mô triển vọng trong năm 2022.

——–
Trung tâm Tư vấn đầu tư VNDIRECT
Hội tụ trí tuệ – Lan tỏa thành công
📅 Lịch phát sóng các chương trình của Trung tâm TVĐT:
Thứ 2, 15h: La Bàn Đầu tư – điểm lại tin tức vĩ mô & các kênh Tài sản trong tuần.
Thứ 4, 15h30: Tọa đàm đầu tư – cập nhật về Ngành, Mã có câu chuyện đầu tư, đáng chú ý- Chương trình dành riêng cho Khách hàng của VNDIRECT

Thứ 5, 15h30: Cổ phiếu 360 – Nhận định về một mã cổ phiếu ở 2 góc nhìn Tích cực & Tiêu cực
Thứ 7, 9h (2 tuần/ lần) : Đối thoại với PM – Mời Khách mời là PM hoặc các chuyên gia trong Ngành để trao đổi, thảo luận về quan điểm, chiến lược đầu tư.
————
Các chương trình của chúng tôi được phát sóng trên:
🌎 Website: https://www.vndirect.com.vn/
🌎 Fanpage Vndirect Securities Corporation : https://www.facebook.com/vndirect
📺 Youtube: https://www.youtube.com/vndirectdinsightsbantronchuyengia
#Dcall