Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 10.08.2021 | 7 tháng Hoà Phát bán 4,9 triệu tấn thép, tăng 64% cùng kỳ năm trước

Nhận định Thị trường hàng ngày 10/08/2021    32981

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 10/08/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Xuất nhập khẩu của Trung Quốc ‘hạ nhiệt’ trong tháng 7
– Số liệu chính phủ Trung Quốc công bố đầu tháng 8 cho thấy hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng chậm hơn dự kiến trong tháng 7, sau khi dịch Covid-19 lây lan ở các tỉnh miền Đông và Nam – vốn là trung tâm xuất khẩu chính.
– Theo báo cáo, xuất khẩu tháng 7 của Trung Quốc tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước đó, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 32,2% của tháng 6 và kém hơn mức dự báo 20,8% cho tháng 7. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu tăng 28,1% vào tháng 7, chậm lại so mức tăng 36,7% trong tháng trước.
– Mặc dù xuất nhập khẩu tăng trưởng chậm lại, thặng dư thương mại của Trung Quốc vẫn tăng lên 56,58 tỷ USD so với 51,53 tỷ USD của tháng 6. Trong đó, thặng dư thương mại với Mỹ tăng từ 32,58 tỷ USD vào tháng 6 lên 35,4 tỷ USD trong tháng, giúp thặng dư lũy kế 7 tháng của Trung Quốc với Mỹ đạt 200,32 tỷ USD.
– Trung Quốc phục hồi kinh tế ấn tượng sau đại dịch Covid nhờ kiểm soát dịch nhanh chóng. Nhưng vào tháng 7, khi phát hiện các ca Covid-19 mới do biến thể Delta tại hàng chục thành phố, các chính quyền địa phương phải phong tỏa các khu vực bị ảnh hưởng, yêu cầu hàng triệu người xét nghiệm và đình chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh, bao gồm các nhà máy. Ngoài ra, lũ lụt và thời tiết bất lợi cũng ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp ở một số khu vực.
– Ngoài những lực cản từ biện pháp phòng chống dịch, các nhà xuất khẩu của Trung Quốc gặp khó khăn với tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn, tắc nghẽn logistics, cùng chi phí nguyên liệu và vận chuyển cao hơn. Bên cạnh đó, việc xuất khẩu của Trung Quốc chậm hơn phản ánh hoạt động kinh doanh Mỹ ôn hòa hơn vào tháng Bảy, giữa bối cảnh nguồn cung bị hạn chế. Diễn biến này cũng cho thấy sự “hạ nhiệt” của nền kinh tế lớn nhất thế giới sau quý hai tăng trưởng hơn 6%.
• Thị trường dầu mỏ biến động vì biến thể Delta và căng thẳng Trung Đông
– Thị trường dầu mỏ thế giới tuần qua đã có thời điểm giảm mạnh nhất trong nhiều tháng, do những lo ngại về các lệnh hạn chế đi lại của các nước, nhằm ngăn chặn sự lây lan biến thể Delta, làm chững lại đà phục hồi nhu cầu năng lượng toàn cầu. Tuy nhiên, cũng có thời điểm giá dầu tăng nhẹ khi căng thẳng tại Trung Đông leo thang.
– Ngay từ phiên giao dịch đầu tuần, giá dầu mất hơn 3% sau khi các số liệu kinh tế yếu đi của Mỹ và Trung Quốc, cùng sản lượng dầu thô dự kiến cao hơn từ các nhà sản xuất. Trong khi đó, việc Iran có Tổng thống mới làm dấy lên hi vọng trở lại đàm phán thỏa thuận hạt nhân. Nếu thành công, Iran sẽ trở lại thị trường xuất khẩu dầu khi các lệnh trừng phạt được gỡ bỏ, gây sức ép khiến giá dầu duy trì đà giảm.
– Tuy nhiên, trong ngày 5/8, giá dầu bất ngờ tăng trở lại, do những căng thẳng leo thang tại Trung Đông, từ vụ tàu chở dầu bị tấn công tại Vịnh Oman cho tới vụ các tên lửa từ Lebanon phóng vào Israel. Nhưng tại cuối tuần, giá dầu lại quay về giảm, do tác động của các quy định hạn chế dịch chuyển và sự mạnh lên của đồng USD sau khi tăng trưởng việc làm tháng 7 của Mỹ tốt hơn dự báo.
– Tính chung tuần qua, giá dầu Brent đã hạ hơn 6%, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất trong 4 tháng, còn giá dầu thô WTI lao dốc gần 7%, chứng kiến tuần giao dịch tồi tệ nhất trong 9 tháng. Biến thể Delta hiện đang thực sự bắt đầu có ảnh hưởng rõ nét. Nhật Bản đã sẵn sàng mở rộng các lệnh hạn chế sang nhiều khu vực hơn, trong khi Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, đã áp đặt lệnh phong tỏa ở một số thành phố và hủy các chuyến bay.
– Hiện nhiều thành phố trên thế giới bị phong tỏa, nhu cầu đi lại hạn chế khiến nhu cầu xăng dầu giảm tại nhiều khu vực. Tuy nhiên, theo Giám đốc điều hành Tập đoàn dầu khí BP, Bernard Looney, hiện có nhiều bất ổn tác động đến giá dầu, nhưng vẫn lạc quan rằng, tình hình dịch bệnh sẽ sớm được cải thiện nhờ vaccine, nền kinh tế sẽ được mở cửa dần và nhu cầu sử dụng dầu sẽ sớm tăng lại.

2. Thông tin Việt Nam

• Xuất khẩu máy tính, phụ kiện điện tử có thể đạt 50 tỷ USD trong năm nay nhờ các ‘ông lớn’ như LG hay Samsung
– Theo Báo cáo của Bộ Công thương, mặc dù nhiều mặt hàng xuất khẩu sụt giảm nhưng sản xuất một số nhóm hàng công nghiệp chủ lực trong 7 tháng qua vẫn tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, nhóm linh kiện điện thoại tăng tới 40%, sản xuất điện thoại di động tăng 14,1%. Trong 7 tháng qua, Việt Nam đã sản xuất trên 128 triệu chiếc điện thoại di động, và mang về 29,35 tỷ USD, với kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước.
– Mỹ, Trung Quốc, EU, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Ấn Độ là 9 thị trường xuất khẩu hàng đầu, chiếm hơn 52,4% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng máy tính, linh kiện điện tử. Đặc biệt, xuất khẩu điện thoại, linh kiện đang tạo ra bước đột phá lớn tại khu vực châu Phi, Mỹ Latinh, Trung Đông và các nước thành viên EU.
– Nhận thấy tiềm năng của các doanh nghiệp sản xuất máy tính, phụ kiện, Chính phủ đã cấp chứng nhận điều chỉnh vốn cho nhiều dự án có quy mô lớn, như dự án LG được tăng thêm 750 triệu USD vốn đầu tư. Hơn nữa, sự mở rộng đầu tư của Samsung giúp Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất điện thoại trên thế giới và kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn.
– Bộ Công Thương nhận định, năm 2021, ngành điện tử sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng phục vụ liên lạc cũng như làm việc trong điều kiện giãn cách xã hội. Ngoài ra, dịch bệnh cũng khiến các công ty sản xuất máy tính, điện tử trên thế giới phải đóng cửa. Trong điều kiện tích cực, xuất khẩu máy vi tính, linh kiện và sản phẩm điện tử cả năm 2021 có thể đạt khoảng 50 tỷ USD, tăng 13,5% so với 2020.

• Ngành thủy sản “hụt hơi” vì Covid-19
– Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), nửa đầu tháng 7 xuất khẩu thủy sản vẫn giữ được mức tăng trưởng 16%, nhưng sang nửa cuối tháng 7 đã đảo chiều, giảm tới 20% so với nửa đầu tháng, khiến cho kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả tháng 7 chỉ đạt 763 triệu USD, giảm khoảng 4% so với cùng kỳ năm 2020.
– Tuy nhiên, nhờ tăng trưởng cao trong nửa đầu năm nên tính chung 7 tháng năm 2021, xuất khẩu thủy sản vẫn tăng 11%, đạt 4,88 tỷ USD. Trước đó, tính trong nửa đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản của cả nước vẫn đạt tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, mang lại giá trị 4,1 tỷ USD.
– Theo Vasep, triển vọng xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2021 đang rất khả quan, nhưng đã chững lại từ giữa tháng 7 khi làn sóng Covid-19 lần thứ tư bùng phát dữ dội ở khu vực trọng điểm là Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đúng vào giai đoạn cao điểm thu hoạch, chế biến và xuất khẩu thủy sản.
– Hiện nay, chỉ có khoảng 30% các doanh nghiệp thủy sản tại miền Nam đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ” và số lượng công nhân huy động cũng chỉ 30-50%. Công suất sản xuất trung bình đã giảm chỉ còn 40-50% so với trước đây. Trong khi đó, nguyên liệu thủy sản huy động cho chế biến-xuất khẩu cũng chỉ đạt khoảng 40-50% so với trước đây, do giãn cách xã hội nên khó thu mua tôm, cá nguyên liệu. Các vật tư, phụ liệu, bao bì phục vụ chế biến thủy sản cũng bị thu hẹp, giảm công suất nguồn cung đến 50%.
– Không chỉ sản xuất bị sụt giảm, nhiều đơn hàng phải gác lại hoặc bị mất, mà các chi phí cho doanh nghiệp để đảm bảo được “3 tại chỗ” cũng đã tăng vọt và đang tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp. Với tình hình khó khăn hiện tại, khả năng tiêm vaccine cho lực lượng lao động cũng như triển khai các giải pháp y tế tại chỗ cho các doanh nghiệp sẽ là yếu tố quyết định cho ngành thủy sản Việt Nam giữ đà tăng trưởng cho cuối năm.

3. Nhịp đập thị trường chứng khoán

– Các chỉ số của thị trường tăng điểm tích cực trong phiên giao dịch đầu tuần nhờ lực mua xuất hiện mạnh ở nhóm cổ phiếu Large Cap. Trong đó, VN-Index tăng 1.37%, đạt mức 1,359.86 điểm. HNX-Index tăng hơn 5 điểm, đạt mức 330.68 điểm.
– VHM là mã đứng đầu nhóm cổ phiếu có tác động tích cực đến VN-Index khi góp hơn 3 điểm vào đà tăng của chỉ số. Tiếp theo sau là các mã MSN, HPG, GVR. Ở chiều ngược lại, NVL là mã đứng đầu nhóm cổ phiếu có đóng góp giảm.
– Khối lượng giao dịch tiếp tục duy trì trên mức trung bình 20 phiên gần nhất. Đây là yếu tố tích cực hỗ trợ đà tăng của chỉ số. Các nhóm cổ phiếu như Phân đạm, Cảng biển, Bất động sản, Chứng khoán tiếp tục duy trì được đà tăng trong phiên hôm nay. Dòng tiền đã có dấu hiệu lan tỏa rộng hơn sang các nhóm cổ phiếu Midcap.
– Với diễn biến thị trường hiện tại thì lợi thế đang nghiêng về những người đang nắm giữ cổ phiếu chứ không phải người mua mới, do thị trường ngắn hạn đã đi vào vùng rủi ro cao hơn. Do đó những vị thế mua mới ở thời điểm hiện tại nên cân nhắc những cổ phiếu đã có một nền giá đủ tốt và có yếu tố cơ bản hỗ trợ để có thể quản trị rủi ro

4. Tin doanh nghiệp niêm yết

• 7 tháng Hoà Phát bán 4,9 triệu tấn thép, tăng 64% cùng kỳ năm trước
– Trong tháng 7, sản lượng sản xuất thép thô của Hòa Phát đạt 700.000 tấn, tăng 70% so với cùng kỳ. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép đạt 600.000 tấn. Trong đó, thép xây dựng đạt 363.000 tấn, tăng 58% so với tháng 6 và 21% so với cùng kỳ. Thép cuộn cán nóng là 160.000 tấn, còn lại là ống thép và tôn mạ.
– Mặc dù nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, thép xây dựng Hòa Phát vẫn đạt sản lượng khả quan. Các công trình đầu tư công trọng điểm như cầu đường, bệnh viện, sân bay vẫn tiếp tục được thi công trong thời gian giãn cách. Hoạt động bán hàng ở khu vực phía Bắc tăng 50%, miền Trung tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.
– Lũy kế 7 tháng đầu năm, Tập đoàn Hòa Phát sản xuất gần 4,8 triệu tấn thép thô, tăng 58% so với cùng kỳ 2020. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép đạt 4,9 triệu tấn, tăng 64%. Trong đó, thép xây dựng là 2,2 triệu tấn, tăng 46%. Thép cuộn cán nóng (HRC) đạt gần 1,5 triệu tấn.
– Đối với các sản phẩm hạ nguồn HRC, Ống thép Hòa Phát đã cho ra thị trường 419.000 tấn, tương đương cùng kỳ. Sản phẩm tôn mạ ghi nhận mức tăng trưởng tốt nhất khi đạt 188.000 tấn, gấp 2,7 lần so với 7 tháng đầu năm 2020. Với quy mô là nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam với sản lượng thép thô 8 triệu tấn/năm và các nhà máy vẫn có thể sản xuất bình thường, đây là tín hiệu tích cực cho một doanh nghiệp đang trong chu kỳ tăng trưởng như Hòa Phát.

• Doanh thu PV Power tháng 7 giảm 10%
– PV Power thông báo sản lượng điện tháng 7 đạt 1,3 tỷ kWh, thực hiện được 78% kế hoạch tháng và giảm 28% so với cùng kỳ năm trước. Nhà máy thủy điện Đakđrinh và nhà máy điện Vũng Áng 1 tiếp tục vượt kế hoạch tháng. Trong khi đó, nhà máy điện Cà Mau 1&2, nhà máy điện Nhơn Trạch 1 và 2 cùng không hoàn thành kế hoạch.
– Tổng công ty cho biết nhu cầu phụ tải tháng 7 trên hệ thống tiếp tục thấp do tình hình dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều tỉnh thành phố tiến hành cách ly xã hội. Các nhà máy điện năng lượng mặt trời vẫn đang huy động tối đa công suất dẫn đến giá thị trường không cao. Các nhà máy điện chỉ phát điện khi có giá thị trường cao, đủ bù đắp chi phí và đảm bảo hiệu quả.
– Theo đó, tổng công ty ghi nhận doanh thu tháng 7 giảm 10% so với cùng kỳ xuống 2.302 tỷ đồng, tương đương 86% kế hoạch tháng. Lũy kế 7 tháng đầu năm, PV Power ghi nhận 10,8 tỷ kWh sản lượng và 17.688 tỷ đồng doanh thu, lần lượt giảm 16% và giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
– Về tình hình đầu tư, tổng công ty tiếp tục làm việc với EVN/EPTC để đàm phán các hợp đồng mua bán điện PPA, hợp đồng sửa đổi bổ sung PPA cho các nhà máy điện Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 3&4. Đồng thời, PV Power phối hợp với PV Gas, TKV, các đơn vị cung cấp dầu để đảm bảo cung ứng đủ nhiên liệu cho các nhà máy điện. Trong tháng 8, PV Power đề ra mục tiêu sản lượng dự kiến 1,3 tỷ kWh và doanh thu 2.036 tỷ đồng.
– Năm 2021, tổng công ty đề ra mục tiêu doanh thu 28.403,6 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.548 tỷ đồng, lần lượt giảm 6% và 42% so với thực hiện năm trước. Với kết quả thực hiện sau nửa đầu năm, doanh nghiệp hoàn thành 55% chỉ tiêu doanh thu và vượt 7% kế hoạch lợi nhuận.


Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

———–

Quý Nhà đầu tư vui lòng dành 3 phút tham gia Khảo sát Đánh giá và đóng góp ý tưởng hoàn thiện Bản tin Nhận định thị trường DCALL: TẠI ĐÂY 

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: https://hubs.li/H0RgXR90
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0