Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 09.11.2021 | MSB dự kiến ghi nhận 1.800 – 2.000 tỷ đồng lợi nhuận từ thương vụ thoái vốn công ty FCCOM

Nhận định Thị trường hàng ngày 09/11/2021    75401

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 09/11/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Bất chấp áp lực từ Mỹ – Ả Rập Xê Út giữ vững lập trường trong việc tăng sản lượng dầu
– Giá dầu đã tăng khoảng 60% trong năm nay lên hơn 80 USD/thùng do nền kinh tế toàn cầu phục hồi. Điều này đã ảnh hưởng đến các tài xế Mỹ khi đẩy xăng lên mức cao nhất trong 7 năm là 3,70 USD/gallon.
– Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, mức tăng hàng tháng của Saudi Aramco đối với giá bán chính thức đối với dầu ở khu vực châu Á là mức tăng lớn thứ ba trong thế kỷ này.
– Trong thời gian vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã liên tục kêu gọi OPEC+ đẩy nhanh việc nới lỏng hạn chế nguồn cung. Tuy nhiên ngày 4/11, OPEC+ đã quyết định tiếp tục tăng sản lượng dầu thô thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 12. Mike Muller, người đứng đầu khu vực châu Á của nhà kinh doanh dầu độc lập lớn nhất thế giới Vitol Group khẳng định rằng, OPEC+ không hề có ý định thay đổi lập trường.
– Bộ trưởng Năng lượng Mỹ, Jennifer Granholm, cho biết, Mỹ đang xem xét giải phóng dầu thô từ kho dự trữ dầu chiến lược như một biện pháp đáp trả. Nhà Trắng có thể tìm cách điều phối bất kỳ vụ bán giảm giá nào với các nhà nhập khẩu lớn khác như Nhật Bản và Trung Quốc.
– Mike Muller cũng nhận định rằng, thị trường đang ở trong tình trạng tồn kho thấp và nguồn cung khan hiếm. Ả Rập Xê Út đang định giá dầu của họ tương ứng. Bên cạnh đó OPEC+ đã cho rằng lập trường của mình là hoàn toàn hợp lý vì các đợt bùng phát Covid-19 đang hồi sinh có thể ảnh hưởng đến tiêu thụ. Trung Quốc vẫn đang gặp nhiều vấn đề và điều đó đồng nghĩa với nhu cầu dầu giảm.
– Hơn nữa, ngay cả khi OPEC+ muốn tăng sản lượng nhanh hơn, thì điều đó sẽ bị cản trở bởi sự thiếu hụt năng lực dự phòng của hầu hết các thành viên
– Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cũng cho biết, OPEC+ đã giữ cho thị trường dầu cân bằng hơn nhiều so với thị trường khí đốt tự nhiên và than đá. Giá cả hai loại nhiên liệu này đã tăng lên mức kỷ lục ở các khu vực châu Á và châu Âu trong những tháng gần đây trong bối cảnh nguồn cung bị thắt chặt.

2. Thông tin Việt Nam

• Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chính phủ gia hạn FIT điện gió đến 31/3/2022
– Mới đây nhất, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với các kiến nghị, đề xuất cụ thể của tỉnh Ninh Thuận về sớm ban hành cơ chế giá điện mặt trời, nối lưới đối với các dự án điện mặt trời vận hành thương mại sau ngày 1/10/2021 và chủ trương kéo dài thời gian về cơ chế hưởng giá điện gió theo Quyết định số 39 của Thủ tướng đến hết ngày 31/3/2022.
– Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí đề nghị Chính phủ nghiên cứu để gia hạn thời hạn áp dụng biểu giá điện gió, nhất là với các dự án đã làm xong nhưng chưa vận hành được do tác động của dịch bệnh Covid-19.
– Trước đó, EVN đã nhận được 106 hồ sơ đăng ký của 106 nhà đầu tư điện gió với tổng công suất 5755,5 MW. Tuy nhiên, theo báo cáo cập nhật của Tập đoàn điện lực Việt Nam, đến ngày 31/10 (thời hạn cuối cùng hưởng giá FIT) đã có 69/106 nhà máy điện gió (chiếm 65% trên tổng số dự án đăng ký) được công nhận vận hành thương mại (COD), hưởng giá FIT.
– Như vậy, nếu bao gồm cả 15 nhà máy điện gió đã được công nhận COD và vận hành từ trước đây, thì trong hệ thống điện quốc gia đã có tổng cộng 84 nhà máy điện gió với tổng công suất gần 4.000 MW được công nhận COD. Tính chung từ trước đến nay đã có 146 dự án điện gió đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với EVN, trong đó có 84 dự án đã COD, còn lại 62 dự án chưa COD tính đến ngày 31/10/2021.
– Như vậy, trong trường hợp đề xuất gia hạn này được chính phủ thông qua, các doanh nghiệp điện gió chưa được công nhận vận hành thương mại do đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid sẽ có cơ hội để “chuyển mình” trong 1 – 2 quý tới.

• Xuất khẩu thủy sản lội ngược dòng, tăng gần 50% trong tháng 10
– Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), sau hai tháng giảm sâu vì COVID-19, xuất khẩu thủy sản tháng 10 có những chuyển biến tích cực, đạt 918 triệu USD, tăng 47% so với tháng 9.
– Riêng cá tra vẫn giảm 18% kim ngạch xuất khẩu trong tháng 10 chỉ đạt 139 triệu USD do thiếu nguyên liệu, hoạt động sản xuất, chế biến cá tra ở các địa phương vẫn cầm chừng vì ảnh hưởng của dịch COVID-19.
– Về thị trường tháng 10, VASEP thông tin xuất khẩu thủy sản sang Mỹ hồi phục mạnh nhất với mức tăng 31%, còn sang EU tăng 9%, Hàn Quốc tăng 20%, Canada tăng 17%. Dù vậy, xuất khẩu sang bạn hàng lớn Trung Quốc vẫn giảm sâu 43%.
– Lũy kế 10 tháng, xuất khẩu thủy sản đạt 7,1 tỷ USD, tăng nhẹ 2,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chính như tôm, cá tra, cá ngừ… vẫn giữ được mức tương đương hoặc tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.
– VASEP nhận định nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu vẫn cao, ĐBSCL phủ sóng vắc xin, hạn chế tác động của COVID-19, sản xuất chế biến thủy sản phục hồi là những yếu tố giúp xuất khẩu khẩu thủy sản tăng trưởng mạnh trong 2 tháng cuối năm.
– Đối với mảng xuất khẩu tôm, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường châu Âu, Mỹ đang có xu hướng hồi phục, cùng với những ưu đãi đặc biệt về thuế quan, nhất là ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA), sẽ tạo thuận lợi cho sản phẩm tôm Việt Nam tăng thêm tính cạnh tranh.

3. Nhịp đập thị trường chứng khoán

– Trong phiên sáng, mặc dù có chút thăm dò đầu phiên nhưng gác lại những lo ngại về áp lực chốt lời tăng bởi đây là phiên “hàng về” của gần 1,5 tỷ cổ phiếu mua vào ngày 3/11, phiên giao dịch sáng đầu tuần đã diễn ra khá thuận lợi. Dòng tiền nhanh chóng nhập cuộc sôi động và lan tỏa thị trường, cùng nhóm cổ phiếu chứng khoán đua nhau tăng mạnh, đã dẫn dắt VN-Index lên vùng đỉnh mới. Bước vào phiên giao dịch chiều, nhóm ngân hàng bất chợt quay đầu tăng điểm kéo thị trường tiếp tục vượt ngưỡng 1.470 điểm chỉ sau chưa đầy 20 phút mở cửa. Tuy nhiên, ngay khi chạm vùng giá này, áp lực bán đã gia tăng mạnh khiến thị trường thoái lui. Dòng tiền bắt đáy xuất hiện giúp VN-Index phục hồi để rồi kết phiên với mức tăng 11,06 điểm và đóng cửa ở mức 1.467,57 điểm.
– Xét theo mức đóng góp vào thị trường chung, MSN, VNM và VCB là những mã có ảnh hưởng tích cực nhất khi góp gần 3 điểm tăng cho chỉ số. Trong khi đó, bộ đôi ngân hàng VPB và TCB cùng nhau kéo thị trường đi xuống gần 1 điểm.
– Trên sàn HoSE, khối ngoại đẩy mạnh mua ròng 507 tỷ đồng, gấp 2,2 lần so với phiên cuối tuần trước. HPG được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với 169 tỷ đồng. VHM và GEX được mua ròng lần lượt 129 tỷ đồng và 85 tỷ đồng. Chiều ngược lại, SSI bị bán ròng mạnh nhất với 234 tỷ đồng, bỏ xa mã đứng sau là CMX với 36 tỷ đồng.
– Xét về nhóm ngành, cổ phiếu chứng khoán tiếp tục duy trì đà tăng giá rất tích cực khi phần lớn các mã cổ phiếu đều khởi sắc. Các mã lớn đầu ngành vẫn tăng tốt như HCM tăng 4,5%, VCI và SHS cùng tăng trên dưới 1,5%, VND tăng 5,1%, SSI tăng 3,1%.
– Đặc biệt, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng đang có những tín hiệu tích cực hơn. Bên cạnh dòng tiền tham gia sôi động giúp thanh khoản cải thiện, nhiều cổ phiếu trong ngành cũng hồi phục sắc xanh. Trong nhóm ngân hàng, đáng kể có MSB tăng 2,24%, LPB và HDB tăng hơn 1%, các mã VCB, BID, CTG, STB, TPB hầu hết tăng hơn 0,5%.
– Trong khi đó, một trong bộ 3 trụ cột còn lại là cổ phiếu thép vẫn chưa thấy tín hiệu hồi phục trở lại khi sắc đỏ vẫn chiếm chủ đạo. Ngoại trừ HPG nhích nhẹ khi tăng chưa tới 0,5%, các mã còn lại là HSG, NKG, SMC vẫn điều chỉnh nhẹ.
– Xu hướng thị trường vẫn có thể duy trì nhịp vận động tích cực khi dòng tiền đầu tư vẫn đang ủng hộ đà tăng của thị trường. Thị trường có thể sẽ duy trì đà tăng và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại ngưỡng kháng cự tâm lý 1.480-1.500 điểm trong những phiên tới. Tuy nhiên, diễn biến giao dịch ở nhóm VN30 có sự lưỡng lự và phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu cho thấy nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có thể sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh ngắn hạn.

4. Tin doanh nghiệp niêm yết

• TPB thông qua kế hoạch tăng vốn thêm 35%
– Mới đây nhất, cổ đông TPBank (mã: TPB) đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ đợt 2 năm 2021. Ngân hàng dự kiến phát hành hơn 410 triệu cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu, tương đương tỷ lệ phát 35%. Hội đồng quản trị đã thông qua triển khai phương án trên. Sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của TPBank sẽ từ 11.716 tỷ đồng lên hơn 15.817 tỷ đồng.
– Trước đó, trong quý III, TPBank đã tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng, nâng tổng số vốn điều lệ của ngân hàng lên hơn 11.716 tỷ đồng, thông qua hình thức chào bán cổ phiếu riêng lẻ.
– Về tình hình kinh doanh 9 tháng đầu năm 2021, ngân hàng thực hiện 75% kế hoạch lãi trước thuế cả năm, tương đương 4.350 tỷ đồng, cao hơn 43% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy riêng quý III, nhà băng lãi 1.344 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ.
– Tăng trưởng tín dụng 15%, được ngân hàng nhận định là mức khả quan so với bối cảnh nhiều trung tâm kinh tế lớn trên cả nước bị giãn cách xã hội kéo dài. Thu lãi thuần từ dịch vụ cũng tăng 30% đạt 1.052 tỷ đồng.
– Tính đến hết ngày 30/9, tổng tài sản ngân hàng ở mức 260.328 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm và vượt hơn 4% kế hoạch. Hệ số an toàn vốn là 13,43%, cao hơn so với mức tối thiểu 8% do Ngân hàng Nhà nước quy định. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,02%, giảm so với mức 1,1% cuối tháng 6. Và cùng với đó, mới đây nhất TPBank cũng đã công bố trở thành ngân hàng đầu tiên hoàn tất việc tuân thủ Hiệp ước Basel III. Bước ngoặt này sẽ giúp ngân hàng ngày càng nâng cao được vị thế và uy tín, nhờ vậy, có thể dễ dàng tiếp cận thị trường vốn quốc tế trong tương lai.

• MSB dự kiến ghi nhận 1.800 – 2.000 tỷ đồng lợi nhuận từ thương vụ thoái vốn FCCOM
– Chiều 5/11, Ngân hàng Hàng Hải (Mã: MSB) tổ chức buổi gặp gỡ chuyên viên phân tích và nhà đầu tư để chia sẻ kết quả kinh doanh 9 tháng và kế hoạch dài hạn, trong đó có nội dung về bán toàn bộ 100% vốn Công ty Tài chính FCCOM.
– Ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB cho biết ngân hàng đang tiếp xúc với 2-3 nhà đầu tư và đang tiến hành ký hợp đồng chuyển nhượng trong tháng 11/2021. Nếu đạt kỳ vọng và không có gì thay đổi, ngân hàng sẽ hoàn tất chuyển nhượng trong năm sau và ghi nhận lợi nhuận. Giá trị thương vụ ước tính không thấp hơn 100 triệu USD và MSB có thể thu về 1.800 – 2.000 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2022.
– Lãnh đạo MSB cho biết ngân hàng định hướng thoái vốn các công ty con và tập trung vào lĩnh vực chính, phát triển mảng bán lẻ, nhóm khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa, nhỏ (SME).
– Về tình hình kinh doanh, lãnh đạo ngân hàng cho biết lũy kế 10 tháng MSB đạt lợi nhuận trước thuế 4.600 tỷ đồng, vượt 40% kế hoạch cả năm. Tỷ lệ biên lãi ròng NIM được đạt 3,72%, cao hơn mức 3,35% của năm 2020 và 2,51% của 2019. Dự kiến ngân hàng sẽ cán mốc trên 5.000 tỷ lợi nhuận trước thuế cho cả năm 2021.
– Trong kế hoạch từ nay đến năm 2023, ngân hàng đặt mục tiêu duy trì tăng trưởng trung bình tín dụng 25-30%, tổng tài sản 17%/năm và huy động vốn 16%/năm, CASA hướng đến mốc 40.000 tỷ.

——–
Trung tâm Tư vấn đầu tư VNDIRECT
Hội tụ trí tuệ – Lan tỏa thành công
📅 Lịch phát sóng các chương trình của Trung tâm TVĐT:
Thứ 2, 15h: La Bàn Đầu tư – điểm lại tin tức vĩ mô & các kênh Tài sản trong tuần.
Thứ 4, 15h30: Tọa đàm đầu tư – cập nhật về Ngành, Mã có câu chuyện đầu tư, đáng chú ý- Chương trình dành riêng cho Khách hàng của VNDIRECT

Thứ 5, 15h30: Cổ phiếu 360 – Nhận định về một mã cổ phiếu ở 2 góc nhìn Tích cực & Tiêu cực
Thứ 7, 9h (2 tuần/ lần) : Đối thoại với PM – Mời Khách mời là PM hoặc các chuyên gia trong Ngành để trao đổi, thảo luận về quan điểm, chiến lược đầu tư.
————
Các chương trình của chúng tôi được phát sóng trên:
🌎 Website: https://www.vndirect.com.vn/
🌎 Fanpage Vndirect Securities Corporation : https://www.facebook.com/vndirect
📺 Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCWophLNUfFTJIUirKdD1q0Q
#Dcall