Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 08.07.2021 | PV Gas ước lãi quý II tăng 31%, mảng kinh doanh khí hóa lỏng khả quan

Nhận định Thị trường hàng ngày 08/07/2021    22924

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 08/07/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Hủy họp chính sách sản lượng dầu: Vết nứt trong OPEC+ và tác động đến thị trường
– Arab Saudi và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đang bất đồng về chính sách sản lượng, gây lo ngại về những bước đi tiếp theo của nhóm OPEC+, và tương lai của liên minh này khi thỏa thuận hạn chế nguồn cung hiện tại hết hạn vào tháng 4/2022.
– OPEC+ hạn chế nguồn cung kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày từ năm ngoái để hỗ trợ giá dầu trong bối cảnh lực cầu sụp đổ vì Covid-19. Tính đến tháng 7, mức hạn chế sản lượng đang là 5,8 triệu thùng/ngày.
– OPEC+ ngày 1/7 bắt đầu đàm phán về chính sách sản lượng, trên đà thông qua đề xuất nới lỏng nguồn cung thêm 400.000 thùng/ngày từ tháng 8 đến tháng 12 – đồng nghĩa đưa ra thị trường thêm 2 triệu thùng/ngày vào cuối năm. Đề xuất còn kêu gọi lùi thời điểm hết hạn thỏa thuận cắt giảm nguồn cung về tháng 12/2022.
– Ý định này bị xáo trộn sau khi UAE lên tiếng phản đối tại phiên họp của ủy ban giám sát OPEC+ cùng ngày. Ủy ban tiếp tục làm việc ngày 2/7 nhưng thế bế tắc chưa được giải quyết và một lần nữa lùi sang ngày 5/7.
– Không thể đạt thỏa thuận trong cuộc họp ngày 2/7, với UAE vẫn kêu gọi điều chỉnh đường sản lượng cơ sở của nước này, khiến thị trường thêm bất ổn. Cụ thể, UAE muốn nâng từ mức 3,2 triệu thùng/ngày trong năm 2020 lên 3,84 triệu thùng/ngày.
– Giới phân tích cho rằng OPEC+ có thể cần một vòng đàm phán cấp cao hơn giữa UAE và Arab Saudi. Helima Croft, giám đốc chiến lược hàng hóa toàn cầu tại RBC Capital Markets, dự báo vấn đề sẽ được giải quyết, “khả năng ở cấp cao nhất giữa Riyadh và Abu Dhabi” đồng thời cảnh báo kịch bản “không có thỏa thuận” vẫn có thể xảy ra. Jeff Currie, giám đốc hàng hóa toàn cầu tại Goldman Sachs, nhận định OPEC+ vẫn sẽ tìm cách nhượng bộ nhau, với khả năng cao là chấp nhận tăng cung từ tháng 8 đến tháng 12 nhưng không gia hạn thỏa thuận giảm sản lượng.
– Liên minh OPEC+, gồm OPEC và các đồng minh như Nga, ra quyết định trên nguyên tắc đồng thuận. Bất đồng lần này phản ánh khác biệt đang ngày càng tăng giữa Arab Saudi và UAE – hai đồng minh lớn trong khu vực, và có thể khiến cho giá dầu tiếp tục lập những kỷ lục về giá mới trong bối cảnh nhu cầu dầu trong năm 2021 đang lớn hơn bao giờ hết.

• Cước vận tải container từ châu Á tới Mỹ, châu Âu lại tăng vọt
– Giá cước vận chuyển container từ châu Á sang Mỹ và châu Âu đang tăng nhanh chưa từng thấy trong bối cảnh các chủ hàng chấp nhận giá cước cao hơn để được đặt chỗ với các hãng tàu. Tính đến ngày 01/07, cước vận chuyển container 40 feet tăng hơn gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái và tăng đến 53.3% kể từ tuần đầu tiên của tháng 5/2021, theo chỉ số của công ty Anh Drewry Shipping Consultants.
– Các chuyên gia vận tải biển nói rằng đà tăng của giá cước vận tải biển xuất phát từ tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng. Đây là yếu tố dẫn đến sự trì hoãn hoạt động ở các cảng và mạng lưới phân phối nội địa khi các công ty bán lẻ và nhà sản xuất ở phương Tây gấp rút bổ sung lượng hàng tồn đã cạn kiệt trong thời kỳ dịch bệnh.
– Đà tăng của giá cước vận tải biển kể từ mùa hè năm ngoái do nhu cầu của người tiêu dùng ở các nước phương Tây tăng mạnh nhờ chính phủ của họ nới lỏng lệnh phong tỏa.
– Cước vận tải biển tăng ngày càng mạnh ngay khi các sự kiện như tàu container Ever Given mắc cạn ở kênh đào Suez, tình trạng tắc ngẽn ở các cảng tại Nam California (Mỹ) và cảng Diêm Điền (Trung Quốc) buộc các con tàu phải lênh đênh trên biển trong nhiều ngày, nhiều tuần. Tình trạng này khiến đến nguồn cung container thiếu hụt nghiêm trọng.
– Các chuyên gia chuỗi cung ứng cho biết giá cước cao ngất ngưỡng khiến nhiều chủ hàng, nhất là những người cần vận chuyển các mặt hàng có giá trị thấp, phải đối mặt với sự lựa chọn: Họ phải trả giá cước cao hơn và sau đó chuyển chi phí tăng thêm này cho khách hàng của họ hoặc rút khỏi các thị trường nước ngoài.
– Ông Philip Damas-Giám đốc Tư vấn chuỗi cung ứng ở Drewry Shipping Consultants nói rằng mức báo giá cước của nhiều chuyến vận chuyển container đang cao hơn các chỉ số theo dõi cước vận chuyển container của Drewry, chỉ số Shanghai Containerized Freight Index, chỉ số Freightos Baltic Index. Điều này là do giá cước đặt chỗ mà các chỉ số này ghi nhận chỉ được cung cấp trong vòng một tuần trước khi tàu khởi hành. Trong bối cảnh các chủ hàng gấp rút tìm cách vận chuyển hàng, một số hãng tàu cũng ra giá cước cao hơn ngay khi tàu đang ở ga và khách hàng gây áp lực.
– “Năm ngoái, nhiều khách hàng đã trì hoãn vận chuyển hàng với hy vọng chi phí sẽ giảm xuống. Nhưng bây giờ, họ không còn làm thế nữa. Hầu hết dường như không quan tâm đến giá cả nữa”.
– Ông Damas cho biết ông kỳ vọng tình trạng căng thẳng của hoạt động vận tải container vẫn tiếp tục cho tới Tết Nguyên đán vào đầu năm 2022 – vốn là giai đoạn các nhà máy Trung Quốc thường đóng cửa.

2. Thông tin Việt Nam

• Ngân hàng dự báo tín dụng tăng 4,7% trong quý III và tăng 13% trong năm 2021
– Theo khảo sát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), huy động vốn toàn hệ thống ngân hàng được dự báo tăng bình quân 5,5% trong quý III và tăng 12% trong năm 2021, tương đương kỳ vọng kỳ điều tra tháng 3. Tuy nhiên, có 3/6 nhóm TCTD nâng dự báo tăng trưởng huy động vốn của năm 2021, trong khi 3 nhóm ngân hàng còn lại hạ dự báo.
– Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo tăng 4,7% trong quý III và 13% năm 2021, thấp hơn so với mức kỳ vọng 14,7%.
– Tính đến giữa tháng 6, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 3,96% so với cuối năm 2020 và tăng 14,27% so với cùng kỳ năm 2020. Tín dụng toàn nền kinh tế tăng 5,1% so với mức 2.26% cùng kỳ 2020.
– Tại thời điểm cuối năm 2020, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đã đạt hơn 9,192 triệu tỷ đồng. Như vậy, ước tính từ đầu năm đến nay, hệ thống TCTD đã bơm thêm hơn 460.000 tỷ đồng tín dụng ra nền kinh tế.
– Đại diện NHNN cũng cho biết đến ngày 31/5, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 257.602 khách hàng với dư nợ 336.663 tỷ đồng; miễn giảm, hạ lãi suất cho 676.690 khách hàng với dư nợ hơn 1,27 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay là hơn 3,5 triệu tỷ đồng.
– Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho 174.871 khách hàng với dư nợ hơn 4.300 tỷ đồng, cho vay mới đối với hơn 3 triệu khách hàng với tổng số tiền hơn 111.000 tỷ đồng để chia sẻ khó khăn với các khách hàng trong giai đoạn khó khăn vì COVID-19.
– Điều này cho thấy, các ngân hàng đều tự hạ kỳ vọng dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm nay do quan điểm thận trọng hơn trước tác động khó lường của dịch bệnh Covid-19 trong 6 tháng cuối năm. Mặc dù vậy, ngành ngân hàng vẫn là một trong những ngành kinh doanh khả quan nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát, và vẫn tiếp tục là ngành có triển vọng hàng đầu nền kinh tế Việt Nam.

• Thoái vốn Nhà nước được tái khởi động trong nửa cuối năm nhưng khó đột phá
– Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nhận định diễn biến thị trường chứng khoán hiện nay là thời điểm thích hợp cho việc thoái vốn nhà nước, cổ phần hóa, đông thời đã kiến nghị với Bộ Tài chính cần tranh thủ nguồn cầu dồi dào để thực hiện thoái vốn, cổ phần hóa tăng nguồn cung cho thị trường.
– Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong 6 tháng đầu năm mặc dù thị trường chứng khoán tăng trưởng nhưng hoạt động thoái vốn gần như đóng băng. Ông Lê Song Lai, Phó Tổng giám đốc SCIC cho biết việc phải chờ văn bản hướng dẫn Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ban hành 30/11/2020 khiến hoạt động thoái vốn của SCIC đứng lại từ đầu năm đến nay. Cụ thể, có 2 nội dung thuộc Nghị định phải hướng dẫn thi hành là việc xác định giá trị văn hóa, lịch sử của doanh nghiệp và quy chế bán đấu giá mẫu.
– Vào cuối tháng 6, Thủ tướng mới ban hành thông tư 36/2021/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp quy định tại Nghị định 91/2015, Nghị định 32/2018, Nghị định 121/2020 và Nghị định 140/2020, nhằm hướng dẫn xác định giá trị doanh nghiệp theo giá trị văn hóa, lịch sử. Thông tư có hiệu lực từ 10/7/2021, và lãnh đạo SCIC kỳ vọng dựa trên đó, tổng công ty có thể bắt đầu triển khai các thương vụ thoái vốn.
– SCIC đã công bố danh sách 88 doanh nghiệp dự kiến triển khai bán vốn năm 2021, với các phương án nổi bật như thoái 36% vốn tại Sabeco, 50,7% vốn tại Bảo Minh, 40,7% vốn Tổng công ty Licogi, 63,38% vốn Seaprodex, 36,3% vốn Vocarimex, 37% vốn Nhựa Tiền Phong, gần 6% vốn FPT, 53,5% vốn Vinatex.
– Mặc dù vậy, rất nhiều thương vụ thoái vốn được mong đợi như Petrolimex, VEAM, Viglacera, PV Oil… khó có thể thực hiện trong năm nay và nhiều khả năng dành tới 2022-2023. Các doanh nghiệp trên vẫn còn vướng mắc về kế hoạch bán vốn cụ thể, quyết toán cổ phần hóa các công ty con, sắp xếp, xử lý đất đai, hay kế hoạch cho tỷ lệ giữ lại phù hợp theo chỉ đạo của Chính phủ.

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Novaland lấy ý kiến cổ đông phát hành hơn 884 triệu cổ phiếu thưởng và trả cổ tức
– CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) vừa công bố tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc phát hành cổ phiếu thưởng đợt 2 năm nay và phương án trả cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu.
– Tỷ lệ tối đa phát hành cổ phiếu thưởng 29% và chia cổ tức 31%. Theo đó, Novaland dự kiến phát hành hơn 427,3 triệu cổ phiếu thưởng và gần 457 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020. Thời gian thực hiện các đợt phát hành dự kiến trong năm 2021.
– Novaland đã phát hành 385,9 triệu cổ phiếu thưởng đợt 1 cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 35,68%. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phát hành gần 6 triệu cổ phiếu phổ thông để chuyển đổi 57,7 trái phiếu cho trái chủ là HSBC.
– Sau hai đợt phát hành sắp tới này, vốn điều lệ dự kiến tăng từ 14.736 tỷ đồng lên gần 23.578 tỷ đồng.
– Năm nay, Novaland đặt kế hoạch doanh thu hơn 27.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 4.100 tỷ đồng. Tập đoàn dự kiến sẽ thực hiện vượt con số này dựa vào kết quả bán hàng và bàn giao sản phẩm cũng như chuyển nhượng dự án cho các nhà đầu tư khác. Trong Quý I, doanh nghiệp đã đạt được 4.507 tỷ đồng doanh thu và hơn 701 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương đương 17% mục tiêu cả năm.

• PV Gas ước lãi quý II tăng 31%, mảng kinh doanh khí hóa lỏng khả quan
– Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) thông báo tổng doanh thu 6 tháng đầu năm ước đạt 37.487 tỷ đồng, vượt 6% kế hoạch 6 tháng và tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 5.401 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.302 tỷ đồng, cùng vượt 20% kế hoạch 6 tháng và tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.
– Như vậy, riêng quý II, tổng công ty ghi nhận doanh thu khoảng 19.900 tỷ đồng, tăng 28%; lãi sau thuế 2.245 tỷ đồng, tăng 31%. Đây là quý đầu tiên PV Gas ghi nhận tăng trưởng từ khi dịch Covid-19 bùng phát.
– Doanh nghiệp cho biết 6 tháng đầu năm 2021 giá dầu, giá chi phí LPG (khí hóa lỏng) biến động mạnh và tăng cao hơn kế hoạch. Nhu cầu huy động khí của khách hàng thiếu ổn định, ở mức thấp so với kế hoạch và cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, huy động khí cho sản xuất điện trong nửa đầu năm 2021 rất thấp, chỉ đạt khoảng 79% kế hoạch.
– 6 tháng đầu năm, PV Gas tiếp nhận 4,2 tỷ m3 khí ẩm, sản xuất và cung cấp 4 tỷ m3 khí. Sản xuất và cung cấp 29.900 tấn condensate. Sản lượng khí tiếp nhận, sản xuất/cung cấp khí khô, condensate không đạt so với kế hoạch do nhu cầu huy động khí cho sản xuất điện thấp và sự cố từ thượng nguồn.
– Tuy nhiên, sản lượng LPG của PV Gas vượt kế hoạch. Tổng công ty đã sản xuất và cung cấp 1 triệu tấn LPG, vượt 28% kế hoạch 6 tháng và tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm khoảng 70% thị phần bán buôn và khoảng 11% thị phần bán lẻ toàn quốc (không bao gồm Gas South).
– Về công tác đầu tư, dự án kho chứa LNG 1 MMTPA tại Thị Vải đang vượt tiến độ kế hoạch. Tổng giá trị giải ngân cho công tác đầu tư xây dựng 6 tháng đầu năm toàn PV Gas đạt 3.327,8 tỷ đồng. Trong đó, công ty mẹ giải ngân 2.939,8 tỷ đồng. Nếu không tính dự án đường ống khi Lô B-Ô Môn (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang điều hành) thì kết quả giải ngân của công ty mẹ vượt 36% kế hoạch 6 tháng.
– Ban lãnh đạo xác định sẽ có nhiều khó khăn và thuận lợi đan xen trong 6 tháng cuối năm, khi dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, trong khi giá dầu và chi phí LPG tiếp tục biến động mạnh và dự kiến cao hơn giá kế hoạch. Cùng với tin tức OPEC+ chưa thể đạt được thỏa thuận về sản lượng dầu dẫn đến giá dầu tiếp tục tăng, PV Gas dự kiến vẫn sẽ ghi nhận tăng trưởng trong năm 2021.


Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

———–

Quý Nhà đầu tư vui lòng dành 3 phút tham gia Khảo sát Đánh giá và đóng góp ý tưởng hoàn thiện Bản tin Nhận định thị trường DCALL: TẠI ĐÂY 

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: https://hubs.li/H0RgXR90
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0