Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 08.04.2021 – Mỹ kêu gọi thiết lập mức thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu

Nhận định Thị trường hàng ngày 08/04/2021    3881

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 08/04/2021

1. Tin vĩ mô thế giới

Mỹ kêu gọi thiết lập mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu

– Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen khẳng định sẽ phối hợp với Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) để thống nhất mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu.Tại một sự kiện trực tuyến do Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu tổ chức hôm 5/4, Bộ trưởng Yellen nhấn mạnh chính quyền Tổng thống Joe Biden muốn chấm dứt “cuộc đua xuống đáy” về thuế doanh nghiệp đã kéo dài 30 năm qua.
– Bà Yellen cho rằng điều quan trọng là phải đảm bảo các chính phủ “có hệ thống thuế ổn định nhằm cân đối nguồn thu cho hàng hóa công thiết yếu và ứng phó với các cuộc khủng hoảng, đồng thời đảm bảo gánh nặng tài chính của chính phủ được san sẻ công bằng tới mọi công dân”. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass cho biết các quan chức tài chính nhóm G20 sẽ thảo luận các vấn đề liên quan đến thuế toàn cầu tại cuộc họp ngày 7/4. “Thuế đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển, và điều quan trọng là thế giới phải tìm được hướng đi đúng”, Chủ tịch WB nhấn mạnh trên kênh truyền hình CNBC.
– Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết, tại các cuộc họp của Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) trong tuần này, bà sẽ đem các vấn đề biến đổi khí hậu và khả năng tiếp cận vắc xin của các quốc gia nghèo ra thảo luận, đồng thời kêu gọi các nước tích cực hơn trong việc thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu hồi phục hậu Covid-19

Trung Quốc đối mặt với rủi ro khi dòng vốn nước ngoài tăng mạnh

– Trong năm 2020, những nỗ lực của Trung Quốc trong việc thu hút các quỹ đầu tư nước ngoài đã được đền đáp. Các nhà đầu tư từ New York đến London đã mua cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc, góp phần củng cố vị thế của Trung Quốc trên trường tài chính toàn cầu.Trước sự sụp đổ của nền kinh tế toàn cầu và với gói kích thích chưa từng có từ các Ngân hàng Trung ương, khả năng phục hồi của Trung Quốc hậu đại dịch và các tài sản có lợi suất cao hơn của Trung Quốc trở nên hấp dẫn. Tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu Trung Quốc của nhà đầu tư nước ngoài tính tới thời điểm hiện tại đã tăng 62% so với năm 2020 lên 3,4 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 520 tỷ USD), tỷ lệ nắm giữ trái phiếu Trung Quốc ở nước ngoài cũng tăng 47% lên mức 3,3 nghìn tỷ USD.
– Tuy nhiên, làn sóng này hiện đang khiến chính quyền Trung Quốc phải đau đầu. Trung Quốc từ lâu đã cho rằng có nhiều rủi ro do dòng vốn gây ra, đặc biệt là sau đợt phá giá tiền tệ vào năm 2015. Đó là lý do tại sao các nhà chức trách duy trì kiểm soát chặt chẽ dòng vốn ra vào vì quy mô của dòng vốn đổ vào khiến Trung Quốc có nguy cơ bong bóng tài sản và bong bóng sẽ vỡ khi tiền chảy ngược ra ngoài.Paola Subacchi, giáo sư Kinh tế Quốc tế tại Đại học Queen Mary cho biết: “Thời điểm nhu cầu dòng vốn trở nên quá lớn để quản lý và bắt đầu gây áp lực cho sự ổn định tài chính hoặc tạo ra mối đe dọa cũng như rủi ro đối với sự ổn định tài chính thì dòng vốn sẽ bị hạn chế”. Theo Bloomberg, sự hiện diện của nước ngoài trên các thị trường vốn hiện đại của Trung Quốc chưa bao giờ lớn như hiện nay. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã tìm ra các kênh để thu hút dòng vốn vào thông qua mở các liên kết giao dịch cổ phiếu và trái phiếu qua Hồng Kông và thúc đẩy việc đưa tài sản bằng đồng nhân dân tệ vào các tiêu chuẩn chính trên toàn cầu.
– Theo Bloomerg, các biện pháp kích thích để đối phó với đại dịch Covid theo một cách nào đó đã khiến Trung Quốc trở thành nạn nhân của chính thành công của mình. Điều này được minh họa bởi một báo cáo tháng 11/2020 do Hội đồng Tư vấn châu Á của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế biên soạn về xem xét tác động của dòng vốn. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), một trong 12 Ngân hàng Trung ương trong nhóm công tác đã lưu ý rằng: “Biến động tỷ giá hối đoái mạnh và dòng vốn lớn sẽ đe dọa sự ổn định tài chính và gây ra những hậu quả kinh tế thực tiêu cực”. Sau dòng vốn khổng lồ của năm ngoái, những lo ngại đó hiện đang bắt đầu xuất hiện tại các thị trường tài chính nội địa của Trung Quốc. Kỳ vọng về sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ đã bắt đầu thúc đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc cao hơn. Chỉ số CSI 300 của chứng khoán Trung Quốc đã giảm hơn 10% so với mức cao của năm nay.

2. Tin tức Việt Nam

Lo ngại đầu tư ‘núp bóng’ trong ngành xuất khẩu gỗ

– Dù chỉ chiếm 18% trong tổng số doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lại đang nắm đến 51% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam. Sự vượt trội của các doanh nghiệp FDI so với doanh nghiệp nội cũng kéo theo những lo ngại về việc mặt hàng chế biến gỗ có rủi ro về lẩn tránh thuế nhập khẩu từ Mỹ bởi tình trạng đầu tư chui, núp bóng, đặc biệt sau thương chiến Mỹ – Trung. Bất chấp các tác động tiêu cực của dịch bệnh do Covid-19, hoạt động xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam vẫn ghi nhận kim ngạch tăng hơn 16% so cùng kỳ năm 2019 và vượt 5,4% kế hoạch năm 2020.
– Đáng chú ý, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tiếp tục tăng cao, ước đạt tổng kim ngạch 3,69 tỉ đô la Mỹ, tăng đến 41,5% so với cùng kỳ năm trước. Điều này có thể thấy qua việc một số khách hàng đã dịch chuyển đơn hàng từ các quốc gia bị ảnh hưởng nặng do dịch Covid-19 sang Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp cũng chia sẻ những căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ – Trung khiến các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ gặp khó khăn, trong đó có các sản phẩm đồ gỗ. Trong khi đó, ngành gỗ Việt Nam dần tạo được lợi thế khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Nhiều doanh nghiệp trong ngành chia sẻ rằng đơn hàng từ thị trường Mỹ gia tăng vào những tháng cuối cùng của năm 2020 và các tháng đầu năm nay. Bên cạnh những tín hiệu tích cực từ thị trường Mỹ, có không ít ý kiến lo ngại ngành gỗ Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư “núp bóng” của một số nhà đầu tư ngoại, dẫn đến nhiều rủi ro thương mại.

Doanh nghiệp Việt ‘hái quả ngọt’ M&A nhờ số hoá

– Điều gì khiến tập đoàn Hàn Quốc SK Group đầu tư 410 triệu USD để nắm giữ 16,26% cổ phần VinCommerce? Ngoài tiềm năng lớn của mảng bán lẻ tích hợp online – offline (O2O) thì việc áp dụng số hoá của doanh nghiệp Việt được cho là mang lại sức hút với khối ngoại trong hoạt động mua bán sáp nhập (M&A). Việc tập đoàn Hàn Quốc SK Group đầu tư 410 triệu USD để nắm giữ 16,26% cổ phần của nhà bán lẻ VinCommerce (VCM) đã được CTCP Tập đoàn Masan (doanh nghiệp nắm quyền kiểm soát tại VCM) chính thức công bố vào ngày 6/4.
– Nói về lý do rót vốn đầu tư vào nhà bán lẻ này, ông Woncheol Park, Giám đốc đại diện của SK South East Asia Investment (công ty thành viên của SK Group), cho biết vô cùng tin tưởng vào tiềm năng to lớn của ngành bán lẻ tích hợp O2O, từ trực tuyến (online) đến ngoại tuyến (offline) tại Việt Nam.Thông qua thương vụ này, VCM được định giá 2,5 tỷ USD cho 100% vốn chủ sở hữu. Trong chiến lược phát triển mảng bán lẻ của mình, nhà bán lẻ VinCommerce đặt mục tiêu 5 năm tới sẽ mở rộng hệ thống lên hơn 300 siêu thị VinMart, gần 10.000 cửa hàng VinMart+, phủ sóng 63 tỉnh, thành.Theo ông Park, VCM sẽ là một thành tố quan trọng thúc đẩy hiện đại hóa ngành bán lẻ, sẽ trở thành nhà bán lẻ tích hợp O2O hàng đầu Việt Nam trong tương lai.
– Còn hiện tại, thương hiệu bán lẻ này có gần 2.300 cửa hàng tiện ích và siêu thị dưới tên VinMart. Và một thế mạnh của họ để hấp dẫn nhà đầu tư ngoại chính là áp dụng số hoá trong quản lý vận hành và kết hợp mô hình O2O retail (online to offline). Giới phân tích nhận định việc áp dụng số hoá kết hợp mô hình bán lẻ tích hợp O2O sẽ thay đổi cục diện bán lẻ tại Việt Nam trong vài năm tới và quá trình này sẽ được đẩy nhanh bởi đại dịch Covid-19.

3. Các kênh tài sản đầu tư

Đồng USD leo thang, nỗi lo của các thị trường mới nổi

– Đồng USD mạnh lên, kéo theo sự mất giá của đồng tiền nhiều nước mới nổi, sẽ là tin xấu đối với các nền kinh tế này. Ước tính đồng USD mạnh lên 1% có thể làm giảm triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi khoảng 0,3%… Gần 60% các nhà phân tích trong cuộc khảo sát của Reuters dự báo đồng tiền của nhiều nền kinh tế mới nổi sẽ suy yếu trong 3 tháng tới.
– Còn theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), đồng USD mạnh lên, kéo theo sự mất giá của đồng tiền nhiều nước mới nổi, sẽ là tin xấu đối với các nền kinh tế này. Các chuyên gia của BIS nói rằng đồng USD mạnh lên 1% có thể làm giảm triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi khoảng 0,3%. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cho rằng không phải quốc gia nào cũng hưởng lợi khi đồng USD mạnh. Dù tốc độ tăng trưởng nhanh của Mỹ góp phần hỗ trợ mức tăng trưởng của các thị trường mới nổi, nhưng theo IMF, đồng USD mạnh lên sẽ kìm hãm đáng kể xu hướng đó.
– Những hàng hóa được định giá quốc tế bằng đồng USD sẽ bị đẩy giá lên khi tính theo đồng tiền khác, dẫn đến thu nhập thực tế thấp hơn và nhu cầu ở các thị trường mới nổi giảm đi. Bên cạnh đó, sự phụ thuộc vào hệ thống thanh toán thương mại quốc tế bằng đồng USD cũng như tính ưu việt của đồng USD trong hệ thống tài chính toàn cầu sẽ biến các thị trường mới nổi thành nơi dễ bị ảnh hưởng nhất khi tỷ giá hối đoái thay đổi. Ngoài ra, khối nợ bằng đồng USD ở những nền kinh tế mới nổi phình to hơn, làm tăng nguy cơ gây ra khủng hoảng nợ. Rủi ro khủng hoảng nợ tiềm ẩn như vậy có thể kéo theo nguy cơ đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đồng thời tác động ngược trở lại Mỹ.

———–

DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư

Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn

Lich Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3 và Thứ 5

Tìm hiểu thêm và đăng ký: http://bit.ly/tuvandautu_DGO

Lịch Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần

Tìm hiểu thêm và đăng ký: http://bit.ly/dangky_khoaDGO

————

Hãy cùng đón chờ các Cập nhật của chúng tôi vào mỗi buổi sáng 8h hàng ngày trên Website: https://www.vndirect.com.vn/

Soundclound: https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCVCzjWFSb9iP7iK_VBTS3vQ