Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 07.01.2022 | Áp lực chuỗi cung ứng toàn cầu có thể đã đạt đỉnh

Nhận định Thị trường hàng ngày 07/01/2022    92678

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 07/01/2022

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Áp lực chuỗi cung ứng toàn cầu có thể đã đạt đỉnh
– Cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng, bắt nguồn từ irình trạng gián đoạn dòng chảy hàng hóa và đẩy lạm phát tăng cao, có thể đã vượt qua giai đoạn xấu nhất.
– Chỉ số Áp lực Chuỗi cung ứng Toàn cầu (GSCPI) thống kê những giai đoạn chuỗi cung ứng bị đứt gãy kể từ năm 1997. Chỉ số này trong nhiều năm chỉ dao động quanh ngưỡng trung bình. Sự gia tăng áp lực chuỗi cung ứng trong thời gian đại dịch khiến cho chỉ số này ghi nhận mức tăng cao nhất trong lịch sử, vượt qua cả giai đoạn năm 2011 khi thảm họa động đất-sóng thần gây ra thiệt hại vô cùng lớn đối với hoạt động sản xuất tại Nhật Bản hay lũ lụt tại Thái Lan ảnh hưởng tới khả năng cung ứng các sản phẩm xe hơi và đồ điện tử của thế giới, theo các chuyên gia nghiên cứu từ Fed.
– “GSCPI gia tăng lên kể từ khi đại dịch bắt đầu lây lan mạnh, thời điểm Trung Quốc cho áp dụng các biện pháp phong tỏa”, các chuyên gia bổ sung. “Chỉ số này có thời điểm giảm xuống khi các hoạt động sản xuất của thế giới, chủ yếu là tại Trung Quốc, phục hồi trong mùa hè năm 2020, nhưng sau đó lại tăng mạnh khi mùa đông tới, cũng như trong giai đoạn nền kinh tế thế giới rục rịch phục hồi”.
– GSCPI cho thấy áp lực chuỗi cung ứng toàn cầu đang có độ lệch chuẩn khoảng 4,5 so với bình thường, nghiêm trọng nhất kể từ năm 1997, nhưng tình hình đang dần cải thiện.

• Fed dự kiến bắt đầu nâng lãi suất vào tháng 3 năm nay
– Trong biên bản cuộc họp tháng 12, Cục Dữ trữ Liên bang (Fed) cho biết do nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng mạnh lên và lạm phát tăng, NHTW có thể sẽ nâng lãi suất sớm hơn dự kiến. Ngoài ra, một số nhà hoạch định chính sách cũng ủng hộ việc Fed bắt đầu thu hẹp bảng cân đối kế toán ngay sau đó.
– FOMC thông báo họ sẽ giảm quy mô chương trình mua trái phiếu với tốc độ nhanh hơn so với thông báo ở cuộc họp trước đó vào đầu tháng 11, vì rủi ro lạm phát. Với lịch trình thắt chặt chính sách mới, Fed có khả năng kết thúc kế hoạch mua trái phiếu vào tháng 3.
– Chủ tịch Jerome Powell cho biết những thay đổi trong động thái của NHTW được đưa ra sau số liệu lạm phát gần đây. Theo Bộ Lao động Mỹ, giá tiêu dùng đã tăng 6,8% trong 12 tháng tính đến tháng 11, tốc độ nhanh nhất trong gần 4 thập kỷ.
– Giới chức Fed đã nhận được một bản tóm tắt từ các thành viên về việc thu hẹp bảng cân đối kế toán 8,8 nghìn tỷ USD. Trong lần nâng lãi suất gần đây nhất vào những năm 2010, Fed đã đợi gần 2 năm sau đó mới bắt đầu thực hiện động thái trên.
– Ở lần này, các quan chức đánh giá rằng thời điểm thích hợp để thu hẹp bảng cân đối kế toán có thể gần với việc nâng lãi suất hơn so với trước đây. Ngoài ra, một số ý kiến nhận định rằng thu hẹp bảng cân đối kế toán có thể phù hợp với quá trình bình thường hoá.
– Trước những hành động thắt chặt của FED, thị trường chứng khoán trong ngắn hạn sẽ chịu tác động tiêu cực. Tuy nhiên, đây dường như là kịch bản đã được dự báo trước, với nền kinh tế vĩ mô ổn định và dư địa tăng trưởng lợi nhuận tốt, thì về dài hạn không phải là vấn đề đáng lo ngại.

2. Thông tin Việt Nam

• Ngân sách nhà nước năm 2021 vẫn bội thu gần 220.000 tỷ đồng
– Năm 2021, thu ngân sách nhà nước năm 2021 ước đạt 1.563,3 nghìn tỷ đồng, bằng 116,4% (vượt 219.900 tỷ đồng) dự toán, tăng 3,7% so với thực hiện năm 2020. Trong đó, chủ yếu tăng thu từ dầu thô, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu và thu tiền sử dụng đất; thu thuế, phí nội địa từ hoạt động sản xuất – kinh doanh (vượt 14,5% dự toán, tăng 11,3% so với thực hiện năm 2020); tỷ lệ động viên vào NSNN đạt 18,6% GDP (vượt mục tiêu 15,5% GDP). Thu ngân sách Trung ương (NSTW) ước đạt 106,7% dự toán; thu ngân sách địa phương (NSĐP), ước đạt 128,2% dự toán. Riêng tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển chậm hơn năm trước, ước đến hết 31/12/2021 đạt 74,7% dự toán Quốc hội quyết định, đạt 77,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (năm 2020 đạt 82,66%).
– Trong năm 2021, Bộ Tài chính đã kiểm soát nợ công và tiếp tục tái cơ cấu nợ công. Đến cuối năm 2021, nợ công khoảng 43,7% GDP, nợ Chính phủ khoảng 39,5% GDP, dư nợ vay nước ngoài quốc gia khoảng 39% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ dưới 23% tổng thu NSNN, trong phạm vi giới hạn an toàn cho phép. Cùng với đó, năm 2021, Bộ Tài chính tăng cường quản lý giá cả, thị trường phù hợp với tình hình thực tế, giúp giá cả thị trường được giữ ổn định với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm 2021 chỉ tăng 1,84%, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra năm 2021.
– Về phát triển thị trường chứng khoán, thị trường tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2021. Đến hết ngày 31/12/2021, chỉ số VN-Index đạt 1.498,28 điểm, tăng 35,7% so với cuối năm 2020, quy mô vốn hóa cổ phiếu trên thị trường đạt khoảng 7.729 nghìn tỷ đồng (trên 92% GDP ước thực hiện năm 2021), tăng 46% so với cuối năm 2020. Thị trường bảo hiểm tiếp tục tăng trưởng tốt, tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2021 ước đạt 214,9 nghìn tỷ đồng, tăng 15,59% so với cùng kỳ năm 2020; tổng tài sản đạt 710 nghìn tỷ đồng, tăng 23,86%; đầu tư trở lại nền kinh tế đạt 577,1 nghìn tỷ đồng, tăng 22,24%.
– Năm 2022, Bộ Tài chính dự toán thu 1.411,7 nghìn tỷ đồng; thu nội địa chiếm 83,35%; thu dầu thô chiếm 2%; thu cân đối từ xuất nhập khẩu chiếm 14,1%; thu viện trợ chiếm 0,55%. Chi NSNN dự toán năm 2022 là 1.784,6 nghìn tỷ đồng. Bội chi NSNN 4% GDP.
– Mặc dù 2021 trải qua rất nhiều thách thực về dịch bệnh nhưng các cơ quan điều hành chính sách đã cho thấy sự linh hoạt, chủ động và tạo ra kết quả khá khả quan. Năm 2022, khi dịch bệnh qua đi, chúng tôi đánh giá kết quả này còn tích cực hơn nữa.

• Mỗi ngày có gần 4.000 lao động mất việc
– Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đặc biệt là làn sóng lần thứ 4, tình hình lao động việc làm năm vừa qua gặp nhiều khó khăn hơn so với 2020. Lực lượng lao động, số người có việc làm đều giảm; tỷ lệ thiếu việc làm và thất nghiệp đều tăng so với năm trước.
– Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm năm 2021 là 49 triệu người, giảm 1 triệu người so với năm 2020. Trong đó, giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn và ở nam giới. Trong năm vừa qua, số lao động có việc làm chính thức và phi chính thức đều giảm. Số lao động có việc làm phi chính thức là 19,8 triệu người, giảm 628.000 người, mức giảm này cao hơn so với mức giảm ở lao động có việc làm chính thức. Số lao động có việc làm chính thức là 15,4 triệu người, giảm 469.800 người so với năm 2020.
– Cũng theo Tổng cục Thống kê, số lượng người thiếu việc làm trong độ tuổi năm 2021 là hơn 1,4 triệu người, tăng 370.800 người so với năm 2020. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 3,1%, tăng 0,71 điểm phần trăm so với năm trước. Tỷ lệ này ở khu vực thành thị là cao hơn so với khu vực nông thôn.
– Năm vừa qua, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là hơn 1,4 triệu người, tăng 203.700 người so với năm trước. Mỗi tháng có hơn 116.000 lao động bị mất việc, tương đương mỗi ngày có hơn 3.888 người không có việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là hơn 3,2%, tăng 0,54 điểm phần trăm so với năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị cao hơn so với khu vực nông thôn. Năm 2021 cũng ghi nhận, thu nhập bình quân theo tháng của người lao động bị giảm 32.000 đồng, đạt 5,7 triệu đồng.
– Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng khi giãn cách xã hội, người lao động không có việc làm, không đủ chi phí sinh hoạt, về quê hương sinh sống. Ngược lại, doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề do thiếu hụt lao động, không hoàn thành mục tiêu kinh doanh. Năm 2022 khi dịch bệnh qua đi, thích ứng với trạng thái “bình thường mới”, các doanh nghiệp hoạt động trở lại 100% công suất sẽ khắc phục và tạo điều kiện công ăn việc làm đầy đủ cho người lao động.

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Lợi nhuận công ty mẹ Becamex quý IV đạt 478 tỷ đồng, tăng 57%
– Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC, HoSE: BCM) công bố Nghị quyết HĐQT thông qua kết quả kinh doanh năm 2021 của công ty mẹ gồm doanh thu 6.500 tỷ đồng, thực hiện 97% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế 1.128 tỷ đồng, vượt 1% kế hoạch năm. So với năm 2020, doanh thu gấp đôi và lợi nhuận tăng 60%.
– 9 tháng, công ty mẹ Becamex báo cáo doanh thu đạt 3.104 tỷ đồng, tăng 74%; lãi sau thuế 650 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, riêng quý IV, doanh thu công ty mẹ đạt 3.400 tỷ đồng và lợi nhuận 478 tỷ đồng, lần lượt gấp 2,6 và tăng 57% so với quý IV/2020.
– Vào đầu tháng 12, Becamex công bố việc hợp tác phát triển dự án 18,9 ha nằm trong khu đô thị mới thuộc Khu liên hợp Công nghiệp – Dịch vụ – Đô thị Bình Dương. Tổng giá trị hợp đồng 242,2 triệu USD (đã bao gồm thuế GTGT, không bao gồm lệ phí trước bạ), tương đương khoảng 5.500 tỷ đồng.
– Với năm 2022, tổng công ty lên kế hoạch tổng doanh thu công ty mẹ 6.814 tỷ đồng, tăng trưởng 5% và lợi nhuận sau thuế 1.381 tỷ đồng, tăng 22%. Tỷ lệ cổ tức tăng từ 6% lên 7%.

• Dabaco (DBC): Lên kế hoạch lợi nhuận năm 2022 vào mức 918 tỷ đồng, chia thưởng cổ phiếu 1:1
– Tập đoàn Dabaco (DBC) vừa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2022 với doanh thu 22.559 tỷ đồng, LNST dự thu về hơn 918 tỷ đồng.
– Theo DBC, năm 2022 được dự báo tiếp tục là một năm đầy thách thức của nền kinh tế khi dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của các biến thể mới; chuỗi cung ứng – sản xuất – chế biến – tiêu thụ đứt gãy; dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tiếp tục diễn biến phức tạp. Dịch tả lợn Châu Phi tái bùng phát trên nhiều tỉnh, thành cả nước ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tổ chức nuôi tái đàn. Dữ liệu của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) cho hay trên 40 quốc gia ở châu Âu, châu Á và châu Phi đã ghi nhận các đợt bùng phát cúm gia cầm lớn kể từ tháng 5 đến nay. Các ổ dịch cúm gia cầm trong nước có dấu hiệu bùng phát trở lại tại nhiều địa phương và có có chiều hướng lây lan ra diện rộng.
– Bản kế hoạch SXKD năm 2022 được xây dựng trên cơ sở đánh giá thận trọng mọi yếu tố liên quan. HĐQT cũng nhất trí xin ý kiến cổ đông thông qua việc chia thưởng cổ phiếu tỉ lệ 1:1 cho cổ đông hiện hữu. Song song, Công ty sẽ phát triển mảng chăn nuôi lợn tại các tỉnh phía Nam và nhất trí giao cho Tổng Giám đốc và Ban điều hành tìm kiếm đối tác phù hợp để triển khai phát triển đàn lợn thịt đạt mục tiêu 1 triệu con thường xuyên tại các tỉnh phía Nam vào năm 2028.

4. Nhịp đập thị trường chứng khoán

– Mở cửa phiên giao dịch ngày 06/01/2021, VN-Index giảm nhẹ gần 4 điểm. Sắc xanh nhanh chóng trở lại với chỉ số và giao dịch giằng co ngay trên mức giá tham chiếu trong phần lớn thời gian của phiên sáng. Sau đó, sự sôi động của nhóm cổ phiếu bất động sản đã kéo VN-Index nới rộng thêm sắc xanh của mình trước khi bước vào giờ nghỉ. Nửa đầu phiên chiều, VN-Index vẫn giữ được tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, áp lực bán mạnh tăng dần đã khiến chỉ số thu hẹp đà tăng và giảm về gần mức giá tham chiếu trước khi hồi phục nhẹ trở lại ở phiên ATC. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 6.07 điểm, đạt mức 1,528.57 điểm.
– Về mức độ ảnh hưởng, VIC, VHM, VRE và BCM là những mã có tác động tích cực nhất đến VN-Index. Riêng VIC đã góp gần 5 điểm tăng của chỉ số này. Trong khi đó, MSN, CTG và HPG là những mã có tác động tiêu cực nhất.
– Nhóm bất động sản đồng loạt nổi sóng trên diện rộng trong phiên giao dịch ngày 06/01/2021. Nhiều mã cùng bật tăng hết biên độ trong phiên như VRE, BCM, KSF, DXG, ITA, L14… Ông lớn VIC cũng có cho mình mức tăng tốt khi leo dốc 4.5%. Một số cổ phiếu khác như KBC, TCH, LDG cũng cùng hiện sắc xanh tích cực.
– Trong nhóm cổ phiếu xây dựng, CTD và HTN giao dịch ấn tượng và kết phiên với mức giá trần. Các cổ phiếu khác như HBC, CII, ROS cùng tăng mạnh trên 2%. Ở chiều ngược lại PC1 giảm 2.32%, REE giảm 1.55%, VCG và LGC cùng giảm giá nhẹ xuống dưới mức tham chiếu.
– Về giao dịch khối ngoại, riêng sàn HoSE, khối ngoại tiếp tục bán ròng 270 tỷ đồng, tăng 4% so với phiên trước, tương ứng khối lượng 4,3 triệu cổ phiếu.
– VN-Index thận trọng khi trở lại vùng cao trong phiên trước và lùi bước nhẹ vào cuối phiên. Thanh khoản tăng so với phiên trước cho thấy áp lực bán vẫn đang chốt lời. Tuy nhiên, nến giao dịch của chỉ số vẫn là nến xanh nên nhìn chung dòng tiền đang nỗ lực hỗ trợ. Dự kiến, VN-Index tiếp tục tranh chấp trong phiên giao dịch tiếp theo nhưng xu hướng ủng hộ đà tăng vẫn còn. Nhà đầu tư cần nên tránh mua đuổi, tiếp tục quan sát và thận trọng hơn nếu như thị trường có những phiên chạy nước rút trong thời gian tới.

——–
Trung tâm Tư vấn đầu tư VNDIRECT
Hội tụ trí tuệ – Lan tỏa thành công
📅 Lịch phát sóng các chương trình của Trung tâm TVĐT:
Thứ 2, 15h: La Bàn Đầu tư – điểm lại tin tức vĩ mô & các kênh Tài sản trong tuần.
Thứ 4, 15h30: Tọa đàm đầu tư – cập nhật về Ngành, Mã có câu chuyện đầu tư, đáng chú ý- Chương trình dành riêng cho Khách hàng của VNDIRECT

Thứ 5, 15h30: Cổ phiếu 360 – Nhận định về một mã cổ phiếu ở 2 góc nhìn Tích cực & Tiêu cực
Thứ 7, 9h (2 tuần/ lần) : Đối thoại với PM – Mời Khách mời là PM hoặc các chuyên gia trong Ngành để trao đổi, thảo luận về quan điểm, chiến lược đầu tư.
————
Các chương trình của chúng tôi được phát sóng trên:
🌎 Website: https://www.vndirect.com.vn/
🌎 Fanpage Vndirect Securities Corporation : https://www.facebook.com/vndirect
📺 Youtube: https://www.youtube.com/vndirectdinsightsbantronchuyengia
#Dcall