Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 06.05.2022 – Mỹ: Fed tăng lãi suất với mức cao nhất trong hơn 20 năm qua

Nhận định Thị trường hàng ngày 06/05/2022    46047

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 06/05/2022

1. Thông tin vĩ mô

• Thâm hụt thương mại Mỹ lên mức cao kỷ lục
– Số liệu công bố ngày 4/5/2022 của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy thâm hụt thương mại Mỹ tăng 22,3% lên mức 109,8 tỷ USD trong tháng 3, với nhập khẩu tăng mạnh.
– Nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ Mỹ tăng 10,3% lên mức 351,5 tỷ USD, trong khi xuất khẩu chỉ tăng 5,6% lên 241,7 tỷ USD.
– Trong tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ báo cáo thâm hụt thương mại kỷ lục khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Mỹ giảm 3,2 điểm % trong quý 1/2022. Theo đó, sau quý 4/2021 tăng trưởng mạnh 6,9% thì đến quý 1/2022, GDP của Mỹ giảm 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Quý 1 năm 2022 là quý 7 liên tiếp GDP của Mỹ sụt giảm do thâm hụt thương mại.
– Nhà Trắng cho biết trong chiều 4/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có bài phát biểu với trọng tâm về các nỗ lực nhằm giảm thâm hụt ngân sách quốc gia. Ước tính mới của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy thâm hụt sẽ thu hẹp hơn 1.500 tỷ USD trong năm 2022, là mức giảm cao nhất từ trước đến nay.
– Việc thâm hụt thương mại Mỹ tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 3/2022 có thể do các nhà sản xuất trong nước không thể đáp ứng nhu cầu tăng vọt do nguồn lực hạn chế cũng như việc đứt quãng chuỗi cung ứng. Điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế trong quý 1/2022.

• Mỹ: Fed tăng lãi suất với mức cao nhất trong hơn 20 năm qua
– Ngày 4/5, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo sẽ tăng lãi suất chủ chốt lên 0,5% – mức tăng lãi suất cao nhất kể từ tháng 5/2000. Sau quyết định mới đưa ra, lãi suất liên bang tại Mỹ sẽ ở phạm vi 0,75%-1%.
– Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) đã tăng 6,6% trong 12 tháng kết thúc vào tháng 3/2022, trong khi Fed đặt mục tiêu lạm phát hàng năm là 2%.
– Trong khi các quan chức Fed đang đặt mục tiêu làm chậm nền kinh tế đủ để giảm lạm phát mà không ngừng tăng trưởng hoàn toàn thì những rắc rối dai dẳng trong chuỗi cung ứng, cuộc chiến ở Ukraine và tăng trưởng kinh tế chậm lại ở nước ngoài có thể khiến Fed khó khăn hơn trong việc đó.
– Bảng cân đối tài sản của Fed, hiện đang ở ngưỡng 9.000 tỷ USD, cũng sẽ được cắt giảm 47,5 tỷ USD/tháng trong ba tháng 6,7 và 8. Từ tháng 9 trở đi, con số này sẽ được nâng lên 95 tỷ USD/tháng
– Đánh giá: Mức tăng này cho thấy Fed đang thắt chặt chính sách tiền tệ tích cực, không quá nôn nóng để tránh gây sốc trên thị trường dù lạm phát đang tăng cao trong 40 năm qua.

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

• Bình Dương tiếp tục đón làn sóng FDI
– Thông tin từ Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, từ đầu năm đến hết tháng 4, vốn FDI tiếp tục rót mạnh vào khu công nghiệp trên địa bàn với gần 1,8 tỷ USD, vượt hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, vốn đầu tư trong nước là 9.200 tỷ đồng, tăng hơn 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế đến nay, có hơn 3.014 dự án đang đầu tư vào KCN còn hiệu lực, trong đó có 2.340 dự án có vốn FDI, đạt gần 28 tỷ USD.
– Điển hình như Công ty TNHH Nitto Denko Việt Nam đã bổ sung tăng vốn thêm 99 triệu USD; Công ty TNHH May Accasette tăng thêm vốn 14 triệu USD đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu quần áo thời trang và thể thao; Công ty TNHH Sài Gòn Stec đầu tư máy móc sản xuất linh kiện điện tử 718 tỷ đồng; …
– Nhờ môi trường đầu tư tốt, Bình Dương đang là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI.

• Giá phân bón tại Việt Nam lập mốc tăng kỷ lục
– Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, giá phân bón liên tục tăng cao khiến hoạt động sản xuất của người dân gặp không ít khó khăn… Cụ thể, phân đi-a-môn phốt phát tăng hơn 46%, phân mô-nô-a-mô-ni phốt phát tăng hơn 44%, Urê tăng hơn 95%, Kali tăng hơn 102% so với năm ngoái.
– Giá phân bón tăng cao chủ yếu do giá nguyên liệu đầu vào để và chi phí vận chuyển tăng cao. Đặc biệt, do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga – Ukraine và Trung Quốc hạn chế xuất khẩu phân bón nên nguồn cung trên thị trường thế giới khan hiếm, đẩy giá phân bón tiếp tục leo thang.
– Hiện các nhà máy sản xuất trong nước đã tự chủ và đáp ứng hoàn toàn các loại phân bón chủ lực, chỉ còn nhập khẩu phân Kali và phân a-mô-ni sun phát với khối lượng từ 2,7-3,5 triệu tấn. Hiện, giá các loại phân bón chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và dự báo sẽ tiếp tục tăng từ 20-40% trong quý 2 năm nay.
– Để hãm đà tăng nóng của phân bón, Bộ Tài chính đã thống nhất áp mức thuế 5% với tất cả các loại phân bón, giúp ổn định nguồn cung để bà con yên tâm canh tác.

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT

• May Sông Hồng báo lãi quý I đi ngang do chi phí tăng cao
– Theo Báo cáo Tài chính hợp nhất quý I, May Sông Hồng ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.291 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước nhờ đưa khu vực May Sông Hồng Nghĩa Hưng -công ty con vào sản xuất. Giá vốn tăng mạnh hơn nên lợi nhuận gộp giảm 12% xuống 190 tỷ đồng.
– Tại cuộc họp Đại hội đồng Cổ Đông thường niên cuối tháng 4, đã thông qua chỉ tiêu doanh thu năm nay đạt 4.900 tỷ đồng và lãi trước thuế 500 tỷ đồng, lần lượt tăng 3% và giảm 8% so với thực hiện năm trước. Sau quý I, May Sông Hồng thực hiện được 26,3% kế hoạch doanh thu và 21,4% kế hoạch lợi nhuận.
– Ông Bùi Đức Thịnh – Chủ tịch HĐQT chia sẻ trong năm nay Trung Quốc tiếp duy trì chính sách Zero Covid, các thành phố lớn bị phong tỏa đã ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp nguyên phụ liệu cho doanh nghiệp dệt may. Đồng thời, tình hình lạm phát trên toàn thế giới tăng cao, giá cả các mặt hàng cùng chi phí nhân công đều gia tăng đáng kể, ảnh hưởng lớn đến chi phí đầu vào. Do vậy ảnh hưởng nhiều đến kết quả kinh doanh những tháng đầu năm.
– MSH là một trong những công ty lớn trong ngành dệt may, có lợi thế cạnh tranh tốt so với doanh nghiệp cùng ngành. Những ảnh hưởng về chi phí trong ngắn hạn có thể khiến MSH giảm lợi nhuận tuy nhiên tiềm năng tăng trưởng trung và dài hạn của MSH vẫn được đánh giá cao.

• PLX: Nặng gánh giá vốn khiến lợi nhuận quý 1 của Petrolimex lao dốc 63%
– Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex mã chứng khoán PLX công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2022 với doanh thu 67.020 tỷ đồng, gấp 1,7 lần cùng kỳ.
– Tuy nhiên, giá vốn tăng vọt, chiếm 64.242 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp lùi về còn 2.777 tỷ đồng, giảm 18% so cùng kỳ. Doanh thu tài chính tăng nhẹ lên 321 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính tăng vọt gấp 1,6 lần lên 300 tỷ đồng. PLX chỉ đạt 243 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 63% so cùng kỳ.
– Theo Petrolimex, cuộc chiến Nga – Ukraine làm tăng giá năng lượng và chưa có chiều thuyên giảm. Đồng thời, Nhà máy Nghi gặp sự cố kỹ thuật phải ngừng sản xuất, không đáp ứng được sản lượng cam gây áp lực về nhu cầu xăng dầu với Petrolimex. Do đó, Petrolimex phải tìm kiếm nguồn cung tức thời với mặt bằng giá cao làm cho biên lợi nhuận gộp của hoạt động kinh doanh xăng dầu trong quý 1/2022 giảm so cùng kỳ.
– Với việc giá xăng dầu bán lẻ được điều chỉnh 3 lần/tháng để sát với tình hình biến động giá xăng dầu trên thế giới sẽ hỗ trợ hoạt động kinh doanh của công ty bám sát với thị trương thế giới, tránh những cú sốc lớn tác động, ổn định hiệu quả kinh doanh

• Đặt mục tiêu thấp, PV Power vượt kế hoạch lợi nhuận ngay trong quý 1
– Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam công bố kết quả kinh doanh quý 1 với doanh thu thuần 7.061 tỷ đồng, giảm 7,8% so với cùng kỳ 2021 và hoàn thành 30% kế hoạch doanh thu. Giá vốn hàng bán của công ty giảm 11,1% còn 6.034 tỷ đồng kéo theo biên lãi gộp tăng từ 11,4% lên 14,5%.
– Với dự án nhiệt điện Nhơn Trạch 3 & 4, PV Power đã có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu EPC, ký hợp đồng vào ngày 14/3. Lũy kế đến hết quý, tổng công ty đã ký tổng cộng 14/18 gói thầu dự án.
– Tại đại hội cổ đông thường niên 2022, doanh nghiệp này thông qua kế hoạch tổng doanh thu năm nay 24.242 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 743 tỷ đồng, lần lượt giảm 4,1% và 63,7% thực hiện năm 2021.
– Năm 2021, PV Power ghi nhận doanh thu 25.293 tỷ đồng, giảm 16,3% so với năm 2020, lợi nhuận sau thuế đạt 2.052 tỷ đồng, giảm 23% so với thực hiện năm trước.
– POW là một trong những công ty điện lực top đầu, có công nghệ hiện đại, hiệu suất cao, việc đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu lợi nhuận thấp giúp POW dễ dàng hoàn thành kế hoạch.

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

– Phiên giao dịch 05/05/2022, VNINDEX giao dịch quanh mốc điểm tham chiếu và kết phiên xanh nhẹ, đóng cửa ở mức 1.360,68 điểm, tăng 12 điểm (+0,98%) so với phiên giao dịch trước đó.
– Tuy là một phiên tăng điểm nhưng độ rộng thị trường phiên hôm nay phe bán lại chiếm ưu thế với 272 mã giảm, chiếm khoảng 56,67% số mã trên sàn HOSE. Hiện tượng xanh vỏ đỏ lòng 1 lần giữa lại diễn ra với VN-Index khi mà số mã giảm nhiều hơn số mã tăng (33,33%) và thị trường vẫn giữ đươc sắc xanh do các cổ phiếu trụ tăng điểm. Thanh khoản vẫn được duy trì ở mức thấp khi chỉ đạt 15.360,073 tỷ đồng, có nhỉnh hơn một chút so với các phiên giao dịch trước đó.
– Các mã cổ phiếu trụ kéo chỉ số VNINDEX tăng điểm trong phiên ngày hôm nay gồm có VHM (+4,794 điểm), MSN (+ 1,783 điểm), VCB (+1,333 điểm). Ở chiều ngược lại, các mã cổ phiếu giảm điểm trong biên độ nhẹ 0,1 – 0,4 điểm và cổ phiếu midcap chiếm đa phần.
– Chỉ số VNINDEX tăng 12 điểm nhưng số nhóm ngành tăng và giảm cân bằng nhau ở mức 5-5. Trong 5 nhóm ngành tăng, Bất động sản và Tiêu dùng thiết yếu là 2 nhóm ngành tăng tốt nhất với tỷ lệ lần lượt là 1,14% và 1,19%. Còn về phía nhóm ngành giảm chỉ có Chăm sóc sức khỏe có mức giảm mạnh nhất là 1,3% nhưng thanh khoản ở mức thấp khoảng 19 tỷ đồng. Dẫn đầu về thanh khoản là nhóm ngành Tài chính với giá trị giao dịch hơn 3 nghìn tỷ đồng dù chỉ ghi nhận mức tăng 0,56%. Các nhóm ngành còn lại có mức tăng/ giảm nhẹ dưới 1%.
– Thị trường thế giới hôm nay có phiên tăng khá tốt như Down Jones, Nadaq, S&P500 giao động khoảng 1-2,5% và Việt Nam cũng không có biến động nhiều thậm chí cuối phiên còn tăng mạnh trong bối cảnh FED nâng mức lãi suất lên 0,5%.
– Khối ngoại trong phiên giao dịch ngày hôm nay đã quay lại mua ròng 306,16 tỷ đồng tập trung chủ yếu vào các mã NLG (+155,12 tỷ đồng), VHM (82,97 tỷ đồng) và CTG (70,25 tỷ đồng). Ngược lại về phía chiều bán, các mã được bị bán gồm VNM (-36,44 tỷ đồng), BCM (-31,54 tỷ đồng) và DGW (-21,43 tỷ đồng).
– Thanh khoản trong phiên ngày hôm nay vẫn được duy trì ở mức thấp, sự hồi phục tăng điểm ở cuối phiên chủ yếu đến từ nhóm cổ phiếu trụ kéo chỉ số. Trong khi số lượng mã giảm vẫn chiếm phần lớn các mã trên sàn HOSE. Nhà đầu tư cần chờ đợi tín hiệu đồng thuận tăng của cả thị trường, chưa nên nóng vội xác nhận đà giảm đã kết thúc. Tuy vậy vẫn có thể kỳ vọng VNINDEX có thể tạo nền đi ngang quanh vùng 1350 điểm hoặc có thể sẽ test lại về vùng 1320 điểm. Nhà đầu tư vẫn nên quản trị tốt rủi ro cho tài khoản, chờ đợi tín hiệu tham gia mạnh mẽ hơn của dòng tiền.

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0