Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 05.10.2021 | GDP được dự báo tăng trưởng 3% – 3.5% trong năm nay

Nhận định Thị trường hàng ngày 05/10/2021    59678

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 05/10/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Lạm phát tại Mỹ tăng nhanh nhất trong 30 năm
– Theo CNN, không tính tới giá thực phẩm và năng lượng là hai lĩnh vực vốn có xu hướng biến động mạnh, thì chỉ số lạm phát tại Mỹ cũng đang đứng ở mức 3,6% kể từ tháng 6. Đây là tốc độ nhanh nhất của “lạm phát lõi” kể từ tháng 3/1991 và cao hơn nhiều so với mục tiêu của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) là 2%.
– Việc chỉ số PCE tiếp tục tăng đã khiến Fed đưa ra tín hiệu cảnh báo rằng họ sẽ bắt đầu giảm bớt kích thích kinh tế khẩn cấp, bất chấp việc phục hồi kinh tế của Mỹ đã có dấu hiệu chậm lại trong những tháng gần đây.
– Mặc dù giá cả tăng mạnh nhưng thu nhập của người Mỹ chỉ tăng với tốc độ khiêm tốn ở mức 0.2%. Thu nhập khả dụng thậm chí còn tăng ít hơn – chỉ 0,1%. Sự gia tăng này một phần là do lương cao hơn do các công ty đang cố gắng thu hút và giữ chân người lao động để vượt qua việc thiếu lao động.
– Một lý do khác là các điều kiện phúc lợi của chính phủ, khoản ứng trước Tín dụng Thuế Trẻ em theo Kế hoạch Giải cứu người Mỹ.
– Tuy nhiên, giữa tuần kết thúc vào ngày 4/9 và tuần kết thúc vào ngày 11/9, số lượng người Mỹ nhận trợ cấp theo các chương trình khác nhau của chính phủ đã giảm hơn 6 triệu người. Nhà kinh tế học cao cấp của BMO Sal Guatieri cho biết. “Giá cả tăng cao do lạm phát đang ăn sâu vào sức chi tiêu”
– Có thể thấy, người tiêu dùng vẫn là trụ cột của nền kinh tế Mỹ. Nếu lạm phát tăng cao đến mức mọi người đều muốn tiết kiệm tiền của họ hơn là tiêu nó thì nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào tình trạng thực sự khó khăn.

2. Thông tin Việt Nam

• Nhà nước dự thu 15.000 tỷ đồng – 20.000 tỷ đồng từ thoái vốn tại các doanh nghiệp
– Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) vừa có báo cáo về tình hình cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước 8 tháng đầu năm 2021. Theo báo cáo, việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn năm 2021 dự kiến không đạt kế hoạch đề ra
– Trong 08 tháng đầu năm 2021, số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước là 366 tỷ đồng trong khi dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, kế hoạch đề ra là 40.000 tỷ đồng
– Cục Tài chính doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch thoái vốn trong năm 2022 dự kiến tại 6 doanh nghiệp do SCIC quản lý, thực hiện công tác thoái vốn ngay từ quý I/2022 bao gồm: SAB, FPT, BMI, NTP, VNR và Công ty cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam
– Cục Tài chính doanh nghiệp đã xây dựng 2 kịch bản dự kiến nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn từ các doanh nghiệp trung ương trong năm 2022. Tính một cách thận trọng, ngân sách Nhà nước có khả năng đạt được khoảng từ 15.000 – 20.000 tỷ đồng
– Giai đoạn 2022-2025, kế hoạch nguồn thu từ thoái vốn là 248.000 tỷ đồng. Trong đó cục tài chính doanh nghiệp đề xuất:
– Ủy ban quản lý vốn nhà nước: Ưu tiên thoái vốn Mobifone giai đoạn 2022 – 2023. Sang giai đoạn 2023 – 2024 tập trung cổ phần hóa Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam, Công ty mẹ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam
– Ngân hàng nhà nước tập trung hoàn thành cổ phần hóa Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) trong năm 2022 và đầu năm 2023
– Bộ Xây dựng tập trung hoàn thành cổ phần hóa Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) và Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị (HUD) trong giai đoạn 2022 – 2024.

• Bộ Kế hoạch & Đầu tư dự báo GDP Việt Nam tăng trưởng 3% – 3.5% trong năm nay
– Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 mới đây, Bộ Kế hoạch & Đầu tư vừa trình Chính phủ hai phương án tăng trưởng kinh tế năm nay, trong đó có kịch bản GDP tăng trưởng 3-3,5%
– Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết: Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 3% cả năm, quý IV cần tăng trưởng ở mức 7,06% trở lên. Với mục tiêu tăng trưởng 3,5% cả năm, quý IV cần tăng trưởng 8,84% trở lên. Để đạt được mục tiêu đề ra. Thứ nhất, đối với doanh nghiệp cần không bị “đóng băng” hay đóng cửa, doanh nghiệp phải được hoạt động.
– Thứ 2, lực lượng lao động thì phải được dịch chuyển. Bởi hiện các khu, cụm công nghiệp ở nhiều thành phố lớn đang trong tình trạng thiếu lao động tức thời.
– Thứ 3, hàng hoá phải được lưu thông, trong đó đáng chú ý là lưu thông giữa các địa phương, bao gồm hàng hoá đầu vào và đầu ra
– Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh rằng áp lực khôi phục sản xuất, kinh doanh những tháng cuối năm là rất lớn. Phòng, chống, kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 vẫn là yếu tố quyết định cho tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm.

3. Nhịp đập thị trường chứng khoán

– VN-Index mở cửa phiên giao dịch ngày 04/10/2021 tăng nhẹ gần 2 điểm, thị trường biến động trong biên độ hẹp và lình xình quanh mức điểm tham chiếu. Sang đầu phiên giao dịch chiều, dòng tiền chảy mạnh đã kéo VN-Index tăng gần 13 điểm. Sự tích cực này bắt nguồn từ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu thép, lan dần ra nhiều mã khác trên bảng điện tử. Tuy nhiên, càng về cuối phiên giao dịch ngày, đà tăng càng được thu hẹp dần và VN-Index đóng cửa tăng 4,65 điểm (+0,35%) lên 1.339,54 điểm.
– Thanh khoản hôm nay tăng khá mạnh, vượt qua mốc của 4 phiên trước đó. Sắc xanh hiện diện trên nhiều nhóm ngành và duy trì trong phần lớn thời gian của phiên. Điểm trừ đáng chú ý là đà tăng đã bị thu hẹp khá mạnh về cuối phiên, khiến VN-Index vẫn chưa thể bứt ra khỏi xu hướng đi ngang.
– Khối ngoại bán ròng trên sàn HOSE với giá trị hơn 343 tỷ đồng, CTG bị bán ròng mạnh nhất với giá trị 139,65 tỷ đồng. Tiếp sau là HPG bị bán ròng 128,36 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, GAS dẫn đầu danh sách mua ròng với giá trị hơn 80 tỷ, VHM được mua ròng 53,17 tỷ đồng, DHC được mua ròng 45,81 tỷ đồng.
– Nhóm dầu khí, dù bị chốt lời hạ nhiệt, nhưng đa số vẫn giữ được sắc xanh, trong đó PLX tăng 3,7% lên 53.800 đồng, GAS tăng 0,48% lên 104.000 đồng. Trong nhóm cổ phiếu trụ, có thêm BVH, GVR, VJC tăng hơn 2%; FPT và VHM tăng hơn 1%.
– Trong khi nhóm dầu khí bị chốt lời và hạ nhiệt, thì nhóm cổ phiếu thép là có phiên khá khởi sắc khi đà tăng được nới thêm và lan rộng ra khắp nhóm, trong đó HPG với mức tăng 3,9% lên 55.500 đồng, là mã đóng góp lớn nhất về điểm số cho VN-Index.
– Sắc đỏ vẫn chủ yếu tập trung vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, tiếp tục gia tăng áp lực lên thị trường. Cụ thể như CTG giảm 3,5% xuống mức thấp nhất ngày 28.700 đồng, HDB giảm 3% xuống 24.100 đồng; VCB, TCB, ACB, TPB, STB, VPB… đều giảm hơn 1%.
– Cũng trong xu hướng giảm, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng đồng loạt giao dịch trong sắc đỏ. Trong đó, đáng kể có HCM và MBS cùng giảm 4,4%; VCI và SHS cùng hơn hơn 3%; SSI, BVS, VND giảm 1-2%.
– Chỉ số có thể sẽ tiếp tục giằng co với biên độ hẹp ở phiên giao dịch sắp tới. Đồng thời, VN-Index vẫn còn đi ngang trong biên độ hẹp và đang chờ quay lại đà tăng giá khi có sự đồng thuận của nhóm cổ phiếu trụ. Điểm tích cực là dòng tiền có dấu hiệu gia tăng trở lại. VN-Index đang có vùng hỗ trợ ngắn hạn quanh 1.330 điểm, trong khi đó vùng kháng cự sẽ ở quanh 1.350-1.360 điểm.

4. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Thế giới di động đề nghị không trả tiền thuê mặt bằng với cửa hàng phải đóng cửa
– Vừa qua, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã chứng khoán MWG) có công văn gửi đối tác, đề nghị không tính tiền thuê và không thanh toán 100% tiền thuê mặt bằng trong thời gian cửa hàng Thế Giới Di Động/Điện Máy Xanh phải đóng cửa hoàn toàn, không kinh doanh theo yêu cầu bắt buộc của cơ quan Nhà nước.
– Bên cạnh đó, với những cửa hàng bị hạn chế hoạt động để phối hợp phòng chống dịch, công ty sẽ không tính tiền thuê 70% và thanh toán 30% tiền thuê mặt bằng. Thời gian áp dụng từ 1/1 đến 1/8
– Ngoài ra, MWG đề nghị tiền thuê đã thanh toán sẽ cấn trừ vào các kỳ thanh toán tiếp theo, cũng như sẽ áp dụng cho đến hết hạn hợp đồng thuê nếu xảy ra các trường hợp bất khả kháng buộc cửa hàng phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng.
– Đây không phải lần đầu tiên MWG gửi công văn đề nghị các chủ mặt bằng hỗ trợ giảm giá thuê mặt bằng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh
– Tuy nhiên, công văn mới nhất được gửi đi (ngày 2/8) với các đối tác vẫn chưa nhận được phản hồi để hai bên gặp mặt và thương lượng. MWG cho biết: Nếu đối tác tiếp tục né tránh, MWG sẽ áp dụng theo tinh thần của công văn.
– Nguồn tin của Người Đồng Hành cho biết hợp đồng thuê mặt bằng có điều khoản nếu MWG không sử dụng được mặt bằng trong trường hợp bất khả kháng theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì công ty không phải thanh toán tiền thuê trong thời gian này.
– Về tình hình hoạt động của các cửa hàng, hai chuỗi TGDĐ và ĐMX đã tạm dừng hoặc kinh doanh hạn chế gần 2.000 cửa hàng trong 8 tháng đầu năm (chiếm 70% về số lượng và 80% về giá trị doanh thu của 2 chuỗi cửa hàng)
– Ngoài ra, nhằm ưu tiên đảm bảo dòng tiền kinh doanh trong bối cảnh rủi ro dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài và diễn biến phức tạp, MWG vừa qua thông báo giảm tỷ lệ trả cổ tức cho cổ đông từ 10% xuống 5% bằng tiền. Phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu, tỷ lệ 50% vẫn được giữ nguyên.
• PVN – Tiêu thụ khí giảm, một số mỏ có nguy cơ dừng sản xuất
– Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), trong năm 2021 hoạt động khai thác và tiêu thụ khí đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
– Tổng lượng khí ẩm khai thác về bờ năm 2021 dự kiến khoảng 7,9 tỷ mét khối, đạt 81% kế hoạch. Trong đó, lượng khí cấp cho các nhà máy điện khoảng 5,53 tỷ mét khối, đạt 75% kế hoạch; các nhà máy đạm đạt khoảng 1,11 tỷ mét khối, đạt 103% kế hoạch và các khách hàng công nghiệp khác khoảng 0,99 tỷ mét khối, đạt 93% kế hoạch.
– Lượng khí tiêu thụ năm 2021 giảm mạnh chủ yếu do các nhà máy điện khu vực Đông Nam bộ và Tây Nam bộ giảm nhu cầu khí cho phát điện
– Trong năm 2022, lượng khí về bờ theo kế hoạch khai thác dự kiến là hơn 9 tỷ m3, nếu trừ lượng khí cấp cho đạm và các khách hàng công nghiệp thì lượng khí cấp cho điện vào khoảng 6,4 tỷ mét khối.
– Sau khi PVN làm việc với EVN (Tập đoàn điện lực Việt Nam), được biết dự báo khả năng huy động khí cho điện tiếp tục giảm mạnh, chỉ cần khoảng 3,88 tỷ mét khối do dịch bệnh diễn biến phức tạp ở miền Nam, dẫn tới nhu cầu tiêu thụ điện có xu hướng giảm
– Chênh lệch giữa cung và cầu về cấp khí cho điện có nguy cơ khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của PVN và Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) bị ảnh hưởng lớn. Đặc biệt, nếu thực tế diễn ra như vậy, một số mỏ khí đang khai thác sẽ có nguy cơ dừng sản xuất dài hạn hoặc hoạt động cầm chừng.
– Theo tính toán, tổng khoản giảm thu của riêng PVN/PV Gas trong năm 2021 có thể lên tới hơn 5.000 tỷ đồng. Nếu tính các khoản giảm thu của Nhà nước, PVN và các đơn vị thì con số có thể lên tới hơn 13.000 tỷ đồng trong năm nay.


Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

Quý Nhà đầu tư vui lòng dành 3 phút tham gia Khảo sát Đánh giá và đóng góp ý tưởng hoàn thiện Bản tin Nhận định thị trường DCALL: TẠI ĐÂY 

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: https://hubs.li/H0RgXR90
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0