Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 05.08.2021 | Tài khoản F0 mở mới sụt giảm mạnh trong tháng 7

Nhận định Thị trường hàng ngày 05/08/2021    1099

Chia sẻ

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Biến thể Delta bùng phát đe dọa đà phục hồi kinh tế Trung Quốc

Đợt bùng dịch Covid-19 lớn nhất ở Trung Quốc từ đầu năm đang đặt ra thách thức cho ngành du lịch và chi tiêu của người dân, đe doạ tăng trưởng kinh tế vào đúng thời điểm tiêu dùng bắt đầu khởi sắc. Các điểm du lịch liên tiếp đóng cửa, trong khi các sự kiện văn hoá và chuyến bay bị hủy khi số ca nhiễm mới do biến chủng Delta đã xuất hiện ở một nửa trong số 32 tỉnh thành trực thuộc trung ương của Trung Quốc trong vòng 2 tuần trở lại đây. Ít nhất 46 thành phố đã khuyến cáo người dân hạn chế đi lại trừ trường hợp thực sự cần thiết.

Đối mặt với cả thiệt hại do lũ lụt lớn gần đây, các biện pháp kiểm soát dịch bệnh sẽ khiến hoạt động chi tiêu nhỏ lẻ bị hạn chế. Hơn nữa, rủi ro này còn kìm hãm đà tăng trưởng của Trung Quốc trong nửa cuối năm nay. Nomura đã hạ dự báo tăng trưởng quý III của Trung Quốc từ 6,4% xuống 5,1% và ước tính tăng 4,4% trong 3 tháng cuối năm, giảm từ mức 5,3%. Trong cả năm 2021, Nomura cũng giảm dự báo tăng trưởng GDP từ 8,9% xuống 8,2%.

Theo ước tính của Bloomberg Economics, doanh số bán lẻ tại Trung Quốc có thể giảm khoảng 0,2% trong tháng 7 và 8 so với tháng trước, tương tự như tác động đã chứng kiến trong đợt bùng phát ở đầu năm nay tại Hà Bắc và Cát Lâm. Tăng trưởng doanh số bán lẻ trong năm nay có thể giảm so với dự báo trước đó là 12%.

Rủi ro từ đợt lây lan của biến thể Delta xuất hiện trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng chậm hơn so với dự kiến ​​trong quý II/2021, do giá nguyên vật liệu liên tục tăng cao, chi tiêu của người tiêu dùng thận trọng và thị trường bất động sản trầm lắng.

Giới chức Trung Quốc đã thận trọng trước nguy cơ tăng trưởng giảm tốc trong những tháng tới và cam kết đưa ra chính sách hỗ trợ tài chính, tiền tệ để thúc đẩy đà hồi phục, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP hơn 6% trong năm nay.

• Tháng 7, tăng trưởng sản xuất của Mỹ hạ nhiệt tháng thứ hai liên tiếp

Viện Quản lý Nguồn cung Mỹ (ISM) công bố dữ liệu cho thấy ngành sản xuất của Mỹ tiếp tục tăng trưởng trong tháng 7, song ghi nhận tốc độ của chậm lại trong tháng thứ hai liên tiếp.

Cụ thể, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất do ISM khảo sát trong tháng 7 đã giảm xuống mức 59,5 từ mức 60,6 vào tháng 6 và là mức thấp nhất kể từ tháng 1/2021. Mức PMI này cũng thấp hơn mức dự báo 60,9 của tháng 7.

ISM lưu ý, cung – cầu trong lĩnh vực sản xuất dường như đang tiến gần đến trạng thái cân bằng lần đầu tiên sau nhiều tháng, một phần có thể là do chi tiêu của người dân đang quay trở lại với các hoạt động dịch vụ nhiều hơn.

Khoảng một nửa dân số Mỹ đã được tiêm chủng Covid-19 cho phép các hoạt động như du lịch, nhà hàng, sòng bạc hay các sự kiện thể thao được tổ chức rộng rãi hơn. Trong khi đó, đại dịch Covid-19 đã gây áp lực lớn lên chuỗi cung ứng khi người dân buộc phải ở nhà và dồn các khoản chi tiêu vào việc mua sắm hàng hoá.

17 trong số 18 ngành sản xuất của Mỹ vẫn báo cáo tăng trưởng trong tháng 7, bao gồm sản xuất máy móc cũng như các sản phẩm máy tính, điện tử. Ngành duy nhất báo cáo sụt giảm là dệt may.

2. Thông tin Việt Nam

• Vượt Bangladesh, Việt Nam trở thành nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ 2 toàn cầu

Dữ liệu từ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) công bố, Việt Nam đã vượt Bangladesh trở thành nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ 2 thế giới, với trị giá 29 tỷ USD trong năm 2020. Với kết quả này, Việt Nam chỉ xếp sau Trung Quốc về bán hàng may mặc trên toàn cầu. Sản phẩm may mặc “made in Vietnam” chiếm 6,4% thị phần thế giới. Năm 2010, thị phần chỉ là 2,9%.

Xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam và Bangladesh đều giảm trong năm 2020 do Covid-19, nhưng xuất khẩu của Bangladesh giảm với tốc độ nhanh hơn, về mức 28 tỷ USD. Thị phần của Bangladesh trên thị trường may mặc toàn cầu giảm còn 6,3% trong năm ngoái. Theo xếp hạng của WTO, Bangladesh là nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới kể từ năm 2010. Sản lượng hàng may mặc của Bangladesh giảm đáng kể trong đại dịch khi các nhà máy đóng cửa do nhiều thương hiệu phương Tây hủy đơn đặt hàng hoặc trì hoãn thanh toán. Ngoài ra, phần lớn nhà máy phải ngưng hoạt động trong thời gian dài để tuân thủ quy định phòng dịch.

Trong khi đó, Việt Nam gần đây đã sản xuất nhiều hàng may mặc cao cấp với lực lượng lao động có trình độ học vấn, và bắt đầu hưởng lợi từ Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA). Ngoài ra, Việt Nam còn hưởng lợi từ các đơn đặt hàng được chuyển từ Trung Quốc trong giai đoạn đầu bùng phát dịch.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt, may Việt Nam trong 7 tháng đầu năm đạt 18,6 tỷ USD, tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ Công Thương đánh giá, một số thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và châu Âu tăng nhu cầu mua sắm quần áo, giày dép khi kinh tế bắt đầu hồi phục, các lệnh giãn cách xã hội được gỡ bỏ. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp đã nhận được đơn đặt hàng đến cuối năm khi tổng cầu cho các sản phẩm ngành dệt may tại thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU tăng mạnh. Điều này tạo cơ hội cho dệt may cán đích mục tiêu 39 tỷ USD năm nay, con số tăng trưởng như trước khi Covid-19 xuất hiện.

• Tài khoản F0 mở mới sụt giảm mạnh trong tháng 7

Số liệu vừa công bố từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán cho biết số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới tháng 7/2021 chỉ đạt 101.078 tài khoản, thấp nhất trong 5 tháng trở lại đây. Sau khi lập kỷ lục 140.054 số tài khoản cá nhân trong nước mở mới tháng 6/2021, tốc độ mở tài khoản mới đã tụt dốc. Mức tài khoản mở mới chỉ hơn 101 ngàn tài khoản trong tháng 7 là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021.

Mặc dù vậy, số lượng tài khoản cá nhân trong nước mở mới tháng 7 vẫn gấp hơn 3 lần mức mở mới trung bình hàng tháng của năm 2020. Tính chung từ đầu năm 2021 đến nay, đã có 720.989 tài khoản F0 mở mới, con số cao nhất lịch sử. Trung bình mỗi tháng 2021, số tài khoản F0 trong nước mở mới lên tới 101.998 tài khoản. Ngoài ra, số tài khoản mở mới của tổ chức trong nước và nhà đầu tư cá nhân nước ngoài không thay đổi nhiều trong tháng 7 so với tháng 6. Tuy vậy, số tài khoản mở mới của tổ chức đầu tư nước ngoài ghi nhận sự gia tăng với 14 tài khoản. Cụ thể, tài khoản các tổ chức quốc tế phát sinh trong tháng 7 là 27, số tài khoản phát sinh giảm là 13, tương đương số gia tăng 14. Tuy nhiên, trong tháng 6, số tài khoản đóng lại nhiều hơn số mở mới.

Tháng 7 cũng là thời điểm thị trường chứng khoán ghi nhận mức sụt giảm thanh khoản đáng kể. Từ mức giá trị khớp lệnh đột biến tại đỉnh trên 33 ngàn tỷ đồng/phiên, giao dịch giảm xuống quanh ngưỡng 16-17 ngàn tỷ đồng/phiên. VN-Index cũng ghi nhận mức sụt giảm hơn 14% trong nửa đầu tháng 7 trước khi quay đầu phục hồi nhẹ.

Việc số lượng tài khoản cá nhân mở mới giảm trong tháng 7 cũng có thể đến từ việc hệ thống giao dịch mới của sàn HoSE được vận hành. Hệ thống này đã giải quyết hiện tượng nghẽn lệnh và loại bỏ việc phân chia số lượng lệnh theo công ty chứng khoán. Do đó nhà đầu tư cá nhân không còn nhu cầu phải mở thêm tài khoản ở các công ty chứng khoán nhỏ để giao dịch.

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

• ACV ghi nhận lãi nhờ doanh thu tài chính, hoàn thành 71% kế hoạch lợi nhuận trước thuế

Trong quý II, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV) ghi nhận doanh thu 1.572 tỷ đồng, tăng 56%. Doanh thu cung cấp dịch vụ hàng không tăng 61% lên 1.240 tỷ đồng chủ yếu nhờ phát sinh thêm 340 tỷ từ dịch vụ hạ cất cánh. Hoạt động cung cấp dịch vụ phi hàng không như cho thuê mặt bằng, quảng cáo, cung cấp tiện ích cũng tăng từ 183 tỷ lên 276 tỷ đồng. Doanh thu bán hàng cũng tăng 24% lên 62,7 tỷ đồng.

Lợi nhuận gộp cải thiện từ âm 450 tỷ lên 74,5 tỷ đồng tại quý II năm nay. Trong kỳ, doanh thu tài chính cũng tăng 66% nhờ ghi nhận thêm gần 448 tỷ đồng lãi chênh lệch tỷ giá đánh giá cuối kỳ, trong khi quý II năm ngoái không có khoản này. Bên cạnh đó, các khoản lãi từ tiền gửi, tiền cho vay cũng mang lại hơn 440 tỷ đồng cho tổng công ty.

Kết quả, lãi sau thuế quý II của ACV đạt 507 tỷ đồng, riêng phần lãi thuộc cổ đông công ty mẹ là 510 tỷ đồng, cải thiện so với khoản lỗ hơn 320 tỷ cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần của ACV giảm 25% xuống 3.476 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế tăng 11% lên 1.685 tỷ đồng, hoàn thành 71% kế hoạch cả năm. Lãi sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ đạt gần 1.372 tỷ đồng, tăng 12%.

Về hoạt động đầu tư, kế hoạch giải ngân trong năm nay là 4.996 tỷ đồng, tập trung vào xây dựng nhà ga hành khách T3 tại Tân Sơn Nhất; mở rộng nhà gia T2 và hạ tầng đồng bộ – sân bay quốc tế Nội Bài; nhà ga T2 – sân bay quốc tế Phú Bài; nhà ga hàng hóa sân bay quốc tế Đà Nẵng; sân bay quốc tế Long Thành (giai đoạn 1), đồng thời đầu tư xây dựng sân bay Điện Biên.

Trong đó, dự án sân bay Long Thành có tổng đầu tư khoảng 99.000 tỷ đồng, tổng công ty chuẩn bị nguồn tiền 36.000 tỷ đồng vốn tự có, số tiền còn lại huy động từ các tổ chức tài chính. Theo chia sẻ lãnh đạo ACV, tổng công ty đã làm việc với các tổ chức tài chính và hạn mức vay có thể đạt 6 tỷ USD (tương đương 138.000 tỷ đồng). Riêng ngân hàng Vietcombank cam kết cho vay cho dự án sân bay Long Thành khoảng 1,5 – 2 tỷ USD. Tổng công ty cũng sẽ đàm phán với các tổ chức để vay bằng USD do có nguồn thu ngoại tệ, lãi suất không vượt báo cáo khả thi khoảng 5%.

• Coteccons: Dòng tiền dương trở lại sau hơn 3 năm, các hợp đồng ký mới khởi sắc

Theo BCTC hợp nhất quý II, Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (HOSE: CTD) đạt doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ hơn 5.100 tỷ đồng, tương đương hơn 29% so với mục tiêu đề ra. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 100 tỷ đồng, tương đương 28% mục tiêu năm 2021. Điểm đáng chú ý là dòng tiền trong nửa đầu năm 2021 của Coteccons đã dương lần đầu tiên sau hơn 3 năm.

Sau nửa cuối năm 2020, việc tìm kiếm khách hàng và ký kết các hợp đồng mới bị ngưng trệ, đến nay CTD đã liên tục trúng 18 gói thầu dự án trên cả ba miền Bắc – Trung – Nam, với tổng giá trị các gói là hơn 14.200 tỷ đồng. Ngay trong tháng 7, bất chấp giá vật liệu xây dựng biến động và các đợt giãn cách xã hội, Coteccons vẫn có các hợp đồng thắng thầu mới.

Theo ông Michael Trần, Phó tổng giám đốc Coteccons, trong thời gian qua, Coteccons tập trung vào mảnh cốt lõi là xây dựng, đồng thời tìm cách chia sẻ khó khăn kinh tế thời Covid với chủ đầu tư. Coteccons không hy sinh chạy theo giảm giá để giành hợp đồng, mà hợp tác và tìm kiếm các nhà cung cấp và nhà thầu phụ mới, đưa ra chiến lược hợp tác tối ưu nhằm quản lý được giá đầu vào tốt, từ đó ứng dụng kết quả, nhắm chi phí đầu tư có thể tối ưu nhất.

Những dự án tiêu biểu mà Coteccons đã thành công nhờ chiến lược mới là Lanscaster Luminaire (Hà Nội), Lancaster Legacy (TP.HCM), Intercontinental Hạ Long Bay, hay Hyatt Regency Hồ Tràm.

Công ty Unicons, thành viên của CTD, sẽ tập trung nắm bắt và đón đầu làn sóng đầu tư nhà xưởng, bất động sản khu công nghiệp, các khu nghỉ dưỡng cao cấp, bệnh viện và trường học. Trong 6 tháng đầu năm, Unicons ký hợp đồng và triển khai hàng loạt dự án lớn trên khắp ba miền như Crystal Place – Biên Hòa, Apache – Tiền Giang, hay khu nghỉ dưỡng Thanh Long Bay – Phan Thiết.


Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

———–

Quý Nhà đầu tư vui lòng dành 3 phút tham gia Khảo sát Đánh giá và đóng góp ý tưởng hoàn thiện Bản tin Nhận định thị trường DCALL: TẠI ĐÂY 

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: https://hubs.li/H0RgXR90
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0 

 

DMCA.com Protection Status