Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 05.05.2021 – PMI THÁNG 4 TĂNG LÊN 54,7 ĐIỂM, ĐẠT MỨC CẢI THIỆN MẠNH NHẤT KỂ TỪ THÁNG 11/2018

Nhận định Thị trường hàng ngày 05/05/2021    1163

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 05/05/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Nhật Bản chi 4,6 tỷ USD hỗ trợ doanh nghiệp thiệt hại vì Covid-19

– Nội các Nhật Bản quyết định sử dụng 500 tỷ yên (4,6 tỷ USD) trong quỹ dự phòng của tài khóa 2021 (bắt đầu từ ngày 1/4) để hỗ trợ các doanh nghiệp chịu thiệt hại do chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ 3 vì dịch Covid-19.

– Hỗ trợ tài chính sẽ được chuyển đến các địa phương nhằm trợ cấp cho các công ty vừa và nhỏ và đơn vị lữ hành để duy trì hoạt động kinh doanh. Chính quyền các địa phương cũng sẽ sử dụng nguồn tài chính trên để giám sát việc thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt hơn nhằm hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19.

– Chính phủ Nhật Bản đã dành 5.000 tỷ yên trong quỹ dự phòng để giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 trong ngân sách tài khóa 2021 có trị giá 106.610 tỷ yên. Khoản chi 500 tỷ yên nói trên sẽ đánh dấu khoản chi đầu tiên của quỹ dự phòng trong tài khóa 2021.

– Ngoài khoản hỗ trợ tài chính sắp tới, Nhật Bản đã chi 100.000 yên mỗi ngày cho các nhà hàng và quán bar quy mô vừa, nhỏ và tối đa 200.000 yên cho các đơn vị quy mô lớn để tuân thủ các yêu cầu của chính phủ về cắt giảm giờ hoạt động hoặc đóng cửa theo quy định. Trong tài khóa 2020, chính phủ đã phân bổ tổng cộng 11.500 tỷ yên cho quỹ dự phòng và đã sử dụng gần hết, chỉ còn lại 508 tỷ yên.

Kế hoạch chi hơn 4.000 tỷ USD của Biden có thể gặp trở ngại

– Các kế hoạch chi hơn 4.000 tỷ USD của Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể gặp trở ngại tại quốc hội, khi đề xuất tăng thuế để tài trợ cho các kế hoạch này vấp phải sự phản đối từ các nghị sĩ đảng Cộng hòa và thậm chí gây bất ngờ cho các nghị sĩ ôn hòa đảng Dân chủ.

– Ông Biden công bố đề xuất chi 1.800 tỷ USD cho việc chăm sóc trẻ em và giáo dục trong tuần trước, chỉ vài tuần sau khi thông báo kế hoạch đầu tư 2.300 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng. Cho rằng các doanh nghiệp và 1% những người giàu nhất Mỹ phải đóng số tiền thỏa đáng, Biden nói các chính sách thuế, trong đó có việc tăng thuế doanh nghiệp (từ 21% lên 28%), thuế thu nhập đánh vào các cá nhân giàu nhất (từ 37% lên 39,6%) và thuế đánh vào lợi tức từ đầu tư (từ 20% lên 39,6% đối với những gia đình có thu nhập từ 1 triệu USD trở lên), sẽ giúp tài trợ cho các kế hoạch chi trong 15 năm của ông. Gọi việc cắt giảm thuế năm 2017 là “ân huệ lớn” đối với các doanh nghiệp Mỹ và những người rất giàu, ông Biden cho rằng quyết định này giúp số tiền hàng tỷ USD chảy vào túi các giám đốc điều hành, mở rộng khoảng cách thu nhập giữa họ và người lao động.

– Với chính sách như vậy, một số thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ cho rằng với đề xuất tăng thuế nếu được ban hành sẽ khiến mức lương giảm, việc làm bị mất và nền kinh tế giảm sút, cần thận trọng khi thực hiện các kế hoạch quá lớn trong lúc đại dịch và khủng hoảng kinh tế đang diễn ra và có quan điểm cho rằng mức thuế doanh nghiệp 28% là quá cao và sẽ ủng hộ mức thấp hơn.

2. Thông tin Việt Nam

• PMI tháng 4 tăng lên 54,7 điểm, đạt mức cải thiện mạnh nhất kể từ tháng 11/2018

– IHS Markit vừa công bố báo cáo cho thấy Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 4 của Việt Nam đạt 54,7, tăng 1,1 điểm phần trăm so với tháng trước. Đây là tháng thứ 3 ghi nhận chỉ số tăng liên tiếp. Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng nhanh hơn khiến nhà sản xuất cũng đẩy mạnh việc mua nguyên liệu sản xuất và sử dụng nhiều lao động hơn.

– Cụ thể, số lượng đơn đặt hàng mới tăng tháng thứ tám liên tiếp với tốc độ tăng nhanh nhất trong gần hai năm rưỡi. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng dẫn đến sản lượng sản xuất tăng nhanh nhất kể từ tháng 11/2018. Các công ty sản xuất hàng hóa tiêu dùng có mức tăng sản lượng mạnh nhất trong 3 lĩnh vực được khảo sát.

– Bên cạnh đó, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tăng nhờ sức cầu quốc tế được cải thiện.

– Báo cáo của IHS Markit còn cho thấy tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng đã được cải thiện nhưng tình trạng khan hiếm nguồn cung và chi phí vận chuyển tăng khiến giá cả đầu vào cũng tăng theo. Mức độ tăng chi phí vẫn lớn và chỉ chậm hơn một chút so với tháng 3. Các công ty tăng mạnh giá bán hàng hóa với mức tăng nhanh nhất trong gần một thập kỷ trở lại đây.

– “Kỳ vọng đại dịch Covid-19 được kiểm soát dẫn đến sức cầu tăng và việc đưa ra những dòng sản phẩm mới đã hỗ trợ niềm tin của nhà sản xuất về triển vọng sản lượng trong 12 tháng tới”, báo cáo nêu.

• Xuất khẩu rau quả tăng hơn 12% trong 4 tháng đầu năm

– Bất chấp dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, sản lượng xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2021 đạt 1,375 tỷ USD, tăng 12,3 % so với cùng kỳ năm 2020.

– Chỉ riêng tháng 3, một doanh nghiệp xuất khẩu rau quả đã xuất khẩu được 240 tấn cà rốt tươi sang Hàn Quốc, còn với thị trường Trung Đông, lượng xuất khẩu tăng hơn gấp đôi. Nhờ nỗ lực kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ, đặc biệt là ở các địa phương như Hải Dương, Quảng Ninh, đã giúp đẩy nhanh quá trình thông quan.

– Rau quả Việt cũng bắt đầu khai phá được những thị trường khó tính hơn nhờ 16 FTA thế hệ mới như EVFTA, UKVFTA… Mức thuế giảm về 0% giúp nhiều loại hoa quả như: bưởi da xanh, thanh long, chanh leo tìm đường sang châu Âu, hay các thị trường khó tính khác như Mỹ, Nhật Bản…

– Xuất khẩu tăng mạnh, tuy nhiên hơn một nửa đến Trung Quốc, thị trường lớn nhất với 62,5% tổng giá trị xuất khẩu rau quả. So với cùng thời điểm năm 2020, khi nhiều cửa khẩu với Trung Quốc bị đình trệ vì dịch bệnh, năm nay, giá trị xuất khẩu rau quả với thị trường này đã tăng mạnh 16%.

– Để giảm sự phụ thuộc quá mức vào một thị trường và tận dụng được lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do FTA, theo chuyên gia, các doanh nghiệp rau quả Việt Nam cần kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm, đặc biệt là lượng thuốc trừ sâu dư thừa, bởi những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… đều đặt ra tiêu chuẩn rất cao về an toàn thực phẩm.

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Sacombank báo lãi trước thuế quý 1 hơn 1,000 tỷ đồng

– Trong quý đầu năm, thu nhập lãi thuần của Sacombank tăng 6% so với cùng kỳ, lên mức hơn 3,008 tỷ đồng. Trong khi lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 16%, ghi nhận hơn 837 tỷ đồng. Đáng chú ý, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư tăng đến 91%, đem về khoản lãi hơn 34 tỷ đồng.

– Kỳ này, Sacombank dành ra gần 476 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 14% so với cùng kỳ. Kết quả, Ngân hàng báo lãi trước và sau thuế tăng nhẹ 1% và 2%, đạt hơn 1,000 tỷ đồng và hơn 801 tỷ đồng. Nếu so với kế hoạch 4,000 tỷ đồng lãi trước thuế đã được đề ra trong năm 2021, Sacombank đã thực hiện được 25% sau quý đầu năm.

– Là một trong số ít những ngân hàng có nợ xấu tính đến ngày 31/03/2021 giảm so với đầu năm (-8%), Sacombank chỉ còn hơn 5,292 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, giảm mạnh nhất là nợ nghi ngờ (-31%), kế đó là nợ có khả năng mất vốn (-5%). Kết quả, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm từ mức 1.7% hồi đầu năm xuống chỉ còn 1.48%.

• Vietjet báo lãi trong quý 1/2021 nhờ phát triển dịch vụ hàng không, đầu tư dự án

– Theo đó, trong quý 1/2021, Vietjet đạt doanh thu và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ lần lượt là 2,845 tỷ đồng và 110 tỷ đồng. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 4,048 tỷ đồng và 123 tỷ đồng. Số lợi nhuận này đến từ việc Vietjet đầu tư dự án, đầu tư tài chính, phát triển dịch vụ hàng không, bù đắp cho các hoạt động khai thác vận tải hàng không.

– Trong Quý I, Vietjet đã thực hiện chuyển nhượng toàn bộ cổ phiếu quỹ đang sở hữu nhằm tăng cường nguồn lực và tập trung nguồn vốn hỗ trợ cho dịch vụ vận tải hàng không.

– Vietjet dự báo thị trường quốc tế sẽ khởi sắc lại vào quý IV/2021, do đó, hãng đã sẵn sàng cho kế hoạch khai thác thường lệ mạng đường bay quốc tế. Cùng với việc Chính phủ tiếp tục chính sách miễn, giảm, giãn nộp thuế và một số phí, đồng thời xem xét các biện pháp hỗ trợ tài chính, giảm lãi vay cho các hãng hàng không, Vietjet tin tưởng đó sẽ là nền tảng để Vietjet và ngành hàng không phát triển, góp phần thúc đẩy nền kinh tế hồi phục sau đại dịch.

• May Sông Hồng chốt quyền chia cổ tức tỷ lệ 30% bằng tiền

– Công ty may Sông Hồng (HoSE: MSH) thông báo ngày 14/5 là ngày chốt danh sách chia cổ tức năm 2020 tỷ lệ 30%, 1 cổ phiếu được nhận 3.000 đồng. Ngày thanh toán 25/5. Với 50 triệu cổ phiếu đang lưu hành, doanh nghiệp dự chi khoảng 150 tỷ đồng để chia cổ tức 2020.

– Năm 2021, MSH lên kế hoạch doanh thu tăng 10% đạt 4.200 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 340 tỷ đồng, tăng 20%; tỷ lệ cổ tức dự kiến từ 30-45%.

– Trong quý I, doanh thu May Sông Hồng tăng 0,72% đạt 945 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng đến 44% so với cùng kỳ năm trước đạt 92 tỷ đồng. Doanh nghiệp cho biết nhờ tiết kiệm chi phí sản xuất làm giảm giá vốn, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 17,1% lên 22,8%.

– Bên cạnh đó, bắt đầu từ đầu năm, tất cả các khách hàng đều phục hồi, đơn đặt hàng của May Sông Hồng ổn định đến quý II.

• Nam Long báo lãi quý 1 gấp 3, doanh số từ đầu năm đạt trên 3,000 tỷ đồng

– Theo BCTC hợp nhất quý 1/2021, doanh thu thuần NLG ghi nhận 236 tỷ đồng, giảm 43% so cùng kỳ. Nguyên nhân do các dự án cũ gần như đã bàn giao trong năm 2019 và 2020, trong khi các dự án mới vẫn đang trong quá trình xây dựng.

– Nhờ ghi nhận hơn 429 tỷ đồng lợi thế thương mại từ hợp nhất dự án Đồng Nai Waterfront (Izumi) sau khi NLG mua thêm 30% cổ phần từ Keppel Land nên lợi nhuận của Tập đoàn sau đó đạt hơn 365 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. Như vậy, NLG đã thực hiện 32% kế hoạch lãi ròng cả năm 2021.

– Điểm tích cực hơn trong quý đầu năm là dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của NLG đã dương trở lại. Đến cuối tháng 3, tiền mặt (tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn) tăng thêm gần 330 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 1,436 tỷ đồng.

– NLG cũng ghi nhận “của để dành” gần 3,200 tỷ đồng, trong đó gồm mua trả tiền trước ngắn hạn 2,410 tỷ và doanh thu chưa thực hiện dài hạn 767 tỷ đồng.

– Năm 2021 được xác định là năm bản lề của Nam Long trong việc khởi động hành trình chuyển đổi từ nhà phát triển bất động sản vừa túi tiền sang chủ đầu tư khu đô thị tích hợp và công ty bất động sản tích hợp. Công ty sẽ tập trung phát triển các khu đô thị tích hợp như Southgate (Waterpoint giai đoạn 1 – 165 ha – Long An), Mizuki, Akari (TP HCM), Izumi City (Waterfront – 190 ha – Đồng Nai), Nam Long – Cần Thơ…

———–
DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư
Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
Lich Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3 và Thứ 5
Tìm hiểu thêm và đăng ký: http://bit.ly/tuvandautu_DGO
Lịch Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần
Tìm hiểu thêm và đăng ký: http://bit.ly/dangky_khoaDGO
————
Hãy cùng đón chờ các Cập nhật của chúng tôi vào mỗi buổi sáng 8h hàng ngày trên Website:
https://www.vndirect.com.vn/
Soundclound: https://soundcloud.com/vndirect-dcall
Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCVCzjWFSb9iP7iK_VBTS3vQ