Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 04.11.2021 | Sản lượng thép Hòa Phát tháng 10 tăng 64% so với cùng kỳ nhờ thúc đẩy đầu tư công

Nhận định Thị trường hàng ngày 04/11/2021    72731

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 04/11/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Khủng hoảng thiếu than, điện ở Trung Quốc hạ nhiệt do biện pháp can thiệp hoạt động đầu cơ than của chính phủ
– Mới đây nhất, Commonwealth Bank of Australia cho biết tình trạng thiếu than ở Trung Quốc đang được xoa dịu nhờ những chính sách mới của chính phủ. Cụ thể, theo báo cáo của ngân hàng này, số lượng các tỉnh ở Trung Quốc bị thiếu điện đáng kể giảm xuống còn 2 vào giữa tháng 10, từ mức 18 vào đầu tháng. Cung thiếu hụt so với cầu hơn 10%. Số nhà máy điện than có dự trữ than ở mức cực kỳ thấp (đủ dùng cho chưa đến 7 ngày) cũng giảm 90% trong cùng kỳ.
– Trước đó, tình trạng thiếu than ở Trung Quốc trở nên tồi tệ từ tháng 9, khiến chính quyền các địa phương đột ngột thông báo cắt điện tới nhiều nhà máy. Kết quả là sản lượng của các nhà máy giảm và một số chuyên gia kinh tế hạ dự báo về tăng trưởng GDP của cả nước. PMI sản xuất của Trung Quốc cũng rơi vào vùng suy giảm trong tháng 9 và 10.
– Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, chính phủ Trung Quốc đã tìm cách giải quyết tình trạng thiếu than bằng nhiều biện pháp, từ việc can thiệp vào hoạt động đầu cơ giá than tương lai đến chính sách cho phép sản xuất nhiều than hơn. Họ thực hiện các chính sách này bất chấp áp lực từ mục tiêu về giảm lượng khí thải carbon.
– Sự cấp bách của tình trạng thiếu điện khiến các nhà chức trách phải đưa ra các tiếp cận khác đối với ngành than nhằm đảm bảo đủ nguồn cung năng lượng.
– Giữa tháng 10, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết các tổ chức tài chính không nên mù quáng cắt khoản vay cho các dự án than. Thêm vào đó, Cục Quản lý Nhà nước về An toàn Mỏ than của Trung Quốc cho hay sản lượng than toàn quốc có thể tăng khoảng 600 tấn một ngày, với tổng sản lượng là 55 triệu tấn trong quý IV.
– Trung Quốc cũng mua than để bù đắp thiếu hụt, với khối lượng nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch này tăng 76% vào tháng 9 so với một năm trước. Trong đó, Trung Quốc tăng nhập khẩu than nhiệt, nhiên liệu chính để sản xuất điện, từ Nga và Indonesia.
– Vào giữa tháng 10, cơ quan hoạch định kinh tế quốc gia của Trung Quốc cũng cho biết sẽ cho phép thị trường đóng vai trò lớn hơn trong việc thiết lập giá điện và họ liên tục nhấn mạnh rằng sẽ ngăn chặn tình trạng đầu cơ giá than.

2. Thông tin Việt Nam

• Chính phủ quyết tâm kiểm soát lạm phát ở mức 2% năm nay
– Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá sau cuộc họp vừa diễn ra. Theo đó, CPI bình quân 10 tháng vừa qua ở mức 1,81% là điều kiện thuận lợi và có dư địa để kiểm soát lạm phát cả năm nay dưới mục tiêu đề ra.
– Tuy nhiên, hiện nay áp lực lên mặt bằng giá của một số mặt hàng tiêu dùng không nằm trong danh mục nhà nước định giá, bình ổn giá là rất lớn.
– Với diễn biến kinh tế thế giới vẫn còn những bất ổn, lạm phát chung có xu hướng tăng cao tại nhiều quốc gia, xu hướng tích trữ các mặt hàng nguyên, nhiên liệu, vật tư chiến lược sẽ có tác động ảnh hưởng đến Việt Nam.
– Cũng trong cuộc họp chính phủ quyết tâm kiểm soát lạm phát dự kiến khoảng 2% để góp phần hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế và ổn định đời sống xã hội, trong trường hợp bất thường dự kiến cũng không vượt quá 2,5%, bảo đảm thực hiện mục tiêu do Quốc hội và Chính phủ đề ra.
– Đối với định hướng công tác quản lý, điều hành giá trong các tháng còn lại của năm nay và dự kiến cho năm 2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh quyết liệt triển khai các biện pháp. Thứ nhất: Giữ bình ổn mặt bằng giá phục vụ cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống người dân. Thứ hai: Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Thứ ba: Tiếp tục ổn định giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá. Thứ tư: Tránh tình trạng giá có biến động lớn. Thứ năm: Giám sát việc thực hiện kê khai giá, niêm yết giá.

• Kinh tế dần phục hồi, nhập siêu chỉ còn 1,4 tỷ USD
– Số liệu Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho thấy, trong tháng 10, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 53 tỷ USD, dù vẫn giảm 0,4% so với tháng trước, nhưng mức giảm đã nhỏ dần. Trong đó xuất khẩu tăng 1%, nhập khẩu giảm 1,7%.
– Lũy kế 10 tháng năm 2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt hơn 537 tỷ USD, tăng trên 22% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu tăng 16% nhưng nhập khẩu tăng 28%, nên vẫn nhập siêu 1,45 tỷ USD (trong khi cùng kỳ năm trước xuất siêu 19,63 tỷ USD).
– Dù vẫn nhập siêu, nhưng con số nhập siêu đang có xu hướng giảm dần, tính chung 10 tháng chỉ còn nhập siêu hơn 1,4 tỷ USD, trong khi con số này của 9 tháng trước đó là 2,1 tỷ USD, và của 8 tháng đầu năm là 3,7 tỷ USD. Kết quả này, nhờ tình hình dịch COVID-19 trong nước đã cơ bản được kiểm soát, doanh nghiệp dần khôi phục sản xuất, đặc biệt với khu vực TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai.
– Chủ lực của xuất nhập khẩu nền kinh tế Việt Nam vẫn là khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), riêng khu vực này trong tháng 10 xuất siêu 2,6 tỷ USD. Tính chung 10 tháng qua, khu vực FDI chiếm 70% tổng giá trị nhập khẩu của nền kinh tế (hơn 373 tỷ USD), xuất khẩu chiếm hơn 20% tổng giá trị (hơn 196 tỷ USD).

3. Nhịp đập thị trường chứng khoán

– VN-Index mở cửa khá hứng khởi với mức tăng hơn 7 điểm và tiếp tục hướng tới thiết lập đỉnh cao mới. Tuy nhiên, thị trường không giữ được sắc xanh quá lâu sau đó. Ngay trước giờ nghỉ trưa, cổ phiếu nhiều nhóm ngành đồng loạt quay đầu giảm mạnh và kéo thị trường xuống dưới mức tham chiếu. Bước sang phiên chiều, dù có vài thời điểm VN-Index ngắn ngủi giao dịch trong sắc xanh, nhưng với áp lực bán mạnh đã lần nữa kéo thị trường giảm điểm trở lại. VN-Index kết phiên giao dịch giảm 8,16 điểm và xuống mức 1.444,30 điểm. Một điểm đáng chú ý trong phiên 03/11 đó là khối lượng giao dịch đạt ở mức cao nhất lịch sử với hơn 1,4 tỷ đơn vị được giao dịch khớp lệnh, với giá trị đạt hơn 41.000 tỷ đồng.
– Cổ phiếu GVR, VHM và NVL là 3 cổ phiếu có tác động tiêu cực nhất lên VN-Index, tổng cộng hơn 6 điểm giảm. Những điểm tăng của TCB, SAB, BID hay VPB ở bên kia chiến tuyến cũng chỉ góp hơn 5 điểm hỗ trợ cho thị trường.
– Trên sàn HoSE, khối ngoại mua ròng trở lại 280 tỷ đồng. HPG được khối ngoại mua ròng mạnh nhất ở phiên hôm nay với giá trị 266 tỷ đồng, bỏ xa mã đứng sau là GEX với 85 tỷ đồng. Trong khi đó, HSG bị bán ròng mạnh nhất với 84 tỷ đồng. MSN và VNM bị bán ròng lần lượt 44 tỷ đồng và 41 tỷ đồng.
– Điểm nhấn trong phiên giao dịch 03/11/2011 phải kể đến nhóm Ngân hàng, trong đó hầu hết các cổ phiếu trong nhóm này đều kết phiên trong sắc xanh, đặc biệt có hai mã cổ phiếu là LPB và OCB tăng kịch trần. Những cổ phiếu lớn như VCB, TCB, MBB, CTG hay BID đều kết phiên cao hơn mức giá mở cửa, với mức tăng trung bình khoảng 2%. Các ngân hàng vốn hóa nhỏ hơn như STB, SSB hay SHB cũng tăng khá.
– Nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng bị chốt lời rất mạnh khiến hàng loạt các cổ phiếu đầu ngành như KBC, HDG, DIG, NLG, HBC, VGC, LCG, FCN đóng cửa ở mức giá sàn. Thậm chí, cổ phiếu bất động sản thuộc VN30 cũng có những mã giảm sâu như GVR, KDH đều đóng cửa giảm trên 6%.
– Thị trường điều chỉnh trở lại với mức giảm không thực sự mạnh nhưng với thanh khoản gia tăng và lập kỷ lục mới với hơn 46.000 tỷ đồng khớp lệnh trên cả hai sàn. Điều này cho thấy một lượng chốt lời khá mạnh tại vùng giá cao hiện tại nhưng với mức giảm không mạnh thì có thể thấy là dòng tiền vẫn đang nằm trong thị trường, chỉ là sự xoay vòng của dòng tiền giữa các nhóm ngành khác nhau.
– Trên góc nhìn kỹ thuật, tuy giảm điểm nhưng VN-Index vẫn giữ được vùng hỗ trợ 1.420 – 1.425 điểm nên khả năng để hồi phục trong phiên 04/11 là có thể xảy ra. Kịch bản tiêu cực hơn nếu áp lực bán tiếp tục gia tăng thì thị trường có thể lùi về kiểm tra lại vùng hỗ trợ 1.420 – 1.425.

4. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Sản lượng thép Hòa Phát tháng 10 tăng 64% so với cùng kỳ nhờ thúc đẩy đầu tư công
– Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) thông báo sản lượng bán hàng tháng 10 đạt 968.000 tấn thép các loại, tăng 64% so với cùng kỳ và tăng 31% so với tháng 9 – doanh nghiệp ghi nhận tháng tăng thứ 4 liên tiếp. Đồng thời, sản lượng bán hàng trong tháng 10 chỉ thấp hơn mức kỷ lục thiết lập tháng 3 (đạt 1 triệu tấn).
– Trong đó, thép xây dựng đóng góp nhiều nhất với 467.000 tấn, tăng 87% so với cùng kỳ năm trước và tăng 42% so với tháng trước. Thép cuộn cán nóng (HRC) đạt trên 200.000 tấn, tăng 16% so với tháng 9. Ống thép đạt 72.000 tấn, tăng 85% so với tháng 9.
– Doanh nghiệp cho biết, các dự án đầu tư công được đẩy mạnh tiến độ giải ngân là cơ sở quan trọng giúp việc tiêu thụ thép của Hòa Phát có sự tăng trưởng tốt hơn so với các tháng trong quý III.
– Sản lượng xuất khẩu thép cuộn thành phẩm tháng 10 đạt 147.000 tấn, gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm trước và là mức cao nhất từ trước đến nay. Thị trường xuất khẩu chính là Canada, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Campuchia.
– Như vậy, lũy kế 10 tháng, Hòa Phát đạt sản lượng bán hàng 7,3 triệu tấn sản phẩm thép, tăng 38% so với cùng kỳ. Thép xây dựng đạt 3,2 triệu tấn, tăng 19%; trong đó xuất khẩu thép thành phẩm đóng góp 810.000 tấn, tăng 86% so với cùng kỳ năm trước. Thép cuộn cán nóng đạt hơn 2,1 triệu tấn. Tôn Hòa Phát đạt tổng sản lượng 318.000 tấn, gấp 2,5 lần cùng kỳ, chủ yếu nhờ lượng hàng xuất khẩu tăng cao.

• TPB – Ngân hàng đầu tiên hoàn thành yêu cầu của Basel III
– Basel III không đơn thuần là một tiêu chuẩn trong quản trị rủi ro, mà còn là sự khẳng định của một ngân hàng về chất lượng tài sản, khả năng chống chịu trước những rủi ro.
– Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) vừa công bố hoàn thành toàn bộ các yêu cầu của Basel III, IFRS 9 và sẽ triển khai toàn diện ngay từ quý IV năm nay. Đây cũng là ngân hàng tiên phong trên thị trường được một bên thứ 3 là Công ty TNHH Thuế và Tư vấn KPMG đứng ra rà soát độc lập và công nhận về kết quả này.
– Tại Việt Nam, hệ thống ngân hàng cho tới cuối năm ngoái mới cơ bản áp dụng Basel II. Hiện chưa có bất kỳ quy định nào về Basel III và vẫn chưa có quy định nào bắt buộc phải áp dụng toàn bộ tiêu chuẩn này cho các ngân hàng.
– Tuy nhiên, lợi ích của việc áp dụng các bộ tiêu chuẩn mới là giúp giảm thiểu rủi ro trong hoạt động, nâng cao năng lực quản trị, sức chống chịu của ngân hàng trước những biến cố có thể xảy ra.
– Ngân hàng cho biết, để có thể áp dụng chuẩn Basel III, ngân hàng đã phải đánh đổi rất nhiều. Cụ thể, để áp dụng tiêu chuẩn càng cao, ngân hàng phải chuẩn bị lượng vốn càng dồi dào, chấp nhận một mức đệm dự phòng lớn hơn để giảm rủi ro trong hoạt động. Khi vốn bị giữ lại nhiều hơn để dự phòng, khả năng sinh lời sẽ bị ảnh hưởng.
– Tuy nhiên, việc duy trì lượng vốn dự trữ nhiều hơn nhưng đổi lại sẽ đảm bảo thanh khoản, có đủ đệm vốn dự trữ chống chịu được các biến động bất thường của thị trường, đồng thời nâng cao được vị thế và uy tín cho ngân hàng, nhờ vậy, có thể dễ dàng tiếp cận thị trường vốn quốc tế.

——–
Trung tâm Tư vấn đầu tư VNDIRECT
Hội tụ trí tuệ – Lan tỏa thành công
📅 Lịch phát sóng các chương trình của Trung tâm TVĐT:
Thứ 2, 15h: La Bàn Đầu tư – điểm lại tin tức vĩ mô & các kênh Tài sản trong tuần.
Thứ 4, 15h30: Tọa đàm đầu tư – cập nhật về Ngành, Mã có câu chuyện đầu tư, đáng chú ý- Chương trình dành riêng cho Khách hàng của VNDIRECT

Thứ 5, 15h30: Cổ phiếu 360 – Nhận định về một mã cổ phiếu ở 2 góc nhìn Tích cực & Tiêu cực
Thứ 7, 9h (2 tuần/ lần) : Đối thoại với PM – Mời Khách mời là PM hoặc các chuyên gia trong Ngành để trao đổi, thảo luận về quan điểm, chiến lược đầu tư.
————
Các chương trình của chúng tôi được phát sóng trên:
🌎 Website: https://www.vndirect.com.vn/
🌎 Fanpage Vndirect Securities Corporation : https://www.facebook.com/vndirect
📺 Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCWophLNUfFTJIUirKdD1q0Q
#Dcall