Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 04.06.2021 MB được chấp thuận tăng gần 9.800 tỷ đồng vốn điều lệ

Nhận định Thị trường hàng ngày 04/06/2021    11023

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 04/062021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Doanh nghiệp thép Ấn Độ ‘khóc ròng’ vì quặng sắt trong nước thiếu nhưng xuất khẩu ồ ạt
– Trong 4 tháng đầu năm nay, sản lượng quặng sắt xuất khẩu của Ấn Độ tăng 66% lên 22,42 triệu tấn, trong đó 90% bán sang Trung Quốc.
– Trung Quốc là nước tiêu thụ quặng sắt lớn nhất thế giới. Nước này nhập khẩu khoảng 70% sản lượng toàn cầu. Năm ngoái, quốc gia này nhập khẩu 1,17 tỷ tấn – con số kỷ lục.
– Xuất khẩu quặng sắt tăng đột biến trở thành vấn đề đối với các nhà sản xuất thép Ấn Độ vì họ cũng đang vật lộn để mua loại vật liệu thô này. Một số doanh nghiệp đề xuất với chính phủ cấm xuất khẩu thép từ Ấn Độ.
– Do ảnh hưởng của Covid-19, sản lượng quặng sắt ở Ấn giảm 44 triệu tấn xuống còn 202 triệu tấn so với 246 triệu tấn cùng kỳ. Cùng thời gian đó, sản lượng xuất khẩu tăng 62% (năm nay Ấn Độ xuất khẩu 60 triệu tấn còn con số năm ngoái là 37 triệu tấn). Do đó, Ấn Độ thiếu khoảng 70 triệu tấn quặng sắt vì tăng xuất khẩu và giảm sản lượng trong nước.
– Các đại gia thép như Tata Steel và JSW không bị ảnh hưởng nhiều bởi tình hình xuất khẩu quặng sắt nhưng các doanh nghiệp nhỏ thì thiệt hại rất nhiều.
• Kinh tế thế giới biến động như thế nào trong tháng 5?
Tháng 5 vừa qua tiếp tục chứng kiến những biến động lớn trong nền kinh tế toàn cầu, khi Covid-19 bùng phát mạnh ở nhiều nước châu Á giữa lúc Mỹ và châu Âu mở cửa trở lại nhờ tiêm chủng.
– Giá nguyên vật liệu thô biến động mạnh:
Sự phục hồi của 3 nền kinh tế lớn gồm Mỹ, Trung Quốc và châu Âu đã khiến nhu cầu nguyên vật liệu thô tăng nóng, đẩy giá những mặt hàng như thép, đồng, quặng sắt, nhôm, ngô, gỗ… leo thang chóng mặt trong tháng 5. Một chỉ số giá nguyên vật liệu thô toàn cầu do hãng tin Bloomberg thực hiện đã tăng lên mức cao nhất trong một thập kỷ. Chỉ trong 2 tuần đầu tháng 5, các sản phẩm thép ở Trung Quốc đã đội giá hơn 1.600 Nhân dân tệ (250 USD)/tấn. Trong phiên giao dịch ngày 10/5, giá quặng sắt giao sau tại thị trường Singapore có lúc tăng 10% chỉ trong vòng vài phút đồng hồ.
Chính sự tăng giá này lại đe dọa tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đã tìm cách kiềm chế đà tăng giá nguyên vật liệu bằng cách đưa ra những cảnh báo về tình trạng đầu cơ thổi giá. Ngoài ra, nguồn vốn tín dụng tại nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới cũng bắt đầu siết lại.
Ngay sau những tín hiệu này từ Trung Quốc, giá nguyên vật liệu thô trên thị trường toàn cầu giảm nhiệt nhanh chóng. Đến giữa tuần vừa rồi, giá quặng sắt tiêu chuẩn 62% tại Singapore đã sụt giảm còn 182 USD/tấn, thấp hơn trên 20% so với mức kỷ lục 232,5 USD/tấn thiết lập hôm 12/5. Giá thép giao sau tại thị trường Thượng Hải cũng xuống đáy 2 tháng.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng sự xuống thang này chỉ là tạm thời, giá nguyên vật liệu thô vẫn có thể tăng nhiệt trở lại. Nguyên do là bởi Trung Quốc hiện không còn nắm ảnh hưởng quyết định đến giá nguyên vật liệu thô. Thay vào đó, sự tăng trưởng nhu cầu mạnh mẽ còn đến từ Mỹ và châu Âu. “Trước đây, biến động giá các kim loại công nghiệp thường theo chu kỳ tín dụng của Trung Quốc. Nhưng bây giờ thì không thế, vì Mỹ đã chi nhiều tiền kích cầu hơn Trung Quốc, và nhu cầu của Mỹ đang rất mạnh”, chuyên gia kinh tế trưởng Larry Hu của Macquarie Group nhấn mạnh.
– Nỗi lo lạm phát phủ bóng toàn cầu:
Thị trường chứng khoán toàn cầu đã có những phiên “nháo nhào” trong tháng 5 sau khi chứng kiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất 13 năm. Một thước đo lạm phát quan trọng khác của Mỹ là chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE) tăng 3,1% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái. Cả hai chỉ số này đều vượt xa mục tiêu lạm phát 2% mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đề ra. Tại Trung Quốc, chỉ số giá nhà sản xuất (PPI), cũng tăng 6,8% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng cao nhất 3 năm.
Tổ chức nghiên cứu Conference Board dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 6,4% trong năm nay, mức tăng mạnh nhất trong nhiều thập kỷ. Kinh tế Mỹ hồi phục mạnh và việc giá nguyên vật liệu thô tăng cao đang gây áp lực lạm phát tại nền kinh tế lớn nhất thế giới. Điều khiến các nhà đầu tư lo ngại là tình trạng này sẽ khiến Fed sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn dự kiến. Việc Fed thắt chặt có thể gây nên một “cơn địa chấn” trên thị trường toàn cầu: các dòng tiền chuyển hướng, tỷ giá các đồng tiền biến động mạnh, trồi sụt giá tài sản, và sức ép lên chính sách tiền tệ của các quốc gia khác.
Fed vẫn giữ lập trường lạm phát tăng chỉ là vấn đề tạm thời và chính sách tiền tệ cần duy trì trạng thái nới lỏng cho tới khi nền kinh tế và thị trường đạt được sự phục hồi thực sự bền vững. Chúng tôi đồng tình với quan điểm này, tuy nhiện tại thời điểm hiện tại thì lạm phát chưa phải là vấn đề quá lớn để lo lắng tại thời điểm hiện tại, mà chúng ta nên tận dụng cơ hội ở thời điểm này để gia tăng tài sản.

2. Thông tin Việt Nam

• 6,2 tỷ USD vốn FDI đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế trong 5 tháng
– Thông tin từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư, 5 tháng đầu năm, khu công nghiệp, khu kinh tế thu hút được 291 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 6,02 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, số dự án đăng ký cấp mới và điều chỉnh từ nguồn vốn trong nước là 271 dự án trị giá 53.200 tỷ đồng.
– Lũy kế đến tháng 5, khu công nghiệp, khu kinh tế trên cả nước có 10.853 dự án sản xuất kinh doanh còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 228,4 tỷ USD, trong đó, vốn đầu tư thực hiện đạt gần 70%. Con số tương tự với dòng vốn đầu tư trong nước là 10.186 dự án với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 2,53 triệu tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư thực hiện đạt hơn 45%.
– Cũng theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Việt Nam có thêm 38 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp mới, mở rộng và phân khu đã được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư trong 5 tháng. Trong đó, 25 khu công nghiệp được thành lập mới, nhiều hơn 19 khu công nghiệp so với cùng kỳ năm ngoái, nâng tổng số khu công nghiệp trên cả nước lên 394. Trong số đó, 351 khu công nghiệp nằm ngoài khu kinh tế, 35 KCN nằm trong khu kinh tế ven biển, 8 khu công nghiệp nằm trong khu kinh tế cửa khẩu) với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 121.900 ha. Trong đó, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 80.900 ha, chiếm khoảng hơn 66% diện tích đất tự nhiên.
– Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của khu công nghiệp đạt khoảng 42.900 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp đạt khoảng 53%, riêng khu công nghiệp đã đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng gần 72%. Các khu công nghiệp đã tạo việc làm cho khoảng 3,78 triệu lao động trực tiếp.
– Tính đến cuối tháng 5, Việt Nam có 256 trên 286 khu công nghiệp đang hoạt động (đạt tỷ lệ gần 90%) có công trình xử lý nước thải tập trung đi vào hoạt động đạt tiêu chuẩn môi trường với tổng công suất tối đa đạt trên 1,2 triệu m3 nước thải/ngày đêm.
– Tận dụng xu hướng mở rộng đầu tư bên ngoài Trung Quốc của doanh nghiệp nước ngoài nhằm tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, nhu cầu phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp tại Việt Nam tăng mạnh là xu hướng tốt mà những nước phát triển đều phải trải qua. Việt Nam đang dần trở thành xưởng gia công mới của thế giới sau chuỗi chuyển dịch từ Trung Quốc. Chính vì vậy hàng hóa được chuyển gia công tại Việt Nam bằng việc mở rộng và phát triển các khu công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam cũng sẽ được mở rộng và tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn cho hàng triệu lao động

• Tự tin kiểm soát CPI bình quân năm 2021 dưới 4%
– Thời gian qua, bên cạnh giá sắt thép thì giá các mặt hàng khác như xi măng, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi… cùng một loạt các phí dịch vụ vận tải biển, phí hàng không… cùng tăng và dọa tăng. Đó là những dấu hiệu dự báo nguy cơ lạm phát đang đến gần…
– Trước tình tình đó, ngày 3/6/2021 Bộ Tài chính đã lên tiếng “trấn an” rằng việc kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm 2021 ở mức khoảng 4% là vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo điều hành giá. Theo Bộ Tài chính, những diễn biến tăng giá một số hàng hóa thiết yếu trong năm 2021 đã được Bộ Tài chính và các Bộ, ngành dự báo trong kịch bản điều hành giá và báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngay từ cuối năm 2020.
– Một số mặt hàng có giá tăng do nguyên liệu đầu vào cũng như nhu cầu tăng như thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá thép, có mặt hàng tăng theo giá thế giới như xăng dầu…Trong khi đó, đối với mặt hàng do Nhà nước định giá, thời gian vừa qua dịch vụ vận chuyển hàng không có sự điều chỉnh kết cấu chi phí trong giá, tuy nhiên việc điều chỉnh này phải bảo đảm mức giá vé máy bay vẫn trong khung giá do cơ quan có thẩm quyền nhà nước quy định.
– Tuy đây là áp lực lớn lên mặt bằng giá trong nước nhưng đây là nhân tố đã được tính toán trong các kịch bản điều hành giá nên cũng đã có giải pháp để chủ động điều hành giá trong nước nhằm kiểm soát lạm phát cả năm 2021 bình quân ở mức dưới 4%.
– Theo ước tính của Bộ Tài chính, nếu giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau thì trong những tháng còn lại, CPI mỗi tháng vẫn còn nhiều dư địa vì theo tính toán phân tích dự báo của Cục Quản lý giá thì dư địa tăng 0,84% mỗi tháng để đảm bảo mục tiêu kiểm soát dưới 4%. Do vậy, có thể thấy nếu không có những yếu tố quá đột biến xảy ra, việc kiểm soát CPI bình quân cả năm 2021 ở mức khoảng 4% là vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo điều hành giá.
– Tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn thừa nhận còn nhiều tiềm ẩn rủi ro đối với công tác kiểm soát lạm phát đến từ tình hình thế giới như giá nhiên liệu, phôi thép, thép phế thế giới có thể diễn biến tăng cao đột biến, giá xăng dầu tiếp tục tăng tác động làm giá trong nước tăng theo. Ngoài ra, dịch bệnh diễn biến phức tạp có thể tác động làm tăng giá cục bộ một số mặt hàng tại một số địa phương làm ảnh hưởng tâm lý chung, căng thẳng thương mại tại các quốc gia, nhất là Mỹ – Trung Quốc, căng thẳng địa – chính trị tại nhiều vùng lãnh thổ.

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

• MB được chấp thuận tăng gần 9.800 tỷ đồng vốn điều lệ
– Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận MB (HoSE: MBB) tăng vốn điều lệ thêm tối đa hơn 9.795,6 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế theo phương án được đại hội cổ đông thông qua. Trước đó, MB có văn bản gửi NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ lần 1 năm 2021.
– Tại phiên họp thường niên, cổ đông đã đồng ý phương án tăng gần 40% vốn điều lệ nhằm nâng cao năng lực tài chính, năng lực hoạt động và khả năng cạnh tranh của MB. Phương án phát hành chia thành 3 lần. Lần một, ngân hàng sẽ phát hành cổ phiếu trả cổ tức, tỷ lệ 35% nâng vốn điều lệ từ 28.000 tỷ đồng lên gần 38.000 tỷ đồng.
– Lần hai, ngân hàng sẽ tăng vốn thêm 700 tỷ đồng qua bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược gồm Viettel (thêm tối đa 43 triệu cổ phiếu), Công ty TNHH Nhà nước MTV Thương Mại và xuất nhập khẩu Viettel (tối đa 27 triệu cổ phiếu) và các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khác đáp ứng tiêu chí lựa chọn của ngân hàng. Lần ba, ngân hàng sẽ phát hành 19,24 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên.
– Với phần vốn tăng thêm gần 10.700 tỷ đồng, ngân hàng dự kiến sẽ đầu tư tại sản tăng năng lực như hệ thống, giải pháp công nghệ thông tin, đầu tư trụ sở của MB tại khu vực TP HCM và đầu tư khác cần thiết cho việc ổn định và phát triển hoạt động kinh doanh của ngân hàng khoảng 4.783 tỷ đồng, bổ sung vốn đầu tư kinh doanh khác gồm bổ sung vốn cho các hoạt động kinh doanh, mô hình kinh doanh mới… hơn 5.900 tỷ đồng.
– Trong quý I, MB lãi trước thuế gấp đôi cùng kỳ, đạt gần 4.580 tỷ đồng. Tổng tài sản đến cuối tháng 3 ở mức 510.957 tỷ đồng, tăng 3% so với cuối năm trước. Cho vay khách hàng tăng 8,6% lên 324.007 tỷ đồng. Nợ xấu hơn 4.183 tỷ đồng, cao hơn 28% so với cuối năm trước, riêng nợ nhóm 3 nhân đôi lên 1.857 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,08% lên 1,3%.
– Dự phòng rủi ro cho vay khách hàng 5.329 tỷ đồng, tăng 22%. Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 134% xuống 127%.

———–
DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư
Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
Lich Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3 và Thứ 5
Tìm hiểu thêm và đăng ký: http://bit.ly/tuvandautu_DGO
Lịch Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần
Tìm hiểu thêm và đăng ký: http://bit.ly/dangky_khoaDGO
————
Hãy cùng đón chờ các Cập nhật của chúng tôi vào mỗi buổi sáng 8h hàng ngày trên Website:
https://www.vndirect.com.vn/
Soundclound: https://soundcloud.com/vndirect-dcall
Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCVCzjWFSb9iP7iK_VBTS3vQ