Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 02.07.2021 | PMI tháng 6 giảm mạnh xuống còn 44,1 điểm, mức giảm sâu nhất trong hơn một năm

Nhận định Thị trường hàng ngày 02/07/2021    21890

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 02/07/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Chỉ số PMI tháng 6 giảm, kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với nhiều dấu hiệu đáng lo ngại
– Đà tăng trưởng của khu vực công nghiệp ở Trung Quốc đã chậm lại trong tháng 6, do nhu cầu đối với hàng hoá xuất khẩu từ Trung Quốc yếu đi trong khi các nút thắt cổ chai trên chuỗi cung ứng khiến hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng không nhỏ. Chỉ số PMI sản xuất giảm nhẹ từ mức 51 điểm trong tháng 5 xuống còn 50,9 điểm trong tháng 6.
– Đây là tháng thứ 16 liên tiếp chỉ số PMI sản xuất ở trên mức 50 điểm, ngưỡng ngăn cách giữa suy thoái và mở rộng. Tuy nhiên, đó là mức thấp nhất trong 4 tháng trở lại đây. Sự suy giảm rõ rệt hơn khi nhìn vào các chỉ số phụ. Tình trạng thiếu chip đã ảnh hưởng lớn đến các nhà sản xuất ô tô, khiến ngành này suy giảm tháng thứ 2 liên tiếp. Các ngành dầu mỏ, than đá và luyện kim cũng đều suy yếu.
– Những ca nhiễm mới ở Quảng Đông, trung tâm kinh tế và xuất khẩu hàng đầu, khiến những điểm tắc nghẽn trên chuỗi cung ứng trở nên trầm trọng hơn. Công suất của cảng Yantian ở Thâm Quyến, một trong những cảng bận rộn nhất thế giới, đã giảm đến 30% trong giai đoạn cuối tháng 5.
– Trung Quốc là nền kinh tế lớn đầu tiên hồi phục sau khi đại dịch càn quét thế giới, nên đã sớm hưởng lợi từ nhu cầu gia tăng mạnh mẽ trên toàn cầu. Minh chứng là hoạt động xuất khẩu của nước này liên tục tăng trưởng vượt dự báo. Tuy nhiên giờ đây xu hướng này đang có dấu hiệu bị đảo ngược. Việc các nước phương Tây dần quay trở lại cuộc sống bình thường khiến người tiêu dùng chuyển từ mua sắm những món có giá trị lớn (như ô tô, đồ điện gia dụng lớn) sang các thiết bị cá nhân nhiều hơn, gây ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Trung Quốc.
– Với việc hoạt động xuất khẩu đang giảm tốc, kinh tế Trung Quốc sẽ phải phụ thuộc vào tăng trưởng nhu cầu tiêu dùng nội địa, và Chính phủ Trung Quốc cũng đang mong muốn nền kinh tế dịch chuyển sang tiêu dùng nhiều hơn là sản xuất.
– Tuy nhiên các số liệu mới nhất đều cho thấy khu vực dịch vụ cũng tăng trưởng yếu ớt do các ổ dịch mới một lần nữa khiến người tiêu dùng phải chi tiêu e dè. Các chỉ số phụ của ngành vận tải hàng không, dịch vụ ăn uống và dịch vụ lưu trú đều ở dưới ngưỡng 50 điểm, rơi vào vùng suy giảm.
– Với tình hình dịch bệnh phức tạp, giá nguyên vật liệu cao và tiêu dùng chưa hoàn toàn phục hồi, dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc đang lần lượt bị hạ xuống dưới mức 9%, cho thấy nửa cuối năm 2021 đầy khó khăn với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này.

• Nguồn cung tiền dồi dào của các ngân hàng trung ương chảy về đâu?
– Chính sách tiền tệ mà các ngân hàng trung ương lớn triển khai trong thời kỳ đại dịch nhằm bơm tiền vào nền kinh tế thông qua các kênh ngân hàng thương mại và thị trường tài chính để kích hoạt hoạt động kinh tế và giảm mức độ nghiêm trọng của sự suy thoái, giống như đối với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và cuộc suy thoái sau đó.
– Điều này làm tăng đáng kể nguồn cung tiền. Chẳng hạn, tăng trưởng nguồn cung tiền mở rộng (M2) ở Mỹ tăng từ mức dưới 7% vào đầu năm 2020 – thời điểm trước khi đại dịch bùng phát, lên gần 30% vào tháng 4.
– Tuy nhiên, mặc dù khối lượng tiền trong hệ thống tài chính của các nền kinh tế phát triển tăng đáng kể, song tốc độ và tần suất tiền tệ được chi ra cho hàng hóa và dịch vụ lại giảm trong nhiều thập kỷ gần đây. Cho đến nay, dòng tiền mạnh mẽ đổ vào thị trường để đối phó với đại dịch cũng không làm thay đổi xu hướng đó.
– Chuyên gia thuộc công ty đầu tư Macquarie Capital cho rằng về cơ bản, phần lớn thanh khoản bơm vào hệ thống quốc gia được chuyển về Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Cụ thể, 4.000 tỷ USD mà các ngân hàng Mỹ đang ký gửi tại Fed (tương đương khoảng 20% GDP của nước này) triệt tiêu yếu tố hiệu quả ở mức độ lớn của chương trình nới lỏng định lượng (QE) mà Fed áp dụng (hàng tháng cơ quan này mua vào 120 tỷ USD trái phiếu và các khoản thế chấp).
– Tình hình tương tự cũng đang diễn ra tại châu Âu, nhưng thậm chí với quy mô còn lớn hơn. Các ngân hàng châu Âu ký gửi tổng cộng khoảng 3.300 tỷ euro, tương đương 30% GDP của khu vực, vào Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
– Chuyên gia cũng lý giải việc có một lượng lớn tiền dự trữ ngân hàng nằm trong các hầm chứa “ảo” của ngân hàng trung ương là do các ngân hàng không có nhu cầu đối với số tiền mà ngân hàng trung ương bơm vào hệ thống của họ.
– Có một hiệu ứng số nhân xảy ra khi các ngân hàng cho vay tiền. Điều này dẫn đến số nhân giao dịch, làm tăng vận tốc của tiền, khi tiền được chi để mua hàng hóa và dịch vụ. Do đó, việc các ngân hàng không sẵn lòng cho vay, hoặc không có đủ cơ hội đáng tin cậy để cho vay, tạo ra kết quả tiêu cực khi khối lượng tiền tăng lên đáng kể nhưng tốc độ lưu chuyển của chúng trong hệ thống tài chính lại bị giảm đi.
– Nếu không có đủ nhu cầu tín dụng trong nền kinh tế thực, ngay cả khi lãi suất cơ bản giảm xuống mức thấp chưa từng có và khối lượng tiền trong hệ thống cao chưa từng có, toàn bộ tiền bơm vào nền kinh tế thông qua ngân hàng thương mại sẽ quay trở lại các ngân hàng trung ương hoặc cuối cùng được đầu cơ vào các tài sản tài chính.
– Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi các thị trường chứng khoán liên tục xác lập kỷ lục mới, với giá trái phiếu (trái ngược với lợi tức) tăng cao và hàng hóa được “tài chính hóa”, các hình thức hoạt động đầu cơ mới như tiền điện tử NFT hay cổ phiếu “meme” phát triển mạnh mẽ.
– Ngoài ra, sự khan hiếm tương đối cao của nhu cầu tín dụng dành cho đầu tư sản xuất có thể bị ảnh hưởng bởi nhân khẩu học và dân số già, hoặc do bản chất không yêu cầu nhiều vốn đầu tư của các loại công nghệ chuyển đổi mới.

2. Thông tin Việt Nam

• PMI tháng 6 giảm mạnh xuống còn 44,1 điểm, mức giảm sâu nhất trong hơn một năm
– Theo IHS Markit, chỉ số nhà quản lý mua hàng PMI tháng 6 của Việt Nam đạt 44,1 điểm, giảm mạnh so với mức 53,1 điểm hồi tháng 5, cho thấy các điều kiện kinh doanh đã suy giảm nghiêm trọng nhất trong hơn một năm và kết thúc chu kỳ PMI tăng trong 6 tháng qua.
– Theo báo cáo, làn sóng Covid-19 mới nhất tại đã khiến các điều kiện kinh doanh của các nhà sản xuất suy giảm mạnh trong tháng 6. Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ đợt bùng phát đầu tiên của đại dịch vào đầu năm 2020, trong khi các công ty đã giảm tương ứng số lượng việc làm và hoạt động mua hàng. Đại dịch cũng ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng, từ đó khiến thời gian giao hàng bị kéo dài ở mức gần kỷ lục.
– Dịch COVID-19 kéo theo các biện pháp phong tỏa và tình trạng đóng cửa công ty tạm thời, dẫn đến số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài cũng giảm. Hơn nữa, điều kiện kinh doanh còn khó khăn hơn vì tình trạng khan hiếm container, hạn chế vận tải quốc tế và thiếu hụt hàng hóa và nguyen vật liệu, dẫn đến mức độ chậm trễ giao hàng của nhà cung cấp lớn thứ nhì trong lịch sử chỉ số PMI của Việt Nam, chỉ kém mức được ghi nhận vào tháng 4/2020.
– Tình trạng sản lượng giảm và mong muốn tích trữ ít hàng hơn khi số lượng đơn đặt hàng mới giảm là nguyên nhân dẫn đến giảm tồn kho thành phẩm. Các công ty đã có thể giảm lượng công việc tồn đọng lần đầu tiên trong 3 tháng, tương ứng với số lượng đơn đặt hàng mới giảm.
– Bên cạnh đó, có những dấu hiệu giảm áp lực lạm phát trong tháng 6 khi tình trạng lực cầu yếu dẫn đến giảm năng lực định giá. Mặc dù chi phí đầu vào tăng với tốc độ chậm nhất trong 7 tháng, tốc độ lạm phát vẫn cao hơn mức trung bình của lịch sử chỉ số khi tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu dẫn đến giá tăng.
– Đặc biệt, tình trạng tăng giá kim loại được nhắc đến nhiều. Trong khi đó, giá cả đầu ra chỉ tăng nhẹ vì các công ty phải đối phó với tình trạng nhu cầu giảm. Niềm tin kinh doanh giảm thành mức thấp nhất kể từ tháng 8 năm ngoái, và điều này phản ánh những lo ngại về ảnh hưởng tiếp theo của đại dịch. Tuy nhiên, các công ty ở Việt Nam đã có những phản ứng khá kịp thời để đối phó với tình hình COVID-19, và tiến độ phục hồi sẽ được quyết định bởi tình trạng sức khỏe cộng đồng cho các hoạt động kinh doanh trở lại bình thường hơn.

• Bộ KH&ĐT xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2021.
– Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết trong 6 tháng đầu năm, kinh tế thế giới chứng kiến sự phục hồi không đồng đều. Các quốc gia phát triển phục hồi khá mạnh mẽ, các quốc gia đang phát triển phục hồi chậm. Điều này làm hạn chế nguồn cung, khó khăn trong giao thương đã làm tăng giá cả hàng hóa và lạm phát, các quốc gia phải cân bằng giữa kiềm chế lạm phát, nợ công và duy trì chính sách tài khóa, tiền tệ nới lỏng để phục hồi kinh tế.
– Về tình hình trong nước, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức, chủ yếu đến từ các đợt bùng phát với biến chủng mới của COVID-19, tăng giá bất động sản, hàng hóa, nguyên vật liệu, chi phí vận tải, rủi ro thương mại quốc tế… Mặc dù vậy, tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm tiếp tục chuyển biến tích cực, vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
– Bên cạnh đó, trong 6 tháng cuối năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng 2 kịch bản thực hiện mục tiêu tăng trưởng đã được Quốc hội và Chính phủ giao:
– Kịch bản 1: Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6%, quý III cần đạt mức tăng trưởng là 6,2% (thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,5 điểm phần trăm), quý IV tăng 6,5% (thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,2 điểm phần trăm).
– Kịch bản 2: Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, quý III phải đạt mức tăng trưởng là 7% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,3 điểm phần trăm) và quý IV tăng 7,5% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,8 điểm phần trăm).

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Tập đoàn Masan nâng sở hữu The CrownX lên 85%, huy động tiếp 400 triệu USD
– Tập đoàn Masan công bố việc mua lại cổ phần của The CrownX (TCX) từ các cổ đông thiểu số. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu trực tiếp và gián tiếp của Masan Group tại The CrownX tăng từ 80,2% lên 84,9%. Với định giá The CrownX khoảng 7,3 tỷ USD, giao dịch được ước tính giá trị 343 triệu USD.
– Trong giao dịch này, Masan Group cho biết Alibaba Group và Baring Private Equity Asia không tham gia. 2 đơn vị này đã đầu tư vào The CrownX 400 triệu USD vào giữa tháng 6, sở hữu 5.5% cổ phần của The CrownX. Lãnh đạo Masan vẫn đang có kế hoạch huy động thêm 300-400 triệu USD vốn đầu tư vào The CrownX trong nửa cuối năm 2021.
– The CrownX là nền tảng tiêu dùng bán lẻ hợp nhất giữa Masan Consumer Holdings và VinCommerce.
– Về VinCommerce, thông tin từ Masan cho biết, EBIT của VinCommerce – sở hữu chuỗi VinMart và VinMart+ hòa vốn vào tháng 6. Ban lãnh đạo đề ra lộ trình EBIT dương (bao gồm các chi phí tại văn phòng chính) trong nửa cuối năm 2021. Đơn vị sẽ mở mới 300 – 500 cửa hàng VinMart+ trong năm nay. Ngoài ra, mô hình kiosk Phúc Long trong VinMart+ cũng đi vào hoạt động từ cuối tháng 6, mục tiêu đến cuối 2021 có 1.100 cửa hàng VinMart+ tích hợp kiosk Phúc Long và gia tăng lưu lượng khách hàng và lợi nhuận của VinMart+.
– Trong khi đó, ở kênh bán hàng online, VinCommerce hợp tác với Lazada để thúc đẩy nhu yếu phẩm trở thành mặt hàng được mua sắm với tần suất hằng ngày trên kênh online. VinMart đã thí điểm dịch vụ giao hàng nhanh trong vòng 4 tiếng từ 14 siêu thị VinMart tại TP HCM và Hà Nội, áp dụng cho danh mục gần 2.000 sản phẩm, trong đó nổi bật là các mặt hàng tươi sống.
– Với MCH, tập đoàn Masan kỳ vọng MCH sẽ đạt mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận 2 chữ số trong năm 2021. Riêng quý đầu năm, doanh thu tăng 15,5% và lợi nhuận tăng 9%, cho thấy mảng bán lẻ của Masan vẫn đang hoạt động tích cực trong bối cảnh dịch bệnh gây khó khăn cho ngành hàng FMCG.


Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

———–

Quý Nhà đầu tư vui lòng dành 3 phút tham gia Khảo sát Đánh giá và đóng góp ý tưởng hoàn thiện Bản tin Nhận định thị trường DCALL: TẠI ĐÂY 

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: https://hubs.li/H0RgXR90
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0