Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 01.10.2021 | Lạm phát ở vùng thấp nhất 5 năm

Nhận định Thị trường hàng ngày 01/10/2021    58924

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 01/10/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Chính phủ Hàn Quốc cân nhắc khả năng tham gia CPTPP
– Hàn Quốc đang cân nhắc tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), như một phần trong nỗ lực đóng vai trò tiên phong trong thúc đẩy thương mại khu vực. Hàn Quốc vẫn chưa công khai quyết định tham gia CPTPP, nhưng đã theo dõi chặt chẽ hiệp định này, trong đó có cả khả năng Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) có thể trở thành thành viên của CPTPP.
– Trong cuộc họp ngày 30/9 với các chuyên gia thương mại trong nước, Bộ trưởng Thương mại Yeo Han-koo nhấn mạnh Seoul được coi là một đối tác lý tưởng của các nước tham gia CPTPP xét về khả năng cạnh tranh trong các ngành công nghiệp và công nghệ.
– Bộ trưởng Thương mại Yeo Han-koo nêu rõ chính phủ sẽ tiếp tục thu thập ý kiến của các doanh nghiệp địa phương và các chuyên gia để đối phó với sự thay đổi của môi trường kinh doanh toàn cầu. Ông khẳng định chính phủ Hàn Quốc sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc tham gia CPTPP vào thời điểm “đất nước có thể tối đa hóa lợi ích của mình”. Ông đề cao tầm quan trọng của CPTPP trong việc đưa Hàn Quốc đạt được vị trí dẫn đầu về thương mại ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng như phát triển hơn nữa chuỗi cung ứng.
– Theo Bộ trưởng Yeo Han-koo, Hàn Quốc đã và đang nỗ lực mở rộng quan hệ thương mại với các đối tác từ khu vực châu Á – Thái Bình Dương để đa dạng hóa danh mục xuất khẩu. Hàn Quốc đang chờ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), được ký kết vào tháng 11/2020, có hiệu lực vào năm 2022.
– Đầu tháng này, Hàn Quốc cũng đã bày tỏ ý định tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế kỹ thuật số (DEPA), gồm Singapore, New Zealand và Chile, có hiệu lực vào tháng 1. Đây là hiệp định đa phương đầu tiên bao gồm các vấn đề thương mại kỹ thuật số.

2. Thông tin Việt Nam

• Lạm phát ở vùng thấp nhất 5 năm
– Báo cáo kinh tế – xã hội tháng 9 và 9 tháng vừa được công bố cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 giảm hơn 0,6% so với tháng trước. 5 nhóm hàng hóa và dịch vụ ghi nhận chỉ số giá giảm, trong đó giáo dục giảm nhiều nhất, gần 2,9%, do một số địa phương thực hiện miễn, giảm học phí năm học 2021-2022. 4 nhóm còn lại là nhà ở và vật liệu xây dựng; giao thông; hàng ăn và dịch vụ ăn uống và bưu chính viễn thông.
– Cả quý III, CPI tăng hơn 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số nhóm giao thông tăng mạnh nhất, gần 13,7% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là nhà ở và vật liệu xây dựng (tăng gần 3,5%) và giáo dục (tăng hơn 2,3%). Tính chung 9 tháng, chỉ số giá tăng hơn 1,8% so với kỳ 2020, mức thấp nhất kể từ 2016. Đây là tháng thứ 6 liên tiếp ghi nhận CPI ở trạng thái này.
– Theo Tổng cục Thống kê, mức tăng của chỉ số giá 9 tháng chủ yếu do giá xăng dầu trong nước tăng gần 25% so với cùng kỳ 2020, làm CPI chung tăng gần 0,9 điểm phần trăm. Đồng thời giá gas tăng gần 22% làm CPI chung tăng 0,32 điểm phần trăm. Tiếp đến là giá dịch vụ giáo dục tăng gần 3,8% làm CPI chung tăng 0,32 điểm phần trăm. Ngoài ra, giá gạo tăng hay giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng cũng là những nguyên nhân được cho là ảnh hưởng đến chỉ số giá 9 tháng vừa qua.

• Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng đáng khích lệ
– Theo báo cáo của Bộ Công Thương, sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2021 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhất là tại các địa phương có khu công nghiệp lớn phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý III/2021 giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4,45% so với cùng kỳ năm 2020.
– Bình luận về số liệu này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, mức tăng 4,45% của giá trị tăng thêm ngành công nghiệp cao hơn so với cao hơn mức tăng trưởng GDP chung của toàn nền kinh tế (tăng 1,42%). “Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ghi nhận mức tăng trưởng hết sức khích lệ, tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,05%, đóng góp 1,53 điểm % vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế”.
– Về chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tháng 9/2021 ước tính tăng 5% so với tháng trước và giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, IIP ước tính tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù cao hơn tốc độ tăng 2,4% của cùng kỳ năm 2020 nhưng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 9,6% của cùng kỳ năm 2019.
– Trong khi đó, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9/2021 tăng 12,4% so với tháng trước nhưng giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao gồm sản xuất kim loại, sản xuất xe có động cơ, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan, sản xuất trang phục tăng 6,1%.
– Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/9/2021 tăng 28,2% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm 2020 tăng 24,3%).
– Theo đánh giá của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, nhìn chung hoạt động sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2021 bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Tại một số tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội và các tỉnh, thành phía Nam… là các trung tâm sản xuất hàng hóa lớn, có các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp lớn cho phát triển công nghiệp bị tạm dừng hoạt động khiến cho sản lượng hàng hóa giảm mạnh, ảnh hưởng lớn tới các chuỗi cung ứng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, các giải pháp đồng bộ hỗ trợ, khôi phục sản xuất kinh doanh đã bắt đầu có tác dụng, sản xuất công nghiệp tháng 9 đã có dấu hiệu khởi sắc. Từ tháng 10/2021, nếu đà kiểm soát dịch bệnh theo chiều hướng khả quan như hiện nay, sản xuất công nghiệp trong quý IV sẽ tăng trưởng cao hơn quý III, góp phần vào thực hiện mục tiêu năm 2021.

3. Nhịp đập thị trường chứng khoán

– Sắc xanh bao phủ trong suốt thời gian phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9. VN-Index đóng cửa tăng nhẹ gần 3 điểm, kết thúc tại mốc 1.342 điểm tương ứng mức tăng 0,21% so với phiên 29/09. Một điểm đáng lưu ý đó là khối lượng và giá trị khớp lệnh trên sàn HOSE ở mức thấp nhất trong 2 tháng vừa qua với giá trị lần lượt đạt 437 triệu đơn vị và 13.197 tỷ đồng.
– Độ rộng thị trường nghiên hoàn toàn về số tăng cho thấy tâm lý thị trường tiếp tục có sự cải thiện. Tuy vậy, nhóm bluechips vẫn còn phân hoá và dòng tiền có sự chọn lọc khi PNJ (+5,8%), VRE (+2,8%), VIC (+1,5%), SSI (+1,4%) hồi phục tích cực. Ngược lại, nhóm cổ phiếu Ngân hàng tiếp tục phân hoá và suy yếu hơn thị trường chung với BID (-1,1%), VCB (-1,3%) có sự điều chỉnh.
– Khối ngoại bán ròng với giá trị 180 tỷ đồng trên sàn HOSE, giảm 65% so với phiên trước. HPG bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với 183 tỷ đồng, VCB đứng sau với giá trị bán ròng là 79 tỷ đồng. Chứng chỉ quỹ ETF E1VFVN30 bị bán ròng 52 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, VNM được mua ròng mạnh nhất với 82 tỷ đồng, HSG cũng được mua ròng 63 tỷ đồng.
– Dòng tiền hôm nay tiếp tục tìm tới nhóm cổ phiếu Midcaps như nhóm dầu khí hay phân bón giúp các cổ phiếu trong nhóm này duy trì sắc xanh. Trong nhóm dầu khí các cổ phiếu GAS, PVS, PVD, BSR đều tăng điểm tích cực. Về nhóm phân bón ghi nhận phiên hồi phục thứ 3 liên tiếp đáng chú ý DCM tăng trần, DPM (+3,8%), BFC (+3,9%).
– Trong bối cảnh dòng tiền sẽ tiếp tục phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, đặc biệt dòng tiền vẫn chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường cho nên kịch bản đi ngang sẽ còn tiếp diễn trong vài phiên tới.
– Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, nhà đầu tư nên tiếp tục ưu tiên đứng ngoài quan sát thị trường và chờ đợi thêm những tín hiệu rõ ràng hơn về xu hướng tiếp theo trên thị trường.

4. Tin doanh nghiệp niêm yết

• VEAM sắp trả thêm 615 tỷ đồng cổ tức theo ý kiến Bộ Công Thương
– Tổng công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM, UPCoM: VEA) công bố Nghị quyết HĐQT thông qua việc trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại theo ý kiến Bộ Công Thương.
– Sau khi chia cổ tức 2020, doanh nghiệp vẫn còn lợi nhuận chưa phân phối 615 tỷ đồng chờ ý kiến Bộ Công Thương để xử lý. Theo thông báo của VEAM thì Bộ Công Thương đã quyết định dùng toàn bộ lợi nhuận chưa phân phối còn lại để chia cổ tức tiền mặt, tỷ lệ 4,627%, 1 cổ phiếu được nhận 462,7 đồng. Theo đó, ngày 13/10 đăng ký cuối cùng lập danh sách cổ đông trả cổ tức tiền mặt và ngày thanh toán 15/11. Bộ Công Thương sẽ nhận về 544 tỷ đồng.
– Năm 2020, VEAM ghi nhận doanh thu thuần giảm 18% về 3.667 tỷ đồng, khoản lãi từ liên doanh liên kết giảm 28% về 5.124 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm 23% xuống 5.552 tỷ đồng. Với kết quả này, HĐQT trình và được cổ đông thông qua mức chia cổ tức tỷ lệ 49,9%, giảm so với mức 52,5% thực hiện 2019. Trong tháng 8, VEAM vừa hoàn thành nghĩa vụ cổ tức 2020 khi chi ra 6.630 tỷ đồng, Bộ Công Thương nhận 5.866 tỷ đồng tương ứng với tỷ lệ sở hữu 88,47%.
– Nửa đầu năm, VEAM báo cáo doanh thu hợp nhất tăng 27% đạt 2.044 tỷ đồng, hoạt động liên doanh liên kết (Honda, Toyota và Ford) lãi 2.813 tỷ đồng; tăng 47% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 3.128 tỷ đồng, tăng 37%.

• BVSC chốt quyền trả gần 58 tỷ đồng cổ tức năm 2020
– HĐQT Chứng khoán Bảo Việt (BVSC, HNX: BVS) thông qua 12/10 là ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền nhận cổ tức năm 2020 bằng tiền tỷ lệ 8% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 800 đồng). Thời gian thực hiện là ngày 20/10.
– Với hơn 72,2 triệu cổ phiếu đang niêm yết và lưu hành, BVSC sẽ chi gần 58 tỷ đồng trả cổ tức đợt này cho cổ đông. Riêng Tập đoàn Bảo Việt (HoSE: BVH) dự kiến nhận gần 35 tỷ đồng với tỷ lệ sở hữu 59,9% tại BVSC.
– Năm 2020, công ty chứng khoán ghi nhận 568 tỷ đồng doanh thu hoạt động, tăng 5% so với thực hiện năm trước. Tuy nhiên lãi sau thuế giảm hơn 2% còn hơn 132,4 tỷ đồng. Lợi nhuận lũy kế đến cuối năm đạt 399 tỷ đồng, bên cạnh 610 tỷ thặng dư vốn cổ phần, cùng gần 96 tỷ quỹ dự phòng tài chính, rủi ro nghiệp vụ và bổ sung vốn điều lệ.
– Năm 2021, đơn vị dự kiến duy trì tỷ lệ cổ tức 8% bằng tiền như năm ngoái với kỳ vọng lợi nhuận đi ngang ở mức 133 tỷ.
– Nhờ thị trường tăng trưởng mạnh, doanh thu hoạt động tăng 126% so với nửa đầu năm ngoái, đạt hơn 557 tỷ đồng. Trong đó, nghiệp vụ môi giới chứng khoán chiếm tỷ trọng lớn nhất với 222 tỷ đồng, gấp gần 4 lần cùng kỳ. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu cũng gấp đôi lên 165 tỷ đồng. Lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ cũng tăng 41% lên gần 128 tỷ đồng. Các dịch vụ khác như bảo lãnh, lưu ký chứng khoán cũng tăng trưởng so với cùng kỳ. Kết quả, lợi nhuận sau thuế đạt 152 tỷ đồng, gấp gần 3 lần thực hiện nửa đầu năm ngoái, và hoàn thành 114% kế hoạch cả năm.


Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

Quý Nhà đầu tư vui lòng dành 3 phút tham gia Khảo sát Đánh giá và đóng góp ý tưởng hoàn thiện Bản tin Nhận định thị trường DCALL: TẠI ĐÂY 

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: https://hubs.li/H0RgXR90
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0