Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 01.06.2021 Hòa Phát mở rộng đầu tư với dự án mỏ quặng sắt 320 triệu tấn tại Úc

Nhận định Thị trường hàng ngày 01/06/2021    8976

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 01/062021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Thông điệp từ đề xuất đầu tư công 6,000 tỷ USD của Nhà Trắng: Tiền đang rẻ, hãy cứ chi tiêu
Chính phủ Mỹ đã đệ trình kế hoạch ngân sách 6,000 tỷ USD cho quốc hội Mỹ với chủ trương đầu tư cho hạ tầng, giáo dục và ứng phó biến đổi khí hậu với quan điểm đầu tư hiện tại sẽ hợp lý hơn do lãi suất thấp và sẽ giảm thâm hụt ngân sách sau.
Kế hoạch chi tiêu của Biden cho năm tài khóa 2022 cụ thể gồm chi 6,010 tỷ USD và thu 4,170 tỷ USD, tăng 36.6% so với năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 thúc đẩy chính phủ Mỹ phải tăng chi tiêu. Trong đó, 4,000 tỷ USD sẽ hướng tới giải quyết tình trạng bất bình đẳng ở Mỹ, biến đổi khí hậu và cung cấp thêm 4 năm học trường công miễn phí.
Mức thâm hụt dự kiến là 1,840 tỷ USD, giảm sâu so với hai năm trước vì Covid-19, nhưng tăng so với mức 984 tỷ USD của năm 2019. Lộ trình bù đắp thâm hụt sẽ diễn ra trong 15 năm và chính sách tăng thuế của Nhà Trắng sẽ xóa bỏ thâm hụt sau năm 2030.
Cecilia Rouse, chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Biden, nói kế hoạch của ông chủ Nhà Trắng đã được chuẩn bị trước và chính quyền sẵn sàng chấp nhận thâm hụt ngân sách trong bối cảnh lãi suất thấp để đầu tư đáng kể cho kinh tế quốc gia. Hiện tại, lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ gần đây tăng từ đáy – lập khi đại dịch Covid-19 đạt đỉnh năm ngoái – nhưng chi phí đi vay của chính phủ vẫn thấp nhất nhiều năm.
Kế hoạch được phe Dân chủ hoan nghênh, trong đó có Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, nhưng hứng chỉ trích từ phía đảng Cộng hòa – phản đối vì khiến mức nợ gia tăng kỷ lục – cùng các nhóm cấp tiến cho rằng nên giảm chi quốc phòng. Hơn nữa, đảng Cộng hòa cũng phản đối đề xuất tăng thuế của tổng thống Joe Biden với giới thu nhập cao và các doanh nghiệp lớn, cho thấy chặng đường còn nhiều thử thách nếu chính quyền Biden muốn thông qua kế hoạch ngân sách đầy tham vọng này.

• Châu Á trở lại vị trí trung tâm kinh tế thế giới, Hàn Quốc lọt top 10 nền kinh tế lớn toàn cầu
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc vừa công bố số liệu GDP danh nghĩa của Hàn Quốc đạt 1925 nghìn tỷ won năm 2020, tương đương với 1.63 nghìn tỷ USD, vượt qua nền kinh tế 1.48 nghìn tỷ USD của Nga và đưa Hàn Quốc vào top 10 các nền kinh tế lớn nhất thế giới lần đầu tiên trong lịch sử.
Điều đáng chú ý là bên cạnh Hàn Quốc đứng trong top 10 về GDP toàn cầu, tổng cộng có 4 quốc gia châu Á khác cũng có mặt trong bảng xếp hạng, nâng cao vị thế của châu Á trong hệ thống kinh tế toàn cầu. Hiện nay Hàn Quốc chỉ còn kém Canada 10 tỷ USD (1.64 nghìn tỷ USD) xếp vị trí thứ 9.
Các nền kinh tế châu Á khác trong top 10 là Trung Quốc (14.9 nghìn tỷ USD), Nhật Bản (4.9 nghìn tỷ USD) và Ấn Độ (2.6 nghìn tỷ USD). Tổng quy mô GDP của 4 nước châu Á trên là 24 nghìn tỷ USD, chiếm 42% tổng GDP của top 10 quốc gia có GDP lớn nhất toàn cầu.
NHTW Hàn Quốc cũng đồng thời nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 lên 4%, mức cao nhất được NHTW dự phóng cho nền kinh tế kể từ mức 6.8% năm 2010. Điều chỉnh này cho thấy sự tự tin của NHTW Hàn Quốc với triển vọng kinh tế của nền kinh tế sau khi đã dự đoán mức tăng trưởng năm 2021 là 3% tại thời điểm tháng 2 năm nay. Động lực tăng trưởng của Hàn Quốc được kỳ vọng sẽ đến từ hồi phục xuất khẩu và đầu tư của doanh nghiệp. Xuất khẩu của Hàn Quốc tăng 41.1% trong năm lên 51.2 tỷ USD vào tháng 4, đánh dấu mức tăng cao nhất trong 10 năm qua. Ngoài ra, Hàn Quốc còn tiết lộ kế hoạch đầu tư 510 nghìn tỷ won (tương đương 456 tỷ USD) để củng cố lĩnh vực chip vào năm 2030 và như Tổng thống Moon Jae-in đã nói, “điều này giúp Hàn Quốc trở thành một cường quốc về chất bán dẫn”.

2. Thông tin Việt Nam

• Sự lên ngôi của nhà đầu tư F0: khi động lực trên thị trường chứng khoán đến từ sức mạnh tập thể của cá nhân nhỏ lẻ
Thống kê của Bloomberg cho thấy 3 thị trường chứng khoán ở châu Á tăng trưởng mạnh mẽ nhất từ đầu năm – gồm Việt Nam, Hàn Quốc – đều là 3 thị trường được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư cá nhân, nhấn mạnh tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của các nhà đầu tư nhỏ lẻ trên chứng khoán toàn cầu.
Điều này được thể hiện rõ nhất ở Việt Nam, với số lượng NĐT cá nhân chiếm khoảng 90% và đóng góp lớn vào mức tăng hơn 20% của VN-Index trong năm 2021, một mức tăng ấn tượng trong bối cảnh khối ngoại đã bán ròng hơn 24,000 tỷ VND qua 5 tháng đầu năm. Tại Hàn Quốc và Đài Loan, các nhà đầu tư cá nhân chiếm lần lượt 75% và 70%, đóng góp cho mức tăng hơn 10% tại mỗi thị trường.
Sự xuất hiện ngày một đông đảo của NĐT cá nhân đến từ việc các đợt bùng phát COVID-19 làm cản trở di chuyển và làm việc cũng như lãi suất tiền gửi đang ở mức thấp. Hơn nữa, sự gia tăng của các ứng dụng giao dịch giá rẻ trên điện thoại thông minh và thiết bị di động trở thành chất xúc tác chính cho xu hướng này. Tuy nhiên, số lượng lớn các NĐT F0 trên thị trường cũng đồng nghĩa với biến động mạnh hơn cho thị trường do hiệu ứng bầy đàn.
Trong năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam đã lần đầu chinh phục được mốc thanh khoản một phiên vượt 1 tỷ USD, cho thấy sự quan tâm lớn của các NĐT nhỏ lẻ khi tốc độ mở tài khoản mới tăng mạnh lên mức hơn 100,000 tài khoản/tháng từ đầu năm. Với lộ trình giữ nguyên lãi suất ở mức thấp của NHNN trong năm 2021, mức độ hoạt động của NĐT cá nhân tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục ở mức cao, và sẽ còn tăng nữa một khi vấn đề nghẽn lệnh được Sở GDCK TPHCM giải quyết trong tương lai.

• Sản xuất công nghiệp vẫn tăng 9.9% dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp
Tổng cục Thống kê công bố trong tháng 5, chỉ số SXCN tăng 1.6% so với tháng trước và tăng 11.6% so với cùng kỳ năm trước mặc dù đợt bùng phát COVID-19 mới đây ảnh hưởng trực tiếp đến một số KCN tại tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh nhưng đã nhanh chóng được khoanh vùng và kiểm soát. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của SXCN đã bị ảnh hưởng khi chỉ tăng 11.6% so với tốc độ tăng 22.2% của tháng 4.
Tính chung 5 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp cả nước tăng 9.9% so với cùng kỳ, với động lực tăng trưởng chính đến từ mức tăng 12.6% của khu vực chế biến, chế tạo so với mức 3.2% cùng kỳ, đóng góp 10.2 điểm % vào mức tăng chung. Ở chiều ngược lại, khu vực khai khoáng ghi nhận mức giảm 7% so với mức giảm 7.7% cùng kỳ, làm giảm 1.1 điểm % trong chỉ số chung.
Trong các ngành công nghiệp cấp II, các ngành trọng điểm có chỉ số sản xuất 5 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước là: Sản xuất kim loại tăng 38%; sản xuất xe có động cơ tăng 35%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 18,3%. Ngược lại, các ngành ghi nhận chỉ số giảm gồm khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 11,5%; in, sao chép bản ghi các loại giảm 5,1%; khai thác than cứng và than non giảm 3,8%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 5 tháng đầu năm 2021 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Thép cán tăng 60%; ô tô tăng 56%; linh kiện điện thoại tăng 36,4%; điện thoại di động tăng 22,2%; sắt, thép thô tăng 18,4%. Một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 13,1%; phân u rê giảm 10,8%; dầu mỏ thô khai thác giảm 9,5%; xăng, dầu các loại giảm 9,3%; bột ngọt giảm 8,6%.

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Hòa Phát mở rộng đầu tư với dự án mỏ quặng sắt 320 triệu tấn tại Úc
CTCP Tập đoàn Hòa Phát công bố đã được Ủy ban Đầu tư Nước ngoài Liên bang Úc chấp thuận phê duyệt hợp đồng mua toàn phần dự án mỏ quặng sắt Roper Valley. Mỏ quặng sắt nằm ở miền Bắc nước Úc với tổng trữ lượng dự đoán 320 triệu tấn và công suất khai thác 4 triệu tấn/năm.
Dự án này đánh dấu bước chân đầu tiên của Hòa Phát vào thị trường Úc, nơi có nguồn cung quặng sắt lớn nhất thế giới. Trong năm 2020, quốc gia này đã xuất khẩu 900 triệu tấn quặng sắt, tương đương với 38% tổng sản lượng quặng sắt toàn cầu. Úc cũng là nơi có trữ lượng quặng sắt số một thế giới, ước tính lên tới 50 tỷ tấn quặng sắt.
Sau khi đưa vào hoạt động, mỏ quặng sắt Roper Valley sẽ bổ sung thêm 20% nhu cầu quặng sắt của Tập đoàn Hòa Phát trong tương lai. Ngoài ra, Hòa Phát tiếp tục nghiên cứu để đầu tư mua tiếp một số mỏ quặng sắt khác tại Úc nhằm đảm bảo về lâu dài nguồn cung đáp ứng được 50% nhu cầu quặng sắt của Tập đoàn, tương đương với 10 triệu tấn/năm.
Sau khi liên tiếp lập các kỷ lục kinh doanh và sản lượng, động thái mới nhất của Hòa Phát cho thấy sự tự tin và tham vọng của ban lãnh đạo doanh nghiệp thép lớn nhất Việt Nam hiện tại. Kết thúc quý I, Hòa Phát ghi nhận LNST tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ, đạt 7,000 tỷ VND. Sản lượng bán hàng đạt 2.2 triệu tấn thép, trong đó ấn tượng nhất là sản lượng HRC đạt 665,000 tấn, tăng 75% so với quý IV/2020.

• Thị trường bán lẻ nóng lên theo từng ngày: Kido thành lập và nắm giữ 61% dự án bán lẻ theo chuỗi
CTCP Tập đoàn Kido thông báo đã ký thoả thuận với đối tác kinh doanh, chính thức công bố triển khai dự án bán lẻ theo chuỗi cửa hàng với vốn điều lệ ban đầu dự kiến 100 tỷ đồng, trong đó KDC sở hữu 61% và nắm giữ quyền chi phối hệ thống bán lẻ này.
Theo hãng nghiên cứu Euromonitor, tổng tiêu thụ trà và cà phê trên thị trường Việt Nam ước tính 2.3 tỷ USD mỗi năm và dự kiến tăng trưởng 10%/năm, trong đó các thương hiệu lớn như The Coffee House, Highlands Coffee hay Starbucks đều đang trong cuộc đua đốt tiền chiếm thị phần và chưa có dấu hiệu sẽ dừng tăng tốc.
Hơn nữa, nhiều thương vụ M&A trong ngành bán lẻ được công bố gần đây cho thấy sự cạnh tranh rất khốc liệt cho miếng bánh thị trường bán lẻ đầy tiềm năng của Việt Nam. Mới nhất, CTCP Tập đoàn Masan công bố đã mua lại 20% cổ phần thương hiệu Phúc Long và phát triển mô hình kiosk Phúc Long tại hệ thống chuỗi siêu thị VinMart của công ty. Trước Masan, Nova Consumer – thành viên của CTCP Tập đoàn Novaland – đã thâu tóm thương hiệu cà phê PhinDeli, đơn vị đã từng suýt thuộc về Kido nhưng không thành. Hay thương hiệu ngoại, Café Amazon – ông lớn Thái Lan – đầu năm nay chính thức gia nhập và tuyên bố sẽ phủ khắp từ năm 2021.
Với Kido, bước chân vào ngành bán lẻ trong giai đoạn nóng như hiện nay sẽ là một bước đi với rất nhiều thử thách. Tuy nhiên, với xuất thân là công ty trong ngành hàng thực phẩm, lợi thế hiện nay của Tập đoàn là công đoạn nghiên cứu và phát triển sản phẩm, đón đầu được xu thế, khẩu vị tiêu dùng của giới trẻ. Trong năm 2020, công ty đã thực hiện một loạt chuyển đổi với việc tái cấu trúc thông qua đưa toàn bộ công ty thành viên sáp nhập vào tập đoàn. Ngoài ra, Kido cũng bắt tay với Vinamilk cùng ra mắt thương hiệu nước Vibev để xuất khẩu sang các thị trường Đông Nam Á. Sang năm 2021, Kido đặt kế hoạch doanh thu thuần tăng 38% lên 11,500 tỷ VND và LNST tăng 92% lên 800 tỷ đồng, cho thấy kỳ vọng tích cực của ban lãnh đạo về tiềm năng phát triển kinh doanh của Kido trong tương lai gần

———–
DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư
Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
Lich Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3 và Thứ 5
Tìm hiểu thêm và đăng ký: http://bit.ly/tuvandautu_DGO
Lịch Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần
Tìm hiểu thêm và đăng ký: http://bit.ly/dangky_khoaDGO
————
Hãy cùng đón chờ các Cập nhật của chúng tôi vào mỗi buổi sáng 8h hàng ngày trên Website:
https://www.vndirect.com.vn/
Soundclound: https://soundcloud.com/vndirect-dcall
Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCVCzjWFSb9iP7iK_VBTS3vQ