Hợp tác cùng phát triển

Podcast – Bản tin tài sản đầu tư ngày 28.04.2020

Nhận định Thị trường hàng ngày 28/04/2020    2330

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: “Làm giàu từ đầu tư như Warren Buffett”

1. Tình hình thế giới

Trung Quốc gặp tình thế khó khăn khi đưa ra phản ứng chính sách kinh tế

Dịch COVID-19 xảy ra trong bối cảnh kinh tế và chính trị ở Trung Quốc không ổn định. Đó là cơ cấu kinh tế chậm thay đổi; Nợ trong nền kinh tế trên 300% GDP; Nhiều nhà đầu tư nước ngoài chuyển chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc…

Trong bối cảnh nền chính trị và xã hội đang có những bất ổn (vấn đề Hồng Kong, Đài Loan, vấn đề người Duy Ngô Nhĩ,..), thì tình trạng thất nghiệp cao đột biến do COVID-19 sẽ khiến tình hình trở nên phức tạp hơn. Trong bối cảnh đó, khi các chính phủ các nước nhanh chóng kích thích kinh tế thì Trung Quốc tỏ ra thận trọng. Lý do là Trung Quốc lo sợ khoản nợ trên 300% GDP, nếu kích thích qui mô lớn sẽ tạo bong bóng và gây bất ổn thị trường.

Nhưng nếu kích thích không đủ mạnh thì khó có sự phục hồi như mong muốn, thất nghiệp sẽ duy trì ở mức cao gây bất ổn chính trị. Bên cạnh đó, các chính quyền địa phương đã kiệt sức vì phải giảm thuế hồi năm 2019 nên thiếu ngân sách. Trong khi đó, trung ương muốn địa phương cẩn trọng vì sợ họ chi tiêu quá mức.

Do vậy đến nay, Trung Quốc mới chỉ có vài phản ứng yếu ớt. Đó là giảm thuế và bơm tiền vào thị trường, lãi suất cũng chỉ giảm nhẹ và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc khoảng 0,5 đến 1% xuống còn khoảng 10% nhằm bơm khoảng 78,8 tỷ USD vào nền kinh tế và chủ yếu hướng tới các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

2. Tình hình Việt Nam

Xuất nhập khẩu tháng 4 của Việt Nam bắt đầu giảm

Tổng cục Hải quan cho biết trong nửa đầu tháng 4/2020 (từ ngày 1 đến 15/4), kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 17,8 tỷ USD, giảm đến 28,3% tương đương 7,03 tỷ USD so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 3/2020.

Kim ngạch xuất khẩu giảm chủ yếu do mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện giảm 52,1% (tương ứng giảm 1,39 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 31,6% (giảm 669 triệu USD); hàng dệt may giảm 36% (giảm 416 triệu USD)…

Tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu nửa đầu tháng 4 chỉ đạt 9,54 tỷ USD, giảm 19,5% (tương ứng giảm 2,31 tỷ USD) so với nửa cuối tháng 3/2020.

Kim ngạch nhập khẩu giảm chủ yếu do mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 30,4% (giảm 827 triệu USD); vải các loại giảm 19,6% (tương ứng giảm 122 triệu USD); dụng cụ, phụ tùng giảm 6,2% (tương ứng giảm 103 triệu USD).

Nhà đầu tư nước ngoài vẫn rót vốn vào Việt Nam

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20-4, tổng vốn đầu tư gồm vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong 4 tháng đầu năm 2020 đạt 12,33 tỉ USD, bằng 84,5% so với cùng kỳ năm 2019. Dù vốn đăng ký cấp mới và vốn điều chỉnh tăng hơn so với cùng kỳ, song góp vốn mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài lại giảm mạnh.

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng    

Trạng thái bán ròng của khối ngoại vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, thậm chí còn đẩy mạnh trong phiên 27/4. Tính chung toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khoảng 470 tỷ đồng, tương ứng khối lượng hơn 30,4 triệu cổ phiếu, tăng 22% về giá trị và 84% về khối lượng giao dịch so với phiên trước. Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục là tâm điểm khi có sự góp mặt của 5 mã là VCB, VPB, STB, BID và HDB trong danh sách bán ròng mạnh nhất HoSE. Đứng đầu là VCB với giá trị gần 107 tỷ đồng.

Kết phiên 27/4, VN-Index giảm 5,89 điểm (-0,76%) xuống 770,77 điểm khi hầu hết cổ phiếu trong nhóm VN30 đều giảm giá. Ở chiều hướng ngược lại, dòng tiền dịch chuyển mạnh sang nhóm cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp và thủy sản giúp các nhóm này tăng mạnh.

Covid-19 châm ngòi “Cuộc chiến” hàng tươi sống giữa các doanh nghiệp TMĐT 

Cách đây không lâu, trả lời phỏng vấn VTV, bà Cao Vân Anh, Quản lý thương hiệu và truyền thông Lotte Mart Việt Nam cho biết “Hiện nay không có nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử tham gia vào ngành hàng tươi sống. Chúng tôi hiện đã và đang vận hành tốt lĩnh vực này. Đây là lợi thế cạnh tranh lớn của Lotte Mart”.

Tuy nhiên, thế trận đã thay đổi rất nhanh trong 2 tháng qua, các nhóm doanh nghiệp khác đua nhau mở dịch vụ này. Nhóm bán lẻ đa ngành có Bách hóa xanh của Thế giới di động. Nhóm nền tảng gọi xe công nghệ có Grab, Now tung dịch vụ đi chợ hộ. Nhóm thương mại điện tử có Lazada cũng vừa quyết định nhảy vào cuộc đua với khẳng định không phải là làm phong trào.

Cụ thể ví dụ như từ 14/4, Lazada khai trương ngành hàng thực phẩm tươi sống, giao nhanh 2 giờ. Đây là bước đi chiến lược của Lazada khi lần đầu tiên triển khai và mở rộng ngành hàng này.

“Thông thường ngành thương mại điện tử trên toàn cầu bắt đầu bằng bán đồ điện tử rồi mở rộng tự nhiên ra thời trang, mỹ phẩm, tạp hóa, cuối cùng là đồ tươi sống. Hàng tươi sống vốn đã nằm sẵn trong kế hoạch mở rộng ngành hàng tại Việt Nam và Covid-19 chỉ thúc đẩy nó diễn ra sớm hơn mà thôi. Với việc hợp tác với 10 đối tác chuyên về đồ tươi, chúng tôi bán từ thịt cho đến sữa và vận chuyển tới khách chỉ sau vài giờ đồng hồ“, ông James Dong, Tổng giám đốc Lazada Việt Nam trả lời phỏng vấn VTV.

3. Các kênh tài sản

Theo Bloomberg, trong kịch bản tệ nhất cuộc khủng hoảng dầu, khoảng 1/3 nguồn cung toàn cầu hiện nay sẽ bị buộc phải đóng cửa

Dịch COVID-19 đã tác động mạnh tới ngành dầu mỏ theo nhiều giai đoạn kịch tính. Trước hết, dịch bệnh đã gây sụp đổ nguồn cầu, khi nhiều nhà máy buộc phải đóng cửa, ô tô ngừng lưu thông do quy định giãn cách. Kế đến là tình trạng quá tải kho chứa, buộc giới giao dịch phải hướng sang các tàu chở dầu trên biển để trữ dầu với hy vọng giá sẽ hồi phục. Hiện tại, giá vận chuyển đã tăng đến mức thảm họa khi ngành dầu mỏ không còn tìm được tàu chở dầu còn trống.

Viễn cảnh u ám về đóng cửa sản xuất và tác động của nó với việc làm, các công ty, ngân hàng và các nền kinh tế bản địa là một trong những lý do thúc đẩy lãnh đạo các nước trên thế giới đồng lòng cắt giảm sản lượng – một phương thức xưa cũ. Nhưng khủng hoảng đã vượt ngưỡng, cuốn bay nỗ lực điều phối này.

Để biết ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ khốn khó ra sao trong khủng hoảng, cách tốt nhất là căn cứ vào hoạt động của các giàn khoan. Hồi tuần trước, số lượng giàn khoan hoạt động tại Mỹ rơi xuống ngưỡng thấp nhất trong vòng bốn năm trở lại đây. Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, các công ty dầu mỏ của Mỹ duy trì 650 giàn khoan. Nhưng đến ngày 24/4, số giàn khoan còn vận hành chỉ là 378, hơn 40% còn lại đã buộc phải ngưng hoạt động.

Cú sốc giá dầu được thể hiện rõ nét nhất trên khu vực sản xuất: Các nhà sản xuất dầu thô như South Texas Sour và Eastern Kansas Common đã buộc phải trả mức giá 50 USD/thùng để giải phóng sản lượng đã khai thác. ConocoPhillips và hãng dầu đá phiến Continental Resources tuyên bố kế hoạch đóng cửa hoạt động.

Cắt giảm không chỉ diễn ra ở Mỹ. Từ Cộng hòa Chad cho tới Việt Nam, Brazil, các nhà sản xuất đều buộc phải cắt giảm hoặc chuẩn bị kế hoạch cắt giảm sản lượng. Saudi Arabia, Nga và các thành viên trong OPEC+ sẽ cùng bắt tay thực hiện lộ trình này từ ngày 1/5, giảm 20% sản lượng, tương đương mức 9,7 triệu thùng/ngày. Saudi Aramco, tập đoàn dầu mỏ lớn nhất của Saudi Arabia đã thực hiện trước. Các công ty dầu mỏ của Nga cũng tuyên bố xuất khẩu dầu của nước này trong tháng Năm sẽ ở ngưỡng thấp nhất trong mười năm trở lại đây.

Thế nhưng chừng đó là chưa đủ. Mỗi tuần vẫn có đến 50 triệu thùng dầu cần được lưu kho – mức sản lượng đủ để đáp ứng nhu cầu của Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha và Anh cộng lại. Với mức sản lượng này, năng lực chứa dầu toàn cầu sẽ cạn kiệt vào tháng Sáu. Trước khi nổ ra khủng hoảng, thế giới tiêu thụ khoảng 100 triệu thùng/ngày. Hiện mức cầu giảm xuống chỉ còn 65-70 triệu thùng/ngày. Trong kịch bản xấu nhất, cần phải đóng cửa 1/3 sản lượng khai thác toàn cầu.

4. Câu chuyện đầu tư

“Tôi không bao giờ toan kiếm tiền từ thị trường chứng khoán. Tôi luôn giả định hôm sau người ta có thể đóng cửa thị trường và không mở cửa lại suốt 5 năm sau đó”.
Đó là tuyên bố của Warren Buffett, vị tỷ phú tự lập người Mỹ 86 tuổi. Tổng tài sản riêng của vị chủ tịch, tổng giám đốc công ty cổ phần Berkshire Hathaway này trong năm 2016 là 12 tỉ USD.

Trong cuốn sách có tựa tạm dịch là Làm sao để giàu như Warren Buffett: các nguyên tắc và phương pháp thực hiện của nhà đầu tư vĩ đại nhất thế giới, Robert Miles, chuyên gia về Buffett kể rõ về ông, cùng những nguyên tắc đầu tư đơn giản nhưng hiệu quả vào thị trường chứng khoán (TTCK) và những lĩnh vực kinh doanh mà ông tin tưởng.

“Chỉ là hợp thức hóa”
Câu nói đầu bài của Warrett được minh chứng bằng việc ông không bao giờ đầu tư vào cổ phiếu , mà đầu tư vào công ty. Ông cho rằng cổ phiếu chỉ là sự hợp thức hóa quyền sở hữu của cổ đông với công ty ấy, nên không có chuyện ông “mua bán lòng vòng”.

Ông thường vận dụng chiến lược “mua và giữ” suốt một thời gian dài (thậm chí giữ luôn) một khi xác định đó là những công ty chiến lược, Buffett cho rằng cổ phiếu tốt là cổ phiếu đang được thị trường định giá thấp. Khoảng cách giữa giá thị trường và giá trị nội tại càng lớn thì biên độ an toàn cùng lợi nhuận cho nhà đầu tư sẽ càng cao.

Để có lợi nhuận thì phải tính được giá trị thật hoặc giá trị nội tại của cổ phiếu hay của công ty đó. Điều đó có nghĩa là phải nghiên cứu kỹ và sâu về từng công ty ông sắp đầu tư. Buffett khuyên: “Muốn thành công thì chịu khó đọc báo cáo thường niên của các công ty”.

Trong thực tế, Buffett tìm kiếm những công ty mà ông biết rõ, có lịch sử lợi nhuận ổn định, triển vọng phát triển dài hạn, có khả năng thu được lợi nhuận tốt từ vốn thông qua phát hành cổ phiếu với mức nợ thấp… Tiêu chuẩn mà ông đề ra là một doanh nghiệp có mô hình hoạt động đơn giản, mức doanh thu ổn định, lợi nhuận trên vốn tốt, nợ ít, và ban quản lý tốt. Ông quan tâm tới những công ty nằm trong mức từ 5 tỷ tới 20 tỉ USD, những công ty càng lớn càng tốt.

Buffett không bao giờ vội mua các cổ phiếu có biên độ an toàn không rõ ràng. Ông thường đợi khi thị trường vào giai đoạn điều chỉnh hoặc đang giảm giá mạnh để mua cổ phiếu với giá thấp hơn giá trị nội tại của nó. Cách đầu tư đơn giản này giúp ông giàu và không bị tổn thất, dù ông bị chê là thận trọng nên bỏ phí những cơ hội lớn. Ông không quan tâm giá TTCK lên hay xuống, hay nói cách khác, đến lúc mua ông mới chú ý giá tăng hay giảm, sau đó không quan tâm nữa.