Hợp tác cùng phát triển

Podcast – Bản tin tài sản đầu tư ngày 08.05.2020

Nhận định Thị trường hàng ngày 08/05/2020    2166

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: “Ông vua của thị trường mới nổi – Mark Mobius vẫn sáng suốt ở độ tuổi 80 nhờ luôn đặt ra 2 câu hỏi cấp thiết trước khi đầu tư”

1. Tình hình thế giới

Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã đẩy mạnh các cuộc tấn công gần đây vào Trung Quốc trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 3/11, từ lâu đã cam kết sẽ đưa chuỗi cung ứng sản xuất trở về nước.

Giờ đây, sự “hủy diệt” nền kinh tế và số người chết khổng lồ do COVID-19 của Mỹ đang thúc đẩy Washington “buông bỏ” sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng và sản xuất của Trung Quốc.

Keith Krach, người phụ trách tăng trưởng kinh tế, Bộ năng lượng và môi trường Mỹ cho hay: “Chúng tôi đã và đang cố gắng giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng ở Trung Quốc trong vài năm qua. Tôi nghĩ rằng đó là điều cần thiết và chúng tôi đang phải hiểu nơi nào là khu vực quan trọng, nơi nào đang tồn tại những nút thắt quan trọng”.

Bộ Thương mại Hoa Kỳ, Nhà nước và các cơ quan khác đang tìm cách thúc đẩy các công ty chuyển tất cả nguồn cung ứng và sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Các ưu đãi thuế và trợ cấp tái bảo hiểm tiềm năng là một trong những biện pháp được xem xét để thúc đẩy sự thay đổi này.

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết trong ngày 29/4: “Chính phủ Hoa Kỳ đang hợp tác với Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam để thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu tiến lên phía trước”.

Pompeo nói thêm: “Những cuộc thảo luận này bao gồm cách mà chúng tôi tái cấu trúc chuỗi cung ứng để ngăn chặn một điều tương tự có thể sẽ xảy ra lần nữa, Mỹ Latinh cũng có thể đóng một vai trò”.

John Murphy, Phó chủ tịch cấp cao về chính sách quốc tế tại Phòng Thương mại Hoa Kỳ, cho biết các nhà sản xuất Mỹ hiện tại đã có thể đáp ứng được 70% nhu cầu dược phẩm và công nghệ.

Tuy nhiên, cũng theo Murphy, việc xây dựng các cơ sở mới ở Hoa Kỳ có thể mất từ năm đến tám năm. Có một điều quan ngại rằng, Mỹ sẽ cần phải có được các “bước chuẩn bị” thực tế trước khi họ bắt đầu xem xét các lựa chọn thay thế. Theo giới thạo tin, Nhà Trắng đang cam kết sẽ trừng phạt Trung Quốc “bằng mọi giá”.

Dòng vốn rút khỏi thị trường mới nổi đạt mức kỷ lục trong quý I/2020

Dòng vốn đầu tư vào thị trường mới nổi bị “dừng” đột ngột trong quý I/2020 là nhận định chung của đa số giới kinh tế gia và giám đốc quỹ đầu tư trên thế giới trong mọi bình luận. Số liệu của Institute of International Finance (IIF, tổ chức cung cấp số liệu về dòng vốn quốc tế) cho thấy một dòng vốn rút ra kỷ lục ở các thị trường mới nổi trong quý này, lớn hơn thời điểm tệ nhất của khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008-2009 và họ dự đoán tình hình này sẽ tiếp tục trong các quý còn lại của năm 2020.

Chỉ riêng trong tháng 3/2020, có hơn 80 tỷ USD rút khỏi các quỹ đầu tư trái phiếu và cổ phiếu thị trường mới nổi.

Từ trước tới nay, đa số thị trường mới nổi đều chịu thâm hụt tài khoản vãng lai, do nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu và chi trả cổ tức/lợi nhuận cho các công ty FDI và bù đắp thâm hụt này bằng dòng vốn đầu tư quốc tế đổ vào cũng như luồng kiều hối. Nếu không đủ, các nước sẽ phát hành trái phiếu quốc tế vay nợ.

Trong điều kiện hiện tại, mọi chuyện không còn suôn sẻ như vậy nữa. Nếu các nước này tiếp tục thâm hụt tài khoản vãng lai (dù không nhập siêu nhiều thì vẫn phải trả lợi nhuận của công ty FDI), trong khi dòng vốn nước ngoài đổ vào và dòng kiều hối chững lại, thì các nước phải tăng vay nợ. Nhưng đây mới chính là vấn đề, một số nước sẽ có thể tiếp tục vay nợ nhờ mức nợ công thấp và thâm hụt tài khóa có kiểm soát của những năm trước, trong khi một số đã hết dư địa.

2. Thị trường Việt Nam

Theo Nikkei Asian Review, Việt Nam đang có những cơ hội hiếm thấy từ Covid-19. Chính phủ vẫn còn đủ khoảng trống cho các chính sách hỗ trợ tăng trưởng nội bộ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực sự có thể cắt giảm lãi suất chuẩn, như đã làm trong tháng 3, từ 6% xuống còn 5%. Có không gian tài chính để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn, tạo việc làm. Vào cuối năm 2019, tỷ lệ nợ trên GDP của Hà Nội là 38%; Fitch Ratings cho rằng con số này sẽ tăng lên 42,5% trong năm nay.

Nhưng đây chưa phải lúc ăn mừng. Làn sóng suy thoái kinh tế – cú sốc với tăng trưởng toàn cầu – đang tấn công Việt Nam, và nhanh chóng. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự kiến ​​nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 2,7% trong năm nay, thấp hơn một nửa so với con số 7% trong năm 2018 và 2019. GDP có thể giảm khi nhu cầu từ Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu suy yếu. Du lịch, nơi tạo ra 10% GDP, đã ngưng trệ nghiêm trọng.

Yếu tố đóng góp nhiều nhất cho Việt Nam – xuất khẩu – sẽ khó để hồi phục khi 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới vấp ngã. Và rất có thể, các quốc gia này sẽ bảo hộ nhiều hơn trong 12 tháng tới. Chẳng hạn, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc các hành động trả đũa đối với Chính quyền Bắc Kinh vì đại dịch.

Những bất ổn thị trường mà một cuộc chiến thương mại 2.0 tạo ra sẽ khiến Việt Nam bị tổn hại. Dòng ngoại hối Việt Nam đang bị ảnh hưởng tiêu cực. Covid-19 sẽ đòi hỏi Việt Nam phải tăng vai trò của khu vực tư nhân và tập trung vào thị trường dịch vụ nội địa.

TTCK: Các bluechip với sự dẫn dắt của SAB, HPG và nhóm ngân hàng đã đồng loạt tăng mạnh cùng dòng tiền tự tin hơn đã thúc đẩy VN-Index tăng khá mạnh lên trên ngưỡng795 điểm. Tính chung trên toàn thị trường trong phiên 7/5, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 9,73 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 137,24 tỷ đồng. HPG được mua ròng mạnh với giá trị 40.24 tỷ đồng.

3. Tài sản và kênh đầu tư

Lãi suất gửi tiết kiệm được kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm

Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) quý II/2020 do Vụ Dự báo – Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) thực hiện cho biết, số TCTD kỳ vọng lãi suất “giảm” trong thời gian tới nhiều hơn số TCTD kỳ vọng lãi suất “tăng”.

Tỷ lệ TCTD dự báo mặt bằng lãi suất huy động – cho vay “giảm” trong  quý tới và cả năm 2020 tăng gần gấp đôi so với kỳ điều tra trước.

Theo đánh giá của các TCTD, thanh khoản của hệ thống ngân hàng tại thời điểm cuối quý I/2020 ở trạng thái “tốt” đối với cả tiền đồng và ngoại tệ, dồi dào hơn so với quý IV/2019 do tín dụng tăng thấp, trong khi tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tăng cao hơn.

Quý I, Ngân hàng Nhà nước thực hiện điều chỉnh đồng loạt lãi suất điều hành và trần lãi suất nhằm giảm chi phí đầu vào, tạo điều kiện để các ngân hàng giảm mặt bằng lãi suất.

Đồng thời, kêu gọi các ngân hàng thực hiện giảm lãi vay đối với khách hàng, hỗ trợ người vay bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Nhờ đó, lãi suất huy động của các ngân hàng liên tục giảm từ giữa tháng 3 đến nay.

Thực tế cho thấy, xu hướng giảm lãi suất sẽ tiếp diễn do tín dụng khó tăng. Dịch Covid-19 bùng phát đã làm đình trệ hoạt động kinh doanh ở nhiều lĩnh vực.

Sự gián đoạn này khiến tăng trưởng tín dụng giảm tốc, với mức tăng toàn ngành ở mức 1,3% vào cuối quý I/2020 – thấp nhất trong 6 năm qua.

Bên cạnh đó, các ngân hàng quan ngại việc nợ xấu tăng trở lại nên càng thận trọng với khoản cho vay mới. Nhiều dự báo cho rằng, tăng trưởng tín dụng năm 2020 chỉ đạt khoảng 11%, thấp hơn mức 13,6% của năm 2019.

Một chỉ số khác cũng hỗ trợ cho lãi suất giảm đó là lạm phát. Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 giảm 1,54% so với tháng trước đó và là mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020 do giá xăng dầu giảm mạnh.

4. Câu chuyện đầu tư

Ông vua của thị trường mới nổi’ Mark Mobius vẫn sáng suốt ở độ tuổi 80 nhờ luôn đặt ra 2 câu hỏi cấp thiết trước khi đầu tư

Mark Mobius được mệnh danh là một trong những nhà đầu tư vĩ đại nhất của thế kỷ 20 tại Mỹ. Giới đầu tư vẫn gọi ông bằng cái tên thân quen là ‘ông vua của thị trường mới nổi’… Ông đặc biệt ưa thích thị trường Việt Nam.

Joseph Benhard Mark Mobius sinh ngày 17 tháng 8 năm 1936. Ông có cha là người Đức và mẹ là người Puerto Rico. Sau đó ông theo gia đình sang sinh sống tại Hempstead, New York. Cả tuổi thơ của Mobius trôi qua êm đềm dưới sự giám sát học hành từ người cha, ông đã bộc lộ năng khiếu học hành – nghiên cứu số học từ khá sớm.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông đăng kí học tại Đại học Boston và nhận bằng tiến sĩ kinh tế tại MIT năm 1964. Trong thời gian làm tiến sĩ, ông đồng thời trải nghiệm du lịch nên đăng kí một vài khóa học ngắn hạn về đầu tư tài chính tại khắp mọi nơi trên thế giới: Đại học Wisconsin, Đại học New Mexico và Đại học Kyoto ở Nhật Bản.

Trước khi gia nhập Templeton, Mobius đã làm việc tại công ty chứng khoán quốc tế Vickers-da-Costa, và sau đó là chủ tịch của Công ty Ủy thác Đầu tư Quốc tế và được phân bổ phụ trách mảng thị trường chứng khoán tại Đài Loan. Chính tại nơi đây ông đã thể hiện được năng lực lãnh đạo và đầu tư tài ba của mình.

Năm 1987, Mobius gia nhập Templeton và nhận chức là chủ tịch điều hành của Tập đoàn Thị trường mới nổi Templeton. Tại Templeton, ông thành lập và chỉ đạo nhóm nghiên cứu chi tiết các thị trường chứng khoán, thời bấy giờ đang có sẵn trụ sở tại 18 văn phòng thị trường mới nổi toàn cầu và quản lý hơn 50 tỷ đô la trong danh mục đầu tư của thị trường mới nổi. Quỹ này định hướng phân bổ danh mục đầu tư vào các lĩnh vực như chuỗi nhà hàng, xây dựng, thực phẩm, dịch vụ, du lịch và logistics.

Năm 2015, sau khi lãnh đạo công ty được hơn một phần tư thế kỷ, Mark Mobius đã quyết định từ chức giám đốc điều hành của Ủy ban đầu tư thị trường mới nổi Templeton (TEMIT) và trao quyền kiểm soát quỹ cho Carlos Hardenberg. Năm 2018, Templeton tuyên bố quyết định nghỉ hưu của Mobius từ Franklin Templeton có hiệu lực từ ngày 31 tháng 1 năm 2018. Khi ấy ông đã gần 82 tuổi.

“Tôi thực sự chưa sẵn sàng nghỉ hưu và muốn trải nghiệm một thứ mới mẻ sau khoảng thời gian làm việc 30 năm với Quỹ Franklin Templeton Investments”, Mobius phát biểu với kênh truyền hình Bloomberg.

Chưa đầy 4 tháng sau khi rời Quỹ Franklin Templeton Investments, Mark Mobius đã thành lập một quỹ quản lý tài sản mới để đầu tư vào các thị trường mới nổi. Mobius Capital Partners LLP, tên của quỹ, chưa có kế hoạch hợp tác với các nhà đầu tư bên ngoài và muốn huy động khoảng một tỷ USD trong 2-3 năm tới.

Kể từ cuối 2014, Mobius đã quyết định nhắm tới thị trường Việt Nam, khẳng định thị trường chứng khoán Việt Nam là thị trường quan trọng nhất trong những thị trường mới nổi mà ông quan tâm và rót tiền đầu tư.

Nhà đầu tư huyền thoại và năng động dự định sẽ quản lý một danh mục đầu tư cô đặc gồm khoảng 40 cổ phiếu. Dự định của quỹ là tham gia đầu tư vào 1 số thị trường mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, châu Mỹ Latin và tất nhiên không thể thiếu Việt Nam.

Các cổ phiếu Việt Nam được Mobius ưa thích theo ông bật mí thường là những doanh nghiệp đầu ngành tiêu dùng, sản xuất và dược phẩm của Việt Nam… Chủ yếu đều là những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh của mình và hầu hết là những cổ phiếu đã hết room ngoại.

Trong giai đoạn thời kì trải dài lịch sử thị trường, khi chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ đã hai lần mất gần 50% giá trị thế nhưng lần thiệt hại lớn nhất của ông chỉ mất chưa tới 12%. Tuy nhiên hiệu suất sinh lời lại lên tới gần 20% đều đặn trong suốt chu kỳ đầu tư của ông. Qua những thăng trầm của thị trường, ông thừa nhận mình chính là người hết sức kiên nhẫn và luôn tự đặt ra 2 câu hỏi trong đầu mỗi khi bắt tay vào một phi vụ đầu tư.

Hai câu hỏi thường trực đó được ông chia sẻ trên Bloomberg như sau:

1.Thế nào là một nhà đầu tư thật sự?

Theo Mobius, nhà đầu tư thật sự ít khi bị buộc phải bán những cổ phần của mình, và vào tất cả các thời điểm khác thì anh ta hoàn toàn không cần phải quan tâm tới giá niêm yết hiện tại.

Nhà đầu tư chỉ cần hành động trong chừng mực phù hợp với sự thay đổi giá trị cơ sở của doanh nghiệp, và không cần hơn. Do vậy, nhà đầu tư nào mà để mình bị bấn loạn hay lo lắng quá đáng vì những lần giảm giá thị trường một cách vô lý với những cổ phần của mình, thì anh ta đang biến lợi thế cơ bản của mình thành bất lợi cơ bản một cách tai hại.

Khi thị trường sụt giảm, cổ phiếu nắm giữ trượt dài, sẽ là thua lỗ thật sự nếu nhà đầu tư chuyển từ khoản lỗ trên lý thuyết thành thực tế. Mặc dù giá giảm, tài sản bốc hơi không lý do, nhưng một khi giá trị cơ sở của doanh nghiệp vẫn tốt thì nhà đầu tư nên giữ vững niềm tin để không bị cuốn theo đám đông.

Sẽ tốt hơn đối với nhà đầu tư, nếu chứng khoán của anh ta không hề có báo giá thị trường. Lúc đó, nhà đầu tư sẽ thoát khỏi sự đau khổ tâm lý gây ra từ những sai lầm trong đánh giá của người khác.

Tóm lại, các dao động về giá và thị trường chỉ có một ý nghĩa đáng chú ý với nhà đầu tư thực thụ. Những lần dao động thị trường, lớn hay nhỏ và tăng hay giảm, sẽ tạo cơ hội cho nhà đầu tư mua rẻ bán đắt.

Còn vào những lúc khác, sẽ tốt hơn cho mọi nhà đầu tư nếu anh ta tập trung vào kết quả hoạt động của doanh nghiệp.

Đôi khi trên thị trường xảy ra tình hình kết quả kinh doanh năm của doanh nghiệp khá sáng sủa, trong khi một số cổ phiếu giá của chúng lại rơi vào vòng xoáy giảm chung. Đâu đó, nhà đầu tư thông minh nhìn vào đây và thấy cơ hội. Như một câu nói nổi tiếng, ‘Hai người cùng nhìn ra song cửa nhà tù, một người nhìn thấy bùn đen, còn người kia thấy những vì sao’.

2. Đối diện như thế nào khi thị trường chứng khoán lao dốc?

Khi nào chứng khoán ngừng rơi? Thị trường chứng khoán khi nào trở lại và rằng đâu là điểm đáy của thị trường? Chính Mobius cũng không giỏi dự đoán những điều này.

Nhưng ông chắc chắn rằng sẽ không để bản thân lo lắng quá mức đến những diễn biến ở cả trong và ngoài nước. Thay vì chăm chăm nhìn vào những khía cạnh thông tin bên ngoài doanh nghiệp, ông dồn mọi sự tập trung để phân tích giá trị nền tảng của cổ phiếu mà ông đã sở hữu, và xem có nên tiếp tục giữ chúng hay không.

Thực tế, ông cho rằng thị trường luôn biến động, suy giảm như một cơ hội tuyệt vời để nâng cấp, ‘mua vào’ chất lượng cổ phiếu mà ông đang sở hữu. Đồng nghĩa việc thay thế các cổ phiếu yếu nhất trong danh mục bằng các cổ phiếu mới tốt hơn.

Những cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng tốt thường được bán với mức giá cao tương đương lúc thị trường ổn định. Nhưng với thị trường đang hoảng loạn, cổ phiếu bluechip nằm ‘sàn’, đây sẽ là cơ hội để có được chứng khoán chất lượng với giá ‘bèo’.