Hợp tác cùng phát triển

Nhận định về Nghị quyết số 33 và Quyết định số 313 & 314 – Các chính sách hỗ trợ kịp thời

Báo cáo vĩ mô - chuyên đề - sự kiện 15/03/2023    2115

Chia sẻ

  • Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33 vào ngày 11/03/2023 giúp giảm bớt việc thiếu thanh khoản cho ngành Bất động sản (BĐS) trong ngắn hạn.
  • Ngay sau đó, NHNN đã phát hành hai Quyết định số 313 và 314 điều chỉnh giảm một số lãi suất điều hành vào ngày 14/03/2023.
  • Chúng tôi cho rằng cần nhiều chính sách hỗ trợ quyết liệt hơn để mở cửa lại thị trường vốn cho các chủ đầu tư BĐS để giải quyết gốc rễ của vấn đề.

Nghị quyết số 33 có thể là tiền đề cho nhiều chính sách hỗ trợ khác:

Các điểm chính của Nghị quyết số 33 bao gồm:

• Chỉ đạo NHNN Việt Nam hướng dẫn các Tổ chức tín dụng (TCTD) để xem xét và áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp cho các khoản nợ thuộc lĩnh vực BĐS (gia hạn trả nợ gốc/lãi hoặc duy trì nhóm nợ).
• Khuyến khích các NHTM cho vay với các chủ đầu tư đủ điều kiện qua gói hỗ trợ tín dụng quy mô 120.000 tỷ đồng.
• Giao nhiệm vụ cho NHNN xem xét điều chỉnh hệ số rủi ro, từ đó có thể làm giảm các giới hạn cho vay với nhóm DN BĐS.
• Khuyến khích các NHTM hạ lãi suất cho thị trường BĐS và gia hạn các khoản vay ngắn hạn cho các chủ đầu tư với vấn đề thanh khoản.

Chúng tôi đánh giá Nghị quyết số 33 cùng với Nghị định 08 cho phép chủ đầu tư gia hạn nghĩa vụ trả nợ, sẽ làm giảm áp lực thanh khoản lên các chủ đầu tư trong ngắn hạn đáng kể và cho phép họ có thêm thời gian để xử lý các khoản nợ của mình.

NHNN thực hiện cắt giảm một số lãi suất điều hành, hỗ trợ phục hồi kinh tế

Sau các văn bản của Chính phủ, NHNN cũng ngay lập tức ban hành hai Quyết định trong ngày 14/03/2023, điều chỉnh các lãi suất điều hành từ 0,5% – 1%. Cụ thể:

• Quyết định số 313/QĐ-NHNN giữ nguyên lãi suất tái cấp vốn, nhưng điều chỉnh lãi suất tái chiết khấu 1% về 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm của NHNN đối với các TCTD cũng giảm về mức 6% từ 7%.
• Quyết định số 314/QD-NHNN cũng quy định giảm lãi suất 0,5% các khoản cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD với nhóm khách hàng thuộc lĩnh vực ưu tiên bao gồm: nông nghiệp, xuất khẩu, kinh doanh ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp vừa và nhỏ về mức 5%/năm.

Đây là lần đầu tiên NHNN điều chỉnh thực hiện giảm lãi suất điều hành trong 2 năm gần đây, đánh dấu những nỗ lực của Chính phủ trong việc ổn định mặt bằng của lãi suất. Trước sự bất ổn của môi trường vĩ mô hiện tại, chúng tôi tin rằng NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát sao biến động của thị trường và môi trường kinh tế trong nước để đưa ra các chính sách tiền tệ phù hợp. Về ảnh hưởng đến lãi suất tiền gửi của các NHTM, chúng tôi cho rằng điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào chính sách điều chỉnh lãi suất sắp tới của FED khi mà áp lực tỷ giá vẫn còn cao (sau sự kiện Silicon Valley Bank, tỷ giá USD/VND giảm 0,2% sv đầu năm về mức 23.590). Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng việc hạ lãi suất điều hành lần này sẽ hỗ trợ tăng trưởng tín dụng trong quý tới khi trong 2 tháng đầu năm tín dụng chỉ đạt mức tăng trưởng 0,77%.

Nghị quyết 33 cũng thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, tái cân bằng cung cầu

Thị trường BĐS hiện đang đối mặt tình trạng lệch pha cung cầu với căn hộ bình dân, trung cấp chiếm chưa tới 2% tổng nguồn cung căn hộ mới tại TP.HCM và Hà Nội trong 2022. Chúng tôi nhận thấy các cơ quan quản lý đang nỗ lực cân đối cơ cấu sản phẩm nhà ở thông qua Nghị quyết 33 bằng việc: 1) trình Quốc hội xem xét, ban hành “Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội” vào kỳ họp tháng 5/2023, trong lúc chờ Luật Nhà ở sửa đổi thông qua; 2) đề xuất triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng đối với nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; 3) cam kết xây dựng hơn 1 triệu căn nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân tới năm 2030.

Đọc báo cáo đầy đủ tại: Đây