Báo cáo chiến lược 6 tháng cuối năm 2023: “Đủ nắng hoa sẽ nở”
Báo cáo vĩ mô - chuyên đề - sự kiện 05/07/2023 4999
Chúng tôi cho rằng động lực tăng trưởng chính cho kinh tế Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2023 chủ yếu đến từ các chính sách hỗ trợ kinh tế của Chính phủ. Do đó, các chủ đề đầu tư chính trong nửa cuối năm 2023 gắn chặt với các chính sách hỗ trợ kinh tế, bao gồm chính sách tiền tệ nới lỏng và chính sách tài khóa mở rộng mà Chính phủ Việt Nam đã thực thi kể từ đầu năm 2023.
Trong nửa đầu năm 2023, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều biện pháp hỗ trợ nhằm “tháo gỡ các nút thắt hiện nay” của nền kinh tế. Đầu tiên, Chính phủ ban hành Nghị định 08 cho phép doanh nghiệp thỏa thuận với trái chủ về việc gia hạn thời hạn trái phiếu và thực hiện các giải pháp khác nhằm khôi phục niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 4 lần liên tiếp cắt giảm lãi suất điều hành và ban hành Thông tư 02, 03 hướng dẫn cơ cấu lại nợ, khơi thông tín dụng cho nền kinh tế. Thứ ba, Chính phủ đã quyết liệt triển khai các giải pháp tài khóa, bao gồm thúc đẩy đầu tư công, hoãn, miễn giảm thuế phí để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Cuối cùng, Chính phủ đang tìm kiếm các giải pháp để gỡ nút thắt pháp lý cho các dự án bất động sản ở các tỉnh phía Nam và ban hành Quyết định số 338/QĐ-TTg về đề án phát triển 1 triệu lô nhà ở xã hội.
Chúng tôi kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi rõ rệt hơn trong nửa cuối năm 2023 với dự báo tăng trưởng của 6 tháng cuối năm nay đạt 7,1% svck, qua đó nâng mức tăng trưởng GDP cả năm 2023 lên 5,5% svck. Đà phục hồi trong nửa cuối năm nay được thúc đẩy chủ yếu bởi chính sách tài khóa mở rộng và môi trường lãi suất thấp hơn.
Chúng tôi kỳ vọng lãi suất huy động và cho vay sẽ duy trì xu hướng giảm trong nửa cuối năm 2023. Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận thấy một số yếu tố có thể gia tăng áp lực lên tỷ giá VND trong 2H23, bao gồm (1) Lãi suất điều hành của FED có thể duy trì ở vùng đỉnh đến cuối năm 2023 để kiềm chế lạm phát, trong khi NHNN định hướng tiếp tục hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng, (2) Lạm phát trong nước có thể quay đầu tăng trở lại từ cuối Q3/23.
“Đủ nắng hoa sẽ nở”. Chúng tôi cho rằng giai đoạn sóng gió của nền kinh tế đang dần qua đi, thay vào đó là những tia nắng đầu tiên của chu kỳ phục hồi. Chúng tôi kỳ vọng rằng những giải pháp hỗ trợ từ cả chính sách tiền tệ và tài khóa sẽ đưa nền kinh tế Việt Nam quay trở lại đúng quỹ đạo và bắt đầu cho một chu kỳ tăng trưởng mới. Về thị trường chứng khoán, chúng tôi nhận thấy dòng tiền vào thị trường bắt đầu có sự hồi phục, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường dần đang được cải thiện. Do đó, chúng tôi tin rằng đây là thời điểm “thích hợp” đề nhà đầu tư quay trở lại thị trường và xây dựng danh mục đầu tư để đón đầu cho một chu kỳ tăng trưởng mới. “Đủ nắng hoa sẽ nở” là thông điệp chúng tôi muốn gửi gắm trong báo cáo này.
Với kỳ vọng lãi suất huy động duy trì xu hướng giảm trong những tháng tới và lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết phục hồi từ Q3/23 trở đi, thị trường chứng khoán Việt Nam xứng đáng được trả mức định giá cao hơn. Mặc dù EPS của một số DN niêm yết tăng trưởng âm trong 6T23 nhưng chúng tôi vẫn kỳ vọng kết quả kinh doanh của các DN này sẽ phục hồi trong giai đoạn 2023-2024 nhờ các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Chúng tôi dự báo tăng trưởng lợi nhuận ròng của các công ty niêm yết trên HOSE sẽ tăng trưởng lần lượt là 10,4% và 19,3% cho năm 2023 và 2024. Trong kịch bản cơ sở, chúng tôi kỳ vọng VN-Index sẽ đạt 1.300 điểm trong 6 tháng cuối năm 2023, tương đương với P/E năm 2023 là 13,3 lần (tương ứng với mức -1 độ lệch chuẩn của P/E trung bình 10 năm). Rủi ro giảm giá bao gồm: dòng vốn đầu tư gián tiếp rút ra trong bối cảnh Fed duy trì chính sách lãi suất cao và (2) suy thoái kinh tế Mỹ và châu Âu mạnh hơn dự kiến.
Chúng tôi đưa ra hai luận điểm đầu tư chính cho 6 tháng cuối năm 2023. Đầu tiên là lãi suất thấp hơn sẽ có tác động tích cực lan tỏa đến nhiều ngành. Lãi suất cho vay giảm sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí vốn, đặc biệt với các ngành có nợ ròng cao như Xây dựng & Vật liệu xây dựng và Bất động sản. Ngành Ngân hàng cũng được hưởng lợi khi lãi suất huy động thường giảm nhanh hơn lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến ngành Chứng khoán khi đây là ngành được hưởng lợi cả đầu vào (giảm chi phí vốn) và đầu ra nhờ thanh khoản thị trường cải thiện và nhu cầu margin (vay ký quỹ) tăng khi mặt bằng lãi suất giảm. Thứ hai, đầu tư công như một phần của chính sách tài khóa mở rộng vẫn là câu chuyện đầy hứa hẹn trong nửa cuối năm 2023.
Đọc báo cáo chi tiết tại đây.